Nước mắt và sự tan hoang, đó là những gì mà ai trong chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp khi đến với bà con vùng lũ…
Tiếp tục chuyến công tác cứ trợ bà con vùng thiên tai ở các tỉnh Miền Trung, sáng 11/11 đoàn Tăng Ni Phật Tử tỉnh Lâm Đồng đã đến thăm và tặng 1.000 phần quà mỗi phần trị giá gần 600.000 đồng cho bà con vùng rốn lũ xã Tiến Hóa, Mai Hóa tỉnh Quảng Bình và xã Hòa Hải huyện Hưng Khê tỉnh Hà Tỉnh.
Người đàn bà ngồi ôm con ở góc sân trụ sở UBND xã gần như đã kiệt sức, chị Lê Thị Tâm xót xa nhớ lại “hôm nớ lũ lên nhanh quá, vợ chồng tui mỗi người chỉ kịp ôm một đứa con chạy, không kịp lấy chi theo, thoát được thân, nhưng giờ đây tất cả tài sản trong nhà lớn bé điều trôi theo dòng nước."
Cùng cảnh ngộ với chị Tâm còn có gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 4, nhà chị cũng nằm trong tâm lũ. Nước lên nhanh bất ngờ cả nhà nháo nhào tháo chạy chẳng kịp mang theo gì , bây giờ thì nhà sập đổ, thóc, đồ dùng và sách vở học tập của con trẻ cũng bị nước cuốn trôi…
Cuộc sống của gia đình người nông dân này chắc chắn sẽ rất khó khăn trong những ngày tới…
Sự khốn khó của người dân vùng lũ mà chúng tôi tận mắt chứng kiến còn có gia đình ông Nguyễn văn Trung, năm nay 82 tuổi.
Ở cái tuổi đã gần đất xa trời ấy vậy mà hằng ngày ông vẫn phải chăm sóc người vợ già bệnh tật và đau ốm nặng. Lũ lên nhanh, căn nhà ba gian của ông lập tức bị cuốn sập, lương thực, thực phẩm, quần áo cứ thế mà trôi theo dòng nước dữ.
Nhận một phần quà gồm 10 kg gạo, 1 thùng mì, 1 lít dầu. 0,5 kg bột ngọt, 1 chiếc áo len, áo gi , áo thun mới, 150.000 đồng tiến mặt cùng nhiều vật phẩm khác trị giá trên 600.000 đồng, ông Trung nghẹn ngào nói “Nhà tui đã khổ, nhưng nhà bà Vân cùng xóm còn khổn đốn hơn nhiều, thầy ạ”
Hai ông bà già năm nay đã trên 70 ở xã vùng núi heo hút nhưng còn phải nuôi thêm đứa cháu nhỏ con của vợ chồng người con gái. Con chị ấy đi làm ăn công nhân ở tận trong Nam nhưng thu nhập ít lại bị bệnh tim nên có đứa con nhỏ không nuôi nổi đành phải gửi về quê nhờ ông bà nuôi hộ.
Từ ngày nhà sập đến nay, hai ông bà phải ôm cháu ở nhờ hết nhà này sang nhà khác. Chỗ ở còn nhờ được nhưng còn cái ăn, cái mặc cho 3 người trong gia đình chưa biết trông cậy vào đâu… !?
Là một xã nằm trong vùng rốn lũ, chỉ vài tiếng đồng hồ nước đã ngập lên tận mái, nhiều người già ở đây nói rằng, từ xa xưa đến nay họ mới chứng kiến một cơn lũ lớn và cuồng nộ đến như vậy. Nước lên nhanh và chảy xiết nên nhà cửa, tài sản, vật dụng, trâu bò lập tức bị cuốn phăng, ngay cả tính mạng con người cơ hồ còn không giữ nổi.
Tội nghiệp chị Hồ Thị Cảnh Đào – phó ban phong trào UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cố nài đưa chúng tôi đến thăm gia đình một nạn nhân có người chết trong cơn lũ để mong rằng đoàn thương tâm mà trợ cấp thêm giúp anh và các cháu nhỏ vượt qua cơn khốn khó.
Trong đôi mắt quằng thăm như còn đọng lại vẻ kinh hoàng, thắp cho vợ nén nhang, anh Trần Văn Phượng ở đội 5 Tùng Sơn, xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch nghẹn ngào nhớ lại “Lũ lên nhanh quá nhưng do có phòng bị trước nên cả nhà đã di tản ra ngoài, chợt tiếc đôi vịt bầu còn kẹt lại trong chuồng thế là bà nhà tôi quay lại… Chưa kịp làm gì thì đã bị nước cuốn trôi …tội nghiệp hai cháu còn quá nhỏ dại mà đã mồ côi mẹ” .
Dừng lại như để nuốt ngược đôi dòng nước mắt như chợt tuôn trào, anh nói tiếp “Bản thân tôi quanh năm đau yếu, tàn tật như thế này , năm ngoái phải vào viện mổ dạ dày đến hai, ba lần, cả nhà chỉ trông vào mẹ cháu là lao động chính… Ấy vậy mà ông trời không thương xót, nước lũ đã cướp đi mạng sống của nhà tôi…
Giá mà tôi được chết thay cho vợ để bả sống mà nuôi con … !? Lũ nhỏ nhà tôi tương lai phái trước sao mà tối tâm mù mịt quá …! "
Cái đói đang là nỗi lo trước mắt của gia đình người đàn ông khốn khổ này.
Tặng thêm 2 triệu tiền mặt gọi là chút tình xin san sẻ và thầm mong rằng gia đình anh sớm vượt qua nỗi mất mát đau thương này .
“Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh” – câu hát đó giờ đây sao trở nên nghẹn ngào xúc cảm bởi những tang thương sau cơn lũ dữ. Hàng chục người chết, hàng ngàn căn nhà bị nước lũ cuốn trôi đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất …
Mất nhà cửa tài sản còn có thể còn làm lại được nhưng những nỗi đau của những người cha mất con , vợ mất chồng, trẻ thơ côi cúc thì chẳng có gì bù đắp… Cảnh tình này thật xót xa đầy nước mắt.
Người dân Miền Trung vốn đã nghèo khổ, hai , ba cơn lũ đi qua giờ đây lại càng khốn khó nhiều hơn khi cả gia đình chỉ còn hai bàn tay trắng. Họ đang rất cần, cần lắm sự sẻ chia và giúp đỡ để đứng lên làm lại từ đầu.
Sáng 12/11, Đoàn Phật Giáo Lâm Đồng sẽ tiếp tục đến thăm và tặng 500 phần quà trị giá gần 300 triệu đồng cho bà con bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua tại huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, tổng kinh phí cho chuyến công tác cứu trợ lần này lên đến 1 tỷ 200 triệu đồng.