Trang chủ Người thời nay Paul: Tôi làm nghề thầy cúng ở HN

Paul: Tôi làm nghề thầy cúng ở HN

653

* Cơn cớ nào khiến anh có mặt ở đây vậy, Paul?



– Năm 2004 tôi đến Hà Nội để du lịch. Khi đến đây, tôi có một cảm giác và tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Vì không biết gì về những người dân ở đây cả, nên tôi muốn tìm hiểu thêm. Khi về Pháp, tôi học cùng lúc hai trường: học xã hội học ở Paris 5 và học tiếng Việt tại Học viện Quốc gia ngôn ngữ Văn hóa Phương Đông (INALCO). Lúc đó, tôi biết mình cần phải chọn một nơi để nghiên cứu và nơi đó chắc chắn là Việt Nam. Ban đầu, tôi chưa có kế hoạch là nghiên cứu về tập tục thờ cúng ở đây đâu vì tôi đã có kế hoạch khác. Nhưng sau khi nói chuyện với các giáo sư ở Pháp, rồi đến và sống tại Hà Nội, đọc sách về văn hóa Việt, tôi nhận ra đời sống tâm linh rất quan trọng ở Việt Nam và tôi quyết định sẽ đi vào con đường này.


Paul Sorrentino ở Hà Nội

* Làm thế nào để hiểu được tập tục thờ cúng của người Hà Nội, vốn là thứ thuộc về đời sống tâm linh, không cụ thể khi anh là người nước ngoài, lại tóc vàng, mắt xanh, da trắng?



– Năm 2006, khi ở Pháp, tôi nghiên cứu việc lên đồng qua tài liệu. Qua đó, tôi nhận ra có một nhân vật quan trọng là thầy cúng. Thầy cúng không chỉ có nhiệm vụ cúng bái trước khi hầu đồng mà cũng tham gia nhiều hoạt động khác. Năm 2007, khi quay trở về Hà Nội, tôi được bạn bè giới thiệu một số thầy cúng. Cách làm việc của nhà dân tộc học là muốn nghiên cứu gì thì phải sống, làm việc giữa cái đó/con người đó. Tôi đi theo một thầy, thầy này trẻ lắm, mới ngoài ba mươi, là người Hải Dương, làm việc chủ yếu ở Hà Nội. Làm việc với thầy (tạm gọi là thầy Minh) rất thuận lợi. Chúng tôi hiểu nhau lắm. Mỗi khi không hiểu gì, hỏi, thầy Minh giải thích rất cặn kẽ. Với tôi, thầy cúng là một nghề nghiệp cần phải học và có kinh nghiệm, đây là một nghề phức tạp. Ở Hà Nội, ban đầu khi đến một gia đình nào đó để làm lễ, gia chủ nhìn thấy tôi, họ rất ngại ngần, sau đó, khi thầy tôi giới thiệu, đảm bảo, họ chấp nhận tôi. Về sau, khi đã quen, họ cũng gọi tôi là “thầy”.



* Công việc cụ thể của anh trong từng buổi cúng tế là gì?



 Lên đồng

– Vì tôi chơi nhạc đã lâu, nên khi đi cùng các thầy, tôi nhận đánh trống, thanh la não bạt. Nhờ thế, các thầy hiểu tôi muốn học hỏi thật sự, chấp nhận tôi là học trò và truyền nghề cho. Với nghề thầy cúng, quan trọng nhất là phải biết chữ Hán Nôm, tôi chưa học loại chữ này nên không biết đọc bài cúng, vì thế, ngoài chơi nhạc ra, tôi chỉ chuẩn bị đồ lễ, châm, cắm hương giúp thầy.



* Sau một thời gian dài thực hành như vậy, anh có thấy được điều gì thú vị không?



– Nhiều điều thú vị và khó hiểu nữa là đằng khác. Ở Việt Nam thầy cúng làm nhiều việc khác nhau, thờ cúng nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau cùng một lúc và các tôn giáo, tập tục này ảnh hưởng lẫn nhau. Thầy cúng vừa có thể cúng Phật, cúng Thánh và cả cúng gia tiên nữa. Tôn giáo ở Việt Nam, cụ thể là ở Hà Nội, phong phú và pha trộn nhiều thứ.



Đối tượng nghiên cứu của tôi không phải là văn học Việt Nam, văn hóa Việt Nam, cái mà tôi quan tâm nhất là người Việt Nam nói gì, làm gì trên thực tế. Ví dụ: ở Hà Nội và cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, tôi chưa thấy ở nơi nào có đạo Mẫu nguyên chất, bàn thờ Tứ phủ nào trên cùng cũng có Phật Bà Quan Âm ngự. Bàn thờ Tứ phủ duy nhất mà tôi không thấy có Phật Bà Quan Âm là ở Bảo tàng Dân tộc học. Với tôi, đây là bảo tàng rất tốt, ở Pháp chưa có bảo tàng nào về dân tộc học tốt bằng. Còn trong chùa, thờ Phật mà luôn có một góc dành cho thờ Mẫu, thờ Thánh và người đã chết do gia đình gửi đến.



Khi chúng tôi tiến hành một lễ hầu đồng, thầy cúng vừa cúng Thánh, cúng Phật và cúng chúng sinh. Từ việc cúng chúng sinh, tôi nhận ra người Việt rất sợ chết đi mà không được thờ cúng. Họ rất quan tâm đến việc ai sẽ thờ mình sau khi chết. Có lẽ cũng vì vậy mà họ không thích sống một mình. Khi tôi ở Hà Nội, tôi không sống cùng ai, bạn bè thắc mắc và khuyên tôi không nên như vậy.

Cúng chúng sinh là một tập tục rất hay và nhân đạo. Nếu ai đó chết trẻ, chết đột ngột mà chưa có gia đình, không được người thân thờ cúng thì sẽ được nhiều người khác cúng.


Cảnh trong một đám rước ở Hà Nội

Cách đây hơn 10 năm, có một cuộc điều tra về tôn giáo của người Hà Nội, hơn 90% trả lời rằng “tôi không theo đạo”. Nhưng chúng ta chưa thấy một gia đình nào ở Hà Nội lại không có bàn thờ tổ tiên. Ở Hà Nội, tập tục thờ cúng của người dân không phải xác định mình theo đạo gì và họ không cần điều đó. Người Hà Nội thường làm các lễ cúng bái bởi các mục đích cụ thể như: vợ chồng bất hòa, chưa có được mụn con, gặp vấn đề về tài chính, cầu an, giải vận đen…, họ làm lễ cúng để cầu mong sự giúp đỡ từ các thế lực siêu nhiên. Và tùy từng nhu cầu sẽ có thế lực siêu nhiên phù hợp, ví dụ như về tài chính sẽ là thần thánh hoặc kiếp sau thì là Phật.



Vậy mà khi tôi gặp rất nhiều người đang sống ở Hà Nội, khi chia sẻ với họ là tôi đang tìm hiểu về tập tục thờ cúng, họ đều nói rằng: “Tôi không tin thầy bói, thầy cúng đâu. Những người đó chỉ dựa vào lòng tin của chúng tôi để kiếm chác!”. Để rồi khi trò chuyện lâu hơn nữa, họ nói, tôi không dám đi gọi hồn người thân vì sợ hồn nhập vào hoặc tôi đi gọi hồn thử một lần thì thấy đúng lắm! Lắm khi, tôi gặp những trí thức trẻ Hà Nội, đa số đều nói với tôi rằng: “Tôi không mê tín! Tôi sống hiện đại theo quan điểm khoa học”. Nhưng trên thực tế, những người trẻ này vẫn thờ cúng theo từng chừng mực nhất định. Càng đi sâu vào tìm hiểu, tôi càng không biết những người mà tôi đã gặp tin gì và chắc rằng chính họ cũng không biết tin gì.



* Xin cảm ơn anh và chúc anh hoàn thành tốt luận án tiến sĩ về đề tài này.