Nhân duyên cửa thiền
Ông Lê Văn Hiệu sinh năm 1955 trong một gia đình trung lưu ở làng Mai Xá. Thời bấy giờ, ông là một trong số ít người ở làng được bố mẹ cho ăn học tử tế. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Quảng Trị (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị) vào năm 1976, ông Hiệu đi dạy học được vài năm thì không thể tiếp tục theo nghề vì đồng lương giáo viên hồi đó còn quá ít ỏi.
Năm 1987, ông quyết định đưa vợ con vào Nam lập nghiệp (đi kinh tế mới ở Nông trường Cẩm Mỹ). Sau nhiều năm khai hoang phát rẫy ở chốn rừng thiêng nước độc, ông Hiệu lâm bệnh nặng nhưng may mắn được nhiều người tốt bụng cứu sống. Cuối năm 1999, gia đình ông rời bỏ đất khách quê người để quay về làng Mai Xá sinh sống theo tiếng gọi của quê hương.
Vợ chồng ông Hiệu có bốn người con, ba trai, một gái. Lạ thay, các con của vợ chồng ông Hiệu chỉ thích ăn trái cây và xin bố mẹ đi tu. Lo sợ con mình ăn uống không đủ chất, nhiều lần vợ chồng ông khuyên các con nên ăn thêm thịt, cá nhưng họ nhất quyết đòi tuyệt thực. Cuối cùng, gia đình ông đồng ý cho các con xuất gia đi tu.
Tính đến nay, hai cậu con trai trong số bốn người con của vợ chồng ông Hiệu đã tu ở chùa Bát Nhã, thị trấn Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu được gần hai mươi năm.
Địa thế của nhà ông Hiệu được xếp vào loại đẹp nhất làng Mai Xá, vừa nằm sát bên đình làng Mai Xá Chánh, lại vừa gần chợ, gần sông và có đường xuyên Á chạy ngang qua phía trước mặt. Dẫu biết rằng gia đình mình đang có những gì mà nhiều người khác mơ ước cũng không có, nhưng sau khi đã tu ổn định, hai sư thầy (con của vợ chồng ông Hiệu) đề nghị bố mẹ bỏ lại sau lưng tất cả để vào chùa Bát Nhã cùng sống với mình.
Được ở bên các con, nhưng ông bà Hiệu không an lòng vì lúc nào trong lòng họ cũng luôn đau đáu nỗi nhớ về quê hương. Hơn 200 ngày như thế trôi qua ở chốn thiền môn, vợ chồng ông Hiệu lại quay về nơi mình cất tiếng khóc chào đời ở quê cha đất tổ để chăm lo lư hương bát nước cho ông bà, tổ tiên.
Trước khi quay về, thầy trụ trì chùa Bát Nhã nhắn nhủ với vợ chồng ông Hiệu rằng, nếu đã có nhân duyên với Phật, thì cho dù đi đâu, về đâu Phật vẫn ở trong tâm của mình. Vì thế, ông bà Hiệu về quê hương Mai Xá tu tại gia và làm việc thiện.
Duyên nợ với đời
Ấp ủ dự định làm từ thiện từ bấy lâu nay, nhưng mãi cho đến giờ ông Hiệu mới thực hiện được một phần ước nguyện của mình. Sau khi bàn tính kỹ với vợ, ông bắt đầu viết đơn gởi đến UBND xã Gio Mai, trình bày rõ mục đích và xin được làm từ thiện.
Nói về vấn đề này, ông Trương Quang Thành, cán bộ văn hóa xã Gio Mai cho biết: “Xét thấy việc làm của ông Lê Văn Hiệu trình bày trong đơn không vi phạm pháp luật, mà ngược lại rất có ích cho xã hội nên được chính quyền địa phương hết sức ủng hộ, hoan nghênh và tạo điều kiện giúp đỡ”.
Được sự cho phép của chính quyền địa phương, ông Hiệu tiến hành treo băng rôn, bảng hiệu để giới thiệu cho mọi người biết ngay tại nhà ông có một điểm hoạt động từ thiện. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng ông Hiệu quyết định dành một phần kinh tế của gia đình để giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình với một tấm lòng thật đáng trân trọng. Để giúp vợ chồng ông Hiệu có thể làm tốt việc thiện, các tu sĩ ở chùa Bát Nhã mà đặc biệt là hai sư thầy con của ông bà luôn sẵng sàng hỗ trợ bố mẹ về mặt tinh thần cũng như vật chất.
Trước mắt, vợ chồng ông Hiệu nấu những suất cơm, đặc biệt là các món cơm chay để phục vụ cho những thực khách có nhu cầu mà theo ông Hiệu đây cũng là cách thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ là “Làm cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Tạm thời vợ chồng ông Hiệu chỉ mới phục vụ được 4 ngày trong một tháng vào các ngày đầu tháng, cuối tháng và 14, rằm (Âm lịch) ngay tại nhà riêng của mình với số lượng khẩu phần ăn mỗi ngày không hạn chế. “Nếu những ai ở gần mà bị ốm đau, bệnh tật hay khuyết tật không đến dùng cơm được, thì chính tôi hoặc tôi nhờ người khác mang khẩu phần ăn đến tận từng nhà để giúp đỡ họ” – ông Hiệu thành tâm chia sẻ.
Qua vài tháng “thí điểm”, mọi người dần biết và đến nhà ông Hiệu dùng cơm ngày mỗi nhiều hơn, nhất là các cháu nhỏ ở trong làng. “Đến nhà ông Hiệu ăn cơm không phải trả tiền mà còn được ông dạy dỗ nhiều điều bổ ích nên chúng cháu cứ mong đến ngày được ăn cơm chay ông Hiệu” – một trong số các cháu nhỏ hồn nhiên nói.
Nhìn thấy những dòng chữ ghi trên tấm băng rôn, nhiều thực khách phương xa muốn vào dùng thử cơm từ thiện ở nhà ông Hiệu xem thế nào. Sau khi dùng xong, một vị khách góp ý với chủ nhà rằng: “Tôi thấy gia đình anh chị cũng không khá giả gì cho lắm nên anh chị cứ đặt cái hộp phước sương để những ai muốn chung tay góp sức giúp đỡ người nghèo có thể đóng góp chút lòng thành của họ”.
Nghe vậy thì rất có lý, nhưng vợ chồng ông Hiệu cứ đắn đo, suy nghĩ mãi về góp ý của vị khách này vì đằng sau đó còn có nhiều điều hết sức nhạy cảm.
Đời sống kinh tế của vợ chồng ông Hiệu không có gì nổi trội so với những gia đình khác ở làng Mai Xá. Tôi mạn phép hỏi ông: “Với khả năng tài chính của mình, chú có thể duy trì được việc làm từ thiện này đến khi nào?”.
“Chú không dám chắc chú sẽ làm được đến khi nào. Sức chừng mô, xô chừng nấy thôi cháu ơi, chừng nào còn khả năng thì chừng đó chú vẫn còn làm việc thiện. Gạo Mai Xá thì không thiếu mà chỉ sợ không có người nấu. Xa hơn, chú còn dự định mang một ít gạo cơm, tiền bạc, quần áo… đến thăm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không phân biệt người trong làng hay ngoài xã” – suy nghĩ một lúc, ông Hiệu khẳng định với tôi như thế.
Trước lúc chia tay, ông Hiệu tâm sự với tôi rằng: “Hôm nay chú cháu mình được gặp lại nhau là do tùy duyên cháu ạ. Nay nhờ thuận duyên mà chú đã làm được một việc thiện. Mong ước lớn nhất của vợ chồng chú khi làm từ thiện là để giúp đỡ những người nghèo khó một phần nào. Và đây cũng là cách để vợ chồng chú trợ duyên cho các con”.
Hy vọng với tấm lòng từ bi hỉ xả của mình, trong nay mai ông Lê Văn Hiệu sẽ trở thành chiếc cầu nối giữa các nhà hảo tâm và những người cần được giúp đỡ. Thiện tâm của ông Lê Văn Hiệu khiến tôi suy nghĩ mãi, rằng nếu ai cũng làm được một việc tốt, dù nhỏ, thì xã hội này sẽ tốt đẹp hơn biết bao.