“Tất cả đều miễn phí – một người nhận cơm nói với người bên cạnh – Cho cả bệnh nhân lẫn người nhà nuôi bệnh”. Đã thành thói quen, hầu hết người nghèo vào bệnh viện này đều đến với tổ cơm cháo từ thiện để qua cơn đói lòng.
Bữa ăn gồm có cơm hoặc cháo; món canh và món xào gồm rau củ, măng tươi, bầu bí, đậu các loại… Riêng món mặn chính yếu vẫn là tàu hũ, được chế biến phong phú thành kho sả ớt, kho mặn, chiên giòn… rất hấp dẫn, không thua kém những nhà hàng cơm chay ở TP.HCM. Để có các món này phục vụ hơn 2.000 người nghèo mỗi ngày, gần hai năm qua tổ từ thiện đã phải vắt óc suy nghĩ lo từ đầu vô tới đầu ra hết sức chi li, chặt chẽ.
“Nhà hàng” chay miễn phí
Trao chứ không phải cho! “Dù miễn phí nhưng cung cách phục vụ vẫn phải tôn trọng người nhận như khách hàng thân thiết của mình – ông Út đưa ra phương châm phục vụ của tổ như vậy – Ở đây là trao và nhận chứ không phải cho theo kiểu bố thí. Cho nên không ai được quyền nhăn nhó hoặc xem thường người nhận”. Cách làm này đã gây cảm kích của nhiều thân nhân người bệnh. Do đó, không ít người sau khi khỏi bệnh đã quay trở lại đóng góp gạo, tiền cho tổ hoạt động. Chị Nguyễn Thị Bé Ba (ở xã Mỹ Hiệp) sau khi gửi số tiền 10.000 đồng đã bày tỏ lòng cảm kích: “Gần tháng trời nuôi ba tui ở đây, không nhờ tổ từ thiện này không biết lấy gì cho ba tui ăn. Giờ ba đã hết bệnh, tui có chút đỉnh này coi như tỏ lòng biết ơn, với lại lo cho người khác qua cơn hoạn nạn”. Cứ vậy mà người này nối tiếp người kia, hễ có dịp ghé qua là gửi tiền vào nguồn của tổ, mỗi người ít nhiều tùy tấm lòng, từ năm bảy chục ngàn tới vài trăm ngàn đồng. Có người ở TP.HCM gửi tặng 5-7 triệu đồng hoặc ủng hộ các vật dụng nấu ăn như bếp lò, nồi nấu, vỉ đựng cơm… làm “cơ ngơi” của tổ càng mở rộng. Tới tháng 6-2008, tổ đã có tài sản gồm một xe tải chở rau củ quả, hệ thống lò nấu bằng vỉ với sức nấu 18 giạ gạo/ngày, các nồi nấu lớn phục vụ nước, nấu canh cho hơn 500 người/đợt. Ông Nguyễn Tấn Sên cho biết qua gần hai năm hoạt động, tổ đã có đóng góp của gần 4.500 lượt người, mỗi ngày đã nâng “công suất” nồi cơm lên 17 giạ gạo, phục vụ 2.100 người ăn, kể cả bệnh nhân, người nuôi bệnh… |
Tháng 1-2007, ông Út Nhẹ (Đặng Văn Nhẹ – một nhà từ thiện có tiếng tăm ở xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) nhận được lời mời của Mặt trận Tổ quốc tỉnh: “Chú về lo giúp phần cơm nước cho người nghèo ở bệnh viện tỉnh nhé”. Ông vui vẻ nhận lời. Bệnh viện giao cho ông một gian nhà nhỏ bằng tôn rộng chừng 100m2 trong khuôn viên bệnh viện, coi như “vốn” ban đầu. Phần còn lại gồm trang thiết bị, vật dụng và “nguồn” (gạo, tiền, thức ăn, người làm) “nhờ chú Út cố gắng lo giúp”. Nhận việc xong, ông Út đâm lo: “Trong tay tui lúc đó “trống lốc” hổng có gì ráo, nhu cầu người nghèo thì quá lớn”.
Ông bắt đầu kêu gọi các “đồng nghiệp” làm từ thiện của mình như ông Nguyễn Tấn Sên, Trần Văn Mốc, chú Ba Điệp, chú Hai Láo, chị Cẩm Tân Thạnh… và nhiều nhà hảo tâm khác cùng tham gia “cổ phần góp vốn”. Biết chắc rằng “vốn” này chỉ có vơi đi chứ không bao giờ sinh lãi, càng không bao giờ có chuyện… thu hồi, nhưng các cô chú vẫn vui vẻ đồng ý.
Vậy là có 80 người hùn vô mỗi người hai ba trăm ngàn đồng hoặc vài ba giạ gạo tiếp tay với ông Út, coi như “góp gió thành bão”. Riêng ông Út thì góp phần mình bằng cách “thiếu bi nhiêu tui chịu hết”. Yêu cầu đặt ra là: mỗi ngày phải có 4 giạ gạo và 150.000 đồng tiền đồ ăn cung cấp miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Tháng đầu tiên có hơn 120 giạ gạo và 25 triệu đồng (trong đó có 10 triệu của Uy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ), ông Út và tổ từ thiện của mình bắt đầu hoạt động. Nhà bếp chưa có, mọi người phải bắc nồi nấu ngoài trời, vừa cơm cháo, vừa nước uống, đồ ăn… Cũng may là nhằm mùa khô nên không bị mưa ướt. Cả tổ hơn mười người thay phiên nhau người lo nấu cơm, kẻ nấu canh, xào măng, kho tàu hũ… phục vụ hàng trăm người nên nồi nào cũng to tướng, giống như nấu… đám cưới.
Tới lúc phát cơm cho bà con mới thấy cảm động. Ai cũng nghèo rớt mồng tơi, có người đi nuôi bệnh không có tiền mua thuốc, huống gì mua cơm ăn. Chị Lê Thị Thắm (ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) cho biết: “Thấy có chỗ cho cơm miễn phí, bà con mừng quá xách cà mèn đi lấy. Lúc đầu cứ tưởng là chỉ cho bệnh nhân nghèo, ai dè cho cả người nuôi bệnh. Cứ nói “cho hai hoặc ba suất” thì được cấp ngay, không ai “trả treo” gì, trái lại còn được vui vẻ phục vụ”. Ngay tuần đầu tiên, tổ cấp được hơn 300 suất cơm mỗi ngày. Bữa nào hết bữa nấy, coi như không bị… ế.
Tới tuần thứ hai, ông Út coi lại kho gạo thì đã cạn hơn phân nửa. Lúc này ông mới sực nhớ rằng phải tạo nguồn ra vô thường xuyên để duy trì hoạt động chứ “ngồi không ăn riết núi cũng lở”. “Nguồn” ở đây phải là những mạnh thường quân, những nhà từ thiện chí cốt tâm huyết với người nghèo. Vậy là ông viết thư, điện thoại, trực tiếp gặp bạn bè thân hữu của mình, đặc biệt là những đồng đạo trong Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Đồng Tháp. Gặp ai ông cũng nhắc “nhớ ủng hộ cho tổ cơm cháo từ thiện nghen, cứu một người nghèo bằng xây ba cái chùa đó”.
Vốn biết tiếng ông trước đây là nhà từ thiện chuyên xây nhà miễn phí cho người nghèo, mọi người tin cậy hưởng ứng liền. Vậy là sau đó kho gạo của tổ lại tiếp tục đầy, tiền hỗ trợ tiếp tục gửi về. Riêng phần mình, tháng nào cô con gái ở Canada gửi tiền về, ông đều góp hết cho quỹ của tổ. Ông nói: “Mình già cả rồi, ăn uống có bao nhiêu. Ngày ba bữa cơm chay ở đây cũng tốt, lại giữ được sức khỏe. Của dư chia bớt cho người nghèo để mọi người bớt khổ”.
Nhờ có “nguồn” kha khá đó mà tổ “sống được”. Tới tháng 6-2007, số lượng người nghèo đến với tổ cơm cháo tăng lên hơn 540 người/ngày, số gạo nấu mỗi ngày tăng từ 8 giạ lên tới 10 giạ. Số mạnh thường quân hỗ trợ cho tổ cũng tăng lên 420 người.
Tiếp nối những tấm lòng
Người nghèo đến nhận cơm từ tổ từ thiện cung cấp mỗi ngày – Ảnh: D.T.H. |
Dần dà, lượng người biết tới tổ từ thiện càng nhiều. Bà con nghèo đi nuôi bệnh cứ tới giờ cơm là nghĩ ngay tới tổ. Riết rồi bà con truyền tụng nhau “vô bệnh viện bây giờ hổng lo đói nữa, chỉ lo chữa bệnh thôi”. Vậy là số “khách hàng” tăng lên cả ngàn, rồi 1.200 người mỗi ngày.
Tới đầu năm 2008, bộ phận tài chính của tổ báo lên ông Út tin vui mà phát rầu: “Gần 2.000 người/ngày rồi ông Út ơi. Lo kiếm thêm gạo chứ trong kho chỉ còn 10 tấn hà, cạn nguồn rồi”. Nhà kinh doanh mà nghe “doanh số” cỡ đó thì ai cũng mê, nhưng với nhà từ thiện như ông Út thì mừng một mà lo mười. “Lớn thuyền lớn sóng rồi đây” – ông nghĩ. Vậy là ông cụ 77 tuổi người gầy nhom lại phải vắt óc suy nghĩ, xách xe chạy khắp nơi tìm thêm “nguồn” bổ sung cái hầu bao còm cõi của mình.
Ông thành lập nhóm “rau củ quả” kết hợp lúc đi chợ vận động chị em bạn hàng ủng hộ đồ bán còn… ế. Thay vì bỏ đi, chị em để dành lại bán rẻ cho tổ từ thiện. Với quan niệm “làm phước để đức cho con cháu”, nhiều chị em tặng luôn cho tổ đem về, thay vì đi cúng chùa cũng vậy. Dần dần, tổ từ thiện trở thành “mối” của các chợ trong tỉnh. Hễ thấy xe tải có mang dòng chữ “xe xin rau cải từ thiện” là các dì, các chị đùm túm mỗi người 5-7kg rau củ quả dành sẵn đem ra tặng.
Anh Mai Văn Đàn, lái xe của tổ, kể lại: “Mấy chị nhiệt tình lắm, như chợ Phong Mỹ có chị Thủy. Bữa nào lỡ không có dư, chị cũng mua đồ rẫy (rau, đậu, ớt, hành, bầu bí…) cho ba bốn chục ký lô. Hoặc ở chợ Cầu Bắc có dì Tám bán bánh lọt, hễ nghe than “bữa nay hẻo quá dì ơi” là dì bỏ tiền túi ra mua cho cả chục ký”. “Nhờ vậy mà phần nguyên liệu cho món canh, xào được giải quyết cơ bản, giảm chi phí rất nhiều mà tăng thêm nguồn rau xanh phong phú cho bữa ăn – ông Nguyễn Tấn Sên, thư ký tổ, cho biết – “Nhà hàng” chỉ còn phải lo món mặn là tàu hũ, dưa muối, nước tương… vậy mà cũng mất ngót 180.000-200.000 đồng/ngày”.
Củi nấu cũng là chuyện nan giải đối với bếp ăn phục vụ cho cả ngàn người này. Ông Út nghĩ ra cách giao các đội thợ cưa các xã chuyên lo săn tìm những cây khô, cành gãy trong vườn cây đem về. Do trước đây có làm trại cưa, ông còn nhiều “mối” lớn là các thợ cưa nên nghe ông yêu cầu là anh em nhận lời ngay. “Ai chớ chú Út là tui làm liền – anh Tư Hinh (ở chợ thị trấn Thanh Bình) bộc bạch – Ông rõ ràng minh bạch, tự đóng góp trước rồi mới kêu gọi người khác nên ai cũng tin tưởng. Cứ góp tay nhau tiếp nối làm từ thiện, mình có gì góp nấy”. Vậy là anh cho mượn luôn cả sáu thợ cưa đi làm công quả cho tổ. “Tính ra cả tỉnh có bảy chiếc máy cưa đi “quần” như vậy cũng đủ nguồn củi cung cấp cho lò nấu – ông Út cho biết – Đông tay vỗ nên kêu mà”.
Mạng lưới chân rết
Trông dáng người gầy nhom, tuổi tác đã cao, nhưng ông Út không hề yếu như mọi người lầm tưởng. Ông có thể chạy xe gắn máy cả ngày trời đi tận xã ấp, vùng sâu, lội bộ hàng cây số để lùng tìm củi, gạo, đặc biệt là quan hệ với các mạnh thường quân có khả năng đóng góp. Ông có cách nói chân tình và tấm lòng trong sáng nên mọi người dễ nghe theo.
Anh Tám Mốc, một trong những mạnh thường quân ở xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình), cho biết ông Út sống giản dị, hết lòng vì người nghèo, nhà có gì ông đem làm từ thiện hết, các con đều thành đạt nên ông tập trung hết cho tổ từ thiện. Mọi người kính mến ông từ đạo đức tới cách đối xử với người nghèo nên ông nói là mọi người nghe theo. Ông lại có óc tổ chức, phân công rạch ròi từng công việc, từng bộ phận rồi có kiểm tra, theo dõi sát sao nên bộ máy vận hành nhanh gọn, hệt như một cơ quan nhà nước.
Các bộ phận mà anh Mốc nói là 23 tổ “đặc nhiệm” cắm tại các xã trong tỉnh. Các tổ này có nhiệm vụ luân phiên nhau trực nấu cơm mỗi ca một tuần. Tổ có 25-40 thành viên, toàn là nhà từ thiện, tới ngày nhận ca là chia nhau thức từ 3g sáng đảm nhận các khâu nấu nước, nấu cháo, cắt gọt rau củ quả, nêm nếm gia vị, vận chuyển, cung cấp hàng, phân phối… Điều đặc biệt là mỗi tổ đều đảm nhận luôn khâu vận động nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Tới phiên trực là khệ nệ khiêng vác, chuyên chở gạo, củi, rau củ… về chất trong kho. Nhờ có tổ chức chặt chẽ như vậy nên “nguồn nhân lực” phục vụ không thiếu.
Ngoài các tổ này, ông Út còn tổ chức hẳn các bộ phận chuyên môn như tài chính, vận chuyển, vệ sinh, phân phát, nấu ăn… Ông đặc biệt quan tâm tới minh bạch tài chính. Mỗi khi có nhà từ thiện đến tặng tiền, gạo, ông quy định phải có ba người tiếp nhận: một người lo tiếp khách, người thứ hai ghi phiếu nhận và người thứ ba đưa vô kho có ghi sổ sách đàng hoàng. Giống như bộ phận kế toán, thủ quỹ, thủ kho của các tổ chức kinh doanh vậy.
Ông cho viết công khai lên bảng to để trước gian nhà chính của tổ quy định như sau: “Sổ sách thu chi phải rõ ràng minh bạch. Luôn có mặt ba người ở bàn thư ký, tránh nhận tài vật chỉ có một người. Cuối tuần phải công khai tài chính cho tất cả mọi người cùng biết. Viết lên bảng công khai tên nhà hảo tâm và mức đóng góp. Coi người lãnh cơm như thân nhân ruột thịt. Không nên có thái độ kẻ xin người cho mà phải làm với trách nhiệm, phụng sự của một người phục vụ”.
Hiện nay điều lo lắng của ông là nhu cầu thì tăng mà nguồn tài trợ chỉ bấy nhiêu đó. Ông bộc bạch: “Người nghèo còn nhiều mà sức mình có hạn. Chỉ mong tui còn đủ sức khỏe để chạy đi đây đó tìm thật nhiều nguồn cho cái kho đừng bị… lép. Nếu khá hơn, tổ này có thể mở rộng ra cho nhiều đối tượng nghèo nữa như trẻ em cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa…”.