Tôi đọc hoặc nghe đâu đó, một vài lần vị thị giả kề cận nhất của Ôn kể lại, “Thầy là một vị Tỳ Kheo không có chùa và đệ tử”. Có nghĩa là Ôn không quan tâm việc xây chùa, dựng tháp; Ôn không tự nhận mình là Sư phụ, hoặc Thầy của bất kỳ ai, cho dù học trò của mình thì rất đông và hiện cư ngụ ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Mặc dù trong số chúng ta, đã có nhiều chư vị Tăng, Ni từng ngồi trong giảng đường Phật Học mà Ôn đích thân hướng dẫn; từng có nhiều vị nương nhờ đức hạnh của Ôn, thông qua việc chứng minh để thọ Tam Quy Ngũ Giới, hoặc do một nhân duyên đặc biệt, hay kỳ vọng nào đó, như tôi biết trường hợp của Nguyễn Hoàng Thanh Tâm ở Úc, một Ky tô hữu, nhưng được Thầy ban cho pháp hiệu Trí Nhân; hoặc Thiên Nhạn cho Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ.
Mỗi trường hợp dù có khác hay với tâm cảm chung hoặc riêng, chúng ta có thể tôn kính Ôn như một Người Thầy hay là Sư Phụ. Nhưng tuyệt nhiên, rất nhiều lần Ôn thối thác.
Một bận, ở cương vị Đệ nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, khi mà quý Anh Chị Huynh Trưởng thuộc Ban Hướng Dẫn Trung Ương (Hoa Kỳ) thường xuyên gởi thư để thỉnh ý Ôn nhiều Phật sự liên quan GĐPT, liên đới giữa quốc nội và hải ngoại. Bấy giờ Hòa thượng Quảng Độ còn bị quản thúc ngoài Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nên chỉ có Ôn Tuệ Sỹ phải cáng đáng và giải quyết nhiều vấn đề cấp thời cho Tổ chức trong bối cảnh vô cùng nhiễu nhương, có thể nói sinh tử của GĐPT Việt Nam. Nhưng trong nhiều lần được thỉnh ý, có lần góp ý cho một vấn đề cụ thể xong, Ôn đã viết thêm trong email: “Quý Anh-Chị tuy coi tôi như Thầy, nhưng tôi không thể cột tay mà kéo Anh-Chị đi được…”. Tất nhiên trong ngữ cảnh này, nghĩ chỗ gần gũi thâm tình, Ôn nêu bật vai trò và trách nhiệm của cấp Huynh trưởng lãnh đạo, nhưng giải phóng sự ràng buộc của bóng dáng một “ông Thầy” trong việc quyết định tiến thủ cho Tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, mà nay vẫn còn nguyên giá trị để có thể áp dụng chung cho cả cơ chế Hải ngoại và Thế Giới. Điều này thấy rõ trong nhiều văn bản Ôn gởi chung, hoặc riêng cho Gia Đình Phật Tử. Nhưng câu nói đó, bấy giờ bị một vài vị Huynh trưởng cao niên và cao cấp diễn đạt sai lệch, theo chủ ý riêng, và định hướng riêng.
Song, quan điểm này một lần nữa đã được Ôn nhắc đến trong bài tham luận Đạo Phật với Thanh Niên, một cách thẳng thắn nhưng thận trọng: “Các bạn trẻ cũng nên tự mình tìm cho mình một hình thái cho đạo Phật thích hợp; không phải là hình thái được lập thành khuôn mẫu do bởi các Anh Chị Trưởng, do các Đại đức, Thượng tọa, hay do các nhà nghiên cứu uyên bác. Một thiền sư Việt nam đã nói: ‘Nam nhi tự xung thiên chí, hưu hướng Như lai hành xứ hành’. Ta hãy đi con đường do chính ta lựa chọn, không cần gì phải lắt nhắt theo dấu vết của Như lai. Khẩu khí này nhiều khi khiến ta sợ hãi, e rằng có quá tự phụ, quá ngạo mạn chăng? Đừng có phổ nhạc những lời ấy thành giai điệu với tiết tấu hành khúc dồn dập, mà hãy thử phổ thành một sonata nhỏ của mặt hồ tĩnh lặng, ta sẽ nghe được âm hưởng này: hãy bình thản tự chọn cho mình một hướng đi, sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với hậu quả xuất hiện trên hướng đi mà ta đã chọn”.
Vậy thì, ở đây không chỉ là Nhân Cách Lý Tưởng của Ôn, thể hiện qua vai trò của một vị Thầy, hay là Sư Phụ theo cách tôn kính của mỗi chúng ta. Mà đó còn là nhân cách của một nhà văn hóa-giáo dục đầy lương tâm và tận tụy, mà Tư Tưởng Chủ Đạo được minh định sâu sắc bằng sứ mạng Duy Tuệ Thị Nghiệpcủa những ai phát nguyện sẵn sàng bước vào Phương Trời Cao Rộng: “Lý tưởng giáo dục và những phương pháp thực hiện lý tưởng này, hiển nhiên Phật giáo đã có một lịch sử rất dài. Phạm vi hoạt động của nó không chỉ giới hạn chung quanh những tàng kinh các, hay những pháp đường của các Tăng viện; mà còn ở cả nơi triều đình, công sảnh, và bất cứ nơi nào mà mọi người có thể tụ tập ít nhất là hai người, trong tất cả sinh hoạt nhân gian”.
Ngày nay, khi nhìn lại nền giáo dục của đất nước qua từng thời đại, chí đến rọi chiếu trong phương pháp và tinh thần huấn luyện của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong lẫn ngoài nước, đâu đó tư tưởng của Ôn vẫn mang những giá trị chủ đạo mà những ai còn quan tâm đến giềng mối giáo dục, ắt có lúc cần chiêm nghiệm: “Do đó, một nền giáo dục hoàn hảo phải chứng tỏ những hiệu năng nó có thể mang lại để thỏa mãn nhu cầu của người học. Vậy rồi, thay vì mở ra những con đường đi vào thế giới tâm linh sống động, người ta đã quay ngược lại để trở về với những nhu cầu hạ cấp của người học. Họ gieo cho người học những sợ hãi bất an trước một tương lai nào đó. Những ‘sinh tồn’, ‘diệt vong’ v.v..., đấy là những mệnh đề giả hiệu, chúng có tác dụng làm tăng mối sợ hãi. Nhưng chúng cũng có thế lực khích động rất lớn, và đề ra những đường lối phải theo. Y như một người tranh cử, hăm dọa cử tri bằng những viễn tượng đen tối của ngày mai, nếu mình không được chọn lựa. Cũng vậy, đối với chúng ta, một đường lối giáo dục được lựa chọn là có phát triển và có duy trì; vừa tiến bộ và vừa không mất gốc. Trong trường hợp cực đoan, nếu bắt buộc phải chọn một trong hai, hoặc phát triển, hoặc duy trì, xưa nay Phật giáo đã chọn lối đi thứ nhất. Gốc của con người là ở tại lòng người, thì dù có phát triển đến đâu bằng cả tấm lòng của mình, chẳng có gì gọi là mất cả”.
Bằng Tư Tưởng Chủ Đạo như vậy, giáo dục hay đào luyện cho người học, nghĩa là cho những thế hệ tiếp nối, không ai khác chính là tuổi trẻ. Vậy thì “trả lại niềm tin cho tuổi trẻ phải là bước khởi đầu; thể hiện tinh thần Vô úy phải là bước quyết định. Kiến giải của người lớn, thái độ của tuổi trẻ chỉ là những tiểu tiết giúp chúng ta nhìn thẳng vào sự sụp đổ lớn lao của một chế độ giáo dục xây dựng bằng hăm dọa và hứa hẹn”. (Tuệ Sỹ, Thời Thượng)
Vì ở xa, và ít khi được Ôn trực tiếp hướng dẫn, nhưng chỉ một lần duy nhất được nghe Ôn xưng mình là “Thầy,” khi ân cần nói với thế hệ Tăng sinh trẻ: “… Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia sẻ với thế hệ kế thừa. Một thế hệ đang trưởng thành để khơi tỏ ngọn đèn Chánh pháp giữa một đất nước thấm nhuần phong hóa. Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.”. Tâm tình này, cũng không ngoài Tư Tưởng chủ đạo của Ôn mà tôi xin khắc cốt ghi tâm.
Cuối cùng, xin dừng lại bài viết này nơi đây, để tiếp tục miên man chiêm nghiệm những gì mà Ôn đã trực tiếp hoặc gián tiếp hướng dẫn, bàng bạc và sống động bài pháp Lục Độ Ba La Mật. Tôi không biết gọi Ôn bằng gì, vì tôi đã thọ lãnh nơi Ôn nhiều thứ không thể nghĩ bàn, không thể nói ra hết được.
Giữa đôi bờ Thái Bình Dương rì rào sóng vỗ, dưới đáy sâu vẫn còn Hạt Muối chẻ đôi nằm lặng yên chưa tan. Con kính xin phục lạy Ôn và gọi bằng hai tiếng: Ân Sư! Với trọn vẹn ý nghĩa ân thọ mạng!
Viết tại Mặc Cốc, chốn Bụi
Ngày 03 tháng Mười, 2023
Quảng Pháp Trần Minh Triết