Trang chủ Văn học Tùy bút Ôn Mật Hiển chùa Trúc Lâm

Ôn Mật Hiển chùa Trúc Lâm

461

Từ đó chùa Trúc Lâm trở nên thân quen như chùa nhà, nhất là từ khi bà nội tôi được đưa về an táng bên cạnh mộ ông. Chén nước chè Trúc Lâm thật đậm và nồi khoai sắn mới luộc nóng hổi tình đạo sau giờ viếng mộ thắp hương.


Mãi những năm sau, thời sinh viên, tôi thường theo anh chị em Đoàn sinh viên Phật tử lên chùa vào dịp rằm hay mồng một. Cây khế ngọt trong sân bên trái từ cổng vào hôm nay vẫn còn như in trong trí. Bốn mùa khế nở hoa tim tím lẩn trong lá xanh, dịu dàng như một bài thơ hiền, cành khế lung linh trĩu quả chín vàng, không hái cũng uổng! Trái khế chùa Trúc Lâm ngọt như phần thưởng Phật ban cho những dạ dày háu đói của bọn trẻ cùng nhau đi tìm đạo…


Và hương hoa mộc! Nghe như còn lẩn quẩn đâu đây khi nhớ về cảnh sân trong của chùa, đơn sơ như chưa từng đơn sơ như thế, cành mộc nhỏ nhoi đứng bên lu nước mưa chùa cất lọc để nấu trà ướp mộc. Trúc Lâm nhỏ nhắn và bình an, với nhà tổ, nhà trai, nhà tăng vây quanh sân, u nhã và ẩn nhẫn bầu trời bỗng lành hẳn dưới giàn hoa lý, làm cho đôi chân lưỡng lự mãi bên hiên, trong lúc lòng lắng xuống theo hương hoa đang làm dịu dần cơn nóng bốc hỏa trên đầu… 


Giữa tất cả những hình ảnh ấy, trong bóng tối của nhà khách ba gian hai chái, khách thường lóa mắt nhìn vào khoảng không gian đen ngòm tương phản với nắng rực lửa hay mưa u uất ngoài sân, chưa kịp giở nón ôm trước ngực cúi chào, đã thấy lấp lánh như sao, đôi mắt của Ôn Trúc Lâm, „Thầy Mật Hiển“, như sinh viên chúng tôi thường gọi, nhìn ra như hai vì sao chỉ đường.


Ôn ngồi bình yên nơi ghế trường kỷ hay nơi tấm phản ngựa có bàn hập tộ với khay trà, an nhiên, im lặng như chiếc bóng, nhưng  là một chiếc bóng tự tin vững chãi so với những hình bóng mộng ảo nghiêng ngữa trước sân…Chưa kịp kìm cơn hoa mắt giữa tối và sáng thì đã thấy nụ cười của Ôn, không nở rộng, đôi mắt sáng trưng như hai ngọn đèn đến giật mình kẻ đến.


Đối với sinh viên chúng tôi, Ôn Mật Hiển là vị Thầy không “xưa” như quí Thầy khác. Ôn thường chia những nỗi vui “thanh niên” với chúng tôi, với những câu nhận xét về thời sự hay về đạo học bất ngờ thoát kinh điển, và nhất là chuyện  lái xe jeep xuống phố thăm và ủy lạo các gia đình Phật tử. Ôn là vị Thầy duy nhất thời đó biết lái xe, vượt ra ngoài khuôn sáo cũ.  Không biết bổn đạo nào đã tặng Ôn chiếc xe cũ mềm cà rịch cà tang  ấy, nhiều lúc phải đẩy một quãng đường dài, lăn xuống dốc Nam Giao, xe mới nổ máy. Ui chao, cả bọn trẻ thấy vui nhộn khi theo phò tá Ôn những đoạn đường như thế, hò reo hì hục đẩy xe. Phần thưởng là được Ôn cho ngồi trên xe đi xa thăm các gia đình Phật tử nghèo hay đi cứu trợ những nơi hẻo lánh bị thiên tai. Và đi mô cũng tới nơi về tới chốn, với lòng tin chắc về hạnh giúp người.


Nghe nói Ôn còn giỏi võ, có lẽ một phần vì cái tên Trúc Lâm na ná giống Thiếu Lâm làm cho những đứa mê kiếm hiệp như tôi tưởng tượng nhiều hơn, nội dáng đi mau lẹ của Ôn cũng đủ làm cho bọn trẻ chúng tôi tin chắc đàng sau dáng dấp ấy thuật phi hành xuất chúng  của những tay cao thủ võ lâm. Và từ đó cái tài trị “hổ”, nhiếp phục quần hùng không phải là chuyện phóng đại, nói thêm.


Quả thật Ôn nổi tiếng có biệt tài hóa giải những tranh chấp hay tranh luận nội bộ của tổ chức Giáo hội cũng như giải quyết những vấn nạn khó khăn về giáo lý đến từ bên ngoài. Dáng điệu khoan thai, lời nói ôn hoà nhưng chính chắn và mực thước của Ôn, nhất là sự giản dị ngay thẳng, không quanh co rào sau đón trước, thường làm sáng tỏ những khúc mắc tưởng như


không gở được do tính sân si của người đời, đồng thời làm dịu những gay gắt giữa các phe tranh luận. Hình như sau những buổi thương thuyết, ngay cả trong thời kỳ Pháp nạn 1963 cho


đến những thời kỳ về sau, một trong những người bước ra phòng họp  đầu tiên là Ôn với nụ cười tủm tỉm. Và chúng tôi biết ngay cuộc giàn xếp đã thành công.


Tôi chưa từng được nghe Ôn giảng đạo, nhưng đã từng chứng kiến những buổi tọa đàm thân mật, bình dị và hóm hĩnh của Ôn với sinh viên. Ôn không dông dài giải thích một sự việc mà rất ngắn gọn, nhiều khi đột ngột chấm dứt nửa chừng hay bỏ lửng không trả lời, nhưng lại đầy tác dụng bắt người nghe suy nghĩ tiếp. Hình như Ôn biết tâm lý của từng sinh viên Phật tử hay bổn đạo, cho nên cuộc nói chuyện trở nên những cuộc trị bệnh ngã mạn của từng người, một cách nhẹ nhàng, như tuồng mỗi người đang tự chữa cho mình.


Quả thật Ôn đã nổi tiếng là vị Thầy chữa bệnh tinh thần, giống như một tâm lý gia. Tôi nhớ nhiều Phật tử đã kể với dáng điệu đầy bí mật và kính nể rằng „Ôn có tài trị ma, nhiếp quĩ!“ Bất luận thứ tà ma nào gặp Ôn cũng đều „cuốn gói chuồn đi“ nếu không muốn bị Ôn tóm cổ quẳng xuống ao sen! 


Những lần lên chùa, lắm khi tôi gặp một số bệnh nhân tâm thần đến yên dưỡng tại chùa Trúc Lâm. Hỏi mới biết gia đình Phật tử ở tận đâu đâu xa xin gửi con hay cháu lên chùa nhờ Ôn chữa bệnh, thường là những người còn trẻ hay trung niên. Quan sát thêm mới biết phương pháp của Ôn dựa vào Thiền học, mà khoa tâm lý hiện đại gọi là „shock-therapy”. Bằng tiếng quát…trả lời những cơn nói sảng mê loạn hay bằng gậy Thiền quất vào người, nắm chỏm tóc, véo tai… khi người bệnh lên cơn điên, đang có „ma“ nhập vào, Ôn „bắt ấn“, làm cho người bệnh “giật mình”, đột ngột bị hất ra khỏi sự hoang tưởng, từ đó chợt tỉnh ngộ, thoát khỏi cơn mê muội tâm thần.


Sau đó bệnh nhân được tự nhiên thoải mái trong những giờ ăn, sáng trưa chiều theo mấy hồi công phu nghe kinh, rồi niệm Phật trong lúc đi dạo bên hồ hay trong vườn chùa, hay đi tưới cây, trồng hoa…Bệnh nhân tập từng bước ăn chay và niệm Phật dưới sự quan sát của Ôn. Nghe nói với phương pháp ấy và bàn tay „bắt quyết“, Ôn đã tóm cổ không ít những con ma quấy nhiễu con người, và phần nhiều bệnh nhân được chữa lành.


Sự thành công của Ôn dựa vào nguyên lý mà Đức Pật đã truyền lại như là yếu quyết giải thoát, giải phóng khỏi khổ đau: dựa vào nguyên lý bát chánh đạo, vượt trên mọi đối đãi sinh tử và thực hành  từ bi, con người được hướng dẫn tập luyện công phu, từ tập thở, tập ăn, tập ngồi, đạt đến “tự chủ” của 8 chánh, lập lại thế quân bằng thân tâm, có nghĩa là “không sợ” (vô úy), “không lưỡng lự ngần ngại (vô ngại), thoát li điên đảo mông tưởng, phát huy sự bình an của tâm hồn: „ăn thì biết mình ăn“, „thở biết mình thở“, „đi  là Thiền“, „uống là Thiền“, „thở là Thiền“. Bệnh hoang tưởng, loạn trí đã đưa con người đi lạc hướng cần sự dìu dắt như lúc đứa trẻ tập đi, tập ăn, tập nói. Và Ôn Trúc Lâm đã thực hành đúng theo lời Phật, Ôn nhổ từng mũi tên „ma“ đã cắm sâu vào trong tâm của con người mà không cần lý luận. Trúc Lâm được khai sơn do Hoà Thượng Giác Tiên truyền đời đến Ôn Mật Hiển với công gìn giữ và phát huy truyền thống Thiền vô úy.


Tinh thần vô úy này đã giúp chùa Trúc Lâm vững chãi trong những giai đoạn gian nan nhất của Đạo Pháp. Sau 1975, khi đến thăm Ôn, vẫn nụ cười ấy, Ôn bảo: không ai dám sai khiến Ôn điều chi, Ôn hành động điều gì là cho Đạo Pháp, dù người ta không cho Ôn đi xe jeep, mà chiếc xe đã cũ mèm, cũng không còn sử dụng được nữa, nhưng Ôn Trúc Lâm vẫn là Ôn Trúc Lâm, thong dong, tự tại, vẫn đuổi „ma“, trừ „tà“, giúp Phật tử vượt qua những đau khổ tinh thần, nhiều khi còn phiền não hơn cái khổ vật chất.


Trước ngày Ôn mất, khi đến thăm, Ôn không tiếp khách vì trọng bệnh, vị thị giả đem ra hai quả xoài bảo Ôn cám ơn chị đến viếng Ôn, Ôn giữ mãi oản quả này đợi chị lên đó. Tôi cảm động đến rơi nước mắt, biết được Ôn vẫn nhớ tánh tình từng sinh viên, biết tôi thích hoa quả. Chả là cây khế chùa Trúc Lâm đã từng bị tróc nã từng quả một khi đám sinh viên như cơn lốc ào đến chùa, huyên náo, mà thủ phạm chính là cô bé gầy nhất đám. Có điều chi ngoài đời thoát khỏi đôi mắt sáng như điện, dù Ôn đang ngồi trong phòng tăng hay đang nhắm mắt?


Chỉ một chút tri ngộ ấy cũng đủ để nhớ đời. Huống chi công đức của Ôn đối với đạo Pháp và Phật tử Huế thật là rộng khắp!


Hôm nay viết về Ôn, bỗng nhớ khế Trúc Lâm, nhớ hương mộc trong sân, bụi trúc vàng cao quí trước ngõ, đôi mắt của Ôn lấp lánh đàng xa.


Thế gian đang đầy ma chướng, ác quĩ vây bủa con người. Xin Bồ tát trở lại trần đi thôi!


 Viết tưởng niệm Thầy


Một giờ ghé chân nước Mỹ


July 2007


Phật tử Thái thị Kim Lan