Trang chủ Văn hóa Du lịch Ở Thanh Thủy – Phú Thọ có ngôi đền duy nhất thờ...

Ở Thanh Thủy – Phú Thọ có ngôi đền duy nhất thờ gia đình Sơn Tinh

478

Đền Lăng Sương gắn với nhiều giai thoại về Tản Viên Sơn Thánh, là ngôi đền duy nhất trên cả nước thờ gia đình ông.

Tản Viên Sơn Thánh, có tên sinh thời là Nguyễn Tuấn, còn được biết đến là Sơn Tinh trong tích “Sơn Tinh – Thuỷ Tinh” in đậm trong tâm thức của người Việt. Theo truyền thuyết, ông là con rể của Vua Hùng thứ 18, có công giúp dân trị thuỷ, khai hoá đất hoang, giết thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm nên được nhân dân suy tôn là đứng đầu trong Tứ bất tử. Tín ngưỡng thờ Thánh Tản Viên đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người Việt Nam từ bao đời nay, có nơi thờ chính, có nơi thờ vọng, song Lăng Sương là mảnh đất sinh ra Đức Thánh Tản.
Di tích lịch sử Đền Lăng Sương nằm tại xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thuỷ, nằm cách thành phố Việt Trì khoảng 45 km. Theo ghi chép trong cuốn Ngọc phả được soạn vào năm 1011, trước tại động Lăng Sương có vợ chồng ông Nguyễn Cao Hành và bà Thái Vỹ (tên huý là Đinh Thị Đen) sinh sống, làm nhiều việc tốt.
Một hôm, có con Rồng vàng sà xuống giếng hút nước, phun châu nhả ngọc. Bà Vỹ ra giếng gánh nước, ngồi trên tảng đá tắm gội, bỗng dưng cơ thể thơm tho. Sau đó, bà mang thai 14 tháng, sinh ra người con trai diện mạo khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Tuấn, chính là Thánh Tản Viên Sơn, sau này có nhiều công lao với nhân dân, đất nước.
Khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi báu, ông không nhận mà khuyên vua nhường ngôi cho Thục Phán để nhân dân tránh khỏi binh đao loạn lạc, đánh dấu sự chuyển giao từ nhà nước Văn Lang sang nhà nước Âu Lạc của lịch sử Việt Nam. Cảm kích tấm lòng đó, Thục An Dương Vương đã dựng cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, đồng thời ban chiếu cho lập đền thờ Thánh Tản tại động Lăng Sương.

Giếng Thiên Thanh quanh năm có nước trong vắt, bên cạnh là hòn đá Quỳ. Khi Thánh Mẫu chuyển dạ sinh Thánh Tản Viên, bà khuỵu chân chống tay xuống phiến đá, ngón tay hằn lên đến nay vẫn còn
Ngoài thờ Thánh Tản và Thánh Mẫu sinh ra , đền Lăng Sương còn thờ thân phụ Nguyễn Cao Hành; dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn; tướng Quý Minh, Cao Sơn đã có công giúp Thánh Tản đánh giặc; Ngọc Hoa công chúa – vợ Thánh Tản. Ngoài ra, tại đây cũng phối thờ Bạch tinh thần nữ, vị chúa đất động Lăng Sương cùng hai thị nữ của Ngọc Hoa công chúa là Đào Hoa và Quế Hoa. Hiện tại, đây là ngôi đền duy nhất trên cả nước thờ cả gia đình Đức Thánh Tản và cũng là nơi thờ gốc trong hệ thống các di tích thờ Tản Viên Sơn ở Việt Nam.

Ngôi đền là một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc như nghi môn, miếu Hai Cô, giếng Thiên Thanh, ao chữ vương, nhà bia, nhà võng, 2 toà tả hữu mạc, đền chính và lăng Thánh Mẫu.
Hiện tại, đền có mặt bằng khá rộng, khoảng hơn 3.000 m2. Đến nay, trong đền còn lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật cổ minh chứng cho nguồn gốc xa xưa và bề dày lịch sử của ngôi đền như ấn triện đồng cổ có khắc dòng chữ Hán “Gia Hưng từ, Lăng Sương tích, Đặng Vương động”, văn bia bằng đá khắc năm 1848, một số đạo sắc phong của các triều đại phong kiến…
Lễ hội đền Lăng Sương được tổ chức vào 15 tháng giêng hằng năm, tương truyền là ngày sinh Thánh Tản. Lễ hội này đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào tháng 9/2018.( Sưu tầm)

Xin giới thiệu một số hình ảnh Đền Lăng Sương.



Phúc Thịnh