Cuộc đời của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không đơn giản, đã có lúc ông tạm phải gác nghiệp văn chương và đi làm nhiều nghề khác để mưu sinh trong những năm tuổi đời sung sức. Nhưng khi đã ngoại thất thập, ông lại “tái xuất giang hồ” và ngay lập tức tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong cả giới chuyên môn lẫn độc giả. Với những ai đã từng say đắm với các tiểu thuyết trước của ông, hy vọng rằng “Đội gạo lên chùa” sẽ lại đem đến những câu văn mê đắm cùng với những tình tiết lý thú và giàu sức truyền cảm…
Phóng viên (PV): Văn chương với “những người được chọn” đúng là như duyên nợ trọn kiếp. Ông cũng là một “người được chọn”. Bây giờ, nhìn lại những chặng đường văn đã qua, ông có cảm nhận thế nào?
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Từ thủa bé tôi đã là cậu học trò rất mê thích văn chương. Năm tôi lên 10 tuổi, tôi đã đọc "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách, mọi người trong gia đình bảo: "Mới bé tí nứt mắt thế mà đọc quyển này thì lớn lên nhất định sẽ lãng mạn lắm đây"… Nhà tôi có một hòm sách, ngày ngày tôi lấy sách ở trong hòm ra rồi mỗi lần đọc xong quyển nào lại cho vào hòm khóa lại, nâng niu và trân trọng sách như là báu vật của đời. Đến khi đọc hết sách trong hòm thì sang nhà bạn chơi, thấy nhà bạn có một thùng sách thì lại nì nèo mượn bạn để đọc. Ngày đó, tôi thích thú vô cùng "Đông Chu liệt quốc", nghiền ngẫm "Thuyết Đường", say mê "Thủy Hử", "Tây Du Ký", ám ảnh bởi "Anh hùng Náo"… Toàn truyện Trung Hoa… Tôi cũng kịp "nghiến" hết thùng sách của nhà bạn…
Sau này lớn lên tôi vào Đại học Y, học được 1, 2 năm thì tôi đi bộ đội, năm 1957 khi trong quân ngũ tôi viết một truyện ngắn đầu tay gửi về và được giải của tạp chí Văn nghệ quân đội.
PV: Tôi cũng được biết sau này ông làm phóng viên, biên tập ở Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Đúng rồi. Nhưng vào nghề văn mà hồi trẻ mình vẫn tính tự do, nói năng văng mạng, nghĩ gì nói nấy, thì dễ xảy ra tai nạn văn chương. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi vẫn không bỏ bút, vẫn âm thầm viết dù hoàn cảnh lúc bấy giờ thật khó khăn. Hàng ngày tôi phải bươn bả kiếm sống, làm đủ các thứ nghề để nuôi gia đình 7 miệng ăn. Nhưng tối đến thì thắp đèn dầu ngồi hì hụi viết trên những trang giấy đi xin và góp nhặt được. Đó là những trang giấy đen một mặt. Nhưng, được viết là một sự giải thoát, là một đam mê lớn. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm sự đều trút lên trang giấy. Ham mê tạo ra sự hứng thú.
PV: Sau này, ông đã viết những câu chuyện khác nhau, từ truyện dã sử thời “Hồ Quý Ly” đến thời kỳ chống thực dân Pháp “Mẫu Thượng Ngàn”. Những tác phẩm của ông cho dù viết về thời kỳ nào cũng có sức hấp dẫn và lôi cuốn độc giả. Ông đi từ lịch sử đến hiện thực, hẳn ông phải có sự trải nghiệm nào chứ?
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Viết văn, anh phải quan tâm đến bình diện của cuộc sống. Tôi nghĩ việc đọc quan trọng lắm, đọc để mình tích trữ, từ triết học cho đến các môn khoa học khác, nhiều cuốn sách lịch sử và cố gắng cảm nhận. Càng hiểu biết thì càng tốt. Đọc và tích lũy là nguồn rất lớn và mình trải nghiệm bất cứ việc gì. "Mẫu Thượng Ngàn" là câu chuyện của làng quê tôi. Tuy rằng, tôi ở quê có 6 tháng nhưng năm nào cứ đến 3 tháng hè thì tôi lại về quê. Mỗi một nhà văn đều có vùng quê gắn bó nào đấy.
Mỗi con người có thể có một vài vùng gắn bó với mình, điều đó rất quan trọng. Có những cuốn tiểu thuyết mà muốn viết thì mình phải trải nghiệm. Và đó hoàn toàn là mảng sống thật. Nhưng cũng có những cuốn tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, nhưng cũng lại rất thật, y như đời sống. Như "Mẫu Thượng Ngàn" chẳng hạn, tôi viết theo trí tưởng tượng của tôi, nhưng bạn đọc vẫn cảm thấy không khí và con người rất gắn bó với họ. Thật ra, những nhân vật trong trang sách là những hình mẫu thấp thoáng có thật ở ngoài đời. Có những nhân vật hình thành nhờ những kiến thức do mình đọc trong sách. Thủa bé, tôi đọc rất nhiều sách Pháp…
|
Bìa cuốn sách Hồ Quý Ly”. |
PV: Văn hóa làng xã và tập tục cổ truyền của con người Việt Nam được bộc lộ rõ trong tác phẩm của ông. Tôi xin hỏi điều này, ông có đau đáu không khi ngày nay, trong xã hội hiện thời có vẻ như các yếu tố truyền thống đấy đang dần mất đi, mai một đi?
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Giữa truyền thống và hiện đại, ta phải giữ những truyền thống nào phù hợp với đời sống hiện đại chứ. Chứ truyền thống nào mà không phù hợp thì phải bỏ thôi. Ta phải xây dựng cả cái mới nữa chứ..
PV: Tiếp biến văn hóa…
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Đúng vậy, tiếp biến văn hóa. Văn hóa không có nghĩa là đứng dậm chân tại chỗ. Văn hóa có tiếp thu và phát triển. Văn hóa động, rất động. Mình bảo tồn văn hóa dân tộc, có những cái muốn hay không thì cũng phải mất đi thôi. Cái sự mất đi khi không phù hợp nữa thì nó phải mất đi chứ không phải là cái gì nó cũng là bất biến cả.
PV: Văn hào Nga Maxim Gorky đã từng nói: "Văn học là nhân học", văn là khoa học về con người. Và nhiều nhà văn khác cũng đã nói rồi, nghề văn là nghề khổ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Phải làm bằng chết thì thôi! Phải công phu lớn chứ không phải dễ dàng. Có những nhà văn gặp hoàn cảnh thực tiễn vốn đã hay quá rồi chỉ viết lại trung thực với hoàn cảnh thì đã thành tác phẩm ấn tượng rồi, nhưng sau đó không viết được nữa. Có nhà văn chỉ viết một hoặc hai truyện ngắn dựa trên những câu chuyện có thật và họ không có ý thức mê say cao độ, công phu để tự đào luyện mình. Và rồi không thể viết lâu dài được. Chỉ viết một, hai truyện là hết vốn sống, nhà văn phải rất có ý thức về nghề của mình.
Làm một nghề để cho tinh đã khó rồi, nữa là nghề tạo ra văn hóa – nghề viết văn. Viết văn có nghĩa là tổng hợp, nhìn từ đời sống mà rút những cái tinh túy từ đời sống ra thì mình phải có đào luyện và cẩn thận.
PV: Trong các tác phẩm tiểu thuyết của ông thấy nổi rõ tinh thần Phật pháp. Và hình bóng người phụ nữ hiện lên trong tác phẩm của ông hết sức gợi cảm, ấn tượng và có đời sống đặc biệt. Theo ông, người phụ nữ có ảnh hưởng lớn như thế nào trong gia đình và ngoài xã hội?
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Người phụ nữ Việt Nam so với các nước láng giềng ở trong khu vực Đông Nam Á, châu Á đã khác rồi, và so với phương Tây thì càng khác nữa.
Người Việt mình trồng lúa nước nên vai trò của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng. Một đất nước nông nghiệp thì người phụ nữ lao động đóng góp tạo ra của cải trong gia đình. Và xuất phát từ mẫu hệ điều đấy thể hiện ở tôn giáo. Nước ta, khi chưa hình thành đạo Mẫu là đã có tục thờ những người phụ nữ có công với dân với nước như Ngọc Hoa công chúa, bà chúa Mía, Bà chúa Dâu (trồng dâu nuôi tằm), Bà Trưng, Bà Triệu… Hoặc thờ những người phụ nữ làm sinh sôi nảy nở ra, đạo Mẫu có lẽ là tàn dư của chế độ mẫu hệå. Sau một nghìn năm Bắc thuộc thì mới thành chế độ phụ hệ.
Tiếp đến, khi đạo Phật vào Việt Nam, dân ta thấm nhuần tinh thần đạo Phật cũng tương đối sâu sắc. Người dân đa phần đều là Phật tử và chất của Phật giáo vẫn nằm trong con người mình. Khi đạo Khổng du nhập vào Việt Nam thì đạo Khổng ở đình. Ngôi đình trong làng quê Việt có thể được coi như "tiểu triều đình", là nơi những người đàn ông vai vế ngồi với nhau. Còn những người đàn bà thì lại đi chùa. Đạo Khổng nằm ở ngoài đình, thì đạo Phật mất ngôi thống trị về mặt hệ tư tưởng.
Trước kia nhà chùa là nơi dạy học, mọi sinh hoạt ở ngoài chùa cả, đàn ông cũng có mặt ở chùa. Khi đạo Khổng phát triển mạnh mẽ thì ngôi đình trở nên quan trọng, đàn ông sinh hoạt văn hóa ở đấy. Chùa chỉ còn là nơi đa phần dành cho người phụ nữ sinh hoạt văn hóa. Như hai phần âm, dương. Các tập tục đi chùa ngày lễ hội, hội bà vãi, đầu xuân đi lễ chùa thấm nhuần vào người mẹ; đứa trẻ bé tí đã lẽo đẽo theo mẹ và thích đi chùa rồi. Giáo lý của đạo Phật của người mẹ thấm nhuần và bất cứ người nào cũng có người mẹ của mình. Người mẹ dần dà truyền văn hóa đạo Phật cho con, mặc dù người con lớn lên có thể theo lý thuyết nào nữa chăng nữa, những yếu tố văn hóa Phật giáo đã vào mình từ thủa ấu thơ và cứ còn mãi mãi.
|
Bìa cuốn sách “Mẫu Thượng Ngàn”. |
PV: Kể cả khi chúng ta đã sống trong thời đa văn hóa thì văn hóa Phật giáo vẫn chi phối rất nhiều…
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Dân tộc Việt Nam là dân tộc Phật giáo, nghĩa là yếu tố Phật giáo vẫn tồn tại trong mình. Mặc dầu đạo Phật đã không còn là quốc đạo nữa, nhưng vai trò của người mẹ, người đàn bà ở xã hội Việt Nam giữ phần tâm linh, phần âm, phần kiên trì nhẫn nhục, dồn nén để đến một lúc nào đó bùng phát ra.
PV: Cuộc sống hiện nay của ông ra sao?
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Tôi vẫn thường xuyên đọc, mỗi ngày tôi dành ra mấy tiếng để đọc sách. Mấy hôm nay tôi đọc tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Thế mà cũng đã ngốn hết 4 cuốn, toàn truyện về tình yêu cả, cũng lý thú.
Bây giờ già rồi cũng ngại đi, thỉnh thoảng mua sách thì ra phố thôi, chứ hạn chế đi lắm. Dăm ba tháng một lần mấy ông bạn già, toàn là bạn văn cả, lại rủ nhau đi chơi các tỉnh vài hôm…
PV: Đến giờ ông có mong muốn gì không?
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Sống đến giờ thì tôi cũng chả còn ham hố gì, chỉ có ao ước tâm niệm một điều rằng, nếu mà ông trời thương cho mình còn sức khỏe, còn minh mẫn thì cố mà viết một, hai cuốn. Không thì viết một cuốn nữa cũng được, đấy là sự cố gắng nhất của tôi.
PV: Con người ta hiếm khi bằng lòng với chính mình. Nhưng vượt được cái bóng của mình cũng là điều cực khó. Nhất là “văn chương viết được là do nhờ giời” – câu của nhà văn Nguyễn Khải.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Vâng, ai chả biết là thế. Nhưng cũng phải cố thôi chứ biết làm thế nào. Cuộc đời này là sự vận động không ngừng nghỉ cơ mà. Nhà văn cũng vận động mà độc giả cũng vận động. Độc giả cũng mong muốn mình viết hơn lên nữa, tác phẩm sau hơn tác phẩm trước, nhưng sự thực là thay đổi mình cũng khó. Những sự bứt phá, vượt mình lên cũng cực khó. Mỗi một cuốn tiểu thuyết thường thường tôi viết trong khoảng 4, 5 năm. Tôi viết tay. Nghĩ là phần quan trọng nhất. Khi đã nghĩ xong thì viết nhanh thôi.
Chia tay ông ra về, ông tiễn tôi ra ngoài cửa, mưa vẫn rơi lộp độp xuống con ngõ nhỏ heo hút và lầy lội. Ông bảo, ông sống ở làng Thanh Nhàn này đã 70 năm. Năm ông lên 6 tuổi thì cha ông mất, ông theo mẹ về quê ngoại ở phố Huế, Tây làm cháy phố Huế, cả nhà ông kéo lên làng này khoang đất dựng nhà.
Ông nhớ lại ngày đấy, đây còn là mảnh đất hoang vu, hồ ao, cỏ mọc lút, ếch nhái râm ran. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân chạy Tây ở các nơi khác đã đến trú ngụ tại làng này. Người ta gọi là xóm lao động. Xóm này sống chủ yếu bằng nghề trồng ổi, thả sen, nuôi cá.
Ngày đó, chỉ có một vài nhà gạch còn thì toàn nhà tre, nứa lá, mỗi khi có gia đình nào đến thì hàng xóm lại giúp cho ít lá gồi, để lợp mái, giúp ít tre để dựng nhà. Nhưng bây giờ đất đây cũng đã thành đất vàng. Thời thế thay đổi, người thì cứ sinh sôi thêm mà đất thì không nở ra được. Và, chỉ vì một mét đất người trong cùng một gia đình cũng có thể mang nhau lên tòa để kiện cáo…