Đầu năm được gọi là ngày Tết, dù là Tết dương lịch hay Tết cổ truyền, đều lấy ngày mồng một tháng giêng của dương hoặc âm lịch làm ngày khởi đầu cho năm mới.
Các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu đều lấy ngày và tháng đầu năm để đón Tết. Nói như thế không phải Việt Nam tùy thuộc vào sinh hoạt văn hóa của Tàu, bằng cớ: "Tết, thì những thế kỷ trước Công nguyên, người cổ ở đất Việt phương Nam này không tổ chức Tết vào mùa Xuân, càng không lấy ngày đầu tháng Giêng làm ngày Tết như người Hoa từ thời nhà Hán ở phương Bắc. Tổ tiên xa xưa của chúng ta ăn Tết và vui Tết vào mùa Thu, lấy ngày đầu tháng Chín làm ngày đầu năm.
Điều này đã được chép vào sách Thái Bình hoàn vũ ký. Sở dĩ như vậy là vì thời tiết, rồi thời vụ bấy giờ làm nông nghiệp lúa nước (chỉ một vụ là vụ Mùa) dẫn đến quan niệm định chế về lịch (lịch pháp) của cư dân xứ sở phương Nam, không những không thể giống mà còn xa lạ với phương Bắc. Chính Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo cũng đã khẳng định: "Phong tục Bắc Nam cũng khác"." ( Wikipedia)
Như thế, phong tục ăn Tết của ta đã có từ thời xa xưa mà theo Tiến sĩ Phan Công Chánh thì Tết Việt ta bắt nguồn từ nền văn minh Văn Lang và Lạc Việt khoảng 4.000 năm trước.
Thậm chí Vua Nghiêu vua Thuấn còn học của giống Bách Việt, Lạc Việt, Âu Việt những kỷ thuật văn minh, toán số, y lý… Khi nhà Tần thống nhất lục quốc, nhà Hán cai trị Trung nguyên, dân Bách Viết không chấp nhận đồng hóa với Tàu, bèn xuôi Nam hòa nhập cùng Lạc Việt.
Trước đây Lĩnh Nam thuộc đất Bách Việt. khi Tần Thủy Hoàng, 214 trước công nguyên chiếm Ngũ Lĩnh, dân Bách Việt mới bỏ xứ xuôi Nam. Lúc bấy giờ Đại tộc Việt có nền văn hóa lâu đời, luật pháp ổn định, xã hội phát triển.
Thời Khổng Tử, tuy Tàu đã có cuộc sống phát triển, thế nhưng, những cái gọi là văn minh đương đại, cũng không tự phát mà đã vay mượn từ đại Tộc Bách Việt.
Khổng tử san định kinh thư cũng từng nói: “Thuật nhi bất tác, tín nhi háo cổ; thiết tỷ ư ngã Lão Bành” mà Lão Bành cũng xuất thân từ giòng dõi Việt tộc. Và ngay cả Triệu Đà được cử xuống khai hóa phía Nam, cũng xác nhận dân chúng nơi đây đã có nền văn minh phát triển hơn phía Bắc.
Một nền văn minh lúa nước của Việt tộc phong phú, phồn thịnh thì chọn mùa màng kết thúc để làm Tết nghỉ ngơi vui chơi là chuyện đuơng nhiên; từ đó, ý niệm ngày Tết đã có đối với dân tộc ta.
Mỗi dân tộc đều chọn ngày Tết cho mình. Những quốc gia cận biên, qua giao lưu văn hóa, thương mãi, tín ngưỡng, nông nghiệp…đã ảnh hưởng nhau về một số sinh hoạt.
Chúng ta vẫn tự hào Việt tộc đã có một nền văn minh rất sớm, chính vì thế Hồng Bàng lập quốc đã nói lên tính Văn hiến của một dân tộc. Thế mà một số người cực đoan đòi bỏ Tết cổ truyền, chọn Tết dương lịch làm Tết chung. GS Võ Tòng Xuân lý luận:
"Một trong những lý do chính khiến Nhật Bản trở nên giàu có là nhờ sớm biết giao thương với Âu Mỹ, theo đúng phương pháp và tập quán Âu Mỹ. Vua Minh Trị Thiên Hoàng đã biết tranh thủ kỹ thuật của Tây phương, kể cả quyết định đổi tập quán ăn Tết của Nhật sang ăn Tết theo DL từ năm 1872".
Một GS đánh giá sự phát triển của một đất nước chỉ trên căn bản chuyển đổi ngày Tết như thế cũng lạ, sau khi viện dẫn một số lý do thiết thuyêt phục, GS Võ Tòng Xuân khuyên ta: Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta. Vì thương trường đối tác mà phải hủy bỏ nền văn hóa đặc thù của một dân tộc.
Nếu bảo do ta ăn Tết theo cổ truyền nên nghèo vì mất thời gian và mất cơ may khi đối tác với thương trường thì Trung quốc, Nam Triều Tiên, Đài Loan hiện nay đâu phải là quốc nghèo khi vẫn giữ Tết cổ truyền???
Tết luôn gắn liền với đời sống của dân tộc, nhưng hưởng Tết thế nào có ý nghĩa, không chỉ hưởng thụ ăn chơi trong ba ngày Xuân mà còn có ý nghĩa Tâm linh của một dân tộc sâu đậm nét tín ngưỡng.
Trong ba Tôn giáo lớn ảnh hưởng với chúng ta là Thích Lão Khổng, đầu Xuân, người dân thường đi lễ chùa vào đêm Giao thừa, giờ đầu năm được gọi là vía Di Lặc. Tập quán nầy không rõ xuất xứ từ bao giờ, nhưng tinh thần Di Lặc đã thâm nhập vào Phật giáo Việt Nam từ thời Lý.
Qua bao cuộc thăng trầm của Phật giáo, hình ảnh Di Lặc được phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XX, nhất là miền Nam. Cũng từ đó, bảo tượng Di Lặc cũng được tôn tạo qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng nét giống nhau là nụ cười đầy hoan hỷ và dạng người phốp pháp, bụng dung chứa mọi cái mà thế gian không thể dung chứa:
"Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự.
Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân”.
(Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được.
Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể mỉm cười được).
Không phải tự dưng cổ nhân chọn giờ giao thừa làm lễ vía Di Lặc, mùa xuân gọi là xuân Di Lặc.
Chữ Tết có nghĩa là kết gắn, Giờ giao thừa lễ vía đức Bồ Tát Di Lặc có nghĩa bắt đầu một năm mới kết tập mọi điều may mắn, tốt lành và tràn đầy vui tươi hoan hỷ. Chuyện buồn phiền xui xấu cho qua đi; mọi người chúc tụng nhau những lời tốt đẹp.
Chính vì thế đại đế Quang Trung đã chọn ngày cuối năm cho binh sĩ ăn Tết sớm để lập thành tích lớn cho năm mới tràn đầy niềm vui.
Người dân quanh năm bận bịu, giao thừa hoặc đầu năm luôn đi lễ chùa, ngoài việc cầu phúc cầu tài, cầu cho tai qua nạn khỏi, phúc lạc giáng lâm.
Các sư sau thời lễ vía luôn cầu cho quốc thái dân an. Các bô lão đình làng cũng khấn bái Thành hoàng thổ địa giúp cho dân lành an cư lạc nghiệp. Tinh thần vui Xuân hưởng Tết luôn gắn liền với ý thức dân tộc, độc lập nước nhà và đạo đức gia môn.
Suốt bao cuộc chiến tạo rách nát quê hương, nhân dân đồ thán, nhưng ngày Xuân, họ vẫn không bao giờ quên, cho dù nghèo, trên bàn thờ gia tiên cửu huyền cũng có chén nước nhánh hoa mâm quả.
Cháu con đoàn tụ chúc thọ ông bà. Những phong bì đỏ đem lại niềm vui cho lũ trẻ. Những chiến sĩ biên cương cũng được hậu phương tặng quà gửi thư chúc Tết.
Cộng đồng kiều bào lưu lạc khắp nơi, đêm giao thừa cũng quây quần bên nhau để hướng về quê nhà, nhớ đến thân nhân ruột thịt đang êm ấm đoàn tụ.
Các chùa cũng tổ chức các đoàn đi ủy lạo đồng bào lê lếch trên các vỉa hè hoặc những gia cảnh neo đơn, vô thân tứ cố. Các chùa cũng tạo cây Mai toòn ten phong bao phúc lộc với những câu kinh Pháp Cú.
Các miền quê hoặc ngoại ô trước đêm giáo thừa luôn bập bềnh ngọn lửa liếm quanh nồi bánh chưng bánh tét giữa nhạc Xuân rộn rã khắp nơi, và ai đó thấm thía nhạc bản: “Xuân Nầy con không về” để tủi thân đau phận đang tha phương cầu thực.
Chính bao phiền não cuộc trần mà chúng sinh cần đến tôn giáo, chính nhu cầu tâm linh và giải tỏa niềm đau kiếp người mà Phật giáo đã có mùa Xuân Di Lặc đem lại cơ may cho mọi người.
Với nụ cười thong dong thoải mái của Đức Di Lặc khi khách thập phương buớc chân vào chùa cũng làm vơi gánh nặng trần ai của bao lữ thứ bụi trần; Và cũng bao lần thắng ngoại xâm, giữ vững văn hóa cha ông cũng từ truyền thống tín ngưỡng gắn liền với quê hương: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” (Huyền Không).
Tinh thần Phật giáo luôn là năng lượng cho dân tộc. Những người con trên đất nước hay đang tha hương vẫn còn giữ được tinh thần dân tộc và tín ngưỡng hòa quyện với nhau.
Đó là nét đẹp truyền thống đặc thù được bảo tồn và phải được bảo tồn như sự bảo tồn nét hoan hỷ của một Bồ Tát Di Lặc cho một mùa Xuân, có như thế dân tộc ta mới trường tồn vĩnh cửu.