Giờ đây, mặc dù những người chung quanh bà đang phiền muộn về các vấn đề tài chính, người mẹ đã ly dị chồng của hai đứa con đoan chắc rằng đây không phải là điều tồi tệ nhất trên đời, một viễn cảnh mà bà đã nhìn thấy khi bà trở thành người phụ nữ ở miền trung tây được truyền giới để trở thành tỳ kheo ni của một trong những tông phái cổ xưa nhất của Phật giáo vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Franklin và khoảng hơn 10 người phụ nữ Hoa Kỳ đang cố gắng làm sống lại ni đoàn sống theo lối sống khổ hạnh có từ thời đức Phật Thích Ca nhưng đã bắt đầu biến mất tại Sri Lanka 11 thế kỷ trước. Franklin nói rằng thật cần thiết để mở lại thêm một con đường cho các nữ Phật tử dâng hiến cuộc đời mình cho giáo pháp, đây là một cách để giúp kiềm hãm bạo lực và làm giảm bớt sự tham đắm vật chất trong thế giới của ngày hôm nay.
Franklin, 59 tuổi, công dân của thành phố Elkhorn bang Wiscosin nói, “Tôi chỉ là một người bình thường. Việc tôi làm chỉ là đem lời dạy của đức Phật đến được với nhiều người người Hoa Kỳ hơn.”
Năm ngoái, tại Unitarian Church of Woodstock, Franklin đã tiếp nhận 10 giới để trở sa di ni và bắt đầu chuẩn bị chấp nhận giữ 311 giới bắt buộc để trở thành tỳ khưu ni, một con đường phải mất hàng năm.
Chấp nhận những giới luật để sống khổ hạnh là một trong những cách để Franklin giác ngộ cuộc đời của mình. Vài giờ sau khi xuống tóc và mặc áo cà sa màu đỏ sẫm, bà đưa con trai Stephen đến trường cao đẳng. Kate, con gái của bà cũng đang học cao đẳng
Không có ý chọn để sống trong tu viện, Franklin chuyển ngôi nhà mới của mình thành chốn tu tập thiêng liêng. Bà đã bán ngôi nhà của mình tại Williams Bay và mua một căn hộ chung cư nhỏ hơn nhiều gần Elkhorn. Chiếc bàn trong phòng khách trở thành bàn thờ, trên bàn bày một tượng Phật nhỏ và các ngọn nến.
Franklin ngồi bất động thiền định trong phòng hàng giờ, một cách thực tập có thể khiến cho một số người cho là sống ích kỷ. Nhưng đó là cách duy nhất bà có thể làm để an tâm của mình và qua đó quyết định xem mình nên làm gì cho chính mình và cho những người khác.
Bà nói, “Chính vấn đề ích kỷ là một sự chướng ngại. Người Mỹ thường nghĩ rằng chúng tôi có nhiều thứ vì vậy chúng tôi phải giúp người khác. Cốt tủy của lời dạy tinh thần của đức Phật là bạn không thể ban phát lòng từ trừ phi chính bạn chứng nghiệm được nó. Bạn không thể cho một vật gì mà bạn không có.”
“Một khi bạn có được nó, bạn mới có thể đem cho nó được.”
Franklin đã dành toàn bộ cuộc đời mình để tìm cầu chân lý. Chuyến hành trình đi tìm chân lý loanh quanh của bà đã dẫn dắt bà qua các nhà thờ, dừng lại một tòa soạn, trải qua những cuộc hôn nhân, làm mẹ, ly dị và căn bệnh ung thư.
Được nuôi dạy theo truyền thống Thiên Chúa giáo chính thống tại Houston, bà từ bỏ tôn giáo của mình vào năm 17 tuổi. Thay vào đó, cuộc đời trở thành một cuộc trải nghiệm để tìm cầu chân lý. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, bà chuyển đến California, nơi đây bà gặp người chồng đầu tiên và tiếp xúc với Eckankar, một tôn giáo nhỏ được thành lập vào năm 1965 bởi nhà văn Paul Twitchell. Trọng tâm giáo pháp của Eckankar là niềm tin cho rằng linh hồn có thể rời thể xác theo ý muốn của nó.
Nghi ngờ về sự lãnh đạo của tổ chức, Franklin chia tay với tổ chức này và đồng thời chia tay với người chồng đầu tiên. Bà qua Nhật để dạy tiếng Anh và làm quen với Phật giáo lần đầu tiên, mặc dù Phật giáo lúc này chẳng hấp dẫn gì đối với bà.
Một thời gian ngắn sau khi quay lại Hoa Kỳ, bà chuyển đến Wisconsin và làm công việc của một nhà biên tập sách, bà gặp người chồng thứ hai và có hai đứa con. Bà cũng tham gia và dạy lớp học ngày chủ nhật tại United Church of Christ. Bà rất cảm kích quan điểm của nhà thờ về việc xem Chúa như là tình yêu, không phải là một đấng toàn năng sân hận mà bà biết đến khi còn là một đứa trẻ.
Bà nói, “Việc này đã làm lành rất nhiều nỗi chua xót về sự cự tuyệt Thiên chúa giáo của tôi.”
Nhưng việc bà không có thể tin vào Chúa như là một nguồn sức mạnh khi bà bị chẩn đoán ung thư năm 1994 đã thuyết phục bà tin rằng mình không phải là một người Thiên chúa giáo. Bà nói lời cầu nguyện của bà rơi vào sự trống không.
Năm sau đó bà tham dự khóa tu của Phật giáo Tây Tạng tại Milwaukee và phát nguyện làm thiền sinh chỉ trong vài ngày. Sau đó, bà tiếp tục con đường trong tám năm. Thiền định đã giúp bà nhìn rõ sự thật về một thực tại buồn đó là sự tan vỡ của mối quan hệ hôn nhân kéo dài 12 năm của bà.
Frankin cho rằng truyền thống Thiên Chúa giáo chính thống của bà đã lôi cuốn bà đến với giáo pháp của Phật giáo Nam tông. Nhưng chính lời Phật dạy trong kinh điển Nam tông rằng có 84.000 chân lý trong vũ trụ là hấp dẫn nhất đối với bà. Phật giáo đang là một chân lý duy nhất.
Những lời dạy của đức Phật đã giúp bà khi hai con bà trở nên độc lập hơn, Nhưng tình mẫu tử là một sự cam kết khiến cho Franklin cảm thấy ngập ngừng trước khi quyết định nhận truyền giới.
Bà nói, “Tôi biết đây là con đường đúng đắn, nhưng đó là cái trách nhiệm mà tôi phải đảm nhận trong cuộc đời này, và có lẽ là một trách nhiệm mà tôi tuyệt đối không bao giờ muốn từ bỏ. Tôi muốn trở thành một ni sư nhưng tôi không muốn từ bỏ thứ quý giá nhất của tôi.”
Bà tham vấn thầy của mình, Suhatha Bhante sống tại Crystal Lake, một thành phố nằm ở phía đông bắc bang Illinois. Thầy giải thích với bà rằng tình mẫu tử không phải là một sự chướng ngại. Thực ra, người tỳ kheo ni đầu tiên của Phật giáo là người phụ nữ đã đích thân nuôi dạy đức Phật.
Ông nói, “Con sẽ không bớt yêu các con của con đi mà chỉ yêu thêm số chúng sinh còn lại trên thế giới mà thôi.”
Bà nói, “Tôi nghĩ là tôi có thể làm được điều thầy tôi nói vì con của tôi dạy cho tôi thế nào là yêu thương không điều kiện.”
Thầy của bà nói rằng bà có năng lực tập trung và sự cam đảm cần thiết để mặc áo cà sa và sống hết lòng với trách nhiệm. Bà cũng tạo bộ mặt Tây phương cho truyền thống Phật giáo mà ông tin rằng việc này sẽ làm tăng sự lôi cuốn đối với người địa phương.
Ông nói, “Bởi vì 1.000 con mắt đang nhìn chúng ta. Thầy muốn truyền bá giáo pháp của đức Phật cho nền văn hóa này.”
Sống cho trọn với sự cam kết khó hơn Franklin nghĩ. Nhiều tháng sau khi tự điều chỉnh để sống cuộc sống đơn độc nhằm tu tập, con trai của bà trở về nhà. Sống với một ai đó không cùng một cách sống đã cho thấy những thử thách cho cuộc sống thường ngày mà bà không lường được trước, chẳng hạn gìn giữ giới luật liên quan đến việc ăn uống và từ bỏ sự tiêu khiển giải trí như xem TV.
Điều đó Frankin nói rằng đã cho bà sự chuẩn bị tốt hơn đối với việc thọ giới của bà. Bà nói rằng con đường trước mắt chưa bao giờ trở nên rõ ràng như thế.
Tại buổi lễ truyền giới, thầy của bà đã đặt tên cho ba là Vimala, có nghĩa là sự trong sáng.
Quảng Hiền dịch