Trang chủ Văn học Tùy bút Nụ cười Thiền sư

Nụ cười Thiền sư

251

Đi đâu, tôi cũng nhìn thấy những nụ cười như nở hoa mà hiền lành làm sao, những nụ cười của người con Phật khi đến chùa thì hình như bao nhiêu phiền muộn đều gởi lại ở bên ngoài hay muốn quên đi…, quên càng nhiều càng tốt để chỉ tĩnh tâm nghĩ đến những lời Phật dạy mà trong đời sống thường ngày tât bật dễ khiến người ta lỡ quên…


Bên cạnh những ngày vui của mùa Đại Lễ hôm nay, tôi được nghe học và cùng trao đổi nhiều với bạn bè về Triết học Phật giáo và Thiền học VN. Tôi bỗng chạnh nhớ đến một “Nụ cười của Thiền sư” ở chùa Quan Âm, thành phố Montreal, Canada vào thập niên 90, những năm mà gia đình chúng tôi còn định cư ở đây và thường đến giúp chùa làm văn nghệ Phật giáo và Dân tộc vào các dịp Lễ, Tết.


Một hôm, nghe tin Hòa Thượng Thích Thanh Từ ở VN sang thăm chùa Quan Âm, nhằm ngày tuyết rơi dày đặc mà Phật tử tràn về chùa để nghe Thầy giảng rất đông, xe đậu tràn cả 2 bên đường dài dài… Phật tử ngồi chật cả giảng đường , tràn cả ra hành lang, mặc cho tuyết lạnh, bởi nhiều người chỉ nghe danh tiếng chứ chưa được gặp Thầy. Tôi cũng vậy, ai ai cũng mong đợi được nhìn thấy Thầy…


Ban Tổ chức vừa giới thiệu, Thầy bước vào giảng đường với nụ cười hiền lành và an nhiên thật sự, với phong cách người miền Nam rất giản dị để chào hỏi bà con Phật tử ở đây. Đặc biệt, không chiêng trống rùm beng, không lọng vàng đón rước cung thỉnh như các vị HT, TT ở các chùa khác khi xuất hiện trước  công chúng. Chỉ sau 3 hồi chuông, Phật tử cung kính đồng loạt đứng lên chắp tay cúi chào Thầy. Thầy lạy Phật xong mời tất cả cùng ngồi xuống nói chuyện rất tự nhiên và thân mật. Hôm nay Thầy giảng về đức Từ bi, Hỷ Xả và tinh thần hòa hợp hòa giải của Phật giáo. Lời Thầy giảng thật hiền hòa, bình dị, dễ hiểu, không khó khăn kiểu cách, không vẽ vời rồng phụng cao xa… Phật tử vô cùng hoan hỉ, giờ giải lao ai cũng muốn đến đảnh lễ Thầy để được hỏi han thêm. Bỗng có một người đứng lên đưa tay xin hỏi:


“Thưa HT, nghe nói HT ở VN mới qua, vậy xin hỏi HT về vấn đề Nhân quyền ở VN hiện nay ra sao?”.


Thầy cười thật hiền lành và trả lời vui vẻ: “A Di Đà Phật, tôi tu hành ở chùa, chỉ biết công việc chùa thôi, tôi đâu có làm chính trị, biết gì về chính trị mà nói. Xin đạo hữu tìm người hiểu biết về chính trị mà hỏi, chắc rõ hơn tôi. Vì tôi không biết mà nói là nói bậy, nói trật, người tu mà nói bậy, nói láo là có tội với Phật!… Mô Phật! Xin cho tôi khỏi trả lời câu này”. Rồi Thầy cười rất tự nhiên và vui vẻ với người hỏi. Phật tử vỗ tay vang cả hội trường. Ông kia tiu nghỉu đi xuống. Một người khác lại chen lên và hỏi lơn, giọng hơi hằn học:


“Thưa HT, như HT nói ở chùa, chỉ biết việc chùa, vậy tại sao có các vị HT, TT… bị chỉ định chỉ được cư trú ở địa phương quê quán của họ thôi vậy?”.


Thầy Thanh Từ vẫn giữ nụ cười bình tĩnh, thản nhiên, không có vẻ gì bất bình hay khó chịu như một số tu sĩ khác khi nghe những lời trái ý mình. Thầy trả lời vui vẻ với nụ cười an nhiên tự tại thật sự: “A Di Đà Phật! Tuy là cùng tu hành trong công việc Phật sự của nhà chùa, nhưng tôi tu ở chùa của tôi, tôi biết việc của chùa tôi, còn các vị kia tu ở chùa của họ, cách nhau rất xa, có khi cả ngàn vạn dặm… cho nên tôi chỉ lo làm theo lời Phật dạy ở chùa tôi thôi. Tôi làm sao biết được các vị kia làm viêc gì ở chùa của họ… để bị chỉ định cư trú. Mà tôi không biết gì thì làm sao dám nói? Không biết mà nói là nói bậy, nói láo… lại có tội với Phật nữa! Xin quý vị nào muốn biết rõ sự tình thì cứ về hỏi trực tiếp quí vị HT trên hay hỏi ngay người xử lý họ thì chắc sẽ rõ hơn. Mô Phật!” – Rồi Thầy cười thật hiền lành, thật an nhiên với thái độ đặc biệt là luôn tôn trọng người hỏi. Phật tử lại vỗ tay vang dội cả phòng, lần này tiếng vỗ tay lai vang dài hơn… Người hỏi cố tìm một câu hỏi độc khác mà không ra, đành quay xuống rồi biến nhanh.


Thầy lại vui vẻ tiếp tục, thản nhiên như không có gì xảy ra sau 2 câu hỏi làm khó Thầy đó. “Mô Phật! Còn ai muốn hỏi gì nữa không? Cái gì tôi biết thì xin nói, còn cái gì không biết thì xin không dám trả lời, xin quý đạo hữu hoan hỉ cho!” – Rồi Thầy cười… Mọi người yên lặng lắng nghe đầy cảm phục và quý trọng Thầy vô vàn. Một giọng nói nhỏ sau lưng tôi: “Trời ơi! Sao ông Thầy này hiền lành và bình dân quá vậy!” Một giọng nói khác: “Họ chọc tức đến vậy mà còn cười vui được tỉnh bơ như không…!”. Tôi quay lại thưa với các cụ: “Dạ thưa! Đó là Nụ cười của Thiền Sư đấy ạ !”.


Thầy lại tiếp tục vui vẻ giảng về những gì thật bình thường, giản dị đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta hằng ngày… mà ta phải tu học làm sao để luôn phải đối mặt bằng cái “Tâm Phật” trước những sự thật đó, có khi không vừa lòng hay khó khăn, đau khổ… Thật không phải dễ gì để mà đón nhận những trái ngang, khổ sở hay đau đớn, thù hằn… đến với ta mà ta giữ được lòng không dao động, giữ được tâm trí bình thản… để đón nhận và chuyển hoa sao cho khó chịu thành dễ chịu, thù hằn thành thương yêu và nỗi đau thành nụ cười… thì chỉ có tu mà thôi.


Mọi người hôm đó như được khai mở thêm huệ nhãn, ấm lòng  trong niềm hạnh phúc đặc biệt về một nụ cười hiền lành, an nhiên tự tại thật sự của Thầy – “Nụ cười của Thiền Sư Thích Thanh Từ” trên xứ lạnh quê người, Thầy ơi! 


(*) Nguyên giảng viên Đại học Vạn Hạnh