Trang chủ Bài nổi bật NT.Thích Nữ Tịnh Nguyện: Huế – lưu dấu những nẻo đường cầu...

NT.Thích Nữ Tịnh Nguyện: Huế – lưu dấu những nẻo đường cầu học (P.2)

Ni trưởng Thích Nư Tịnh Nguyện hiện là Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư (thuộc Ban Tăng sự T.Ư), viện chủ tu viện Dưỡng Chân Tuệ Uyển (Đồng Nai), trụ trì chùa Phước Hải (quận 10, TP.HCM). Năm nay, Ni trưởng gần 90 tuổi.

910

Nếu như hoạt động xã hội của người tu sa đà vào bản thân, đặt nặng cái lợi danh cho bản thân thì các hoạt động ấy có thể phương hại đến uy tín của Phật giáo, hơn nữa sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến con đường tu tập của cá nhân đó.


 

 

Kỷ niệm ở chùa Diệu Đức &  ý nguyện phụng sự

 

Bao nhiêu năm ròng rã cố gắng tu học ở chùa Diệu Đức, bao nhiêu kỷ niệm gắn liền với xứ Huế, bao nhiêu nơi còn để lại dấu chân trên đất thần kinh, nhất thời tôi không sao nhớ hết. Âu cũng là kể ra một vài kỷ niệm khó quên nhất, coi như gửi gắm và cũng là chia sẻ đôi điều về những gì đã trải qua. May ra có thể trao truyền ít nhiều tâm nguyện đến với mọi người. Chứ hoàn toàn trong thâm tâm, tôi không nghĩ đến chuyện lưu dấu hay khẳng định con đường tu học của riêng bản thân mình. Mà trên hết, tôi muốn sẻ chia cùng với mọi người dăm ba chuyện cũ, biết đâu cộng hưởng và giúp ích cho mọi người trên bước đường tu càng thêm chuyên tâm hành trì Phật pháp.

Năm tháng khó quên

Nói về kỷ niệm chắc không thể nào quên được những lần bị phạt cũng như khó khăn về chuyện sinh hoạt phí. Quy củ, phép tắc là một chuyện, nhưng khó khăn thường xuyên mà tôi cùng với một số bạn sa di từ Bắc vào chính là việc xoay sở tiền đóng hàng tháng cho nhà chùa. Khoản chi phí đó cần thiết cho nhà chùa lo chuyện cơm nước. Từ khi chia đôi đất nước, nguồn tiếp tế ngoài Bắc không còn nữa. Vậy nên, tôi phải tập đan len. Thời ấy đan tất và nón cho trẻ con, mỗi đôi được dăm hào. Đan được bấy nhiêu đều gửi bán ở chợ Đông Ba. Đồng lời chẳng là bao, nhưng cũng cố gắng để trang trải chi phí cho nhà chùa. Tôi chỉ đan về đêm, thường phải thức rất khuya. Vì ban ngày làm thị giả lại còn tu học cho nên chỉ đến đêm mới ngơi tay đan được chút ít. Có lần làm thị giả hầu quạt cho cụ Trí Quang. Đang quạt, tôi bỗng ngã dưới chân cụ. Cụ tỏ ra lo lắng, hỏi han. Tôi nói:

– Gần đây con bị bệnh ! Đầu hay choáng váng. Xin thầy bỏ quá cho !

Mấy người huynh đệ hôm đó chắc có người biết người không, nhưng có vẻ đều tỏ ra lo lắng cho tôi. Người không biết thì lo tôi bệnh tật. Người biết thì lo tôi lao tâm lao lực ngày đêm.

Về phần mình, nếu có ai hỏi tôi đều bảo bị bệnh mà thực ra vì đói quá. Ban ngày bận bịu công việc nhà chùa, ban đêm đan nón tất đến khuya, lại thường thiếu ăn. Tuy là đóng tiền nhưng ăn uống kiêng khem, tằn tiện, cơm cũng hạn chế, tương cũng hạn chế. Các sư cô Tôn nữ dòng dõi hoàng tộc dạy chúng rất nghiêm, ăn uống cũng có phép tắc, nhất nhất đều có quy củ. Từ chuyện đi đứng nói năng đến từng cử chỉ điệu bộ đều giữ lấy tiết tháo của người tu đạo, không được khinh nhờn. Ban đầu tôi chưa quen nên vẫn hay bị phạt, các bạn sa di đồng trang lứa từ Bắc vào cũng vậy. Bù lại, tôi và các bạn ấy lại được các Hòa thượng thương tình chỉ bảo. Tôi xem đó là nguồn an ủi động viên. Tôi nghĩ việc xoay sở, trang trải các chi phí của người tu thực sự cần thiết khi mà công việc ấy hỗ trợ cho việc hành trì tu đạo. Chẳng phải vì nhu cầu sinh hoạt của bản thân mà làm thêm các công việc xã hội của người tục. Đâu vì một ít tiền cỏn con mà ngày đêm lao tâm khổ trí để đến mức ảnh hưởng đến sinh hoạt, học hành. Chẳng qua vì để nắm níu cơ hội ở lại Huế tiếp tục tu học, chẳng qua vì để gắng gượng thực hiện mong ước phụng sự mà thôi! Chớ phải vì thân mình hay để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu chưng diện. Việc này làm tôi nghĩ đến chúng ni bây giờ. Có lẽ, chúng ni bây giờ nên nghĩ xét lại những việc thế tục mà mình tham gia vào, nghĩ xét lại mục đích việc làm sao cho tất thẩy mọi việc đều nhắm đến phụng sự cho con đường tu học và hướng đến chúng sinh vậy. Tự xét mình luôn luôn, giữ lấy mục đích thành tâm đó, chắc hẳn bản thân sẽ không nghiêng ngã chân mình trên bước đường tu.

Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện chia sẻ cùng Nhóm Nghiên cứu điền dã tại Chùa Phước Hải

Tôi cũng hay nhớ chuyện cũ, ít lần đem chuyện kể lại cho chúng ni:

– Cuộc sống tu học quả là nhiều gian khó, không thể nói hết ngay được! Cốt yếu làm sao giữ được tâm nguyện từ đầu đến cuối.

– Nghe sư bà kể nhiều nỗi cơ cực mà muốn khóc quá ! Chúng ni có người nói.

– Nước mắt có nhiều đến mấy cũng không cuốn trôi được khổ ải cơ cực đâu con à !

Tôi vẫn hay nhắc nhở với chúng ni về những điều đó.

Điều may mắn nhất và làm tôi nhớ nhất trong quãng thời gian ở Huế, một đằng là gian khó, một đằng là tấm lòng của Quý Hòa thượng. Dù cơ cực nhưng may sao chúng tôi được Hòa thượng Trí Thủ và Linh Quang động viên, khuyến khích. Lại nói, các vị ấy nhiều lần che chở cho lũ trẻ chúng tôi. Kỳ thực thời ấy, chúng tôi cũng hơi tinh nghịch. Chẳng hạn như lần chúng tôi lén đi rước Phật ở Quảng Trị. Ôi giời! sao mà ham thích và vui sướng đến thế! Vì đó là lần đầu tiên được tham gia đoàn rước Phật. Thế là, tôi với mấy huynh đệ sa-di hùn tiền với nhau mua vé xe. Đi xong rồi, chuyện thế nào cũng có người biết, vậy nên tôi với các huynh đệ biết chắc sẽ bị phạt quỳ. Ấy là tới giờ cơm, phải đợi đại chúng cúng quá đường, thọ trai và đọc xong Bát Kỉnh Pháp mới được đứng dậy. Lại phải chăm lo dọn dẹp cơm nước cho xong, khi chúng ni đã về liêu rồi, chúng tôi mới được ăn. Thức ăn đâu có mấy, chúng tôi ăn cuối buổi nên đành phải chịu, còn món gì dùng món ấy. Đó là hình phạt cho những ai có lỗi, để chuộc lại sự xốc nổi của tuổi trẻ vậy.

Khát khao tuổi trẻ

Ngoài những chuyện ấy, tôi không thể quên khao khát phụng sự xã hội và những kỷ niệm gắn liền với mong ước đó. Chẳng hiểu rõ nguồn cơn nhưng tự lòng vẫn thôi thúc muốn làm điều gì đó giúp ích cho mọi người. Tôi thèm được làm việc ở bệnh viện, khao khát giúp đỡ cho những chúng sinh đau khổ quằn quại vì bệnh tật. Để thực hiện được ước nguyện ấy, trước hết tôi phải thu xếp ổn thỏa việc ở nhà chùa. Nhất là chi phí và chuyện ăn uống. Bấy giờ là những năm sau khi đất nước phân chia, tôi vào Huế cùng với một số huynh đệ nữa. Vào chùa Diệu Đức ở Huế, dù đã quen mùi gian khó từ những ngày chăn trâu cắt cỏ ở chùa làng (Kim Sơn, Ninh Bình) nhưng gian khó ở bước đường tu phải nói là công phu hơn hẳn. Ở trong chúng, mỗi người phải đóng hàng tháng cho nhà chùa 70 đồng Đông Dương để được ăn một bữa một ngày, những ai đóng 150 đồng thì được ăn hai bữa một ngày. Sau khi đất nước chia đôi, tôi không còn nguồn trợ cấp từ ngoài Bắc, thế nên phải tự túc xoay sở tiền nong chi tiêu. Cho nên, tôi chỉ đóng cho nhà chùa 70 đồng, ăn mỗi ngày một bữa. Đến khi xin vào phụng sự trong bệnh viên, mỗi sáng được nhà chùa cho một nắm cơm với tí muối đem theo, đến trưa ăn một bữa ở bệnh viện. Tính ra tôi cũng đã có hơn bốn năm phụng sự trong bệnh viện. Thực ra công việc này tôi tự phát nguyện. Ở trong chúng, tôi tự mình xin vào bệnh viện thực tập, cùng làm việc cứu giúp với các sơ (Công giáo) chứ không phải vì sự vận động của một phong trào, một hội đoàn hay tổ chức nào.

Thời ấy, lòng tôi có một tâm nguyện kiên định. Ấy là mong sao Phật giáo cũng có Bệnh viện để tôi có thể cùng mọi người cứu giúp những người bệnh tật ốm đau, những ai nghèo khổ túng thiếu bạc tiền, ngặt đường chữa chạy. Bởi tôi thấy các sơ (Công giáo) có điều kiện thuận lợi trong việc tham gia vào các hoạt động của y viện. Ở đó, họ có điều kiện chăm lo và thể hiện lòng bác ái với đại chúng. Lại nói thời ấy, các sơ và cha xứ được tạo điều kiện tự chủ về tài chính, kinh tế, chủ sự, thuốc men, quán xuyến hầu như tất cả mọi công việc. Họ có thể đứng ra cáng đáng công việc ở bệnh viện. Lòng tôi thầm mong ước Phật giáo cũng có thể thành lập y viện như vậy. Nhưng nhìn lại, mình ăn vận còn vá víu nhiều chỗ, nhìn còn lôi thôi hơn rất nhiều so với các sơ. Ước nguyện giúp ích cho đại chúng có phải là quá xa xôi hay không? Đôi khi tủi thân vì các sơ sao mà có nhiều điều kiện phụng sự vậy. Mấy lần, ở trong bệnh viện, đến giờ nghỉ trưa, tôi ngồi vào một xó ăn nắm cơm mang theo mà cảm thấy xót xa. Nhưng càng xót xa, lòng tôi càng khao khát thành lập bệnh viện cho Phật giáo.

 

Quãng thời gian ở Huế trót đã bảy năm và có hơn bốn năm tôi phụng sự trong bệnh viện Ngô Quyền tọa lạc bên bờ sông Hương, gần bưu điện Huế. Cổng bệnh viện hướng ra dòng sông thơ mộng của xứ Huế. Cổng trước nằm ở số 16 Lê Lợi, cổng sau ở số 3 Ngô Quyền. Hàng ngày vừa sinh hoạt tu học ở chùa, tôi vừa đến bệnh viện cùng các sơ chăm sóc cho người bệnh. Có thể gọi là học việc hoặc tập sự cũng đúng, tôi theo các sơ làm quen với công việc của một người y tá, từ việc đưa thuốc men, băng bó, rửa ráy vết thương cho đến việc thăm nom cơm nước cho người bệnh. Lắm lúc, tôi lại mang cả quần áo người bệnh về nhà chùa giặt giũ. Có lần một số sư nhà mình lại tự ái, cả giận mắng cho:

– Hết việc hay sao mà lại đi hầu hạ các sơ!

Mặc dù không nói ra nhưng lòng tôi thầm nghĩ: “Chắc là các sư cô thấy tôi tuổi đời còn nhỏ, sợ tôi lung lạc ý nguyện trên con đường tu tập, muốn tôi chuyên tâm hành trì Phật pháp hơn là dấn thân nhập thế giữa bao nhiêu cám dỗ cuộc đời. Một đằng tôi vẫn nghĩ: ý nguyện phụng sự chung quy cùng vì đại chúng cả! Giữ lấy ý nguyện ấy trước sau như một, tôi thấy lòng mình càng thêm kiên định”.

Tôi nghĩ dù là tôn giáo nào cũng là cầu mong cứu giúp người đời, cứu vớt những người khốn cùng qua cơn hoạn nạn. Lại vì tâm nguyện mong muốn thực tập ở bệnh viện nên tôi cố gắng vượt qua khó khăn và những lời trách mắng. Những lời răn dạy ấy của các sư, tôi không bận lòng. Lại nói về sự đối đãi của các sơ vì tôi đến cầu học để biết, lại thêm mong muốn phụng sự cứu giúp người bệnh nên tôi không quản ngại sự bố trí sắp xếp của các sơ, cho dù chỉ là những việc vặt vãnh. Dù cho các sơ có sai việc luôn tay, tôi cũng không nề hà. Thêm vào đó, các vị bác sĩ cũng động viên, khiến tôi an ủi phần nào. Họ nhìn thấy một người tu hành nguyện ý vào bệnh viện giúp đỡ người bệnh, cho nên rất có ý trân trọng, trong công việc phụng sự hay đứng về phía tôi. Đó càng là nguồn sức mạnh của sự tin tưởng, tiếp thêm năng lượng tinh thần cho tôi thêm vững bước trên con đường và hoài bão đã lựa chọn.

Có lần tôi bình tâm nghĩ lại về lí do gì khiến tôi khao khát được làm công việc phụng sự trong bệnh viện. Có lẽ từ thời thơ ấu, tôi đã thấy mấy sơ lớn tuổi chăm nôm bệnh nhân, cả những cha xứ làm bác sĩ vừa lo thuốc men vừa lo cho bệnh nhân ăn uống, lại thỉnh thoảng la rầy để nhắc nhở bệnh nhân. Tôi thấy được tình thương và sứ mệnh của người thầy thuốc. Vậy nên từ nhỏ đã rất thích được phụng sự trong bệnh viên chăng? Thời bấy giờ, Công giáo hoạt động rất nhiều ở bệnh viện, nếu không nói là ở các bệnh viện chủ yếu là bóng dáng các sơ. Còn hình bóng Phật giáo ở các bệnh viện rất hạn chế, thế nên lòng tôi cũng phát nguyện, ước mong Phật giáo cũng có một bệnh viện để tôi thực thành tâm nguyện được cứu giúp những người khốn khổ vì bệnh tật. Có lẽ vì tâm nguyện này và sự kiên trì gìn giữ cũng như chuyên chú thực tập, tôi đã tránh được những cám dỗ xung quanh. Kiên trì ở tâm nguyện ấy cho nên các việc khác tôi thường không nghĩ đến, và những cám dỗ không làm mình lay động. Vậy nên có thể nói, tâm nguyện và hoài bão chính là chỗ an trú cho lòng mình vượt qua giông bão trên từng chặng đường tu tập.

Ngoài ra còn một lý do nữa khiến tôi có mong ước thành lập y viện Phật giáo. Tôi thấy các sư ốm đau cực khổ; lại thấy các sơ mỗi người đi phát thuốc, thăm nôm bệnh nhân, lòng tôi nghĩ: “Sao Phật giáo mình lại không có bệnh viện để quảng đại tình thương đến chúng sanh!” Trong viện, các sơ giữ hết tài chính, thuốc men, họ chăm lo cả việc ăn uống hàng ngày cho bệnh nhân. Tôi chỉ xin vào tập sự nên thường đi theo bác sĩ để hỗ trợ. Mới đầu là những việc nhỏ nhặt như lấy bông băng, thuốc men cho đến thăm bệnh rửa ráy vệ sinh vết thường. Hết bác sĩ lại đến các sơ sai việc. Vậy nên, các sư nhà mình có bận lại rề rà với “giám đốc” chùa Diệu Đức ở Huế, nơi tôi tu tập về chuyện tôi phục vụ trong bệnh viện. Nhưng tôi muốn tham gia vào công việc ấy để tìm hiểu quá trình hình thành và các hoạt động của một y viện. Đây là bước đầu cần thiết để tôi hình dung về y viện Phật giáo mà tôi nung nấu bấy lâu nay. Y viện Phật giáo không chỉ là nơi quảng đại tình thương của Phật đến đại chúng mà còn là nơi chăm lo cho các sư đến tuổi xế chiều. Cho nên, tình thương ấy có thể nói là từ chỗ thấm nhuần cửa Phật đến từng ngóc ngách của cuộc đời thế tục.

Về chuyện người tu ra đời tham gia vào các hoạt động xã hội, tôi cho rằng vẫn nên có nhưng tinh thần phải đủ mạnh, đủ vững vàng, lại phải soi xét tận cùng mục đích tâm nguyện. Các hoạt động bên ngoài xã hội cần đặt ở chỗ phụng sự cho nhân quần, phải làm sao có thể giúp đỡ cho mọi người chứ không giới hạn ở một bộ phận nhất định. Nếu như hoạt động xã hội của người tu sa đà vào bản thân, đặt nặng cái lợi danh cho bản thân thì các hoạt động ấy có thể phương hại đến uy tín của Phật giáo, hơn nữa sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến con đường tu tập của cá nhân đó.

Đặt tâm nguyện ở người khác, đặt lòng mình ở việc phụng sự mọi người thì công việc xã hội của người tu mới có thể truyền cảm hứng và lan tỏa vào cộng đồng, mang lại hình ảnh và giá trị tích cực cho cuộc sống hiện thời. Và trong các hoạt động ấy, đức tính khiêm nhường và tinh tấn thực sự rất cần thiết, cũng như sự hòa hợp và gắn kết giữa các tôn giáo để cùng chung phụng sự, sẻ chia nỗi khổ niềm đau của chúng sanh.


Những hình ảnh đáng quý về NT.Thích Nữ Tịnh Nguyện

 

 


Nhóm thực hiện : Thái Hòa, Quốc Việt, Minh Từ, Anh Quốc