Trang chủ Bài nổi bật NT.Thích Nữ Tịnh Nguyện:  Huế – lưu dấu những nẻo đường cầu...

NT.Thích Nữ Tịnh Nguyện:  Huế – lưu dấu những nẻo đường cầu học

Ni trưởng Thích Nư Tịnh Nguyện hiện là Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư (thuộc Ban Tăng sự T.Ư), viện chủ tu viện Dưỡng Chân Tuệ Uyển (Đồng Nai), trụ trì chùa Phước Hải (quận 10, TP.HCM). Năm nay, Ni trưởng gần 90 tuổi.

1316
NT.Thích Nữ Tịnh Nguyện và các em học sinh ở vùng cao

PTVN – “Quả thật tự trong lòng, tôi chưa một phút nào nghĩ đến chuyện thoái lui trên đường tu nên tôi nhất quyết ở lại và sẵn sàng đương đầu với cơ cực phía trước. Tôi luôn tâm niệm bao nhiêu cơ cực, gian khó cũng là sự thử thách cần thiết cho người tu, cũng là chuyện nên cố gắng, không thể vì cơ cực mà chùn bước trên đường học đạo…”


 

Tôi xuất gia từ năm 11 tuổi ở Kim Sơn (Ninh Bình), nơi một ngôi chùa trong làng tên là Phúc Điền. Kỷ niệm thời thơ ấu ở chùa là tranh thủ học kinh lúc chăn trâu và những khó khăn gắn liền với thời cuộc mà phải nhờ vào ý chí và hạt giống Bồ-đề mới có thể vượt qua. Đến tuổi đôi mươi, tôi rời miền Bắc vào Huế tu học. Thời buổi loạn lạc, tuổi đời còn nhỏ nên bản thân đã trải qua không ít gian khó mà không thể một lời nói hết được. Từ những khó khăn nhỏ nhặt như tập làm quen với cung cách ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt,… cho đến thực hiện những nề nếp, quy củ tu tập, đóng góp vào ngân khố nhà chùa(1), tôi đều phải cố gắng vượt qua để giữ vững tâm nguyện và lý tưởng ban đầu.

Lúc bấy giờ là thời gian trước năm 1930, ở Huế không có chùa cho i bộ Thừa Thiên – Huế tu tập nên Sư bà Diệu Không được chư Tôn đức ủy thác, nhờ chùa Từ Đàm làm nơi tu hành, học đạo cho Ni bộ. Nhưng rồi cũng không thể tá túc mãi ở đây, nhận thấy những khó khăn trong việc tu tập của ni chúng tại đó, Sư bà đã vận động tài chính, mua một khu đất để lập chùa vào thời điểm năm 1932. Thế là một tự viện mới dành riêng cho chúng Ni tu học ra đời với tên là Diệu Đức. Ngôi chùa này tọa lạc trên đường Lam Sơn, nay là đường Điện Biên Phủ, gần chùa Kim Tiên. Khi mới lập chùa, Sư bà Diệu Không có mời Sư bà Diệu Hương về làm trú trì[1].

Chùa Diệu Đức

Gọi là chùa nhưng kỳ thực lúc đó Diệu Đức chỉ có hai gian nhà tranh trước sau rất sơ sài, gian trước làm nơi thờ Phật, gian sau làm nơi nghỉ ngơi cho chúng ni. Sau đó, nhà chùa vận động cất thêm rạp (hiên/chái) hai bên tả hữu làm nơi giảng kinh. Trải qua hơn bốn năm thì ngôi Chánh điện xây gạch lợp ngói mới được hoàn tất, các gian còn lại cứ tiếp tục tu bổ, hoàn thiện lần hồi. Những chuyện sau này tôi cũng chỉ được nghe thuật lại, vì mãi đến khoảng thời gian chia cắt đất nước tôi mới vào Huế tu học. Đến đầu những năm 1960 thì tôi đã vào Sài-Gòn theo học ở Văn Khoa (?) nhằm bổ trợ thêm kiến thức thế học mà tôi tự thấy mình còn yếu kém.

Nhắc lại chuyện vào Huế, con đường tu tập biết bao công phu huống hồ lại tha phương học đạo cho nên có thể nói khó khăn trùng trùng. Khó khăn có nhiều nhưng trước tiên chính là khác biệt về lời ăn tiếng nói. Khi mới vào, tôi làm thị giả ở Diệu Đức, chưa quen tiếng quen lời, cứ phải nhờ một huynh đệ thông ngôn giúp cho dễ nghe dễ hiểu, mấy lần nói chuyện với Sư bà giám đốc cũng đành nhờ huynh đệ người Huế truyền đạt giúp. Lúc đó tôi cứ như điếc lác, nghễnh ngãng vì mãi chưa quen nghe giọng Huế; chính vì vậy đã gây ra không ít hiểu lầm trong chuyện giao tiếp cũng như học tập.

Dù đã học xong trung học Phật giáo ở Huế nhưng phần vì tôi thường làm thị giả, phần vì lo xoay sở tiền nong đóng cho nhà chùa và thêm cả việc tu tập, nên thời ấy không tiếp thu được bao nhiêu kiến thức. Tôi tự thấy mình chữ nghĩa kém cỏi. Nhận thức được điều này cho nên tôi chỉ biết nhủ lòng chuyên tâm, tinh tấn cố gắng tu học. Còn về thế học thì tôi cũng gặp hạn chế vì không được đào tạo bài bản về sự học thường thức như người thế tục. Thuở trước, tôi có chút ít chữ vỡ lòng với ông nội. Vốn dĩ ông là nhà giáo nên có nhiều người theo học, tôi cũng đã học những con chữ đầu đời cùng với ông. Nhưng chuyện đời chướng duyên, lại sinh ra giữa thời tao loạn, cái ăn cái mặc bám theo, bao nhiêu chữ nghĩa ông dạy cho cũng mai một ít nhiều.

Cơ duyên đến với con đường tu từ rất sớm, cho nên khi vào Huế, tôi vẫn còn ở (lứa tuổi đôi mươi). Có lẽ vì tuổi đời còn nhỏ nên tính tình cũng có khi xốc nổi, lại ôm nhiều hoài bão khát vọng, cho nên đôi lúc vượt quá khuôn phép nhà chùa đến mức bị phạt quỳ, chung quy cũng vì lòng mong mỏi được tham gia phụng sự và đóng góp cho đời. Tôi với những huynh đệ Sa-di đồng trang lứa đều có biết bao suy nghĩ và băn khoăn về đời sống. Với sức trẻ và tâm nguyện thiện lành, cám cảnh đời còn nhiều nỗi khổ niềm đau, chúng tôi thấy mình cần phải chung tay để cùng nhau chia sẻ và giúp đỡ cho những người khốn khó, hạt giống mong muốn được cống hiến cũng từ đó mà lớn dần trong tâm tưởng. Đơn cử như tâm nguyện muốn thành lập thêm bệnh viện cho nhân dân và những hoạt động khác giúp đỡ những bệnh nhân, người khuyết tật… Hoài bão đặt ở chỗ cao xa, lại có nhiều ý tưởng muốn phụng sự, cho nên mỗi khi gặp nhau huynh đệ đồng tu lại huyên thuyên trò chuyện. Sau mỗi lần bàn luận, chúng tôi lại thêm nung nấu quyết tâm phụng sự nhân sinh. Tôi từng có ý định đứng ra lập riêng một nơi thờ tự để gắn kết hoạt động tu học với hoạt động của một y viện Phật giáo, lại muốn tự quản hoạt động phụng sự nên nhiều khi bị khiển trách, phạt quỳ. Phải chăng, các bậc tôn đức vì muốn chúng đệ tử giữ lấy phép cũ, chuyên chăm tu học hơn là nghĩ tưởng đến những chuyện xa xôi? Phải chăng các vị ấy muốn thu vén con đường tu vào trong khuôn viên nhà chùa? Trong khi đó, lòng tôi muốn quảng bác lòng từ bi của Phật đến với đại chúng để cớ sự đến nỗi khiến cho các bậc tôn đức phải phiền lòng quở phạt. Nghĩ lại, quả là tuổi trẻ lúc nào cũng có nhiều ước nguyện, mà ước nguyện tuổi trẻ thường lại rất cao xa, và có lẽ chính ở chỗ cao xa ấy lại có phần thiếu thực tế.  Nhưng tôi vẫn thấy ý nguyện phụng sự giúp ích cho đời không phải là điều gì sai trái, thậm chí cần được xiển dương, cần được chia sẻ và ủng hộ để thúc đẩy các ý tưởng ấy (mặc dù táo bạo) trở thành hiện thực. Chung quy, việc tu hành Phật pháp chẳng phải là nhằm ở chỗ mang đến những điều phước lành cho chúng sinh hay sao? Về phần mình, lúc đó lòng tôi chỉ có ước ao phụng sự và giúp đỡ mọi người, không màng đến tư lợi. Tôi cho rằng đó cũng là một cách hành trì bổ túc thêm vốn sống cho người xuất gia trẻ nhưng vẫn phù hợp với quy củ thiền môn.

Thêm nữa, nhà chùa hãy còn có phép tắc quy củ. Thuở ấy tại Huế, các Sư bà lớn tuổi thường là con nhà hoàng tộc. Các Sư bà rất khó, thường không ủng hộ hoạt động xã hội của tôi và một vài Sa-di cùng trang lứa. Tôi nhớ có lần, Hòa thượng Tịnh Khiết phải vào can thiệp, nói đỡ cho tôi vài lời. Vả lại, Hòa thượng Giám đốc (là ngài Trí Thủ) cũng rất thương chúng tôi, một nỗi vì lặn lội tha phương cầu học, một nỗi vì tuổi trẻ có nhiều tâm niệm và ước nguyện hướng đến chúng sinh. Chúng tôi từ miền Bắc vào Huế tha phương cầu đạo, điều kiện vật chất thiếu thốn, lại vì đất nước chia cách không còn được tiếp tế, khó khăn trăm bề. Do đó, chúng tôi phải lấy việc làm thị giả để được ở lại tu học, lại cố gắng cùng chung tay với ni chúng lo việc sinh hoạt trong chùa, chỉ các bậc tôn đức thương tình cho phép ở lại tiếp tục tu học. Có lần Hòa thượng Trí Thủ thấy cơ cực quá mới hỏi chúng tôi:

-Các con tu học thế này có lấy làm buồn lòng hay không?

–  Thưa thầy! Việc tu học dù ở đâu cũng có gian khó, chúng con không dám nghĩ đến chuyện than van.

Có lần bị phạt quỳ quá đường, nghe đọc Bát Kỉnh Pháp, Hòa thượng biết chuyện, hiểu cho sự xốc nổi của tuổi trẻ. Nhưng chắc thầy cũng có ý tội nghiệp nên lại hỏi chúng tôi lần nữa:

– Bây giờ các con có nghĩ đến chuyện về quê không?

– Chúng con chỉ có nước Phật là quê (quê hương Tịnh Độ), đâu còn quê nhà nào khác nữa thầy ạ!

Thầy hiểu cho tâm nguyện, rủ lòng cảm thương nên tôi biết nhiều lần thầy âm thầm giúp đỡ.

Ni Trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện

Quả thật tự trong lòng, tôi chưa một phút nào nghĩ đến chuyện thoái lui trên đường tu nên tôi nhất quyết ở lại và sẵn sàng đương đầu với cơ cực phía trước. Tôi luôn tâm niệm bao nhiêu cơ cực, gian khó cũng là sự thử thách cần thiết cho người tu, cũng là chuyện nên cố gắng, không thể vì cơ cực mà chùn bước trên đường học đạo. Lại nữa, tôi rất thích cách tổ chức và phương thức tu học ở Huế, bên cạnh đó là không khí và cảnh sắc ở xứ thần kinh. Khuôn khổ tu học ở nơi đây chặt chẽ, mực thước, nghiêm khắc nhưng kỳ thực tôi cảm thấy mang ơn những lời răn dạy ấy. Gian khó thử thách cũng là nề nếp cần thiết cho người tu, tạo nên tôn ti trật tự cho sinh hoạt tu tập Phật pháp.

(Còn tiếp)


 

Nhóm thực hiện : Thái Hòa, Quốc Việt, Minh Từ, Anh Quốc

[1] Theo báo Giác Ngộ.