Trang chủ Bài nổi bật NSƯT Thành Lộc công bố kịch “Cậu đồng” của Thiền sư Thích...

NSƯT Thành Lộc công bố kịch “Cậu đồng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

721
Nghệ sĩ Thành Lộc trong vỡ diễn Cậu đồng

Cho đến lần tái diễn này, như một hạnh duyên lớn, chúng tôi đã tìm ra được tư liệu vô cùng quý giá, đó là bản in sách Việt ngữ kịch bản “Cậu đồng” được xuất bản vào năm 1958 tại Sài Gòn, do vậy mà may mắn biết được người đã phóng tác vở kịch này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh” – NSƯT Thành Lộc giải thích.


Chiều 6/9, NSƯT Thành Lộc đã công bố tác giả chính thức của vở kịch “Cậu đồng” đang diễn tại Sân khấu IDECAF là của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, NSƯT Thành Lộc cho biết: “Hiện nay, các đệ tử của sư thầy tại Pháp và Huế đang thực hiện ý nguyện của thầy là hợp thức hoá tác quyền tất cả tác phẩm văn học mà thiền sư đã viết, trong đó có vở kịch đã được chuyển thể Việt hoá mang tên “Cậu đồng”. Hiện nay, Công ty Thái Dương – chủ quản của Sân khấu kịch IDECAF đã làm và đang tiến hành thực hiện thủ tục xin phép chính thức với tác giả – Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua đại diện của sư thầy để được tiếp tục lưu giữ và trình diễn vở kịch “Cậu đồng”, phục vụ khán giả. Mọi việc đang được tiến hành tốt đẹp”.

Vở kịch “Cậu đồng” do đạo diễn – NSND Trần Minh Ngọc dàn dựng là một trong những vở thoại kịch được trình diễn từ những ngày đầu tiên của Sân khấu kịch IDECAF, tính đến nay đã 23 năm.

Theo NSƯT Thành Lộc, với tôn chỉ ban đầu là Việt hoá tất cả những vở kịch của Pháp , Ý và châu Âu để khán giả Việt dễ dàng tiếp nhận thưởng thức, ngoài “Cậu đồng”, sàn diễn của anh đã có các vở tiêu biểu như” “Cái tráp vàng”, “Cô chủ quán xinh đẹp”, “Phương thuốc thần kỳ”, “Trùm lừa”, “Anh chàng xỏ lá”, “Bàn tiệc 12 người”, “Tám người đàn bà” – hiện được đổi tên là “Gươm lạc giữa rừng hoa”…

“Kịch bản “Cậu đồng” là một trường hợp đặc biệt. Chúng tôi đã sưu tầm được kịch bản này từ một bản đánh máy đã cũ nên tên của người viết cũng chỉ đề là khuyết danh, nội dung hoàn toàn có gốc từ một vở hài kịch cổ điển Pháp. Vở kịch đã được dựng và công diễn từ năm 1998, được khán giả ủng hộ nồng nhiệt. “Cậu đồng” cũng đã góp phần tạo dựng thêm cho thành tựu và uy tín nghệ thuật của các nghệ sĩ trình diễn cũng như cho thương hiệu sân khấu kịch IDECAF đến nay. Cho đến lần tái diễn này, như một hạnh duyên lớn, chúng tôi đã tìm ra được tư liệu vô cùng quý giá, đó là bản in sách Việt ngữ kịch bản “Cậu đồng” được xuất bản vào năm 1958 tại Sài Gòn, do vậy mà may mắn biết được người đã phóng tác vở kịch này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh” – NSƯT Thành Lộc giải thích.

Trả lại đúng tên tác giả cho một vở kịch được xem là thành công của một sân khấu đang có lượng khán giả đông nhất tại TP HCM là một việc làm ý nghĩa. Lâu nay, một số tác giả đã cảm tác kịch bản nước ngoài rồi tự ý ghi tên mình, gây tranh cải. Bên cạnh đó, nhiều vở kịch cảm tác, phóng tác từ phim ảnh cũng không tôn trọng chính bản thân tác giả khi thản nhiên ghi tên họ là người sáng tác.

 

Nghệ sĩ Thành Lộc
Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Thái Dương – cho biết: “Chúng tôi mong muốn sớm hợp thức hóa thủ tục để trả lại đúng tên của thiền sư cho một tác phẩm sân khấu mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Dù chậm còn hơn cứ để hai chữ khuyết danh. Khán giả đang hưởng ứng vở kịch này, lượng vé bán ngày càng tăng, các suất diễn trong tuần cũng dành cho vở kịch này. Do đó, đây là một tín hiệu đẹp để hướng tới việc tri ân công đức của thiền sư đã viết kịch bản “Cậu đồng”, tạo duyên may để sân khấu chúng tôi dàn dựng và được công diễn”.
Cậu Đồng của sân khấu Idecaf cháy vé khi trở lại - Ảnh 3.
NSƯT Thành Lộc (vai Cậu Đồng) và Hoàng Trinh (vai bà Phán) trong vở Cậu Đồng – Ảnh: LINH ĐOAN

Sau khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao tập “Bông hồng cài áo” cho NSND Kim Cương cách đây hơn 50 năm, sân khấu cải lương và kịch nói đã có tác phẩm “Bông hồng cài áo” do soạn giả Hoàng Khâm chuyển thể. Từ bài viết này, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác ca khúc “Bông hồng cài áo”. Cứ đến mùa Vu Lan báo hiếu, giai điệu và ca từ của ca khúc này lại vang lên ở nhiều nơi. Người làm sân khấu lại càng háo hức, hân hoan khi biết vở kịch “Cậu đồng” là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh phóng tác và Sân khấu IDECAF đã dàn dựng, tổ chức biểu diễn thành công.

“Đó là hạnh duyên mà những người làm nghệ thuật như chúng tôi trân quý, mang ơn công đức của thiền sư đã viết nên những tác phẩm đẹp đời, đẹp đạo, gieo vào lòng khán thính giả thiện tâm sống tốt đẹp vì đời sống cộng đồng” – ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ.

Cậu Đồng lấy bối cảnh năm 1927, trong gia đình của ông Phán. Ông Phán bỗng nhiên tin thánh, mộ thánh và rước cậu Đồng vào nhà để mọi người học hỏi theo… đức hạnh của cậu.

Vì sự sùng bái, mê tín của ông Phán và bà nội khiến cậu Đồng nhanh chóng được kính trọng và làm mưa làm gió trong nhà. Ông Phán quên cả vợ con, nhất nhất chỉ tin cậu Đồng.

Dần dần cậu Đồng lấn át cả ông Phán, tự cho mình quyền cấm cửa những ai mà cậu không thích và xoay chuyển mọi việc trong nhà theo ý mình. Điều đó làm vợ con ông Phán ức chế và quyết tâm vạch mặt sự ranh ma, láu cá của cậu Đồng…

Nói về vở diễn, đạo diễn Trần Minh Ngọc chia sẻ: “Kịch thời cổ điển có thể hơi quá lên một tí, có thể có những cái không thực tế nhưng xét về tính thời sự thì đến hôm nay vẫn có những vấn đề còn nóng bởi sự lừa lọc, mê tín vẫn tồn tại”.

Nào chỉ là mê tín dị đoan, trong đời thực bao nhiêu kẻ lừa lọc, gian trá đã dùng mánh khóe của mình đạp đổ người khác, lừa mị thiên hạ để đoạt lợi. Và sự u mê của con người chính là kẽ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng, lộng hành. (TTO)

 


NLĐO
Tin – ảnh: Thanh Hiệp