“Đời vô thường như thế thì bận lòng chi mấy chuyện vô ích? Tôi không giận, không buồn ai. Gặp chuyện buồn, tôi sẽ khóc ầm ầm trong 15 phút rồi đứng dậy đi chơi”, NSND Bạch Tuyết tâm sự.
Tôi sống như nhập thất tu hành
– Những ngày qua, chị sống thế nào?
Tôi thường dậy khi mặt trời sắp mọc, đặt ghế ngồi đón ánh nắng đầu tiên trong ngày. Tôi tập thể dục và quét nhà cho hàng xóm kiếm chút mồ hôi. Sau đó, tôi uống sữa cho bữa sáng rồi ngồi vào bàn học online từ 9h-11h và 15h-17h.
Buổi tối, tôi thường tụng kinh, xem phim, xem chương trình của bạn bè trong và ngoài nước cũng như cập nhật tin tức. Tôi ngủ khoảng 23h30-0h.
Mấy tháng nay, tôi sống như đã nhập thất tu hành. Mỗi ngày, tôi thiền, đọc sách, xem có ai cần thì giúp. Nhịp sống nhìn chung không khác nhiều. Tôi thiền như 45 năm qua, việc thiện nguyện vẫn làm như xưa nay.
Tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Tôi chỉ ăn gạo lứt muối mè, có tốn kém gì mấy. Nếu có, tôi thấy đau đớn thay cho nhân loại chịu tai kiếp này. Không có gì bất hạnh hơn là có nhà mà không thể về, chết một mình không ai hay biết, đau quá!
– Chị học gì vậy?
Tôi đang học văn học Anh, thỉnh thoảng sẽ tìm đọc vài công trình nghiên cứu khoa học vừa công bố. Nếu không học, đầu óc tôi sẽ bị mốc.
Đến giờ chơi, tôi sẽ hát vang nhà để giữ giọng. Mọi người nói tôi hát giống Opera, thật ra tôi có học Opera. Tôi hay gọi mình là “đứa học khùng” vì thế.
– Nhiều người nói NSND Bạch Tuyết trẻ quá, 75 tuổi mà nhìn như mới 60. Chị có bí quyết gì?
Ông tôi là thầy thuốc Bắc. Tôi học từ ông và các thầy lang xưa cách ăn uống giữ sự cân bằng trong cơ thể. Bạn ăn thiếu hay dư đều có thể đổ bệnh. Lối sống nề nếp, kỷ luật của tôi từ những năm học trường sơ. Sau này khi làm nghệ sĩ, thỉnh thoảng tôi phá nếp một chút nhưng rồi vẫn đâu vào đấy.
Tôi nghĩ 14 tỷ tế bào trong não quyết định bạn trẻ hay già. Bạn sống tích cực, giúp đỡ mọi người, tinh thần sẽ luôn thảnh thơi. Tuổi đúng của tôi là 77, không phải 75 như trên Internet.
Nghệ sĩ là nghề thị phi. Bạn được nhiều người thương ắt sẽ có người không thích, ghen tỵ. Nhưng người đi đâu làm gì cũng có tấm gương kè kè bên cạnh sẽ ít làm chuyện bậy bạ. Vì vậy, tôi biết ơn “tấm gương” đó.
– Chị có thể nói cụ thể về vấn đề đạo đức của nghệ sĩ? Vì nhiều người thế hệ chị đã sống thanh bạch đến khi kết thúc sự nghiệp, không ai diễn cả đời được.
Mỗi thời đại đều xuất hiện một số thói quen mới và đào thải một số thói quen cũ. Nghệ sĩ thời chúng tôi hoạt động trong đoàn như một xã hội thu nhỏ.
Trong nghề cải lương, các thầy là người đánh giá đạo đức của bạn. Bạn hát hay cỡ nào nhưng đạo đức không ổn thì thầy không dạy. Bạn bị thầy từ chối dạy là điều không gì nhục nhã bằng.
Chúng tôi cũng có một “chứng nhận” tư cách là giải Thanh Tâm. Ai được giải chắc chắn không chỉ giỏi mà còn có đạo đức. Vì vậy, người trẻ vào nghề như có một cái rào để họ biết mình không nên vượt khỏi rào đó.
Chúng ta hôm nay có mạng xã hội toàn cầu. Phần lớn chúng ta không đủ lực nên bị khối lượng thông tin khổng lồ cuốn trôi. Chúng ta luôn muốn xử lý những việc mình không nên xử lý. Vậy thì chúng ta đáng thương quá, có gì đâu mà trách?
Con người có 2 mắt, 2 tai, 1 cái đầu và 1 cái miệng. Chúng ta phải nhìn, nghe, nghĩ rồi mới nói. Vì làm điều ngược lại, chúng ta làm đau nhau mà cứ thấy nhẹ tênh. Vì vậy, thời đại hôm nay rất phong phú, dồi dào và đặc biệt nhưng chúng ta cũng phải trả một cái giá rất đắt cho điều đó.
Đời không viên mãn nhưng cũng không tiếc nuối
– Thời dịch, nhiều nghệ sĩ vỡ lẽ ra họ không biết làm gì để kiếm tiền ngoài nghệ thuật. NSƯT Thành Lộc phải bán đồ đạc trong nhà vì hết tiền. Chị thì sao?
Những đứa trẻ mồ côi rất sợ nghèo. Tôi mất mẹ năm 8 tuổi nên đâm ra hèn. Năm 16 – 17 tuổi, tôi kiếm rất nhiều tiền. Có đêm, tôi nằm mơ thấy mình mất giọng, giật mình tỉnh dậy liền tự hỏi: Nếu ngày mai mất giọng, mình sẽ chết đói sao?
Cổ họng của chúng ta không có hàng thay thế. Bạn đã hỏng giọng thì bao nhiêu tiền cũng không mua được cổ họng mới gắn vào. Khi nổi tiếng nhất, tôi đã biết có ngày mình không nổi tiếng nữa. Vì vậy, tôi tính trước cho mai này có nắng lửa mưa gì cũng không làm phiền ai. Hai mươi mấy tuổi, tôi và bạn bè mở công ty, làm vài việc tay trái kiếm thu nhập.
– Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy hẳn chị khó tránh đôi lúc thấy cô đơn?
Tôi không có thời giờ rảnh để cảm nhận sự cô đơn. Tôi thường làm 2-3 việc một lúc vì người ở không hay sinh chuyện bậy bạ. Như hồi sang Anh, tôi đâu khờ mà sang đó chỉ để học tiến sĩ. Tôi học thêm luật quốc tế và sinh vật học, trước đó đã học thiên văn và hải dương học.
Một người biết cả thiên văn, tử vi và sinh học sẽ đọc số phận của mình rõ ràng như dòng chữ viết trên tờ giấy sạch. Đó là vì sao tôi có thể giải quyết các vấn đề trong đời mình.
Đời người luôn có những câu hỏi lớn như: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Vì sao tôi lại sinh ra đời?… Tôi học đủ thứ để tồn tại nhưng có một câu hỏi mãi mãi không biết được là khi nào mình chết, ở đâu và vì cái gì. Chúng ta tưởng như biết tất cả nhưng hóa ra lại không biết gì.
Đời vô thường như thế thì bận lòng chi mấy chuyện vô ích? Tôi không giận, không buồn ai vì mình không được trả tiền cho việc đó, có khi buồn giận sinh bệnh còn tốn tiền. Gặp chuyện buồn, tôi sẽ khóc ầm ầm trong 15 phút rồi đứng dậy đi chơi.
Tôi có nhiều tật xấu nhưng tật tốt là không phê phán ai. Tôi chỉ thấy chứ chưa biết về họ. Hồi đi học, người Anh thường nói “I see” (Tôi hiểu rồi) thay vì “I know” (Tôi biết rồi). Đến khi họ tường tận ngọn ngành điều đó, họ mới nói “I know”.
– Chị, một người sống như đã nhập thất, quan niệm thế nào về sự ra đi?
Tôi nghĩ về sự ra đi từ lâu và đã thực hành một vài pháp. Tôi chuẩn bị sẵn 50% và dành phần còn lại cho trời đất.
Tôi quan sát từ thầy mình là NSND Phùng Há từ năm bà 45 tuổi đến khi mất là 99 tuổi. Bà hùn hạp với bạn bè mua miếng đất xây chùa nghệ sĩ. Sau này, bà về chùa sống cho đến khi ra đi đã an nghỉ đúng sinh phần mà mình đã chuẩn bị.
Bà dặn gia đình nếu mình ra đi được Chính phủ thì lấy mấy trăm triệu trong tài khoản lập quỹ lo cho con em của nghệ sĩ nghèo. Bà mất, mọi thứ đúng y như lời dặn. Bà đã tính toán mọi thứ từ năm 45 tuổi đến khi mất. Quan trọng là bà đủ phước.
– Người ta thấy đời chị viên mãn. Sự thật thì sao, có điều gì chị tiếc nuối?
Đời tôi không viên mãn nhưng cũng không tiếc nuối. Khi được giao việc gì, tôi liệu mình làm được sẽ nhận, không được thì giới thiệu cho người làm tốt hơn mình. Ông Trời gần chúng ta lắm. Chúng ta giúp người khác 1, Trời cho lại đến 10.
– Việc gì chị còn dang dở chưa hoàn thành?
Mỗi sáng dậy nếu còn sống, tôi sẽ làm tiếp việc hôm qua. Và luôn sẵn sàng để khi nhắm mắt ngủ có thể ra đi trong đêm.
Theo VNN