Mùa Xuân, mùa đẹp nhất một năm. Tuổi xuân tuổi đẹp nhất là đời và hoa xuân… Thiếu hoa xuân thì xuân trở thành góa bụa, cái đẹp muôn lòng chờ đợi kia chỉ còn là nỗi vật vờ, khắc khoải, chia xa, lỡ làng, hiu quạnh…
Vùng đất cổ Phong Châu mà nay là Phú thọ vẫn còn lưu truyền điệu hát Xoan, tức là điệu hát mùa xuân đọc chệch ra. Sao không là hát mịt mùng trong đêm đông tối tăm và giá buốt mà lại là điệu hát huê tình mùa Xuân cho mắt đong đầy mắt, tay nắm bàn tay, trái tim cùng trái tim ngây ngất? Chính là vì có mùa Xuân dẫn dắt, mùa Xuân chỉ lối đưa đường như bỏ bùa mê vào trời đất nên vạn vật phải say mới thỏa. Mùa Xuân có thể nâng dải yếm người quan họ thành cây cầu cho tình yêu sang ngang. Chỉ phép lạ mới ảo hóa khôn lường đến thế, không khác nào trong trường ca Tây Nguyên, gấu váy nàng gái một bước đi tung lửa vào mắt người anh hùng muốn cưới nữ thần mặt trời làm vợ…
Lửa lò nung gốm Thổ Hà đã tắt, nhường thời gian cho Phù Lãng, Bát Tràng và mê hơn là phục hồi lửa gốm Chu Đậu. Ta nghe lời xuân thấm qua từng mạch đất nước non, còn mạnh hơn tình trai tơ, gái nõn, còn mạnh hơn lòng mẹ thương con làm căng hai bầu sữa ngọt.
Lời xuân còn thầm thì bằng những hạt mưa như phấn trắng bay, sương lan tỏa, như không có nước, như một phép bùa phù thủy bắt quyết để hớp hồn kẻ lãng du… Đó là những hạt làm ta thổn thức như nghe một bản Trịnh Công Sơn trong một đêm thu trăng tràn trên phố cổ.
Mưa này là tháng mấy? Nhớ làm gì, cứ cho là nó là thiên sứ báo tin mùa Xuân đang gõ cửa ở phía ngoài ô kia, khi hoa cải đang vàng, khi hoa đào vào nụ, khi cúc đã lên hương, khi lá đông đang xuôi bè sắp đỗ và giang đầu bến Đá, bến Đông nay gọi chung là đường Bạch Đằng với Vân Đồn, Chương Dương, Hàm Tử… để những bếp bánh chưng bập bùng lửa đỏ thâu đêm cho mâm cỗ tết có đủ mùi đủ vị đủ hương và đủ cả màu, mà màu xanh bánh chưng là một. Rồi mưa như ma ám, đưa chân ta vào dinh đào Nhật Tân, Quảng Bá, Phú Thượng, mưa có nhầm không, khi mưa tưới lên từng luống đào bán khai, ngậm nụ, thì mưa cũng tưới lên mái tóc bao người.
Đã bao người rời bỏ Hà Nội vì trăm ngàn lý do, thành kẻ ly quê, dành thân phận ly hương khắc khoải, luôn nhớ về Hà Nội cùng lúc với mưa trên mặt hồ Tây mịt mờ, mưa như một thứ khói pháo bay ngang trên mặt hồ Gươm khiến tháp cổ cũng trầm tư, cầu Thê Húc cũng lim dim giấc ngủ cùng tay lược đỏ chải dở mái tóc bỗng dưng nửa chừng để bước chân ai bước lên ván cầu, tự mình chải tiếp.
Đó là thứ mưa không trọng lượng, nhưng sắc như lưỡi dao bài bổ cau, cứa vào trái tim ly quê, vào chiều sâu thời gian phương trời xa lạ, thứ mưa ấy không năm nào thiếu trên bầu trời và sâu thẳm lòng người Hà Nội, nhất là tháng Giêng, tháng vừa xong Tết, tháng có hội Lim bên kia sông Hồng, sông Đuống, tháng có con người phải tìm đến nhau mà chia sẻ chia nỗi niềm, mưa cũng không thể gắn hàn nâng đỡ…
Còn mẹ ta, mẹ chúng ta. Mùa Xuân hương khói càng thổn thức tâm can mẹ. Gian nhà trống trải, chiếc giường tre, giát mỏng, đêm đêm mẹ trằn trọc nỗi mong con, nó kêu theo tiếng thở dài của mẹ, nó cũng thức với người, nó cũng nghe xem ngoài ngõ làng kia có bước chân nào, sáng mai có tiếng chim khách báo tin không? Quê hương đất nước ta có bao nhiêu bà me già nua trong cô đơn như thế khi con mẹ nằm lại một góc rừng nào chưa ai biết. Ai nghe được tiếng khóc thầm của mẹ, ai nhìn thấy những giọt nước mắt trong khuya, nhưng mẹ lại dũng cảm tuyệt vời, không để cho bất cứ ai nhìn thấy đôi má nhăn nheo có ngấn nước mắt đêm qua đêm kia. Mẹ vẫn cười, nụ cười móm mém, nụ cười có dòng chảy phía trong tim…
Đã có người xa xứ hiện về cùng ta trong đêm xuân sum họp. Ta nến và hoa đào, ta bánh chung và mứt tết, ta trà sen có gương mặt tươi hoa của người thân mến… bỗng cũng ngậm ngùi cho một kiếp kẻ lang thang. Trời bên ấy tuyết rơi tầm tã. Người vừa đi đâu ngoài phố trở về một bóng một thân mà câu thơ đầm nước mắt:
Tuyết đổ dày thêm đêm lạnh buốt
Người về phòng nhỏ bóng cô đơn
Mở chai bia lạnh thay cơm tối
Ngồi đọc thư nhà lệ chứa chan …
(Giao thừa – Thanh Nam)
Tuyết đã buốt, chai bia lạnh sao ấm được lòng, hay nó chỉ là con dao khoét sâu thêm nỗi giá băng trống trải xứ người, khiến chứa chan, nhòe cả phong thư quê nhà cố quốc… trong tâm trạng kẻ cô đơn đêm giao thừa không Tổ quốc… càng thấm thía câu nói của một ai rằng: “Không thể đi nhận một người đàn bà khác đẹp hơn, trẻ hơn, giàu hơn… mẹ mình, làm mẹ được. Mẹ ta già, mẹ ta nghèo nhưng mẹ đã cho con cả cuộc đời, cho con từ nụ cười đến giọt nước mắt, cho con mùa xuân, cho con ánh sáng ngọn đèn dầu, bông hoa cải góc vườn, cho con hương thơm nồi nước lá mùi già rửa mặt hôm mùng một Tết… chắc chắn con không bị cô đơn với chai bia lạnh xứ người đêm trắng tuyết. Đội ơn mẹ vạn lần, đội ơn cả những giọt nước mắt yêu thương của mẹ, giọt nước mắt chỉ chảy xuống suốt đời cho con!
Mong sao, mùa Xuân là mùa của tiếng cười, như hoa nở đánh át mùa đông lạnh. Tiếng cười đánh át tiếng khóc, chỉ còn tiếng khóc vui mừng cho đôi uyên ương lâu ngày gặp lại, vợ gặp chồng, con gặp me, mẹ gặp con… Cầu mong ai cũng có mùa Xuân bất tận với lời xuân nồng nàn diễm tuyệt!