Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Nóng giận

Nóng giận

1193
Khi nóng giận, chúng ta thường cho mình một lý do nào đó. Cái ý thức bản ngã không bao giờ cho phép chúng ta sai lầm. Chúng ta sẽ hợp thức hoá hết những gì có thể để giải thích cho nóng giận của chúng ta. Lâu ngày, chúng ta mặc định nóng giận như một bản năng và vô thức để cho năng lượng tiêu cực của nóng giận tàn phá thân thể, tâm hồn, cũng như tình yêu, quan hệ và sự nghiệp.

Y học hiện đại cho biết khi một người nóng giận, độc tố từ các hạch nội tiết sẽ chảy vào huyết quản. Số lượng bạch huyết cầu có thể sụt giảm nhanh chóng dẫn đến hư hại hệ miễn dịch. Y học Mỹ còn ghi nhận có trường hợp một người phụ nữ vô cùng tức giận do cãi nhau với chồng, sau đó, vẫn trong cơn tức giận nhưng cho đứa con ba tháng tuổi bú. Kết quả, sau bú mẹ xong vài giờ, đứa bé bỗng tái ngắt, co giật rồi tắt thở. Khám nghiệm y khoa báo cáo đứa bé chết là do nhiễm độc.

Đức Phật nói: “Nuôi cái nóng giận trong lòng thì chẳng khác nào mình uống thuốc độc mà mong chờ người khác chết”.

Beverly Sills nói: “Cơn tức giận bắt đầu với sự dại dột, và kết thúc bằng sự hối hận”.
Mahatma Gandhi nói: “Giận dữ và không tha thứ là kẻ thù của sự thông hiểu đúng đắn”.
Albert Einstein nói: “Giận dữ chỉ náu mình trong lồng ngực của những kẻ ngu xuẩn”.
Benjamin Franklin nói: “Bất cứ điều gì bắt đầu trong giận dữ đều kết thúc bằng sự xấu hổ”.

Chúng ta, chỉ cần nhìn lại một chút trải nghiệm nóng giận của mình, đều không khó để thấy u mê, tổn hại và khổ đau do nóng giận mang lại. Ngoài ra, nếu nhìn sâu đủ, chúng ta cũng không khó để thấy khi nóng giận kết hợp với quyền lực và thanh danh, nóng giận còn có thể đốt cháy một gia đình, một cộng đồng, một quốc gia và hơn thế nữa.

Vì thế, để không hại mình và ngu muội mình, cũng như không gây khổ người và tổn thương đời, nóng giận cần phải được điều phục.

Có ba phương tiện hiệu quả giúp điều phục nóng giận. Thứ nhất là giảm thiểu tác động của hoá chất gây căng thẳng và rối loạn sinh lý. Thứ hai là tăng niềm vui và độ ổn định tâm lý. Thứ ba là học sử dụng hiệu quả năng lượng sống.

Để giảm thiểu tác động của hoá chất gây căng thẳng và rối loạn sinh lý, chúng ta cần phải biết chọn lựa thực phẩm. Ăn cái gì và uống cái gì rất quan trọng. Minh triết Phương Đông cho biết: Cái bạn ăn là cái bạn trở thành. Chúng ta sẽ không thể không nóng giận, căng thẳng và rối loạn sinh lý nếu chúng ta vẫn tiếp tục ăn những thức ăn có kích thích tăng trưởng, thừa độc tố và uống những thức uống gây nghiện.

Để tăng niềm vui và ổn định tâm lý, chúng ta cần phải nuôi dưỡng ý thức biết ơn, tâm thương yêu và hành động chia sẻ. Hạnh phúc của việc chia sẻ, thương yêu và biết ơn sẽ làm tâm tư chúng ta vui tươi và ổn định. Tất nhiên chúng ta không thể chia sẻ, thương yêu và biết ơn khi chúng ta không có trách nhiệm tự thân và ý thức cộng sinh trong cuộc đời mình.

Cuối cùng, để học được cách sử dụng năng lượng sống hiệu quả, chúng ta cần biết tĩnh lặng tâm tư. Thiền, nhất là thiền chánh niệm hơi thở, là cách tuyệt vời nhất để tâm tư tĩnh lặng. Y học cho biết bộ não, nơi mọi hoạt động tâm ý diễn ra, chỉ chiếm 2% tổng trọng lượng cơ thể nhưng tiêu thụ tới 25% tổng năng lượng cơ thể (trẻ em là 50% và trẻ sơ sinh là 60%). Điều đáng nói là trong số 25% năng lương đó, những tâm lý như lo âu, trách phiền, tham lam, ganh tỵ, sợ hãi và mặc cảm… (tâm lý tiêu cực) đã lấy mất gần đến 20%. Mức độ hoạt động càng cao của các tâm lý tiêu cực, mức độ tiêu hao năng lượng sống càng lớn.

Nói chung, nếu chúng ta muốn có hạnh phúc tinh thần và an yên thân xác, chúng ta phải lưu ý nóng giận. Nóng giận chỉ làm chúng ta thêm tai hại và xấu xí. Không có thành công, minh triết và hạnh phúc nào có mặt trong nóng giận cả. Một người có trách nhiệm chính mình, có trân quý tự thân và có ước hẹn với sự sống, sẽ không bao giờ muốn lãng phí năng lượng cuộc đời mình trong nóng giận. Người ấy biết nóng giận không gì hơn là u mê và tự hại. Người ấy sẽ thay đổi trong điều kiện có thể. Thay đổi từ ăn uống, thương yêu, chia sẻ cho đến tĩnh lặng tâm tư.

NHUẬN ĐỨC