Nói là viếng Ngũ Hành sơn, nhưng hầu hết du khách chỉ đến Thủy sơn, ngọn núi lớn nhất trong cụm. Leo 108 bậc cấp lát đá vòng vèo sát vách núi và được che mát dưới tàn cây lớn, cứ một đoạn thấy mỏi chân, du khách dừng chân ngắm cảnh và lấy lại nhịp thở.
Trong khi đó, suốt đoạn đường lên núi luôn rộn ràng bước chân thoăn thoắt của các em bé và vài người đã lớn tuổi đi theo khách mời mua vài thẻ hương hoặc đôi món vật dụng lưu niệm.
Nhưng điều đặc biệt là họ tự nguyện làm công việc của những người thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành sơn cho du khách mà không đòi hỏi thù lao.
Lần đầu gặp một chú nhóc bán hương bám theo, miệng mồm tía lia cái giọng Quảng đặc sệt, thật tình tôi thấy hơi khó chịu. Nhưng rồi nghe chú bé kể về những sự tích, truyền thuyết về Ngũ Hành sơn với vẻ tự hào không che dấu về quê hương của mình, tôi chợt thấy quý mến anh chàng "hướng dẫn viên nghiệp dư" này. Và hôm ấy, chú bé bán hương đó trở thành người bạn đồng hành tuyệt vời của tôi trong chuyến dạo chơi thú vị.
Từ lối lên núi ở phía nam Thủy sơn, lên hết hàng trăm bậc tam cấp sẽ gặp chùa Tam Thai, xây dựng từ năm 1630. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua đã cho xây dựng lại chùa Tam Thai. Nhà Nguyễn cũng đã sắc phong ngôi chùa này là quốc tự.
Chùa Tam Thai. Ảnh Khuê Việt Trường |
Tiếp tục đến Vọng Giang đài, từ nơi này phóng tầm mắt nhìn thấy sông Cẩm Lệ, sông Hàn đẹp như tranh vẽ; hay ra Vọng Hải đài ngắm nhìn bãi biển Non Nước quanh năm sóng vỗ. Rồi vào thăm thạch động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư… đôi lúc tưởng như chạm vào cái thâm u và huyền bí trong lòng núi.
Ngũ Hành sơn còn có những di tích lịch sử như mộ phần thân mẫu tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng) và các di tích thời chiến tranh như địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ…
Động Huyền Không trên đỉnh Thủy Sơn. Ảnh: TMB |
Lịch sử của ngọn núi rộng 15 héc ta này dày đặc những huyền thoại. Sử ghi vào đời nhà Hậu Lê, vua Lê Thánh Tôn (trị vì từ 1460-1497) đã phát hiện ra Ngũ Hành sơn. Đại sư Huệ Đạo Minh là người đầu tiên tu ở Thủy sơn và đã dựng tấm bia “Ngũ Uẩn sơn" ở động Vân Thông năm 1640. Tấm bia thứ hai dựng ở động Hoa Nghiêm năm 1641.
Truyền thuyết của người Chăm kể rằng, từ thuở xa xưa có con rùa vàng đẻ ra năm quả trứng, khi trứng nở ra, các vỏ trứng hình thành năm ngọn núi đá, mỗi núi có màu đá khác nhau, tạo thành cụm cẩm thạch ngũ sắc.
Từ nhiều năm nay, cả khu vực Ngũ Hành sơn, mà nhiều nhất là dưới chân Thủy sơn đã hình thành làng nghề đá mỹ nghệ nổi tiếng khắp nơi. Mắc rẻ không bàn, nhưng nơi đây có cơ man nào sản phẩm làm từ đá, đúc bằng bột đá đa dạng màu sắc. Đá Ngũ Hành sơn – còn gọi là đá Non Nước – lừng danh không riêng ở Việt Nam, mà cả nước ngoài cũng biết đến