Trang chủ PGVN GHPGVN Nội quy Tiểu ban Thanh thiếu niên PT

Nội quy Tiểu ban Thanh thiếu niên PT

128

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG
 
NỘI QUY
TIỂU BAN THANH THIẾU NHI PHẬT TỬ
THUỘC PHÂN BAN CƯ SĨ PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG
 
LỜI NÓI ĐẦU
 
Trong những thập niên gần đây, sinh hoạt tu học của hàng Phật tử tại gia ngày càng khởi sắc, phát triển thuận lợi tốt đẹp nhiều mặt. Tuy nhiên, tình hình chung cho thấy những người đến các tự viện để tu học, tụng niệm phần đông là nữ Phật tử lớn tuổi, còn nam giới và thanh thiếu nhi Phật tử có phần thưa vắng.
 
Điều đó có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có lý do rằng: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Xét ra quan niệm này, không còn phù hợp với sự tiến bộ đổi mới đi lên của thời đại. Bởi lẽ, tuổi trẻ chính là nguồn sinh lực mạnh mẽ nhất, cần có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động trong đó có việc: tín ngưỡng, nghiên cứu học hỏi và ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống, để rèn luyện nhân cách, nâng cao phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm, góp phần làm giảm thiểu các vấn nạn gia đình, học đường và xã hội.
 
Để khuyến khích các tự viện bổ sung và đổi mới sinh hoạt tu học, tạo thuận duyên cho giới trẻ cống hiến công sức trí tuệ, góp phần xây dựng đạo pháp và dân tộc, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại chương V, điều 21, quy định các ngành hoạt động của Giáo hội gồm có 10 ban viện, Ban Hướng dẫn Phật tử đứng vị trí thứ 3. Ban này có 2 phân ban, gồm Phân ban Cư sĩ Phật tử và Phân ban Gia đình Phật tử. Phân ban Cư sĩ Phật tử với bản Nội quy, ngay tại điều 1 chương 1 đã quy định hình thành 7 tiểu ban, đứng đầu là Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử, để chuyên trách hướng dẫn sinh hoạt tu học cho hàng thanh thiếu nhi Phật tử, chưa tham gia sinh hoạt trong các đơn vị Gia đình Phật tử.
 
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG – TỔ CHỨC – NHIỆM VỤ – ĐIỀU HÀNH  
Điều 1. Quy định chung
 
1.1. Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử là một bộ phận của Phân ban Cư sĩ Phật tử trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mọi sinh hoạt, tu học của thanh thiếu nhi Phật tử do sự hướng dẫn, quản lý, điều động và kiểm tra của ngành Hướng dẫn Phật tử. Đồng thời, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức hoạt động của Giáo hội địa phương trên cơ sở phối kết hợp.
 
1.2. Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử có chức năng tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh thiếu nhi là Phật tử đến sinh hoạt tu học, rèn luyện kỷ năng sống đẹp, sống có lợi ích vì cộng đồng, tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội và công tác từ thiện xã hội.
 
Điều 2. Tổ chức
 
2.1. Cấp Trung ương
 
a. Thành phần nhân sự của Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Trung ương do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương bổ nhiệm gồm có:
– Trưởng Tiểu ban
– Các Phó Tiểu ban
– Chánh Thư ký
– Các Phó Thư ký
– Thủ quỹ.
– Các Ủy viên.
 
b. Số lượng nhân sự Tiểu ban Thanh Thiếu nhi Phật tử Trung ương không quá 21 thành viên.
 
2.2. Cấp tỉnh, thành hội
 
a. Thành phần nhân sự của Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Tỉnh, Thành hội do Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội bổ nhiệm gồm có:
– Trưởng Tiểu ban
– Các Phó Tiểu ban
– Thư ký
– Các Thư ký
– Thủ quỹ
– Các Ủy viên
 
b. Số lượng nhân sự Tiểu ban Thanh Thiếu nhi Phật tử cấp Tỉnh, Thành hội không quá 15 thành viên.
 
2.3. Cấp Huyện hội, Quận hội, Thị hội, Thành hội trực thuộc Tỉnh hội Phật giáo (gọi chung là Huyện hội Phật giáo)
Ủy viên Hướng dẫn Phật tử thuộc Ban Đại diện Phật giáo Huyện hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, khuyến khích, sinh hoạt tu học của thanh thiếu nhi Phật tử tại địa phương theo chủ trương của Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Tỉnh, Thành hội và sự chỉ đạo của Huyện hội Phật giáo.
 
2.4. Cấp cơ sở
 
a. Tổ chức
 
– Vị trụ trì, hoặc Trưởng Ban hộ tự hoặc Trưởng Ban quản trị, (gọi chung là vị đứng đầu tự viện) có trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành câu lạc bộ (áp dụng chung cho cấp cơ sở) tại tự viện, phải đăng ký chương trình hoạt động hằng năm của cơ sở với Ban Đại diện Huyện hội Phật giáo.
Ban Điều hành Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử tại tự viện gồm:
– Cố vấn chỉ đạo (Vị đứng đầu tự viện)
– Trưởng ban
– Phó ban
– Thư ký
– Thủ quỹ
– Các ủy viên (Nghi lễ, Văn nghệ, Ngành nhi,…)
b. Độ tuổi:
Thanh thiếu nhi Phật tử tham gia sinh hoạt tu học trong câu lạc bộ và các mô hình sinh hoạt khác tại cơ sở theo độ tuổi:
– Ngành nhi: Từ 6 tuổi đến 11 tuổi
– Ngành thiếu: Từ 12 tuổi đến 17 tuổi
– Ngành thanh: từ 18 tuổi đến 30 tuổi
Riêng các thành viên trong Ban Điều hành có thể trên 30 tuổi.
 
Điều 3. Nhiệm vụ
 
3.1. Cấp Trung ương
 
Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử cấp Trung ương hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Nội quy này; thực hiện các chủ trương của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và chỉ đạo của Phân ban Cư sĩ Phật tử Trung ương.
 
3.2. Cấp Tỉnh, Thành hội
 
Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử cấp Tỉnh, Thành hội hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Nội quy này; thực hiện các chủ trương của ngành Hướng dẫn Phật tử Trung ương và chỉ đạo của Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Trung ương.
 
3.3. Cấp Huyện hội và cơ sở
 
Ủy viên Hướng dẫn Phật tử, Ban Điều hành Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử và các mô hình sinh hoạt, tu học khác tại cơ sở tự viện, có trách nhiệm hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Nội quy này; thực hiện các chủ trương của ngành Hướng dẫn Phật tử và sự chỉ đạo của Huyện hội Phật giáo.
 
Điều 4. Nhiệm kỳ
 
4.1. Nhiệm kỳ của Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử theo nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử cùng cấp.
 
4.2. Nhiệm kỳ của Ủy viên Hướng dẫn Phật tử theo nhiệm kỳ của Ban Đại điện Huyện hội Phật giáo địa phương.
 
Điều 5. Điều hành
 
5.1. Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử cấp Trung ương
 
a. Soạn thảo các chương trình sinh hoạt, tu học cho thanh thiếu nhi Phật tử theo chủ trương của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
 
b. Mỗi năm một lần, kết hợp với các ban ngành liên hệ tổ chức một trong các Phật sự như: Hội thảo chuyên đề, khóa tập huấn, khóa tu, hội trại,… cấp khu vực, hoặc cấp toàn quốc vào dịp nghỉ hè của sinh viên học sinh để sinh hoạt, tu học, giao lưu trao đổi kinh nghiệm và bồi dưỡng kỷ năng chuyên môn cho thanh thiếu nhi Phật tử. 
 
c. Mỗi sáu tháng họp nội bộ một lần và báo cáo tình hình sinh hoạt thanh thiếu nhi Phật tử lên Phân ban Cư sĩ Phật tử và Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương vào đầu tháng 5 và tháng 11 Dương lịch.
 
d. Mỗi năm ít nhất một lần, họp với đại diện Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử các Tỉnh, Thành hội vào dịp trước Hội nghị thường niên của Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương.
 
5.2. Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử cấp Tỉnh, Thành hội
 
a. Căn cứ chủ trương, chương trình của Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Trung ương, lập kế hoạch hướng dẫn các mô hình sinh hoạt thanh thiếu nhi Phật tử tại Tỉnh, Thành hội.
 
b. Khuyến khích Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử cấp Tỉnh, Thành hội hàng năm tổ chức một trong các Phật sự như: Hội thảo chuyên đề, khóa tập huấn, khóa tu, hoặc hội trại vào dịp nghỉ hè của sinh viên học sinh để sinh hoạt, tu học, giao lưu trao đổi kinh nghiệm và bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn. 
 
c. Họp nội bộ và báo cáo lên Tiểu ban Thanh thiếu thiếu nhi Phật tử Trung ương và Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, thành sáu tháng một lần vào giữa tháng 5 và tháng 11 Dương lịch.
 
d. Mỗi năm ít nhất một lần, họp với Ủy viên Hướng dẫn Phật tử các Huyện hội Phật giáo vào dịp lễ tổng kết công tác Phật sự cuối năm.
 
5.3. Cấp Huyện hội
 
a. Ủy viên Hướng dẫn Phật tử của Huyện hội Phật giáo có nhiệm vụ triển khai, thực hiện kế hoạch sinh hoạt của Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Tỉnh, Thành hội và của Huyện hội Phật giáo; theo dõi, hướng dẫn Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử và các mô hình sinh hoạt, tu học khác tại cơ sở.
 
b. Mỗi năm ít nhất một lần, Ủy viên Hướng dẫn Phật tử họp với đại diện các Ban Điều hành Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử vào dịp lễ tổng kết công tác Phật sự cuối năm.
 
5.4. Cấp cơ sở
 
a. Ban Điều hành Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử và các mô hình sinh hoạt, tu học khác tại cơ sở, có trách nhiệm hướng dẫn thanh thiếu nhi Phật tử sinh hoạt, tu học theo chương trình, kế hoạch đã ấn định phù hợp với chủ trương của ngành Hướng dẫn Phật tử và hoạt động Phật sự của tự viện.
b. Ban Điều hành, mỗi quý họp một lần để kiểm điểm sinh hoạt, tu học và hoạch định chương trình trong quý tới.
 
CHƯƠNG II
MỤC ĐÍCH – DANH XƯNG – SINH HOẠT TU HỌC
HUY HIỆU – ĐỒNG PHỤC 
Điều 6. Mục đích
 
Tu học theo lời Phật dạy để rèn luyện nhân cách, nâng cao phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm, góp phần làm giảm thiểu các vấn nạn gia đình, học đường và xã hội. Nêu cao tinh thần nhập thế phụng sự Tam bảo và chúng sanh, xây dựng nếp sống văn minh hạnh phúc an lạc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội và tổ quốc.
 
Điều 7. Danh xưng
 
Danh xưng của mô hình sinh hoạt thanh thiếu nhi Phật tử tại cơ sở là: Câu lạc bộ, kèm theo tên tự viện mà thanh thiếu nhi Phật tử đang sinh hoạt, tu học. Ví dụ như: Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử chùa Quán Sứ, Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử thiền viện Quảng Đức,…
 
Điều 8. Sinh hoạt, tu học
 
8.1. Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử sinh hoạt, tu học vào mỗi chiều chủ nhựt hoặc thời điểm thích hợp trong tuần. Nội dung: Tụng kinh Phước đức, pháp thoại và giải trí.
 
8.2. Ngoài câu lạc bộ, còn có các mô hình sinh hoạt, tu học khác tại cơ sở như: Đạo tràng, khóa tu, hội trại, thi giáo lý, diễn văn nghệ, hoạt động xã hội,…theo chủ trương của ngành Hướng dẫn Phật tử.
 
8.3. Mô hình sinh hoạt, tu học của thanh thiếu nhi Phật tử tại cơ sở được tổ chức trong khuôn viên tự viện. Nếu tổ chức ngoài tự viện phải tuân thủ các quy định của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước.
 
Điều 9. Huy hiệu, đồng phục
 
Huy hiệu, đồng phục câu lạc bộ thanh thiếu nhi Phật tử tại cơ sở do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành, thống nhất sử dụng toàn quốc trên cơ sở đệ trình của Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Trung ương.
 
CHƯƠNG III
THAM GIA – NGHĨA VỤ – QUYỀN LỢI
KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT
Điều 10. Tham gia
 
Các Phật tử trẻ không phân biệt: giới tính, thành phần đều có thể đăng ký tham gia Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử và các mô hình sinh hoạt, tu học khác tại cơ sở, nếu đủ điều kiện đáp ứng các quy định của Ban Điều hành nơi đó.
 
Điều 11. Nghĩa vụ
 
Các thành viên có bổn phận sinh hoạt thường xuyên gắn bó với câu lạc bộ, thương mến, giúp đỡ lẫn nhau; tích cực khuyến khích, hướng dẫn thân nhân bạn bè phát tâm quy y Tam bảo, giữ gìn ngũ giới, lục hòa; thực hiện tốt chương trình Phật hóa gia đình, tham gia các công tác Phật sự của tự viện.
 
 Điều 12. Quyền lợi
 
Các thành viên được tham gia sinh hoạt, tu học, rèn luyện nhân cách đạo đức, được giúp đỡ và hưởng các quyền lợi thành viên của mô hình sinh hoạt thanh thiếu nhi Phật tử tại cơ sở do Ban điều hành quy định.
Điều 13. Khen thưởng
 
Các thành viên có phẩm chất đạo đức tốt, có thành tích cao trong sinh hoạt tu học được tuyên dương, khen thưởng bởi Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp.
Điều 14. Kỷ luật
 
Các thành viên thiếu tinh thần kỷ luật, gây mất đoàn kết hòa hợp nội bộ, không chấp hành nội quy của tổ chức, tùy trường hợp nặng nhẹ sẽ bị nhắc nhỡ riêng, hoặc kiểm điểm trước tập thể. Nếu vi phạm nghiêm trọng, bị đình chỉ sinh hoạt bởi Ban Điều hành mô hình sinh hoạt thanh thiếu nhi Phật tử tại cơ sở.
 
CHƯƠNG IV
TÀI CHÁNH 
Điều 15. Tài chánh
Tài chánh Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử các cấp và mô hình sinh hoạt Thanh thiếu nhi Phật tử tại cơ sở do sự tự nguyện đóng góp ủng hộ của:
– Các thành viên.
– Các vị Mạnh thường quân.
 
CHƯƠNG V
SỬA ĐỔI – HIỆU LỰC 
Điều 16. Sửa đổi
Mọi sửa đổi, bổ sung Nội quy này phải được 2/3 thành viên Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử Trung ương đồng ý và được Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương phê duyệt.
Điều 17. Hiệu lực
Nội quy này gồm có: Lời nói đầu, 05 chương và 17 điều, đã được Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thông qua và ra quyết định ban hành.
 
 
BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM