Trong ký ức tuổi thơ tôi, rằm tháng bảy có điều gì đó thiêng liêng lắm, chả vậy mà bà nội vẫn luôn nhắc nhở: “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng bảy”. Nhà quê nghèo, muốn cúng rằm cho tươm tất phải chuẩn bị rằm từ nhiều tháng trước, để dành hoa trái trong vườn, chăm bẵm hơn cho con gà mau lớn…
Thích nhất là trước rằm vài phiên chợ, tôi được theo bà và mẹ đi mua sắm. Chợ cách nhà mấy cây số, bà, mẹ và tôi đều cuốc bộ. Dù đã tuổi cao, mắt mờ, chân chậm, nhưng bà vẫn cẩn thận tự mình chọn những đồ vàng mã ưng ý để cúng các cụ. Những việc mua sắm khác để chuẩn bị mâm cơm cúng thì bà giao cho mẹ đảm trách. Bà vừa chọn đồ vàng mã vừa dặn mẹ: “Không cần phải sắm lễ to mới là hiếu thảo, cốt yếu là chọn những vật dụng cần thiết cho các cụ, nhớ phải chọn lựa màu sắc theo sở thích của từng cụ thì các cụ mới ưng ý…”. Tôi ngắm những đồ vàng mã thật nhiều sắc màu, được làm rất tinh xảo bằng giấy và nan tre thì lấy làm ngưỡng mộ lắm, nhưng tuyệt nhiên không dám táy máy. Vàng mã mua về, bà giao cho tôi ghi tên từng cụ lên từng món đồ, vì chữ tôi đẹp nhất trong số các cháu. Được “lựa chọn” nên tôi thấy thiêng liêng và tự hào lắm.
Mùa Vu lan – mùa xá tội vong nhân. (Ảnh minh họa) |
Sớm rằm, các cô dì chú bác đã tề tựu đông đủ tại nhà bác cả, dẫn theo cả đám “lau nhau” của từng nhà. Khi những tia nắng chiếu long lanh vào những giọt mưa đêm còn đọng lại nơi cuống lá, chúng tôi được bà dẫn ra vườn. Chỉ chờ bà “phân công” việc trẩy hoa quả cho từng đứa là đứa nào đứa nấy thoăn thoắt trèo lên các cây. Anh lớn nhất được bà giao cho trèo cây thị – là cây cao nhất trong vườn. Anh hai thì trèo cây nhãn, các anh khác thì trèo cây ổi, cây na… Còn các cháu gái thì được giao quét lại sân, ngõ, hái lá trầu và hoa hồng, hoa mẫu đơn… Chả mấy chốc, những chiếc giỏ mây để đựng hoa quả đã đầy ắp, anh em chúng tôi lúc lắc khiêng về xếp đầy sân để bà lựa…
Bà cẩn thận chọn những quả to và cân đối, màu sắc đẹp nhất để xếp lên mâm ngũ quả. Những quả còn lại, bà cẩn thận chọn thêm một lần rồi chia đều thành năm suốt cho năm gia đình. Trong thúng còn lại những quả bé bé xinh xinh, chúng tôi sẽ được bà thưởng cho để chơi. Thích nhất là khi được bà thưởng cho quả thị, màu vàng óng mịn, thơm lừng. Chúng tôi thường đi lấy cuống lá chuối đã héo, ngâm nước cho dai, mềm rồi chẻ nhỏ thành sợi, đan thành chiếc giỏ nhỏ xinh và cho quả thị vào đó, treo đầu giường cho thơm…
Khấn vái các cụ xong, bà chờ hết hương thì bảo các bác đi hoá vàng. Lần lượt từng món đồ mã được các bác đốt cẩn thận, không để chỗ nào cháy sót. Bà bảo: “Quần áo cháy không hết thì thành rách, các cụ không mặc được, tiền vàng hoá không hết thì cũng như rách, mất góc… các cụ không tiêu được”. Mắt nhoà, bà vẫn ngước lên nhìn theo từng mảnh tro bay lên không trung, rồi cẩn thận cúi xuống tưới lên chỗ hoá vàng một chén rượu, chắp tay xuýt xoa khấn vái thêm một lần, cảm ơn vì các cụ đã nhận lễ của con cháu.
Buổi chiều, cả nhà cùng đi lên chùa để thắp hương và góp gạo để nhà chùa nấu cháo làm lễ xá tội vong nhân, cho những linh hồn lang thang được bát cơm ấm bụng để siêu thoát…
Bao nhiêu năm qua đi, con cháu trưởng thành đã lập nghiệp tứ xứ, không phải rằm nào cũng tề tựu được đông đủ, nhưng cách thức cúng rằm thì cho đến giờ vẫn giữ như vậy. Bỗng nhiên, tôi thấy nhớ da diết mùi hương thị thảo thơm lặng lẽ sau vườn..