Tây hưởng tết ta
Tiết trời se lạnh báo hiệu khoảnh khắc giao thoa giữa cái cũ và cái mới luôn tạo cho người ta cảm giác bâng khuâng, xao xuyến. Trong không khí rạo rực chờ năm mới, người đi xa nôn nao trông vé tàu tết, sốt sắng gom góp những đồn tiền cuối cùng để kịp chuyến xe đông đến không còn chỗ đứng, những ông bố, bà mẹ mong ngóng đứa con xa… Ít ai kịp để ý những người nước ngoài cũng nôn nao không kém. Họ vừa tò mò vừa thích thú khi đón nhận không khí ấm cúng không khác gì ngày lễ Giáng sinh nơi quê hương họ, để từ đó, họ hiểu hơn về văn hóa truyền thống và tâm tình người Việt Nam.
Harvey Morrison – nhiếp ảnh kiêm phóng viên tự do người Mỹ – ông từng đi và sống ở nhiều nơi trên thế giới đã ba năm liền đón tết ở Việt Nam. Với ông, cái cách những gia đình Việt Nam sum họp, cùng nhau ăn những món truyền thống như: bánh chưng, dưa hành, thịt kho… cùng trò chuyện rôm rả là điều gây cho ông nhiều ngạc nhiên. Ông cũng thích ngắm cảnh mọi người thong dong tản bộ trên những con đường sạch đẹp, đầy hoa, thích ngắm nét hào hứng trên khuôn mặt của trẻ con khi chúng xúng xính trong bộ quần mới, rủ nhau đi chụp hình.
Là một nhiếp ảnh, với Harvey, Việt Nam là "thiên đường" của nghề chụp ảnh dạo bởi nhiếp ảnh không chỉ kiếm được tiền trong ngày tết mà còn được chiêm ngưỡng vẻ hạnh phúc của mỗi người nhất là nét thơ ngây của trẻ thơ. Trong cách nhìn của Harvey, vẻ đẹp thơ ngây ấy là điều hết sức quý giá mà không thể đong đếm bằng tiền. Do vậy, năm nay, ông cũng rất mong chờ đến ngày tết âm lịch của người Việt để được chộp lấy những khoảnh khắc bình yên nhất, vui tươi nhất của người Việt Nam.
Cũng như Harvey, Guillaume – giáo viên người Pháp đang giảng dạy một trường quốc tế ở Việt Nam là người đi nhiều và trải nghiệm nhiều. Thế nhưng, cho đến nay, nơi anh thích nhất và gắn bó lâu nhất chính là Việt Nam. Tại đây, ngoài những học trò thân yêu, những người bạn chân tình, Guillaume còn có người vợ đảm đang, tài giỏi.
Với Guillaume, không khí tết ở Việt Nam khiến anh nhớ đến ngày lễ Giáng sinh ở Pháp – một dịp lễ và là thời khắc đáng nhớ nhất trong năm dành riêng cho gia đình. Mọi người làm ăn nơi xa đều trở về nhà, tụ tập bên nhau, ăn uống và trò chuyện thỏai mái. Cũng giống như ở Việt Nam, trẻ con ở Pháp được vui chơi thỏa thích nhất trong dịp lễ này. Vì vậy, khi được tận hưởng không khí ấm cúng gia đình trong dịp tết ở Việt Nam, Guillaume càng thấy nhớ nhà, nhớ quê.
Tuy nhiên, sự thân thiện, cởi mở của những người Việt ở đây khiến anh có cảm giác như mình là một thành viên trong gia đình và phần nào giúp anh vơi đi nỗi nhớ nhà. Guillaume cho biết, anh đặc biệt thích cách những người mẹ thể hiện tình yêu gia đình bằng cách dành trọn thời gian để nấu các món ngon nhất cho mọi người và ai ai cũng được thư thái, tạm thời quên đi công việc, gác lại những lo toan trong những ngày tết…
Riêng Guillaume sẽ đón tết ở quê cùng gia đình vợ vì với anh tết ở thành phố khá im ắng và buồn.
Tết ta bên trời Tây
Là công nhân xuất khẩu lao động, anh Ngọc Minh luôn phải đối mặt với nỗi nhớ vợ, nhớ con và nỗi nhớ ấy càng cồn cào da diết trong những dịp lễn, tết. Có lần anh tâm sự, khi nhấc máy điện thoại, nghe tiếng bi bô của con anh như muốn chạy về ngay tức khắc. Có những năm vào dịp tết anh lại nằm một mình trong phòng, có khi nước mắt rơi ướt cả điếu thuốc. Anh nhớ chiếc nồi nấu bánh chưng sôi sùng sục trên bếp lửa đỏ rực, nhớ khung cảnh cả nhà háo hức đón giao thừa, nhớ cả tiếng gáy của chú gà trống giống… và nỗi nhớ ấy cũng chính là động lực để những người đi làm xa như anh có thêm quyết tâm làm việc, để mong sớm về sum họp với người thân.
Ngọc Hân, một du học sinh ở Úc cho biết, khi tết dươg lịch qua đi, mọi người bản xứ say sưa với công việc thì cô lại cảm thấy nôn nao nhớ tết, nhờ nhà quay quắt. Cái tết đầu tiên xa quê, Ngọc Hân khóc đến sưng mắt và ngày nào cũng chờ mong thư nhà. Những năm trước, phương tiện liên lạc chủ yếu là email và khi các anh chị em quây quần chuẩn bị bánh trái, không có thời gian để viết thư cô phải "nướng" điện thoại. Kết quả là trong ba ngày tết năm đầu tiên, số tiền Ngọc Hân "nướng" vào điện thoại bằng một tháng chi tiêu.
Vậy mới thấy, tết ở Ta hay ở Tây đều có những nỗi niềm trong những ngày tết. Nỗi niềm ấy khiến con người ta xích lại gần nhau hơn, giúp họ hiểu giá trị của tình người, tình quê hương một thứ tình cảm không thể quy ra thành tiền, một thứ tình cảm vượt qua mọi rào cản của quốc gia, ngôn ngữ và màu da.