Chúng tôi có dịp đến chùa Năng Nhơn trong những ngày đầu tháng 12. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng khi thấy chúng tôi đến, các cháu đều ùa ra, đứa bá cổ, đứa ôm vai, vui mừng ríu rít như gặp người thân.
Thượng tọa Thích Nhật Quang – trụ trì chùa Năng Nhơn và phật tử Lê Thị Trí Hiền – người đảm đương vai trò bảo mẫu được các cháu gọi là bà nội, cũng vui lây: “Tuy thiếu tình thương của cha mẹ nhưng các cháu đều ngoan hiền và rất hiếu khách”.
Thượng tọa Thích Nhật Quang cho biết: “Hiện chùa Năng Nhơn đang nuôi dạy 13 cháu có độ tuổi trung bình từ 4 – 8 tuổi. Tất cả đều chưa một lần được gọi hai tiếng “Mẹ ơi”. Ở đây, các cháu chỉ có “bà nội” là người thân yêu nhất, là người thường xuyên chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành. Dù biết rằng không gì thay thế được tình mẹ nhưng với những đứa trẻ này, có lẽ đó đã là hạnh phúc lắm rồi”.
Cho đến bây giờ, phật tử Lê Thị Trí Hiền vẫn không thể nào quên một ngày giữa tháng 5/2003. Hôm đó, khi vào chùa dọn dẹp, cô bắt gặp một thiếu nữ trạc tuổi 20, trên tay bế đứa bé còn đỏ hỏn ngồi trước cổng chùa.
Vừa thấy cô, người mẹ trẻ đã khóc lóc van nài xin cô hãy nhận nuôi dưỡng giùm đứa bé vì cha cháu và cả gia đình đều không thừa nhận. Không biết có phải vì cám cảnh trước giọt nước mắt của những người mẹ đến cho con hay không mà cả 13 đứa trẻ đều được cô đặt tên với chữ lót là “Lệ”.
Đứa bé đầu tiên được cô nhận nuôi dưỡng là Lệ Nhật. 13 đứa trẻ ở đây đều cùng một cảnh ngộ: Mẹ là những phụ nữ nghèo, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, bị gạt tình rồi bị ruồng bỏ… Nói về hoàn cảnh của các cháu, cô Hiền cho biết: “Khi các cháu vào, có mẹ hoặc bà ngoại bồng tới cho trong hoàn cảnh vô thừa nhận. Cuộc tình của cha mẹ các cháu không được sự đồng ý của gia đình hai bên. Bên gái vì sợ xấu mặt họ hàng và cũng để mẹ các cháu làm lại cuộc đời nên phải đem cho con và nhà chùa sẵn sàng tiếp nhận nuôi dưỡng các cháu”.
Cũng từ ngày duyên nợ ấy đến giờ, phật tử Trí Hiền phải nhân duyên thêm công việc của người bảo mẫu. Từng là một đứa trẻ mồ côi, hơn ai hết, cô thấu hiểu nỗi bất hạnh của bọn trẻ nên đã dành hết tình thương cho chúng.
Cô tâm sự: “Các cháu chính là hình ảnh của tôi ngày xưa, vì khi vào chùa tôi cũng chỉ mới có 4 tuổi. Chăm sóc các cháu tuy khá vất vả, nhưng tôi thấy được niềm vui khi thấy các cháu lớn lên từng ngày, khỏe mạnh và ngoan hiền; nhất là khi các cháu nói nhiều câu rất cảm động, lúc đó mọi cực nhọc dường như tan biến hết”.
Mỗi cháu vào chùa đều được “bà nội” Trí Hiền ghi lại lý lịch cũng như hình ảnh của cha mẹ ruột để sau này lớn lên, các cháu có thể tìm lại gia đình của mình.
“Nhà chùa nuôi các cháu lớn lên, cho ăn học thành tài và những cháu có những năng khiếu sở trường nào sẽ được nhà chùa đào tạo đến nơi đến chốn để các cháu có nghề nghiệp ổn định. Khi lớn lên, đã có đủ nhận thức, cháu nào muốn ở lại tu tại chùa cũng được, hoặc muốn tìm lại cha mẹ ruột của mình để hòa nhập lại cuộc sống gia đình, cộng đồng thì nhà chùa sẽ cung cấp địa chỉ cũng như hình ảnh cha mẹ để các cháu đi tìm” – Thượng tọa chia sẻ.