Trang chủ PGVN GHPGVN Nội dung "Nội quy Ban Tăng sự Trung ương" tự phủ nhận...

Nội dung "Nội quy Ban Tăng sự Trung ương" tự phủ nhận nhau

628

Chúng tôi có nhận được điện thư của một số Phật tử đề nghị bình luận một số văn bản của Phật giáo. Những trường hợp mà bạn đọc Phật tử viện dẫn là chính xác, quả là có vấn đề, nhưng ở những văn bản đã qua thời gian tính, bình luận sẽ không đem lại lợi ích gì, không thể sửa chữa, cũng như không tạo nên hệ quả quan trọng.

Tuy nhiên, theo tinh thần mà bạn đọc đề nghị, chúng tôi lưu tâm đến những văn bản đang có hiệu lực và có thể gây ra khó khăn cho sinh hoạt của tăng ni Phật tử.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến “Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Nhiệm kỳ VII”, với nội dung tự phủ nhận lẫn nhau giữa các điều, mà từ ngữ trên báo chí gọi là văn bản “đá” nhau. Nhưng điều xảy ra khi văn bản “đá” nhau là giữa các văn bản, do nhiều cơ quan đơn vị khác nhau ban hành. Còn trong trường hợp của Phật giáo ở đây việc “đá” nhau nằm trong chính một văn bản, chỉ ở điều trên, điều dưới; dòng trên, dòng dưới, tất nhiên chỉ do một cơ quan ký ban hành.

Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Nhiệm kỳ VII”, có điều 26 và điều 27 như sau:

Điều 26: Thành viên Tăng, Ni (Tu sĩ) Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều phải cư trú tại các cơ sở Tự viện hợp pháp của Giáo hội. Trường hợp vì yêu cầu phục vụ lao động sản xuất, tham gia các công việc từ thiện xã hội, phục vụ nhân dân buộc phải cư trú ngoài cơ sở Tự viện v.v… thì phải có thời gian cụ thể được sự chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi đi và nơi đến.

Điều 27: Tăng, Ni không được cư trú và hoạt động tín ngưỡng Đạo Phật tại các nơi thờ tự không phải là tín ngưỡng Đạo Phật như: Đình, Đền, Phủ, Miếu, nhà trọ, nhà khách v.v… và không được cư trú tại các tư gia Phật tử” (1).

Nội dung điều 26 nói rõ những yêu cầu để tu sĩ có thể cư trú ngoài cơ sở tự viện, với những trường hợp bắt buộc. Tức là điều 26 dự kiến và thủ tục xin phép trong trường hợp tăng ni cư trú ngoài cơ sở tự viện. Hình thức thể hiện có dấu chấm lửng (ba chấm) cho phép cách hiểu, suy đoán, diễn dịch ra vượt ra ngoài nội dung thể hiện. Quy định như vậy đương nhiên là thoáng và thực tế.

Thế nhưng ngay sau đó điều 27 lại quy định trái ngược phủ nhận nội dung đã được nêu ở điều 26. Điều 27 viết “Tăng, Ni không được cư trú và hoạt động tín ngưỡng Đạo Phật tại các nơi thờ tự không phải là tín ngưỡng Đạo Phật như: Đình, Đền, Phủ, Miếu, nhà trọ, nhà khách v.v… và không được cư trú tại các tư gia Phật tử”. Căn cứ nội dung trên thì rõ ràng đã loại trừ trường hợp tăng ni “phải cư trú ngoài cơ sở Tự viện”, vì chỉ có tự viện mới thỏa mãn yêu cầu là nơi thờ tự đạo Phật. Hơn nữa, lại có dấu chấm lửng, cho phép người áp dụng liệt kê thêm ngoài nội dung đã liệt kê.

Điều 26 và điều 27 “Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Nhiệm kỳ VII” rõ ràng trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau, phủ nhận nhau.

Áp dụng điều 27, thì trường hợp tăng ni khi đi xa cư trú tạm thời ở khách sạn chẳng hạn là vi phạm “Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Nhiệm kỳ VII”.

Theo đúng quy định tại điều 2 “Quyết định Ban hành Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012-2017)”, trong trường hợp này thì tăng ni có thể bị từ chối cư trú và bị buộc chấm dứt việc cư trú tại khách sạn, tuân thủ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

Còn nếu căn cứ điều 26, thì khi “buộc phải cư trú ngoài cơ sở Tự viện” thì tăng ni phải xin phép Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi đi và nơi đến. Vậy dù ở 1 ngày, tăng ni cũng phải có phép này. Vì vậy, chẳng những hai điều 26 và 27 phủ nhận nhau, mà lại còn không thực tế.

Hệ quả, nếu chỉ áp dụng điều 27 thì tăng ni không được ở khách sạn, nếu ở là bất hợp pháp. Còn áp dụng điều 26 thì lại được ở nhưng phải xin phép Ban Trị sự cấp tỉnh 2 nơi. Do quy định phủ nhận nhau và không theo thực tế như vậy, tăng ni khi công tác xa vẫn ở khách sạn mà không có phép Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh 2 nơi đi và đến. Điều này đưa tăng ni, gồm cả các vị tôn đức vào tình trạng vi phạm Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN. Mà vi phạm Nội quy Ban Tăng sự Trung ương chẳng những là điều không nên, mà còn là tấm gương xấu.

Còn việc áp dụng 2 điều có nội dung trái ngược nhau, thì sẽ giải quyết như thế nào. Theo điều 27, trường hợp có phép bị loại trừ, tất cả đều không được. Vậy khi có phép thì sao, việc cho phép theo điều 26 lẽ nào vô giá trị và không có hiệu lực.

Hơn nữa, nếu căn cứ điều 27, mọi hoạt động tín ngưỡng đạo Phật do tăng ni tiến hành ngoài nơi thờ tự Phật giáo đều bị cấm, đều là vi phạm Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. Nếu tuân thủ điều này tăng ni không được hành lễ hay thuyết pháp tại bất cứ đâu.

Như vậy, trường hợp tăng ni đến doanh nghiệp (có thể là nhà trọ, nhà khách như Nội quy đã nêu cụ thể) hành lễ, thuyết pháp là bị cấm. Nhưng thực tế, tăng ni kể cả các bậc thượng tọa, hòa thượng vẫn làm và như vậy là vi phạm Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. Nếu áp dụng Nội quy hành vi vi phạm phải chấm dứt. Như vậy thì làm sao hoằng pháp độ sinh.

Điều cấm đoán này hoàn toàn trái với nội dung kinh Phật. Theo kinh Phật, Đức Phật và tăng chúng thường xuyên du hóa, là hoạt động tín ngưỡng, ngoài các tịnh xá trên một khu vực rộng lớn của tiểu lục địa Ấn Độ. Điều cấm đoán này đã bất hợp pháp hóa hoạt động hoằng pháp độ sinh của tăng ni khi diễn ra ngoài tự viện.

Căn cứ điều 27 Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì hoạt động hoằng pháp, tín ngưỡng, hành lễ Phật giáo ngoài tự viện bị phát hiện, thì có thể bị buộc chấm dứt ngay. Điều này quả là bất lợi cho riêng Phật giáo, trong khi các tôn giáo khác truyền đạo mạnh mẽ ở khắp các địa bàn, len lỏi vào các nhà dân, mọi lúc mọi nơi.

Ngay cả nghi lễ hộ niệm tang lễ tại tư gia Phật tử theo truyền thống (có thể nhà Phật tử là nhà trọ, nhà khách) căn cứ điều 27, vẫn sẽ trở thành bất hợp pháp đối với tăng ni. Sẽ diễn ra điều oái ăm, là tăng ni hành lễ không được, nhưng Phật tử lại được, vì đó là nhà của họ. Việc này sẽ được giải thích như thế nào cho thỏa đáng?

Điều này tuy là Nội quy của Ban Tăng sự nhưng liên hệ đến Phật tử. Phật tử muốn cung thỉnh tăng ni về nhà mình (có thể là nhà trọ, nhà khách) hành lễ hay thuyết pháp, thì phải làm sao? Lẽ nào Phật tử tiếp tay cho tăng ni vi phạm Nội quy Ban Tăng sự Trung ương?

Nếu Phật tử phát hiện tăng ni vi phạm Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì phải làm thế nào?

Điều 26 và 27 đưa cả tăng ni lẫn Phật tử vào tình trạng lúng túng, khó xử, và trong thực tế là vi phạm phổ biến khi chỉ là cầu an, cầu siêu ngoài tự viện. Điều này có gián tiếp là mất uy tín người tu sĩ Phật giáo hay không, khi họ luôn bị đưa vào thế người vi phạm nội quy Ban tăng sự.

Và còn một thắc mắc nữa, là điều 27 nhấn mạnh đến yêu cầu tăng ni “không được cư trú tại tư gia Phật tử”. Viết như thế là lấy tư gia Phật tử ra làm tiêu chí ngăn cấm. Vậy, nếu không phải là tư gia Phật tử thì sao? Nếu tư gia Phật tử nhưng đó là nhà của cha mẹ anh em tăng ni thì sao?…

Soạn thảo một văn bản nhưng để nội dụng văn bản tự phủ nhận nhau đã là điều tối kỵ. Huống nữa đây là Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, áp dụng cho hàng mấy chục ngàn tu sĩ và liên hệ đến hàng chục triệu tín đồ.

Để xảy ra tình trạng văn bản tự phủ nhận nhau ở mọi trường hợp đều là việc làm thiếu trách nhiệm và phải được chấm dứt ngay. Mà ở trường hợp đang nói đây không chỉ là việc tự phủ nhận, mà còn là không phù hợp với truyền thống, không thực tế, tự đưa người tu sĩ vào tình trạng bất hợp pháp, phải thường xuyên rơi vào thế vi phạm, dù là đi công tác theo lời mời hay sự điều động của các cấp giáo hội (nếu các Ban Trị sự không cấp phép cư trú ngoài tự viện, và nếu có cấp vẫn có thể là vô giá trị bởi điều 27 ngăn cấm tuyệt đối).

Lỡ để xảy ra việc có văn bản mang nội dung tự phủ nhận nhau, tự gây khó khăn như thế là điều đáng tiếc, sẽ đáng tiếc hơn nếu cứ bỏ mặc không sửa chữa kịp thời.

Nếu không được sửa chữa kịp thời, căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN thì việc hành lễ, thuyết pháp (hoạt động tín ngưỡng đạo Phật), cư trú tạm thời của tăng ni ngoài tự viện đều là việc vi phạm có thể bị ngăn cản, và việc tăng ni bị coi là vi phạm sẽ làm tự tổn thương hình ảnh của giáo hội.

Việc để tồn tại một văn bản ở cấp Nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhưng có nội dung tự phủ nhận và tự làm bất lợi như thế sẽ dẫn đến sự khinh thường của mọi người đối với Phật giáo về năng lực soạn thảo văn bản quy định của những người có trách nhiệm.

Cũng nhân dịp này, nên có việc rà soát, kiểm tra lại các văn bản của giáo hội, để có những điều chỉnh kịp thời khi cần thiết tránh việc ban hành, áp dụng những văn bản, mà khi căn cứ vào đó sẽ phát sinh lúng túng, vi phạm hàng loạt, dù chỉ là việc làm bình thường như tăng ni cư trú khách sạn, nhà trọ, nhà khách khi đi công tác, hay hành lễ cầu an, cầu siêu, thuyết pháp theo lời cung thỉnh của Phật tử.

Coi việc thúc đẩy việc làm cho tăng ni thuận lợi trong việc hoằng pháp, hành lễ là tích lũy công đức, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sự việc này đến khi có kết quả điều chỉnh thích hợp cho việc mở rộng hoạt động hoằng pháp và hành lễ sao cho hợp pháp và đúng như sự thật.

MT

Thông tin thảo luận riêng: [email protected] hoặc Vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh