Một người khác, ý thức được rằng bản chất của dòng sông là thay đổi không ngừng, dù mình có thích như vậy hay không, anh ta sẽ không cảm thấy đau khổ. Biết được sự sống cũng như dòng sông này, không có sự vui sướng lâu dài, không có tự ngã, chính là tìm được chân lý vững bền và không có sự đau khổ, chính là tìm ra được sự an tịnh thật sự trên đời.
Người ta có thể nói, "Thế thì ý nghĩa của cuộc đời là gì?" "Con người sinh ra làm chi?" Tôi không thể trả lời các câu hỏi đó. Tại sao bạn ăn? Bạn ăn để không phải ăn thêm nữa. Bạn sanh ra để không phải sanh ra nữa.
Giải thích bản chất thực sự của sự vật, về sự trống rỗng của chúng ta, là một việc khó khăn. Nghe được giáo pháp, con người phải tìm ra phương cách để hiểu.
Tại sao chúng ta hành thiền? Nếu chúng ta không hỏi tại sao, chúng ta được an nhiên tự tại rồi đó. Buồn rầu đau khổ không thể xảy đến với người hành thiền như thế này.
Ngũ uẩn là những kẻ giết người. Bám lấy thân thì sẽ bám lấy tâm, và ngược lại. Chúng ta hãy ngưng lại, đừng tin tưởng tâm của chúng ta nữa. Hãy dùng giới luật và sự an tịnh tâm để giữ gìn chánh niệm và tỉnh thức thường trực. Khi ấy bạn sẽ nhận chân được rằng mọi sự đều vô thường, bất xứng ý và trống rỗng, cùng lúc bạn sẽ nhìn thấy hạnh phúc và đau khổ xảy ra riêng rẽ. Trong sự tĩnh lặng đó, niềm vui chân thực của Đức Phật sẽ đến.
Nước ngầm
Phật Pháp không riêng của ai; Phật Pháp không có sở hữu chủ. Phật Pháp phát khởi khi thế giới hiện khởi, nhưng đứng riêng độc lập một mình như sự thật muôn đời. Phật Pháp luôn luôn có mặt nơi đây, không dời đổi, không biên cương, dành sẵn cho mọi người muốn tìm đến với nó. Phật Pháp cũng như nước ngầm trong lòng đất: ai đào giếng sẽ bắt gặp chỗ nước ngầm đó. Dầu bạn có đào giếng hay không, nước ngầm vẫn luôn luôn ở đấy, ẩn tàng sau lưng mọi vật.
Khi tìm kiếm Phật Pháp, chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm quá xa, chúng ta rướn quá độ, với quá xa, nên bỏ qua phần cốt tủy. Phật Pháp không phải ở đàng kia, hay ở chỗ nào xa lắc xa lơ, phải đi một chuyến thật xa, hay phải dùng viễn vọng kính, mới tìm thấy được. Phật Pháp ở ngay tại đây, rất gần với chúng ta, là yếu tính thật sự của chúng ta, là vô ngã. Khi chúng ta nhìn thấy yếu tính này, mọi vấn đề không còn nữa, mọi rắc rối biến mất hết. Tốt, xấu, sướng, khổ, sáng, tối, ta, người,…, chỉ còn là những hiện tượng trống rỗng. Nếu chúng ta biết được điều thiết yếu này, ý thức xưa cũ của chúng ta về tự ngã sẽ không còn nữa và chúng ta trở nên thật sự tự do.
Chúng ta thực hành sự xả bỏ, chứ không trì thủ. Nhưng trước khi có thể xả bỏ Thân và Tâm, chúng ta phải biết rõ bản chất của nó. Khi ấy sự xả bỏ xảy ra tự nhiên.
Không có gì là ta hay của ta; tất cả đều vô thường. Tại sao chúng ta không thể nói Niết Bàn là của ta? Bởi vì những kẻ chứng ngộ Niết Bàn không còn có tư tưởng về cái ta vàcủa ta nữa. Nếu còn có tư tưởng về ta và của ta, họ không thể nào thấy được Niết Bàn. Dầu họ biết rằng mật là ngọt, nhưng họ không còn nghĩ: Tôi đang nếm vị ngọt của mật.
Con đường Phật Pháp là phải bước tới hoài, nhưng Chân Phật Pháp không đi tới, không đi lui, cũng không đứng yên một chỗ.
Lượm xoài
Khi bạn có được trí tuệ, sự tiếp xúc với đối tượng giác quan, cho dù tốt hay xấu, vui sướng hay đau khổ, cũng giống như đứng dưới gốc cây xoài lượm trái trong khi có kẻ khác leo lên cây rung cho bạn. Chúng ta chỉ việc lựa xoài tốt và xoài thúi mà chẳng nhọc công vì chúng ta không phải leo lên cây.
Như vậy nghĩa là gì? Mỗi đối tượng giác quan đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta kiến thức. Chúng ta không cần phải làm đẹp chúng. Tám ngọn gió của thế gian — được mất, vinh nhục, khen chê, đau khổ và vui sướng, cứ tới tự nhiên. Nếu tâm của bạn đã phát triển được sự yên tĩnh và trí tuệ, bạn có thể lượm và lựa một cách thoải mái. Cái mà người khác có thể gọi là tốt hay xấu, đó hay đây, vui sướng hay đau khổ, đều lợi lộc cho bạn, bởi vì kẻ khác leo lên cây xoài rung cho bạn, và bạn chẳng có điều gì phải sợ hãi.
Tám ngọn gió thế gian cũng giống như những trái xoài rớt xuống cho bạn. Bạn hãy dùng định lực và tâm yên tịnh để chiêm ngưỡng và thu thập. Biết trái xoài nào tốt, trái xoài nào thuí, chính là trí tuệ, tức là sự minh sát (vipassana). Bạn không tạo ra trí tuệ. Khi có trí tuệ, nội quán (insight) tự nhiên phát sinh. Dầu rằng tôi gọi nó là trí tuệ, bạn không nhất thiết phải cho nó một cái tên.
Theo: Mặt hồ tĩnh lặng
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana