Trang chủ Đời sống Tâm sự Niệm Phật và trì chú

Niệm Phật và trì chú

669

Chia sẻ:


Một Phật tử tu tập pháp môn Tịnh độ, niệm danh hiệu Phật A Di Đà đồng thời tham gia đạo tràng tụng kinh, tu Bát quan trai và trì chú là điều tốt, đúng Chính pháp. Có thể nói, tụng kinh và tu tập Bát quan trai cùng trì chú sẽ trợ duyên tích cực cho việc hành trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà.


Căn cứ vào kinh Nhật tụng được phổ biến trên toàn quốc hiện nay, chúng ta thấy rõ các khóa lễ đều có trì chú, tụng kinh và niệm Phật. Sự kết hợp hài hòa giữa Giáo (tụng kinh), Mật (trì chú) và Tịnh (niệm Phật) trong kinh tụng hàng ngày chứng tỏ các pháp này có công năng trợ duyên lẫn nhau, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp. 


Tu Bát quan trai không phải để “chuẩn bị cho kiếp sau xuất gia” mà chính là thực tập hạnh xuất gia một ngày một đêm. Đời sống tại gia còn nhiều chướng duyên ràng buộc nên bạn không thể tu tập tinh chuyên như hàng xuất gia. Vì thế, bạn cần tham dự khóa tu Bát quan trai (tập sự xuất gia, sống thân cận và tu tập như chư Tăng một ngày đêm) để gia tăng công phu trì giới, tu niệm. Nhất là trong nội dung tu học của khóa tu Bát quan trai, niệm Phật luôn được xem là công phu căn bản. Như vậy, người tu niệm Phật cần tham dự khóa tu Bát quan trai nhiều hơn để tinh chuyên hơn trong việc tu tập niệm Phật của mình.


Đối với vấn đề tụng kinh cũng rất cần thiết cho người tu tập pháp môn niệm Phật và các pháp môn khác. Tụng kinh có tác dụng nhiếp ba nghiệp thân khẩu ý từ vọng động thành thanh tịnh. Đọc tụng kinh điển giúp cho hành giả thẩm thấu, hiểu biết sâu sắc hơn lời Phật dạy để ứng dụng, hành trì. Mặt khác, các đạo tràng tụng kinh hiện nay đa phần trì tụng các kinh như: kinh A Di Đà, Phổ Môn, Địa Tạng, Pháp Hoa v.v… đều là những kinh văn căn bản, cần thiết cho hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ.


Riêng đối với vấn đề trì chú Đại Bi và Thập chú vốn rất quan trọng đối với người tu hành. Công năng của các thần chú thường được đề cập là mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. Thần chú Đại Bi và Thập chú là một trong những nội dung quan trọng của thời khóa công phu khuya trong các chùa viện, người xuất gia phải hành trì mỗi ngày đã chứng tỏ tầm quan trọng, không thể thiếu của thần chú. Vì thế, trong những thời khóa tụng kinh, niệm Phật tại tư gia nếu bạn phát tâm gia trì thêm các thần chú như Đại Bi, Thập chú nhất là thần chú Vãng sanh (thuộc Thập chú) sẽ rất tốt, trợ duyên thêm cho việc hành trì niệm Phật.


Công phu tu niệm có những cấp độ cạn, sâu khác nhau. Khi hành giả bước vào cấp độ sâu của pháp môn niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà mới cần đến sự chuyên nhất hay “nhất tâm bất loạn” với danh hiệu Phật. Còn đối với hàng Phật tử sơ cơ, mới tập tu niệm Phật thì nghe pháp, tụng kinh và trì chú là cần thiết, không phải là “tạp tu”. Tạp tu là không định hướng được pháp môn, hành trì nhiều pháp môn cùng lúc mà không có công dụng hỗ trợ lẫn nhau, điều này hoàn toàn khác biệt với việc tu tập với một pháp môn chính và các pháp trợ duyên cần thiết.


Một người tu tập pháp môn Tịnh độ, cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc, cố nhiên niệm danh hiệu Phật A Di Đà là chính yếu, cốt tủy. Những hành giả nào có đầy đủ trí lực, Tín-Nguyện-Hạnh sung mãn thì chỉ việc chuyên nhất niệm Phật đến một lòng không loạn. Còn lại hầu hết chúng ta cần lấy pháp niệm Phật làm căn bản đồng thời nỗ lực nghe pháp, tụng kinh, trì chú để trợ duyên thêm. Ngoài ra, vấn đề tu tập rất cần sự trợ duyên của các bạn đồng tu, “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Tham gia các khóa tu và đạo tràng là cách hay nhất để thiết lập một “Tăng thân” nhằm giúp đỡ, động viên lẫn nhau, cùng tiến tu trên con đường đạo.


Chúc bạn tu tập thành công!