Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Niệm đi

Niệm đi

240

 

Khi thiền hành, ta để tâm ghi nhận, theo dõi bước chân hay chuyển động của bàn chân qua nhiều giai đoạn trên đoạn đường ngắn được chọn để đi tới đi lui suốt thời gian thiền hành trong khóa thiền. Để ghi nhận kịp thời và liên tục bước chân, ta phải đi chậm lại. Bắt đầu bằng sự ghi nhận đơn giản là mặt bước, trái bước. Sau đó ghi nhận giở đạp và cuối cùng là giở, bước, đạp trong mỗi bước chân.
 
Khi chân giở, tâm hay biết giở; khi chân bước, tâm biết bước;khi chân đạp, tâm hay biết đạp v.v… Tuy nhiên, giở, bước hay đạp chỉ là tục đế vì liên hệ đến ý niệm, hình tướng của bàn chân. Quan trọng hơn là phải kinh nghiệm được đặc tính riêng như nặng, nhẹ, nóng, lạnh, chuyển động của tứ đại gồm đất, nước, gió, lửa và đặc tính chung của đề mục như vô thường, khổ và vô ngã trong lúc kinh hành.  
 
Theo dõi bước chân kinh hành, hành giả sẽ thấy nhẹ khi giở lên, đẩy về phía trước khi bước tới, nặng dần dần khi buông bàn chân xuống và nặng, cứng khi bàn chân đạp xuống mặt đất. Đó là hành giả kinh nghiệm được đặc tính riêng của tứ đại.  
 
Với sự ghi nhận chính xác, song hành và liên tục bước chân qua nhiều giai đoạn khác nhau trong khi thiền hành, chánh niệm trở nên vững vàng và nhờ vậy tâm định trở nên mạnh mẽ. Từ từ hành giả sẽ thấy được càng lúc càng rõ, càng nhanh, càng vi tế hơn từng cái giở, cái bước và cái đạp và kinh nghiệm sự thay đổi, sự sanh diệt của từng đề mục ghi nhận. Bước chân trở nên êm nhẹ như lướt trên mặt đất. Tâm trở nên tĩnh lặng, trong sáng và quân bình trên mỗi bước đi. Bấy giờ hành giả chỉ thấy ý muốn đi và thân đang đi mà không có ý niệm về người đi, tôi đi,ta đi nào hết. Mỗi khoảnh khắc thiền hành, chỉ có tâm chánh niệm ghi nhận khắn khít trên từng bước chân trong hiện tại mà thôi chứ không có trạng thái tâm suy nghĩ hay tham, sân, si nào sanh khởi hết. 
 
Đi như vậy gọi là đi không để lại dấu chân. 
 
Theo: Vài làn hương Pháp
Trích soạn: Thitasīla Thùy Khanh, ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện hiệu đính