Trang chủ PGVN Nhân vật Ni trưởng Giác Nhẫn (1919 – 2003): Bậc chân tu thật học

Ni trưởng Giác Nhẫn (1919 – 2003): Bậc chân tu thật học

316

Kính nghe, xuất gia từ nhỏ, vời vợi đức từ
Nhập đạo dần cao, đường đường ni tướng
Giới đức đủ ba trăm bốn mươi tám đạo hạnh có thừa
Tâm cơ theo tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng thiếu
Kinh Phật mới nghe đã hiểu, hẳn đời xưa sẵn có túc nhân
Kệ vàng chợt viết cũng thành, ý kiếp trước đã dày thiện quả
Chùa Giác Thiên khai tràng thuyết pháp tận độ quần mê
Chốn Huệ Lâm hành đạo qui chân, đề tê chúng khổ

Ni trưởng Giác Nhẫn là bào đệ của Ni trưởng Tâm Nhàn, Ni trưởng Như Thái và là bào tỷ của Ni sư Giác Bổn. Cả bốn chị em được sinh ra trong mái gia đình vàng son, trâm anh thế phiệt. Với lứa tuổi mười tám xuân xanh, với địa vị của thân sinh cao sang quyền quý, Ni trưởng giác ngộ chọn cho mình con đường xuất gia học đạo không màng danh lợi.

Thời của Ni trưởng ít có người nữ xuất gia tu học, đạo tràng phần nhiều là của chư Tăng trụ trì. Với chí hướng cao cả và lý tưởng giác ngộ chân thật “con người sinh ra không phải là sống mãi, vạn vật đều do duyên sinh hợp tan liên tục”, Ni trưởng Giác Nhẫn đã nhận thức được tinh thần giác ngộ của Đức Phật và đặt đời mình vào sự tu học chân thật bằng một lý tưởng tầm đạo và trải tâm học đạo không lười mỏi.

Ngược dòng thời gian, khi cùng học ở Phật học đường Bảo An (Bến Tre), một hôm cụ bà thân mẫu của Ni trưởng đến thăm, quà mang theo chỉ có ba trái cam, Ni trưởng đem xẻ chia cho gần năm mươi người trong chúng.

Thâm tình pháp lữ, Ni trưởng hoà mình vào mỗi con người không phân biệt sang hèn, không tự cho mình là người giàu mà khinh bỉ những người nghèo hèn thất học, lúc nào Ni trưởng cũng chia sẻ với đồng bạn bằng tinh thần lẫn vật chất.

Khi còn là học chúng tôn trọng những bậc ân cư. Khi bước vào ngưỡng cửa đại học Vạn Hạnh khoá đầu tiên, Ni trưởng là sinh viên Phật giáo của khoa Phật học Vạnh Hạnh –  một vị ni sinh duy nhất trong bốn mươi Tăng sinh.

Sau khi tốt nghiệp đại học Vạn Hạnh với bằng Cử nhân Phật học, Ni trưởng đảm trách chức vụ của Giáo hội Ni bộ Bắc tông với địa vị cao thượng nhưng lúc nào Ni trưởng cũng tôn trọng và quý kính những bậc ân sư.

Vào đầu thập niên 90 (thế kỷ XX), mặc dù vừa cư tang Ni trưởng Tâm Nhàn, khi nhận được tin Hoà thượng Pháp sư Kiểu Lợi viên tịch, Ni trưởng về dự tang lễ của Hoà thượng vào một buổi tối trời mưa, con đường từ phà Rạch Miễu về chùa Phước Duyên đường trơn trợt khó đi, mưa lại lớn, tôi cảm nhận và không quên hình ảnh một vị Ni trưởng tuổi ngoài bảy mươi lăm mà dầm mưa về Tổ đình dự tang lễ của Hoà thượng ân sư.

Khi vào đến chùa, Ni trưởng đã ướt hết mình, các vị tri khách mời giải lao nhưng Ni trưởng liền khước từ. Ni trưởng nói: “Tôi là học trò của Thầy, giờ đây là lễ bố tát tiến linh Thầy, xin cho tôi được thọ tang để được cung thỉnh giác linh Thầy bố tát”.

Sự đạo hạnh cao quý và nghĩa cử “Tôn sư trọng đạo” của Ni trưởng làm chúng tôi không bao giờ quên được suốt những ngày tang lễ. Ni trưởng đặt đời mình vào góc độ của một người học trò cư tang báo đáp ân sư, chịu nhọc nhằn đảnh lễ các phái đoàn đến viếng tang. Đạo hạnh của Ni trưởng làm cho mọi người phải nể phục.

Lần gặp Ni trưởng cuối cùng vào mùa mưa sơ tuần tháng 10 năm Nhâm Ngọ, ngày đưa linh quan Hoà thượng Định Thành về chùa Hội Phước tỉnh Đồng Tháp. Ni trưởng mặc dù thân tứ đại đã gầy, đôi chân đi không được phải trợ giúp bằng xe lăn mà Ni trưởng nhiệt tâm đưa linh quan Hoà thượng Định Thành về tổ đình Hội Phước. Tôi rất khâm phục Ni trưởng là một con người sống bằng đại đức và khắc phục những khổ đau do bệnh tật bằng tấm lòng tôn kính đạo đức của những bậc ân sư.

Chúng tôi cùng với Ni trưởng Giác Nhẫn là thâm tình huynh đệ đồng sư nhưng Ni trưởng đối với tôi vẫn một mực bên Tăng, lúc nào cũng giữ bát kỉnh. Tôi học rất nhiều về đạo hạnh của Ni trưởng Giác Nhẫn, là một con người quyền quý mà không có bản ngã tự cao; khi xuất gia thì nỗ lực tu học, không phân biệt sang giàu, chỗ nào có pháp sư giảng đạo Ni trưởng đều thân hành đến cầu học.

Khi Hoà thượng Nhất Hạnh mở lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học ở chùa Pháp Hội, Ni trưởng là người nữ đầu tiên ghi danh vào học; khi đại học Vạn Hạnh khai giảng khoá I (1965), Ni trưởng cũng là sinh viên nữ của khoa Phật học.

Lúc nào Ni trưởng cũng tự khiêm và tôn kính để cầu học. Cuộc đời hành đạo của Ni trưởng đã đem lại lợi ích cho nhiều người.

Khi trà tỳ, nhục thân Ni trưởng kết lại nhiều viên xá lợi năm màu, đây là chứng tích của sự tu học, đã chứng ngộ chân lý. Cuộc đời của Ni trưởng Giác Nhẫn để lại cho tha nhân và hàng pháp tử bài học gương mẫu đáng quý noi theo.

Ôi! Tám mươi năm lẻ chốn Ta Bà!
Chèo chống thuyền từ vượt phong ba
Nơi chợ đời xứng danh nhi nữ
Chốn đạo tràng rõ bậc tài hoa
Vuông tròn bao kẻ mang ân nặng
Nhân nghĩa một đời hạnh lợi tha
Cội phúc vun trồng giờ trổ quả
Sen vàng một đoá đẹp lòng ta.

Pháp đệ: Tỳ kheo Thích Giác ThiệnViện chủ Tu viện Phước Long (Mỹ Tho – Tiền Giang)

Phải chăng Ni trưởng đã biết trước ngày viên tịch?

Vào ngày 24/1/2003, ngay sau khi xuất viện, Ni trưởng Giác Nhẫn hoan hỷ cung thỉnh Thượng Tọa Thích Tôn Thật (đã viên tịch) – Trưởng ban từ thiện xã hội báo Giác Ngộ (lúc bấy giờ) để trao một số tịnh tài để ủng hộ chương trình mổ mắt cho người nghèo khó khăn.

Ngày hôm đó, Ni trưởng rất vui nên quên đi cơn đau bệnh, vì thế cô Diệu Liên (cháu của Ni trưởng) không an tâm tình hình sức khỏe nên thưa rằng:

–  Đã quá giờ trưa sao Thầy chưa nghỉ?

– Thầy vui vì đã hoàn thành tâm nguyện nên không nghỉ được.

Mỗi khi nghe tiếng đại hồng chung, Ni trưởng liền gọi thị giả đỡ dậy để lần chuỗi chuỗi niệm Phật. Sau tết âm lịch năm Quý Mùi (2003) tức là còn đúng một tháng ngày Ni trưởng viên tịch, tinh thần của Ngài rất tỉnh táo và hoan hỷ mặc dù thân tứ đại đang tan rã nhưng chỉ nhất tâm hành trì niệm câu hồng danh A Di Đà miên mật.

Trong di chúc được Ni trưởng Giác Nhẫn lập ngày 05/4/2000, có đoạn như sau: “Sau khi Thầy viên tịch, hậu sự các sứ phải đúng với đạo pháp, thể hiện tinh thần giải thoát, tùy nghi cử hành tang lễ trong ba hay bốn ngày thôi. Không nên để lâu làm mệt nhọc mọi người! Thầy sợ tổn đức! Sau khi thiêu, thâu Xá Lợi đặt trên bàn thờ, ngồi chung với hai Sư tỷ”.

Ở cuối di chúc, Ni trưởng có nói rõ rằng “đã yên tâm trong lúc tuổi già cầu vãng sanh Phật quốc”.

Phải chăng đây là lời tiên triệu biết trước ngày giờ ra đi và lưu lại xá lợi nhưng với đức tính khiêm cung của một vị xuất gia nên Ni trưởng không nói ra?

01 giờ sáng ngày mùng 06/2/Quý Mùi (tức 08/3/2003 dương lịch), Ni trưởng nghe trong người hơi mệt liền gọi bào muội Giác Bổn và Ni chúng xúm quanh giường niệm Phật cầu tiếp dẫn Tây Phương Cực Lạc.

Ni sư Giác Bổn hỏi: “Chị có nghe niệm Phật không?”. Lúc đó, Ni trưởng gật đầu và miệng cũng niệm theo. Ni chúng chùa Huệ Lâm và các chùa khác luân phiên trợ niệm trong một ngày đêm.

Sáng ngày mùng 07/2/Quý Mùi (tức ngày 09/3/2003 dương lịch), Ni trưởng nhiều lần giơ tay lên dường như muốn chỉ cái gì đó và  có nhiều lúc Sư Bà mở mắt nhìn về một chỗ với nét mặt hoan hỷ.

Đến 11 giờ 10 phút , Sư Bà mở mắt thật to, thật sáng và ngước nhìn lên không trung, miệng vẫn vẫn niệm câu danh hiệu Phật rồi hơi thở yếu dần. Sau đó từ từ nhằm mắt khít lại, miệng cũng khép rất kín.

Sau khi tịch, khuôn mặt Ni trưởng hồng hào lạ thường và thân thể rất mềm mại.

Sau lễ trà tỳ, Ni trưởng Giác Nhẫn đã lưu lại hàng ngàn viên Xá lợi. Xá lợi có viên to bằng đầu ngón tay cái, bằng đầu đũa, và rất nhiều viên màu đen huyền, màu trắng óng ánh pha chút đỏ rất đẹp. Trong số đó, nổi bật là mười viên xá lợi long lanh và chiếu sáng như viên pha lê. Và đặc biệt có một viên như nắm tay của em bé sơ sinh, có hình trái tim, ở phía trên còn có sợi màu đỏ.

Xá lợi của Ni trưởng Giác Nhẫn được quý chư Tôn đức Tăng Ni tán thán rất nhiều vì đây là kết quả tu trì suốt cuộc đời của một người xuất gia.

“… Điều làm tôi vui mừng hơn nữa là khi Ni trưởng viên tịch, sau lễ trà tỳ đã tìm thấy được nhiều viên xá lợi lưu lại cho đời sau và điều này cũng khiến tôi nhớ lại rằng sau lễ trà tỳ cố Hoà thượng Thiện Hoa, Ni trưởng Huyền Học có nói với tôi: “Thượng toạ cho tôi xin một viên xá lợi của Hoà thượng để đại chúng chiêm ngưỡng, tăng trưởng tín tâm và tu hành tinh tấn”.

Không ngờ ngày nay, Ni trưởng Giác Nhẫn cũng để lại cho Ni chúng nhiều xá lợi như thế. Tôi tin tưởng hàng hậu học kế thừa tinh thần tu học sâu sắc của Ni trưởng sẽ nổ lực hơn và thực hiện được nhiều việc tốt cho đời, đẹp cho đạo để làm rạng danh Ni giới Việt Nam” – trích bài cảm niệm về Ni trưởng Giác Nhẫn của Hoà thượng Thích Trí Quảng (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đăng trong “Kỷ Yếu Ni Trưởng Giác Nhẫn” (NXB Tôn Giáo, 2004).

Hải Trí