Trang chủ Tin tức Ni sư Thích Nữ Hằng Liên thuyết giảng chủ đề: Thuần Hóa...

Ni sư Thích Nữ Hằng Liên thuyết giảng chủ đề: Thuần Hóa Tâm Bất Thiện

115

Ni sư Thích Nữ Hằng Liên thuyết giảng chủ đề: “Thuần Hóa Tâm Bất Thiện”

 

Sáng 24/07 năm Nhâm Dần (nhằm ngày 21/08/2022), Ni sư Thích Nữ Hằng Liên – Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Trụ trì Thiền viện Pháp Sơn (Tân Phú – Đồng Nai) đã chia sẻ ý pháp với chủ đề: Thuần Hóa Tâm Bất Thiện tại giảng đường chùa Bửu Quang, Đ.Trần Xuân Soạn, Quận 7, TP HCM.

Bài pháp được tiếp nối sau khi Hòa thượng Trụ trì truyền giới Bát Quan Trai cho đạo tràng Phật tử. Trên bước đường tu nhân học Phật, nếu chúng ta chưa thiết lập chánh niệm vững vàng, khi có nghịch duyên tâm rất dễ bị thối chuyển và bắt đầu mất dần công phu tinh tấn. Thông thường, những yếu tố bất thiện trong tâm sẽ luôn chờ đợi cơ hội sanh khởi khi cuộc sống xảy ra những điều bất toại nguyện. Vì thế, nhằm khích lệ tinh thần cho hàng Phật tử tiến tu, Ni Sư giới thiệu khái quát về phương pháp ứng dụng thuần hóa tâm bất thiện khi đối cảnh; đồng thời, nuôi dưỡng tâm ‘chánh niệm thường trú’ để cuộc sống tu học có sự hài hòa, an yên cùng với gia đình và xã hội.

 

Thuần hóa tâm hay điều phục tâm cần dựa trên ba yếu tố căn bản: Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. Theo đó, người Phật tử thường xuyên tâm niệm lắng nghe và học pháp, khắc ghi lời chỉ dẫn của các bậc Thầy, hành trì công phu mỗi ngày để huân tập dần các chủng tử thiện lành.

 

Một trong những cách thuần hóa tâm bất thiện được Ni Sư hướng dẫn, đó là dùng phương pháp đối trị phát triển tâm thiện lành. Điều này được minh chứng trong lời dạy của Đức Phật qua phẩm Phẫn Nộ, thuộc kinh Pháp Cú, câu số 223:

“Lòng từ thắng được lòng sân

Lòng ngay thắng được lòng gian ý tà

Thắng hung dữ lấy hiền hòa

Thắng lòng tham lấy của ra cho người”

(Ni Trưởng Huỳnh Liên – chuyển ngữ).

 

Từ câu chuyện của thánh nữ Uttara trong chú giải Pháp cú, Ni Sư diễn giải việc thực hành lòng yêu thương và hiểu biết sẽ có năng lực cảm hóa được những ai có tâm bất thiện, khiến họ quy phục và cải thiện thuần lương trở lại.

 

Đến với cuộc đời, chúng ta đều trôi theo nghiệp duyên ân – oán và không biết đã bao lần trả – vay. Trong các mối quan hệ đời người luôn đan xen tình thi ân nhưng cũng không ít lần khởi tâm hiềm hận, oán giận khi trái ý nghịch lòng. Ni Sư nêu lên gương hạnh của Tôn giả Xá Lợi Phất – bậc thượng thủ thinh văn và là tướng quân chánh pháp trong Tăng đoàn thời Đức Phật, về cách ứng xử khi bị vu oan, làm bài học ứng dụng cho thính chúng khi đối diện với mối giao tế bất hảo. Ngài Xá Lợi Phất đã tỏa sáng với hạnh nguyện kham nhẫn cao thượng như Đất – rộng lượng ôm vào lòng tất cả những ô uế bẫn dơ mà không một lời than oán; như nước, như lữa, như gió … thản nhiên điềm đạm trước lời thị phi khen chê, không sợ hãi ưu phiền. Qua đó, chúng ta học kham nhẫn là một trong những yếu tố quan trọng làm vô hiệu hóa tâm bất thiện bên trong chính mình và để đối trị với người chưa dễ thương không làm mình khổ.

 

 

Kết thúc bài Pháp là lời nhắn gởi, chúng ta chưa thể tu hành thành tựu như các bậc Thánh, hãy tiếp tục nương theo bước chân của các bậc phạm hạnh, tùy duyên thực hành trên nền tảng của Giới – Định – Tuệ, từng bước thuần hóa tâm bất thiện, phát triển các hạnh lành để mỗi ngày luôn sống an lạc, hạnh phúc!