Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Những yếu tố tạo nên một buổi giảng pháp thành công

Những yếu tố tạo nên một buổi giảng pháp thành công

197

Tôi xin được đóng góp phần kinh nghiệm của mình tại buổi tọa đàm hôm nay với đề tài: “Cách thức tổ chức một buổi thuyết pháp có kết quả”. Tôi thường đi giảng các nơi nhưng không ít buổi giảng ở địa phương, người đứng ra tổ chức không thành công. Sau đây là những yếu tố cho người tổ chức một buổi giảng thành công tốt đẹp.


1. Chọn vị trí giảng đường cho phù hợp


Gần đường xe chạy ồn ào quá, thính giả khó nghe được lời giảng sư.


Xa đường nhựa, quá hẻo lánh gây khó cho thính giả khi đi lại không tiện mà còn trở ngại hơn nữa là cách đò giang sông để đi nghe pháp.


Giảng đường chật quá thiếu sự thông thoáng làm cho giảng sư và thính giả dường như ngộp thở cũng không thành công.


Trong giảng đường nơi đặt pháp tòa mà trang trí lòe loẹt cải lương, xanh đỏ màu mè cũng không thành công.


Tóm lại, ban tổ chức phải chọn vị trí giảng đường phù hợp về phương hướng, đường sá thuận lợi, không nóng nực, không trang trí rườm rà mất sự tôn nghiêm nơi giảng pháp. Trường hợp đặc biệt là phải đi thuyền, xe để nghe pháp thì ban tổ chức phải cố gắng đưa đón cho cẩn thận.


2. Hệ thống âm thanh phải đạt yêu cầu


 Đây là yếu tố khá quan trọng, có nhiều vị trụ trì chưa thấu hiểu vấn đề âm thanh. Thông thường, ở chùa vẫn có bộ âm thanh để sử dụng tụng kinh khi hành lễ và cứ nghĩ rằng chùa mình có bộ âm thanh cần gì thuê mướn cho tốn kém. Vấn đề âm thanh hết sức cần thiết và nó quyết định thành công hay thất bại cho buổi giảng. Vị giảng sư dù có nổi tiếng lỗi lạc nhưng âm thanh không đạt thì không thành công cho buổi giảng.


Cho nên, ban tổ chức không nên chủ quan mà phải chọn bộ âm thanh thật hoàn hảo. Tâm lý giảng sư khi thử âm thanh mà nghe không đạt, vị giảng sư mất hết 20% tinh thần. Âm thanh tốt làm cho sức khỏe giảng sư bớt phần mệt nhọc. Ngược lại, âm xấu làm cho sức khỏe của giảng sư kém rất nhanh.


3. Phần xướng ngôn cần phải lưu ý


 Phần giới thiệu giảng sư ít ai chú ý, cho nên đôi lúc dẫn đến sự khó chịu cho thính giả và bản thân của vị giảng sư cũng thấy ngượng ngùng trước pháp tòa. Khi ban cung nghinh thỉnh giảng sư lên pháp tòa, người dẫn chương trình giới thiệu ngắn và trao micro cho giảng sư là tốt hơn hết.


4. Thời gian thuyết giảng hợp lý


Ngành Hoằng pháp có châm ngôn sau đây:


Buổi tối tốt hơn buổi sáng.


Buổi sáng tốt hơn buổi chiều.


Tuyệt đối không giảng buổi trưa.


Tại sao giảng buổi tối tốt hơn buổi sáng?


Buổi tối có 2 phần lợi: một là quần chúng rảnh việc nhà nên họ có thể yên tâm đi nghe pháp mà không bận bịu việc nhà. Hai là không gian bên ngoài giảng đường đều tối, chỉ có bên trong giảng đường sáng, do đó tâm của thính giả tập trung không bị chi phối. Ba là thời tiết ban đêm tương đối mát mẻ, quần chúng ngồi nghe pháp sẽ thuận lợi.


Buổi sáng lại tốt hơn buổi chiều là tại sao?


Chúng ta ai cũng biết, buổi chiều trời oi bức thính giả vào trong giảng đường tâm không được tập trung để nghe pháp. Buổi sáng tương đối mát mẻ, con người mới thức dậy tâm họ còn phấn chấn. Cả hai phần tâm và thời tiết tốt thì buổi giảng của chúng ta sẽ thành công mỹ mãn.


Tuyệt đối không tổ chức giảng buổi trưa, tại sao?


Ai cũng hiểu, sau khi dùng cơm trưa là buồn ngủ, không thể nào ngồi đó mà nghe giảng, dù cho giảng sư có tài ba cách nào cũng thất bại khì đăng đàn thuyết pháp lúc 12 giờ trưa. Ban tổ chức không nên tổ chức buổi thuyết pháp vào buổi trưa nhất định sẽ thất bại nặng nề và chắc chắn giảng sư cũng không nhận lời mời giảng vào giờ đó.


Trường hợp chư Tăng dự lễ trai tăng có phần ban đạo từ vào giờ trưa, nhưng cũng chưa phải trưa lắm mà lời đạo từ chỉ ngắn khoảng 10 phút, đó không là phải thời gian thuyết pháp.


5. Chọn đề tài phải phù hợp với quần chúng


Đề tài giảng cho quần chúng cũng rất quan trọng. Như chúng ta thường nói đạo Phật phải khế lý, khế cơ mới giáo hóa được. Vậy khế lý có nghĩa là phải phù hợp với tâm lý. Khế cơ có nghĩa là phải phù hợp với trình độ hiểu biết, hoàn cảnh của mọi tầng lớp quần chúng.


Trường hợp ở thành thị, những nơi thường xuyên mở lớp giáo lý, đạo tràng tu học, quần chúng đi nghe pháp tương đối mà giảng sư chọn đề tài thấp quá khiến thính chúng xem thường. Họ nói xì xào “đề tài này mình nghe hoài có gì đâu mới lạ”. Ở nông thôn ít khi tổ chức được buổi thuyết giảng, cả năm mới được dịp đi nghe pháp. Trường hợp này giảng sư chọn đề tài cao quá ví dụ như : “Lý Bát Nhã”, “ Đại cương Kinh Lăng Già” .v.v… vô tình mình đưa quần chúng vào thế bị động, họ nghe không nổi, dù mình cố gắng trình bày diễn đạt cho kỹ cũng vô ích. Họ cho vị giảng sư đó giảng dở. Mà thực sự không phải dở mà chính là đề tài giảng không phù hợp với trình độ của quần chúng.


Quần chúng ở nông thôn ít học lâu lâu nghe pháp một lần thì giảng sư nên chọn đề tài như “ Ý nghĩa ăn chay”, “ Tụng kinh có lợi ích gì”, “ Quy y Tam Bảo”, v.v … giảng sư giỏi là giảng sư biết tâm lý quần chúng. Có trường hợp suốt thời gian thuyết giảng, chúng ta gặp phải thính chúng nghe không nổi nội dung bài giảng thì lúc đó giảng sư phải đổi tông nghĩa là bắt qua chuyện khác, có thể kể chuyện cười, pha trò khôi hài làm cho bầu không khí bớt căng thẳng. Nhưng tuyệt đối không được nói chuyện tiếu lâm phạm lỗi.


6. Cần chú trọng đến oai nghi


Thói quen cũng đồng nghĩa với tật xấu, nói theo Phật pháp là cái nghiệp. Các vị tân giảng sư mới ra trường cần phải thận trọng những thói quen của chính mình mà điều đó quần chúng không thích. Phật tử phần lớn hấp thụ sự giáo hóa của trụ trì (thầy bổn sư của họ) nhất là phần thân giáo hết sức quan trọng.


Cho nên, chúng ta là sứ giả Như Lai, thay Phật tuyên dương Chánh pháp thì những chuyện lặt vặt như thói quen, tật xấu chúng ta phải khắc phục và cố gắng từ bỏ thì công tác hoằng pháp chúng ta mới hoàn thành được.


Tôi nhớ năm 1972 lúc đó HT Huyền Vi làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, ngài cử giảng sư về tỉnh Bến Tre công tác. Khi đó Đoàn giảng sư gồm 19 vị, ngài chỉ định tôi đi Bến Tre vì tôi không hút thuốc. Thế mà chuyến đi đó thành công tốt đẹp.


Tóm lại, muốn thành công trong một buổi giảng, chúng ta cần phải quan tâm các yếu tố mà tôi trình bày, tuy chưa đầy đủ và mong các vị tôn túc bổ sung thêm cho phong phú hơn. Xin chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình để ngành Hoằng pháp chúng ta càng ngày càng phát triển.