Hiện nay, đất nước Việt
Vì sao? Vì con người nếu không được quân bình bởi tâm linh, đạo đức thì quốc gia đó sẽ loạn, sẽ dẫn đến tan hoại. Trước thời đại phát triển cực mạnh về vật chất, nhân loại đang suy giảm dần về đạo đức phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, trách nhiệm của Phật giáo chúng ta nói chung và của một vị giảng sư nói riêng cần phải suy nghĩ như thế nào? Và làm sao để quân bình được đạo lý sống cho con người, góp phần làm cho con người có được một đời sống tốt đẹp thánh thiện hơn?
Đứng trước sự phát triển của thời đại ngày nay, vị giảng sư cần phải có những yếu tố quan trọng như sau:
1. Vị giảng sư phải là một người gương mẫu, thực tu:
– Vì sao chúng tôi nhấn mạnh đến vấn đề này? Vì trong xã hội ngày nay, con người ta đang chịu một áp lực quá mạnh về lối sống trụy lạc, giả dối, lừa phỉnh của nhiều người, họ muốn đi tìm cái sự thật đạo đức, thánh thiện để nương tựa. Như vậy, chúng ta là vị giảng sư đem giáo pháp cho nhiều người cần phải thực tu, thực có đạo đức để làm tấm gương cho nhân loại soi rọi và nương tựa theo. Vì người giảng sư khi đứng trên bục giảng là người nói về đạo lý, nhưng vị ấy không sống được như lời mình nói thì chẳng khác nào cái máy phát ra một bài pháp chết. Vì sao chúng tôi cho đó là bài pháp chết? Vì khi một người thực tu nói ra một lời, nhưng lời nói đó rất có giá trị, nó sẽ chuyển hóa được tâm hồn của người nghe bằng một nội lực vô hình. Chúng tôi đã từng chứng kiến các buổi thuyết giảng của những bậc cao đức thực tu, số lượng thính chúng đến tham dự rất đông, sau thời pháp đó mọi người rất hoan hỷ và an lạc. Như vậy, nhờ có thực tu nên lời nói của mình mới cảm hóa được mọi người và làm cho họ được an lạc bằng nội lực tâm linh của mình.
2. Cần phải có kiến thức Phật pháp rộng và phải am hiểu về tình hình xã hội:
Đứng trước thời đại đang phát triển về khoa học, là một vị giảng sư giỏi, chúng ta cần phải trang bị cho mình một kiến thức Phật học sâu rộng, để sẵn sàng giải trình những thắc mắc, những câu hỏi bắt bẻ của thính chúng, phải nhanh trí ứng xử trước những vấn đề của ngoại đạo. Ngoài những kiến thức Phật pháp ra, ta cần phải am hiểu về đời sống xã hội và sớm nắm bắt được tình hình của xã hội, để tìm hiểu được xã hội sẽ cần gì ở ta, như vậy ta mới hành đạo được. Ví như ngày nay, có một thực trạng rất đau thương là nhiều người ngày càng sa vào hố sâu của sự ăn chơi trụy lạc, dẫn đến mang nhiều chứng bệnh thế kỷ, HIV v.v… Đứng trước thực trạng này, xã hội rất cần sự có mặt của đạo Phật để tìm giải pháp cho con người thoát khỏi đau khổ ấy.
3. Bài giảng phải mang tính sư phạm, có logic:
Trong một bài giảng, vị giảng sư phải thận trọng khi soạn bài. Bài giảng phải có tính logic, nhưng phải mang tính thiết thực, không nên đi quá xa đề tài sẽ làm cho đề tài bị loãng; phải bám chặt đề tài muốn nói, điều quan trọng là triển khai một điều gì hay dẫn dụ một điều gì không ngoài đạo lý, giảng phải khai triển thật sâu sắc, giảng thế nào để cho hai giới trí thức và bình dân đều nắm được. Vì trong buổi giảng, ta không phân biệt và lựa chọn được trình độ người nghe. Để tránh tình trạng khó hiểu cho hội chúng, ta cần phải hạn chế dùng từ âm Hán quá nhiều; phải có giọng nói thật chuẩn, dùng từ chính xác, không nên giảng quá nhanh hay quá chậm, vì giảng quá nhanh hội chúng sẽ không nắm bắt kịp, còn giảng quá chậm sẽ làm cho hội chúng dễ buồn ngủ và chán. Ở đây, phải tùy trường hợp khi nào ta cần nói nhanh và khi nào cần nói chậm để nhấn mạnh điều gì, hay trong bối cảnh gì ta muốn tạo cho buổi giảng thêm sinh khí, ta phải có một giai điệu trầm bổng để thu hút người nghe.
4. Vị giảng sư phải năng động:
Trong buổi giảng, vị giảng sư phải biết tạo cho buổi giảng có sinh khí, phải xen những chuyện kể phù hợp với nội dung đề tài. Bởi trong buổi giảng, nếu chúng ta nói quá nhiều, có khi người nghe không thu nhận được hết, nhưng kể chuyện thì tâm lý người nghe ai cũng thích và dễ tiếp thu, phải tìm những câu chuyện thực tế trong xã hội nhưng không đi ngoài nội dung. Về thời gian, buổi giảng không nên quá dài, khoảng một giờ hoặc một giờ rưỡi thôi, vì giảng quá lâu thính chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi, lúc đó tâm họ muốn được ra ngoài và không còn chú tâm để nghe nữa.
Tóm lại:
Trên lộ trình làm một vị giảng sư trong thời hiện đại, vị giảng sư trước tiên phải là một người thực tu, thực có kiến thức, phải nỗ lực tu tập, trau dồi giới hạnh; nhân cách đời sống của mình phải đúng như lời mình nói, vì vị giảng sư giảng về đạo lý chứ không phải là một diễn viên đóng vai tuồng trên sân khấu. Điều quan trọng là ta phải thực sống hoàn toàn với tâm vô ngã vị tha, không có tâm mong cầu danh lợi, mà chỉ thật lòng muốn cho mọi người được thấm nhuần Phật pháp, để khổ đau vắng bóng trên cuộc đời này. Những điều vị giảng sư nói sẽ có nhiều người nghe, vì vậy, mỗi lời nói phải là cả một tấm lòng, một sự cân nhắc, đắn đo, một ý thức cao độ, được như thế thì lộ trình hoằng pháp của Giáo hội sẽ thành công tốt đẹp, lạc quần sanh. Như vậy là chúng ta đang xây dựng một thế giới Cực lạc tại Ta bà, góp phần chuyển hóa những khổ đau của con người trở nên hạnh phúc, an lạc.