Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Những ý kiến đóng góp gửi tới Đại hội Phật giáo toàn...

Những ý kiến đóng góp gửi tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần VII

116

Có thể một phần nào đó trong Hiến chương của Giáo hội chưa được chỉnh sửa. Song còn nhiều điều khác trong Hiến chương đã được Chư tôn đức lãnh đạo tiếp tục quan tâm để điều chỉnh trong nhiệm kỳ này.

Chúng ta hy vọng nhiệm kỳ này không chỉ là những lời hứa mà là những hành động cụ thể cho từng vấn đề cấp thiết của Giáo hội, là sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa các ban ngành viện trung ương Giáo hội.

Song song với việc củng cố hình ảnh Giáo hội trước hàng loạt những chuyển biến nhanh chóng của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, sự thiếu thống nhất trong nội bộ, đã làm chậm lại sự vận hành, chưa tỏ rõ tinh thần cầm tay giao việc, đặc biệt đối với Tăng Ni trẻ (theo tinh thần hỗ trợ, điều chỉnh, nâng đỡ…).

Đứng trước niềm tin tưởng vào sự phát triển của Giáo hội, chúng tôi xin được đưa ra những ý kiến mà nhiệm kỳ này Giáo giáo cần đẩy mạnh để thực hiện như sau:

1. Thống nhất về nghĩ lễ: Trang nghiêm Giáo hội chính là hình thức trang nghiêm chúng sinh, vì thế cần ban hành quy định nghi lễ theo phẩm trật (giáo phẩm, chức vụ…) cho thống nhất nghi thức đón rước, ngai thiền, quyền trượng, mão phục trong các đại lễ, trong các hội nghị quan trọng của Phật giáo, tránh tình trạng mỗi nơi tiến hành nghi lễ một kiểu.

Thống nhất màu sắc, y phục của tăng sĩ hàng ngày theo hai truyền thống Nam truyền, Bắc truyền và Hệ phái Khất sĩ. Nếu được xin quy định phẩm phục trong lễ cầu an (Hằng thuận…), lễ cầu siêu (Tang lễ…).

Gần đây, Lễ Hằng thuận đã trở nên phổ biến ở cả ba miền, vì thế nên thống nhất nghi thức lễ Hằng thuận…

Thống nhất nghi thức tụng kinh theo nghi thức ba miền. Có thể phân bổ theo vùng để thống nhất biên soạn nghi thức, ví dụ từ Quảng Bình trở ra theo nghi thức miền Bắc, từ Quảng Bình đến Phú Yên, theo nghi thức miền Trung, từ Phú Yên trở vào theo nghi thức miền Nam.

Từng miền đều có nghi thức riêng, tuy nhiên riêng phần Niêm hương, Đại bi, Bát nhã và Tam tự quy thì cần phải thống nhất. Nếu có thể thống nhất (tụng âm hay tụng nghĩa, tụng theo dịch giả nào, hay cần phải biên soạn lại) các kinh tụng sau, kinh Di Đà, Kinh Địa Tạng, Kinh Phổ Môn, Kinh Dược Sư.

Soạn riêng kinh tụng hàng ngày, hoặc vào mỗi thứ bảy, chủ nhật cho Phật tử, cho thanh thiếu niên. Lập Hội đồng Biên soạn Trung ương để chỉ đạo việc thực hiện biên soạn các kinh sách gối đầu giường, hay kinh sách có ý nghĩa kim chỉ Nam cho Phật tử.

2. Thống nhất giáo trình, giáo án, môn học cho tất cả các cấp học Phật học. Vì đây là vấn đề nghiêm túc, khoa học, cần phải có đề án và quá trình thực hiện, nên Giáo hội địa phương, các trường viện phải cùng ngồi lại với nhau dưới sự chủ trì của Ban Giáo dục để thực hiện theo nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau.

Lập khoa Sư phạm Phật giáo để đào tạo giảng viên cơ hữu tại các trường viện trong tương lai.

Xây dựng bộ môn Văn hoá Phật giáo trong tất cả các trường viện.

3. Lập Hội đồng Kế hoạch để quy tụ Chư tôn đức, học giả, trí thức, nhà nghiên cứu nhằm lên kế hoạch và cố vấn cho Giáo hội những vấn đề thiết thực, quan trọng liên quan đến sự phát triển của Giáo hội ở khắp các tỉnh thành.

Thực hiện một cách khách quan khoa học trong việc thống kê Phật tử (không phải chỉ đếm người đã quy y), thống kê tự viện (không chỉ là đếm chùa), mà phải nghiên cứu môi trường phong tục, tín ngưỡng, tộc người, trình độ dân trí, nghề nghiệp và các vấn đề xã hội để đề xuất Giáo hội ưu tiên thành lập tự viện cũng như quan tâm đến công tác, giáo dục, hoằng pháp, văn hoá một cách có trọng điểm, tránh tình trạng nơi thì thiếu, nơi thì thừa.

4. Ưu tiên mở rộng phát triển Phật giáo ở những vùng sâu, vùng xa. Có chính sách tuyển chọn, đãi ngộ đối với Tăng Ni tình nguyện dấn thân hoằng pháp tại các vùng này.

Hầu hết vùng sâu vùng xa là nơi lưu trú của các dân tộc thiểu số, vì vậy Giáo hội cần quan tâm dạy tiếng dân tộc cho các hoằng pháp viên, chú trọng đào tạo hoằng pháp viên là nam nữ cư sĩ và quý Tăng ni hạt nhân.

Các Ban Trị sự ở các tỉnh thành có đông đồng bào dân tộc, thì phải lên kế hoạch khảo sát, báo cáo định kỳ lên Trung ương Giáo hội, đề đạt nguyện vọng lập cơ sở thờ tự mới (danh nghĩa chùa công, do Ban Trị sự làm chủ đầu tư và điều chuyển người về hoằng pháp), chủ yếu tập trung vào những khó khăn, vướng mắc, chứ không phải báo cáo thành tích.

Sau khi đã điều nghiên phân tích, tổng hợp tình hình, thì tiến hành lập bản báo cáo để trình Hội nghị giữa kỳ và thường niên của HĐTS để Trung ương hỗ trợ thực hiện.

Quan tâm đặc biệt đến vần đề dân tộc, cải đạo, phân tích đặc điểm văn hoá, tín ngưỡng, từng vùng miền để đưa ra những cố vấn cho Ban Hoằng pháp, Ban Văn hoá… Các ban ngành này phải cử những hạt nhân chuyên trách để tìm hiểu, sau đó ưu tiên cho công tác văn hoá, hoằng pháp ở những vùng miền trọng điểm, vùng miền cần tăng cường sự hiện diện của Phật giáo.

5. Tăng thêm vai trò của các cư sĩ trong vai trò nghiên cứu, giảng dạy, hoằng pháp…

Lập kế hoạch đào tạo các cư sĩ, huynh trưởng cơ hữu để cùng quý Tăng Ni làm tốt vai trò hộ pháp, hộ đạo theo 4 tiêu chí “học, hành, hoằng, hộ”.

Nêu cao tính kỷ cương, mẫu mực, đạo hạnh của người cư sĩ, để người cư sĩ đi song song Chư tôn đức trong các công tác vận động, tìm hiểu, thích ứng với vai trò đối ngoại với chính quyền và các tổ chức xã hội khác. Đó chính là tinh thần Hiện ưu bà tắc, ưu bà di, tể quan, trưởng giả trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp Hoa.

Lập các tủ sách giáo dục theo chương trình Phật học phổ thông, chuẩn hoá giáo trình, giáo án làm sao để các nhà giáo Phật tử, những người có công tác chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy đều có thể mở các lớp học cho Phật tử ở khắp mọi miền.

6. Đẩy mạnh thành lập Ban đại diện Phật giáo ở khắp các cấp huyện, thị…, đặc biệt ở những vùng Ban Trị sự mới được thành lập.

Thống nhất các hình thức tổ chức Đại hội, quy cách, trang trí, thể thức, nội dung, nhằm thể hiện được tính tôn giáo, giá trị tôn giáo, chứ không nặng nề thủ tục hành chính…

Ban Trị sự tổ chức thực hiện thí điểm việc giới thiệu danh sách nhân sự trước đại hội, công bố đến các cơ sở tôn giáo để Tăng Ni, Phật tử địa phương bầu người tài đức vào các ban, ngành địa phương.

Thống nhất việc giới thiệu nhân sự vào các đơn vị Hội đồng Nhân dân, hay MTTQ để tránh tình trạng phát sinh mâu thuẫn từ trong nội bộ Giáo hội địa phương. Sau khi đã thống nhất được danh sách giới thiệu, thì trình HĐTS để có ý kiến chỉ đạo trong việc tham gia vào các công tác chính quyền.

7. Các ngày lễ lớn, lễ trọng của Phật giáo có tác động rất lớn đến đời sống văn hoá, xã hội, vì vậy Ban Trị sự và các ban, ngành cần phải lập đề án, kế hoạch chi tiết cho các ngày lễ lớn, lễ trọng của Phật giáo, tránh tình trạng bị động, nước đến chân mới nhảy.

Giáo hội và Ban Trị sự tỉnh thành, cần quy định thời gian trình đề án, kế hoạch (trước bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày).

Cần thay đổi địa điểm Tổ chức đại lễ Phật đản ở cấp Trung ương, làm sao để các địa phương có điều kiện đăng cai Tổ chức Đại lễ Phật đản của Trung ương, các ban, ngành cùng thống nhất phối hợp đề tổ chức thành công Tuần Phật đản ở những nơi đăng cai tổ chức.

Đưa lễ hội Vu lan báo hiếu vào kế hoạch tố chức của Trung ương Giáo hội. Chỉ riêng Đại hội Phật giáo thì thống nhất đặt tại Thủ đô Hà Nội.

8. Giáo hội cần lên kế hoạch và quan tâm đặc biệt tới các di sản quan trọng cấp quốc gia của Phật giáo, các thánh tích, thánh địa linh thiêng của Phật giáo, để phối hợp với BTS tỉnh thành tổ chức thành công những lễ hội quốc gia, có chủ đề cụ thể cho mỗi năm, nhằm người dân hành hương ý thức bảo vệ thánh tích, bảo vệ môi trường sống, tránh các hình thức mê tín dị đoan trong lễ hội.

Mọi sự thay đổi trong trùng tu, xây dựng ở các di tích cấp quốc gia cần phải báo cáo lên Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội và qua sự phê chuẩn của Hội đồng Trị sự, sau đó mới trình các cấp quản lý nhà nước phê duyệt, tránh tình trạng trùng tu phá hỏng di tích như đã xảy ra trong một số năm gần đây.

Người dân Việt Nam có quyền tham quan các di sản thắng tích do tổ tiên của mình để lại mà không phải mất tiền, vì thế BTS tỉnh thành, nơi có thắng tích cần phối hợp với Trung ương Giáo hội để trình UBND tỉnh thành bãi bỏ việc thu vé vào cổng. Thánh tích Phật giáo Yên Tử đã làm rất tốt điều đó.

9. Trong xu hướng chính sách nhà nước đang dần cởi mở hơn trong lĩnh vực xuất bản, Giáo hội giao cho Ban Văn hoá TW thúc đẩy hồ sơ xin phép thành lập nhà xuất bản Phật giáo. Để quản lý một cách hiệu quả hơn những ấn phẩm, kinh sách Phật giáo, tránh tình trạng sách Phật giáo kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay.

10. Ban Truyền thông của Giáo hội cần cơ cấu tổ chức lại nhân sự để tăng cường vai trò của báo chí Phật giáo, phản ánh mọi mặt đời sống, không né tránh những vấn đề nhạy cảm, vấn đề khó.

Phát huy vai trò quan trọng của báo chí, truyền hình Phật giáo, có kế hoạch nâng tầm tờ báo Giác Ngộ trở thành tờ nhật báo.

Điều chỉnh lại website của Giáo hội theo hướng khoa học, hiện đại, phổ biến và mang tính tổng hợp chuyên sâu bộ máy hành chính của Giáo hội, chuyển tải những phát ngôn chính thức, cập nhật của Giáo hội.

11. Trước các kỳ đại hội, hội nghị Phật giáo các BTS tỉnh thành, ngoài báo cáo thành tích, bổ sung các thành viên nhiệm kỳ mới, phải lên kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cho cả nhiệm kỳ, ưu tiên cho lĩnh vực nào và thực hiện đến đâu.

Giao nhiệm vụ lập kế hoạch trong nhiệm kỳ cho từng ban, ngành, để báo cáo về BTS phê duyệt trước Đại hội tối thiểu là 3 tháng. Kế hoạch của từng ban phải là những kế hoạch cụ thể, chi tiết, phân định mốc thời gian thực hiện, nếu các vị trưởng, phó ban không hoàn thành nhiệm vụ như những kế hoạch đã nêu thì sẽ miễn nhiệm trong nhiệm kỳ tới. Chúng ta cần người làm chứ không cần người nói nữa.

12. Các Trung tâm cô nhi viện, nhà dưỡng lão, trại phong… cần phải được lập kế hoạch theo cấp Ban đại diện, cấp BTS, thậm chí cấp Trung ương để quan tâm thực hiện. Chẳng hạn, những vùng miền có nhiều người mắc bệnh phong cùi, thì giáo hội nên tập trung đến công tác “cứu khổ ban vui” này nhiều hơn, thay vì xây nhiều chùa chiền, học viện. Như vậy các công tác Phật sự của BTS mới có trọng điểm.

13. Ni giới cần được Giáo hội quan tâm trợ giúp nhiều hơn nữa trong các công tác từ thiện xã hội, đặc biệt là giáo dục mầm non, bởi lòng kính tin Tam bảo đi vào từ tuổi thơ thì sẽ được nuỗi dưỡng suốt cuộc đời.

Giáo hội tạo mọi điều kiện giúp Ni giới thành lập các trường mầm non thí điểm (cấp thành phố, cấp quốc gia) tại các tỉnh thành lớn, sau đó nhân rộng mô hình này trên toàn quốc.

Linh hoạt cung cấp con dấu riêng cho Ni giới hoạt động dưới sự kiểm soát của nội quy Ban Tăng sự. Nếu Ni giới làm sai thì những người người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Ni giới cần tập trung nhân sự, trí tuệ của các vị Ni trẻ, lên kế hoạch và tham gia tích cực vào các diễn đàn, các công tác xã hội như quan tâm nhiều hơn đến nạn bạo hành gia đình (bảo vệ người nữ Phật tử), đến nạn nạo phá thai, đến lạm dục tình dục trẻ em gái, trẻ em đường phố, phát huy bình đẳng giới, vệ sinh cá nhân, trợ giúp các đối tượng phạm tội hoàn lương…Lên kế hoạch và đưa vào chương trình nghị sự của Ni giới trong từng năm, từng nhiệm kỳ, để thảo luận và thực hiện.

14. Giáo hội cần có cơ chế thu hút mọi nguồn lực vật chất và tinh thần, làm sao cho thế hệ trẻ có nhiều khả năng cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Đồng hành cùng dân tộc là đồng hành cùng bước tiến của thời đại, cùng tâm tư của xã hội, cùng các nguồn lực trẻ nhiều sinh khí, chứ không phải bước một cách nặng nề, chậm chạp theo dân tộc.

Ví dụ bên ngoài người ta quy định được tuổi tác thì chúng ta cũng phải quy định được tuổi tác cống hiến. Bên ngoài người ta chú trọng đến chất xám, trí tuệ, năng lực của những thế hệ trẻ kế cận thì chúng ta cũng phải đồng hành cùng với những bước đi ấy.

Mong rằng Hiến chương Giáo hội được điều chỉnh trong nhiệm kỳ này sẽ tăng vai trò, trách nhiệm cho Hội đồng Chứng minh.

15. Người dân Việt Nam đa số theo nghề nông và sinh sống ở nông thôn, vì thế Giáo hội địa phương cần quan tâm nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm sinh thái, tập tục, lối sống để tham gia cùng với các hiệp hội ngành nghề, tìm hiểu trợ giúp phát triển nông nghiệp trong các gia đình Phật tử phù hợp với chính pháp.

Ưu tiên đối với các loại dược liệu, các loại cây ăn trái… từ đó giúp dân chúng an cư lạc nghiệp, nhân rộng mô hình trợ giúp kinh tế, giúp nhau cùng phát triển, để xây dựng nông thôn mới, trên tinh thần chia sẻ lợi nhuận đến cộng đồng theo lời Đức Phật dạy.

Hạn chế xây dựng mô hình to lớn, cầu kỳ về hình thức, đi sâu phát triển bền vững, đồng đều trong đời sống dân cư, tạo bước chuyển sinh hoạt trong nhận thức người dân.

16. Quan tâm xây dựng bảo tàng Phật giáo đạt chuẩn quốc gia tại các trường đại học Phật giáo hoặc các viện, các trung tâm độc lập. Khi tiến hành các công trình trọng điểm của Giáo hội cần phải đưa ra Hội đồng Trị sự để bàn bạc, nếu các dự án mang tính quốc gia, có đầu tư lớn.

Mở rộng các mô hình Trung tâm Văn hoá Phật giáo để Phật giáo gần gũi hơn vói giới trí thức, công chức và giới trẻ. Đặc biệt giới trẻ được sinh ra và lớn lên trong nền văn hoá hiện đại, vì thế cần phải có mô hình sinh hoạt tương đối phù hợp với họ, đạo đời dung thông.

17. Các Ban Trị sự tỉnh thành nên thành lập Ban Hộ trì Phật pháp theo hướng linh hoạt, hiện đại. Kêu gọi những trí thức, nhân sĩ, tướng lĩnh, doanh nhân, cán bộ về nghỉ hưu tham gia, cống hiến kinh nghiệm, trí tuệ cho Phật giáo phát triển theo tinh thần gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, làm Hộ pháp cho dân tộc trước vô vàn biến động và thách thức xã hội.

Các Ban Trị sự, từng ban ngành phải có kế hoạch trong suốt nhiệm kỳ, kế hoạch cho từng năm. Căn cứ mức độ thành công trên bản kế hoạch đó để xét đề nghị khen thưởng, hoặc kỷ luật, phê bình.

Nghiên cứu quá trình di dân, hình thành cư dân dao động tín ngưỡng nơi các công nhân lao động để có kế hoạch trợ giúp vật chất tinh thần cũng như phổ biến giáo lý để họ sống trong an lạc, hạnh phúc. Trợ giúp đặc biệt đối với các gia đình kém may mắn, hạnh phúc, con cái ít điều kiện học hành hay tái nhập cộng động.

18. Phát triển, xây dựng, vận động nguồn quỹ cho các ban ngành trung ương hoạt động dưới sự giám sát đầy đủ của Ban Kinh tế Tài chính Trung ương.

Việc thu chi của các ban ngành trung ương Giáo hội cần phải báo cáo về Ban Kinh tế Tài chính để tổng kết đánh giá, tháo gỡ khó khăn cho các ban ngành cùng thực hiện các kế hoạch của ban trong Phật sự chung.

Tránh tình trạng đưa ra nhiều kế hoạch to lớn mà không có kinh phí thực hiện, hay việc của ban ngành ấy thì ban ngành ấy tự lo, cản trở Phật sự chung của Trung ương Giáo hội.

Nếu các ban khó khăn trong vận động tài chính thì mạnh dạn đề xuất ý kiến lên Hội đồng Trị sự.

Muốn đạt hiệu quả, tất cả các tự viện trên toàn quốc cần đóng quỹ hàng tháng cho các hoạt động của Giáo hội, thông qua Ban Trị sự tỉnh thành. Các BTS tỉnh thành phải có kế hoạch thu phí và gửi về tài khoản của Giáo hội theo từng quý. Cần có các biện pháp chế tài đối với các BTS chậm đóng phí.

19. Mỗi một kỳ họp Trung ương, Ban Thư ký cần có kế hoạch soạn thảo kỹ văn bản liên quan, giảm bớt các màn báo cáo nặng về hình thức, ưu tiên cho các nội dung chiến lược cần ưu tiên bàn thảo, dự kiến thời gian cho từng vấn đề để linh hoạt điều chỉnh thời gian họp.

Tốt nhất nên tổ chức họp hội nghị vào những thời gian độc lập, không bị chi phối bởi những chuyện lễ tết, hiếu hỷ…

Các ban ngành TW, BTS tỉnh thành phải báo cáo về Ban Thường trực HĐTS chậm nhất là 1 tháng các kế hoạch.

Trước khi họp, Ban Thư ký phải gửi văn bản nội dung kỳ họp đến tất cả các đại biểu trước hội nghị 15 ngày, tránh tình trạng đại biểu đến dự hội nghị mà không biết bàn luận về vấn đề gì, hoặc đăng ký phát biểu lan man không trúng trọng tâm.

Vấn đề nào địa phương có thể giải quyết trong khả năng của mình thì không cần phải bàn ở Hội nghị Trung ương. Mà chỉ bàn những kế hoạch, chiến lược phát triển cho Giáo hội và từng ban ngành, địa phương để nhân rộng mô hình phát triển.

20. Các ban, ngành TW và BTS tỉnh thành cần tiến hành lập ngay website để phổ biến tin tức hoạt động, ra thông báo, kế hoạch, thư mời, ra văn bản hướng dẫn lập chùa, xây dựng chùa và các thủ tục hành chính khác.

Thống kê tự viện, báo cáo khái quát nhất về lịch sử các tự viện, số lượng Tăng Ni và Phật tử tu học tại các tự viện.

Phân tích, đánh giá vùng nào Phật giáo còn trống, cần phải tăng cường… để trình Ban Trị sự và Hội đồng trị sự Trung ương có kế hoạch phân bổ.

Cử phát ngôn của BTS trả lời đối thoại, trả lời các vấn đề liên quan đến quản lý tự viện, tôn giáo, nhân sự tại địa phương một cách kịp thời.

Tránh khiếu kiện lan rộng là liên quan đến nhiều cấp ngành, tạo ra sự bế tắc và nhờn thuốc trong quan lý giáo hội cơ sở, làm mất uy tín và vai trò của Giáo hội cấp cơ sở, khó thúc đẩy các hoạt động Phật sự phát triển.

21. Nhiệm kỳ 2012-2017, Giáo hội cần phải thay đổi được tư duy nhiệm kỳ và quy định độ tuổi công tác cho lãnh đạo. Bởi hiện nay, thực tế nhiều nơi cán bộ tôn giáo tỉnh có tuổi đời rất trẻ, không tương thích với độ tuổi của lãnh đạo Giáo hội, vì vậy cách nghĩ, cách làm sẽ khó gặp gỡ nhau.

Nhiều khi, quan hệ không tương thức trong độ tuổi và nhận thức này tác động ngược trở lại với cán bộ tôn giáo, khiến họ nghĩ rằng bản thân Phật giáo không muốn thay đổi, đến khi chúng ta muốn thay đổi thì lại gặp khó khăn.

Những nhân sự kiêm nhiệm ở nhiều Ban ngành trong nhiệm kỳ trước, nên mạnh dạn đề cử người khác thay thế mình, chỉ chọn công tác ở những ban ngành có khả năng và chuyên môn tốt nhất, nhằm tạo điều kiện cho các tăng Ni trẻ tham gia vào bộ máy Giáo hội để cống hiến sức lực và trí tuệ.

22. Lập quy chế phát ngôn thay cho Hội đồng Trị sự, thay cho Ban Trị sự và các ban ngành TW để ứng phó với các vấn đề bất ngờ xảy ra, kịp thời thông tin khách quan, bảo vệ đạo pháp và bảo vệ người Phật tử trước các bất công xã hội.

Người được chọn đại diện cho phát ngôn phải có trí tuệ, am hiểu pháp luật, am hiểu chính sách tôn giáo, công bằng, khoan dung… theo tinh thần giáo luật, xử lý các vấn đề tiêu cực một cách thỏa đáng phù hợp với nguyện vọng của Phật tử và quần chúng nhân dân.

23. Tinh thần “hộ quốc an dân” phải đi song song với tinh thần “hộ giáo khai quyền”. Khẳng định vị thế của một tôn giáo có bề dày lịch sử truyền thống đồng hành cùng dân tộc. Đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ của những người được Tăng Ni phật tử gửi gắm niềm tin. Không làm ngơ trước những cái ác, cái bất công trong cuộc sống. Làm sáng tỏ thêm đạo đức văn hoá Phật giáo trong các cung cách ứng xử hàng ngày, trên nền tảng các bài học cơ bản làm người như 5 giới, 10 lành. Phát huy vài trò bảo vệ môi sinh môi trường.

Khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học tại các trường viện Phật giáo, hoặc trường viện bên ngoài về việc xứ lý rác thải trong nhà chùa, phân loại rác thải, khói hương, vàng mã, cúng bái… để dần thích nghi với những nghi lễ và các ứng xử văn minh, hiện đại.

Phát huy đạo đức hiếu thuận, nhân nghĩa trong đời sống người Phật tử. Người Phật tử giữ vai trò hạt nhân trong việc khôi phục văn hóa truyền thống, đề cao việc thờ cúng tổ tiên, hỗ trợ phát huy các vai trò truyền thống tín ngưỡng làng xã, gắn kết và đoàn kết cộng đồng dân cư nơi có chùa. Vì đó là sự dung hội quan trọng trong nền tảng văn hoá truyền thống. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Phật hóa gia đình, sống gương mẫu, kỷ cương, đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

24. Mở Đại hội trụ trì hàng năm, để các vị giữ trách vụ trụ trì tăng cường khả năng, nhận thức hộ pháp, hoằng pháp và có chính sách đào tạo nhân sự tại nguồn, giới thiệu nhân sự lên Giáo hội để cơ cấu vào các ban ngành viện trung ương.

Nêu cao vai trò của các vị trù trì, của các Sơn môn, Hệ phái, nhằm nhân rộng điển hình, mô hình của các ngôi chùa hoạt động hiệu quả trên toàn quốc. Trao đổi kinh nghiệm nhận người xuất gia, đào tạo, và mở rộng sinh hoạt Phật tử…

Đào tạo nhân sự nguồn, nhân sự kế cận phải trở thành trọng tâm của sinh hoạt giáo hội, vừa nâng đỡ, vừa điều chỉnh, vừa có thưởng phạt phân minh để trui rèn khả năng lãnh đạo của những Tăng Ni, cư sĩ trẻ, nhiệt tâm với đạo. Biết hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích và mục tiêu chung là dấn thân, không đi hai người trên một con đường.

Phật giáo cần phải hiện diện đúng với bản chất của một tôn giáo hiện đại, hoà hợp, hoà giải và hoà bình, từ bi cứu khổ, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, nên đương nhiên phải là một thành tố, một sợi chỉ đỏ xuyên suốt hình thành nên một xã hội hạnh phúc, thanh bình, đích đến của mọi mô hình nhà nước. Cần phải có những đột phá về mặt chính sách không chỉ trong tuyển chọn nhân sự mà còn sự tác động vào bộ máy vận hành các cấp để kiện toàn mô hình quản lý Giáo hội.

Trên đây là những ý kiến tổng hợp từ nhiều nguồn ý kiến mà chúng tôi đọc được, nghe được, kèm theo một vài suy nghĩ cá nhân trong suốt quá trình làm báo, được tháp tùng quý Ngài trong Ban văn hoá TW đi thăm các tỉnh thành trên toàn quốc.

Chúng tôi xin gửi tới Trung ương Giáo hội, gói gọn trong những con số gạch đầu dòng (chưa được hế thống và liền mạch).

Trước vận hội lớn của đạo pháp và dân tộc, chúng tôi chỉ mong quý Tăng Ni, Cư sĩ, đặc biệt là những người trẻ mạnh dạn đóng góp bổ sung thêm các ý kiến để chúng ta gửi tới Đại hội, gửi tới Chư tôn đức lãnh đạo của chúng ta, với niềm tin tha thiết rằng trong nhiệm kỳ này, quý Ngài sẽ lắng nghe và cho thực hiện nếu điều nào thấy phù hợp và cấp thiết!