Trong danh sách các quốc gia được Tăng Ni sinh viên VN chọn lưu học đa phần là các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar…
Lý do để chư Tăng Ni du học Ấn vì lẽ, đối với Tăng sĩ và Phật tử VN, Ấn Độ là nơi sản sinh ra Phật giáo, là quê hương của Đức Thế Tôn, nơi truyền bá Phật pháp khắp toàn cầu. Hơn nữa, nơi đó còn có Đại học Nalanda (khi xưa là chùa Nalanda, nơi Huyền Trang pháp sư đã từng lưu lại 17 năm tại Ấn). Lý do để Tăng Ni sinh du học Trung Quốc (TQ) vì Phật giáo VN có ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo TQ, từ các tông phái Phật giáo đến sắc phục, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa TQ…
Nhìn chung, có hàng nghìn lý do để du học sinh chọn lựa quốc gia du học, song là một tu sĩ Phật giáo, Tăng Ni sinh phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với Giáo hội, đối với tín đồ Phật tử. Hiểu rõ điều này, khi hoàn thành chương trình du học trở về nước, Tăng Ni sinh mới có cơ hội phục vụ Giáo hội, phục vụ thầy tổ, Phật tử địa phương.
Người viết là một tu sĩ đang du học tại TQ, hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của người du học đồng thời cũng thấy rõ những mặt mạnh và mặt hạn chế trào lưu du học của hàng Tăng sĩ hiện nay.
Những thuận lợi – điểm mạnh
– Các quốc gia mà Tăng Ni sinh viên chọn du học đều có nền văn hóa Phật giáo phát triển, có số lượng tín đồ Phật tử đông đảo, có những Thánh tích Phật giáo nổi tiếng thế giới, ví dụ như Ấn Độ có bốn Thánh địa: vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi Đức Phật đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) nơi Đức Phật thành đạo; vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên và Câu Thi Na (Kusinagara) nơi Đức Phật nhập diệt.
TQ có Tứ đại danh sơn như Ngũ Đài Sơn (tỉnh Sơn Tây, đạo tràng thuyết pháp của Bồ tát Văn Thù); Nga Mi Sơn (tỉnh Tứ Xuyên, đạo tràng thuyết pháp của Bồ tát Phổ Hiền) Phổ Đà Sơn (tỉnh Chiết Giang, đạo tràng thuyết pháp của Bồ tát Quán Thế Âm); Cửu Hoa Sơn (tỉnh An Huy, đạo tràng thuyết pháp của Bồ tát Địa Tạng). Ngoài ra, TQ còn có nhiều ngôi danh lam cổ tự của các chư Tổ các tông phái sáng lập như chùa Bạch Mã (Lạc Dương – Hà Nam) chùa Linh Ẩn (Hàng Châu – Chiết Giang) chùa Từ Ân (Thiểm Tây, Tây An)… và các ngôi chùa của các Tổ Thiền tông như chùa Thiếu Lâm của Sơ tổ (tỉnh Hà Nam); chùa Tam tổ Thiên Trụ Sơn của Tổ Tăng Xán (tỉnh An Huy); chùa Song Phong của Tứ tổ Đạo Tín (Hoàng Mai – Hồ Bắc); chùa Đông Sơn của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn (Hoàng Mai – Hồ Bắc); chùa Nam Hoa của Lục tổ Huệ Năng (tỉnh Quảng Đông)… với nhiều danh lam như vậy, Tăng Ni lưu học có thể tiếp xúc với nền du lịch văn hóa, kiến trúc Phật giáo phong phú, làm tư lương cho quá trình học tập của mình.
– Số lượng Tăng sĩ cũng như tín đồ Phật tử ở các quốc gia này rất nhiều, họ có thể giao lưu trao đổi Phật pháp bằng ngoại ngữ để nâng cao trình độ ngôn ngữ của Tăng Ni lưu học tại quốc gia đó. Mặt khác, Tăng Ni VN có được sự chia sẻ tinh thần của Tăng thân bản quốc, có điều kiện vừa tu vừa học tại địa phương đó.
– Phật pháp tại các nước như ấn Độ, TQ, Thái Lan, Myanmar… được dạy và học bằng những ngôn ngữ quốc tế như Anh ngữ, Hán ngữ (cổ đại và hiện đại). Điều này khiến cho Tăng Ni vừa học hỏi được Phật pháp nước bạn, vừa có điều kiện nâng cao trình độ ngôn ngữ quốc tế của mình.
– TQ, Ấn Độ là hai quốc gia có nền lịch sử văn hóa, triết học, kiến trúc lâu đời của Đông phương nhất là nền văn hóa, triết học, kiến trúc Phật giáo.
– Một điều nữa cũng khiến cho Tăng Ni sinh viên VN chọn các quốc gia trên là vì học phí cũng như sinh hoạt phí của các nước này phù hợp với điều kiện kinh tế của Tăng Ni VN.
Những khó khăn – điểm hạn chế
Số lượng Tăng Ni du học tự túc cũng như tự phát quá đông, có những Tăng Ni có đủ điều kiện kinh tế liền nghĩ đến việc du học mà không suy nghĩ đến năng lực tiếp thu kiến thức của mình, hoặc không nghĩ đến việc có phù hợp với sở trường nguyện vọng của mình hay không.
Sự phân bố Tăng Ni VN du học không đồng đều, nghĩa là tập trung nhiều ở một số quốc gia, một số tỉnh thành của quốc gia… điều này vô hình chung dẫn đến việc trùng lặp trong quá trình đào tạo, không có cơ hội để tiếp thu những cái mới của các quốc gia khác, hoặc các tỉnh thành khác; lãng phí nhân tài và tiền bạc của tín đồ Phật tử.
Những Tăng Ni khi du học không có điều kiện sinh hoạt với Tăng đoàn nên xảy ra nhiều điều không hay, một số người vì sự phương tiện mà quên mất bản chất tu sĩ của mình; một số Tăng Ni sinh viên du học may mắn được ở chùa, có điều kiện tiếp xúc sinh hoạt chung với Tăng sĩ nước bạn lại không đủ thời gian để hoàn thành chương trình học của mình.
Một số vị đã hoàn thành chương trình học, khi trở về nước được bố trí vào các công tác Phật sự không phù hợp với ngành mình đã học, kiến thức mà không được sử dụng là kiến thức chết còn đồng nghĩa với sự lãng phí tài năng.
Các phong tục tập quán của các quốc gia khác nhau cũng là điều gây trở ngại cho Tăng sĩ du học, ví dụ như tại TQ, Tăng sĩ thường không tham gia những chương trình học của các đại học bên ngoài, trong khi đó, Tăng Ni sinh VN lưu học tại đây thường đăng ký học tại các đại học nổi tiếng như Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Nam Kinh, Đại học Vũ Hán, Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Đại học Hà Nam,… một mặt gây áp lực cho Tăng sĩ bản địa, mặt khác, khiến cho Phật tử bản xứ có cảm giác vừa hoang mang, vừa hồ nghi, lại vừa ngưỡng mộ.
Chính bản thân du học Tăng cũng thấy không thoải mái trong sinh hoạt tu học, bắt đầu từ suy nghĩ này, một số du học Tăng hòa nhập với cộng đồng bằng cách giấu đi thân phận tu sĩ của mình để dễ dàng hòa nhập vào đời sống xã hội; một số khác thì gặp những rắc rối nho nhỏ (có một vị thầy đang học một trường đại học tại TQ, thầy đang đi trong trường bỗng có một chiếc xe của cảnh sát đến mời thầy lên xe chở ra khỏi trường vì họ cứ ngỡ thầy đang hóa duyên, cuối cùng thầy phải trình thẻ học sinh, cảnh sát mới vỡ lẽ thầy là học sinh của trường; một số du học Tăng vì không đủ tiền ở ký túc xá, hoặc ở những nơi có điều kiện an toàn thì lại bị nạn mất cắp tại đó hoành hành; hoặc vì chưa rành ngôn ngữ nên bị bọn xấu lường gạt; hoặc một vài vị do chuyển trường chuyển nhà, do điều kiện kinh tế nên gián đoạn việc học…). Thật nói không hết những khó khăn chướng ngại mà Tăng Ni sinh du học phải đối diện…
Trên đây là những thuận lợi cũng như những khó khăn chướng ngại mà người viết trình bày với nguyện vọng mong mỏi các đơn vị Giáo hội, Thành hội, bổn tự nên có tổ chức chặt chẽ hơn trong việc du học của Tăng Ni. Tất nhiên chính bản thân người du học phải hiểu rõ vấn đề (mục đích của việc du học là phục vụ vì lợi ích chung chứ không phải là hợp thức hóa hay đánh bóng thương hiệu hoặc chạy theo trào lưu) nhưng sự góp mặt của các cơ quan Tăng đoàn như Giáo hội – Thành hội, Tỉnh hội – bổn tự sẽ khiến cho chất lượng Tăng Ni sinh du học ngày một nâng cao. Hơn nữa, Tăng Ni sinh sau khi hoàn thành chương trình học có điều kiện trở về nước phục vụ cho Giáo hội tỉnh nhà.
Sắp tới đây, sẽ có rất nhiều Tăng Ni từ Học viện TP.HCM tốt nghiệp, sẽ cung cấp nguồn nhân lực lớn cho Giáo hội, người viết rất mong mỏi Đại hội Phật giáo khóa VI kỳ này sẽ thảo luận về vấn đề “Du học của Tăng Ni và hướng đào tạo” nhằm tư vấn và định hướng tốt cho Tăng Ni sinh cũng như chắt lọc bớt trào lưu du học tự túc, tạo ra những hạt giống vững chắc cho Giáo hội nước nhà.