Kính bạch các vị tôn túc hòa thượng, những điều con sắp viết sau đây là quan điểm và đánh giá của riêng con khi nhìn vào thực trạng Phật giáo hiện nay sau khi so sánh với 2 tôn giáo lớn khác là Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.
Những gì con nói ra chắc chắn sẽ không thoát khỏi sự phiến diện do nhận thức bản thân vẫn còn hạn chế, nhưng con cũng mong rằng những điều con sắp nêu ra đây nếu có chỗ nào hợp lý, có lợi cho sự nghiệp hoằng pháp trong tương lai, có ích cho vận mạng Phật pháp trong thời đại mới thì mong các bậc tôn túc hòa thượng và những người có tâm huyết với Phật pháp hãy khéo léo sử dụng.
Còn những điều gì chưa sát với thực tế, không phù hợp, và không lợi ích, kính mong các bậc tôn túc và độc giả hãy bỏ qua, từ bi đại xá cho những hiểu biết còn nông cạn của người viết. Vì bài viết đi thẳng vào vấn đề nên không thể tránh khỏi những đụng chạm, nhưng nếu chúng ta không can đảm thì không thể nào thoát khỏi những bế tắc.
A. Những “hạn chế” trong tư tưởng
Người viết mạo muội dùng chữ “hạn chế” ở đây không phải là vì những điều sắp nêu ra ở đây là sai, mà vì sự vận dụng không khéo léo những điều đó sẽ dễ gây cản trở cho sự phát triển của Phật pháp trong thời đại hiện nay.
1. Tư tưởng “Phước Điền”
Đức Phật đã khẳng định những người tu theo Phật một cách chân chính là phước điền của thế gian. Dù cho người tu theo Phật có ý thức được hay không ý thức được mình là mảnh ruộng màu mỡ để chúng sinh trong thế gian gieo trồng công đức, thì theo nhân quả, người đó vẫn luôn là phước điền.
Chỉ có điều tư tưởng phước điền ấy khi nằm lâu trong đầu sẽ làm cho chư Tăng Ni thấy “thế gian cần đến mình”, thay vì mình cần phải tới để hướng dẫn thế gian tu tập.
Một người tu theo Phật dễ rơi vào tư duy rằng chỉ cần mình chăm chỉ tu tập, giữ gìn đạo hạnh, chăm sóc tự viện và hướng dẫn đệ tử cho tốt là đủ đáp ứng lại sự cung kính cúng dường của Phật tử. Những ai tới chùa mà chủ động thưa hỏi Phật pháp thì chư vị Tăng Ni sẽ giảng giải tỉ mỉ để giúp họ tăng trưởng thiện căn. Suốt cả nghìn năm nay Phật giáo vẫn là như vậy, Tăng Ni vẫn sống, tu học và hành xử như vậy, luôn được mọi người ca ngợi.
Nhưng……….
Hãy nhìn vào Thiên Chúa giáo. Mỗi người tu sĩ của họ lại có tư tưởng khác. Bổn phận của họ là “thay Chúa chăn dắt tín đồ”, tức là họ có nghĩa vụ phải giảng giải đạo lý cho các tín đồ, và tiếp cận với những người chưa theo Thiên Chúa giáo, thuyết phục những người đó tin và theo. Chính vì vậy ngoài việc tu tập, quản lý giáo đường, họ còn phải chủ động tìm đến những người chưa theo đức tin của họ để thuyết phục, đồng thời sắp xếp tổ chức các hoạt động của giáo phận nơi họ được giao nhiệm vụ coi sóc.
So với sự thụ động chờ người tới của Phật giáo, sự chủ động của họ đem lại hiệu quả truyền bá rất lớn. Chúng ta hãy xét điều này sẽ thấy: Chỉ trong vòng hơn 100 năm kể từ khi đặt chân vào Việt Nam, từ sự hoàn toàn xa lạ, giờ họ đã có hơn chục triệu tín đồ. Tuy trên thống kê thì số người theo Thiên Chúa giáo là chừng 10% dân số, nhưng tôi tin rằng con số đó lớn hơn rất nhiều. Đấy là chưa kể có bao nhiêu người Việt Nam hải ngoại trước khi rời bỏ quê hương đã là người Thiên Chúa giáo rồi.
Trong khi đó đạo Phật có mặt gần 2000 năm nay thì số người thực sự được coi là Phật tử, nghĩa là hiểu giáo lý, hiểu biết về cuộc đời Đức Phật, biết đi chùa lạy Phật tụng kinh, ngồi thiền v.v.. thì không nhiều.
Đơn cử chúng ta hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy số lượng người đi chùa vào ngày Rằm và Mùng Một ở Thành phố Hồ Chí Minh so với số người đi dự một buổi lễ tại nhà thờ trong cùng khu vực cũng không chênh nhau mấy.
Không những vậy, một ngày chủ nhật, một nhà thờ tổ chức rất nhiểu buổi lễ, nghĩa là số lượng người đến nhà thờ hiện giờ có vẻ nhiều hơn số người đi chùa gấp mấy lần rồi đấy. Người đến nhà thờ thì ai cũng hiểu giáo lý nhà Chúa, còn người đi chùa thì được bao nhiêu phần trăm hiểu giáo lý nhà Phật?
Khi một vi cha đạo hay linh mục được cử tới một nhà thờ trong giáo xứ nào đó để truyền bá, bề trên của ông sẽ đặt ra những mục tiêu về sức mở rộng ảnh hưởng trong quần chúng và thu hút tín đồ, nên bản thân người đó sẽ phải sống chết với sự nghiệp rao giảng Thánh kinh. Mỗi năm khi xem xét bản thành tích mà không thấy có hiệu quả gì, bề trên sẽ thay thế ông bằng người khác.
Trong khi đó thì đối với các sư thầy sư cô, khi được giao về trụ trì tại một ngôi chùa thì chẳng ai bị ràng buộc về nghĩa vụ hoằng pháp cả. Mình làm được tới đâu thì làm, không làm được cũng chẳng ai trách móc.
Với trách nhiệm chăn dắt tín đồ, các vị cha đạo linh mục không những chỉ ở trong nhà thờ mà hàng ngày đều tới thăm các tín đồ trong giáo phận của mình, nghe ngóng tâm tư nguyện vọng của họ, cho họ những lời khuyên để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nếu việc giúp đỡ nằm ngoài khả năng của các cha, các linh mục, thì họ sẽ kêu gọi những người trong đạo tương trợ người đang gặp khó khăn.
Trong khi đó thì các sư thầy các sư cô thường chủ yếu ở trong chùa, Phật tử nếu tới thưa hỏi điều này, tâm sự điều nọ thì mới biết. Chẳng mấy ai chủ động đi ra ngoài thăm từng gia đình Phật tử trong vùng của mình ở cả. “Tư tưởng Phước Điền” đã làm cho các quý Thầy quý Cô nghĩ rằng mình nhận sự cúng dường và tiếp tục tu là đủ rồi, không cảm thấy mình phải có trách nhiệm trở lại đối với cộng đồng, chủ động bước ra ngoài để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi sai lầm, trở về với ánh sáng chân lý, sống trong đạo đức, trí tuệ và tình thương.
Chúng ta thử nhìn lại cuộc đời Đức Phật mà xem, có bao giờ Người ở một chỗ để chờ cư sĩ đến cúng dường không? Ngày nào Người cũng đi du hóa, đến từng nhà để hóa độ. Người là hình mẫu của sự đem giáo lý vào cuộc sống một cách chủ động và ân cần, chứ đâu phải là của sự thụ động và chờ đợi.
Đức Phật biết mình là “Phước điền vĩ đại nhất cho trời và người”, nhưng Người cũng hiểu rằng chúng sinh nếu không biết đạo lý sẽ không hiểu được điều đó. Người vì thương chúng sinh và muốn cho chúng sinh có cơ hội làm phước để được sống trong an lành và có cơ hội giải thoát nên Người đã lặn lội đi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ nơi đông đúc cho đến nơi hẻo lánh. Người đến với chúng sinh không phải vì muốn nhận sự cúng dường, mà vì muốn chúng sinh thoát khổ.
Rõ ràng tư tưởng “phước điền” vô tình đã làm cho Phật giáo vô cùng thụ động trong việc tiếp cận Phật tử và những người chưa phải Phật tử để truyền bá đạo lý, góp phần làm đạo Phật suy yếu. Con mong các vị xuất gia hãy vì tình thương vô hạn tới con người mà hãy chủ động đến với con người nhiều hơn nữa.
2. Tư tưởng “Tự ti Mạt Pháp”
Chính Đức Phật đã khẳng định rằng sau khi Ngài nhập niết bàn 2000 năm, thế gian sẽ đi vào thời kỳ Mạt Pháp, tức là giáo pháp sẽ suy vi bởi 2 nguyên nhân chính:
Một là rất nhiều Tăng Ni sẽ hiểu sai giáo lý của Phật, tu sai đường, bị ma chướng cản trở, thậm chí nhiều người hư hỏng, trở thành “Sư tử trùng thực Sư tử nhục”.
Thứ 2 là chúng sinh cương cường khó giáo hóa, khó điều phục, không chịu tin theo chánh pháp.
Lời Phật nói quả đúng là ứng vào thời nay. Vậy nên đứng trước sự lụi tàn dần dần của Phật giáo ở nhiều quốc gia, nhiều người đã không cầm được nước mắt xót xa. Đứng trước sự mở rộng bành trướng của các tôn giáo thần quyền ngay trên đất nước mình, nhiều người chỉ biết thở dài rồi than “Mạt pháp!”.
Nhưng chúng ta đâu biết rằng những điều Phật nói không phải là cơ sở để chúng ta than vãn và bất lực. Đức Phật đã rất can đảm nhìn thấy rõ khó khăn của thời kỳ này và Người đã chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề, chứ không né tránh. Vì đây là thời sau khi Đức Phật nhập diệt nên Người không thể trực tiếp điều phục được các chúng sinh cương cường, mà giao trách nhiệm đó lại cho Tăng bảo.
Nhưng Đức Phật thấy rõ các đệ tử của mình sẽ tu sai, sẽ hiểu sai, sẽ làm sai, nên đưa ra lời cảnh báo trước để họ tỉnh ngộ, chứ không phải đưa cho họ một lý do để đổ lỗi cho thời thế, hay để than vãn bất lực.
Ngẫm ra thì ai cũng thế, mình suy yếu, đầu tiên là do mình. Nếu một vị thầy thuốc nói với chúng ta rằng: “Anh đang ăn uống không điều độ và sai lầm, và điều này sẽ dẫn tới việc sức khỏe anh suy giảm, bệnh tật phát sinh.” Rồi vị thầy đó chỉ cho chúng ta cách ăn uống sinh hoạt thế nào là đúng đắn, là có lợi, là phù hợp, từ đó đem lại sức khỏe. Vậy thì chúng ta sẽ làm sao?
Một người can đảm và có trí tuệ chắc chắn sẽ nên chấm dứt sự sai lầm trong ăn uống vì thấy rõ hậu quả, và chuyển sang ăn uống sinh hoạt đúng đắn để phục hồi và tăng trưởng sức khỏe. Còn người bạc nhược, kém cỏi sẽ khi nghe xong lời nói ấy sẽ kêu ca, thở dài, đau khổ, rồi vẫn tiếp diễn sự sai lầm của mình và tiếp nhận hậu quả như lời cảnh báo trước của vị thầy thuốc.
Cũng vậy, nếu ta coi lời Đức Phật nói về Mạt Pháp là lời răn dạy thì mỗi người tu theo Phật sẽ can đảm hơn để gạt bỏ những sai lầm và tiếp tục tu theo đúng giáo pháp, và sẽ không để cho Mạt Pháp xảy ra.
Nếu thay vì điều đó mà chúng ta lại chuyển sang than van, đau khổ thì vừa không giúp gì cho mình, vừa không giúp gì được cho chúng sinh, và cả hai phải cùng gánh chịu hậu quả là khổ đau. Phải chăng vì chúng ta than trách quá nhiều hơn là hành động nên nhiều người đã quy kết đạo Phật là bạc nhược, là yếm thế?
Còn với điều thứ 2 là “CHÚNG SINH CƯƠNG CƯỜNG KHÓ GIÁO HÓA”, thì chúng ta cũng phải hiểu rằng nếu mình khó giáo hóa, thì các tôn giáo khác cũng khó giáo hóa. Vậy tại sao người ta vẫn phát triển, còn mình thì không làm được? Tôi nói điều này là có cơ sở, nên xin trình bày cái biết của mình như sau:
So với các tôn giáo khác, đạo lý của nhà Phật dễ thuyết phục con người nhất. Không tin, chúng ta thử đi ra ngoài xã hội gặp một người chưa theo tôn giáo nào, thuyết phục họ là Trái Đất này là do Chúa Trời tạo ra trong 7 ngày, A đam và Ê va là cha mẹ đầu tiên của chúng ta, ngày tận thế sắp đến, và sau đó Chúa Trời sẽ phán xét tội phước của từng người v.v..
Chúng ta sẽ bị cười ngay, bởi thời nay với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, chẳng ai còn tin vào những chuyện đó nữa. Nhưng nếu chúng ta tranh luận với một người trí thức về nhân quả, về luân hồi với đầy đủ các bằng chứng hiện hữu trong cuộc sống này, thì tôi tin rằng ngay cả một nhà bác học cũng sẽ tin theo đạo Phật. Mà thực tế đã có rồi, bởi nhà bác học Einstein (Anh-xtanh) đã ca ngợi giáo lý của Đạo Phật hết lời rồi đó.
Vì các tôn giáo khác cũng biết mình khó giáo hóa con người, nhất là trong thời đại khoa học này nên họ mới phải dùng mọi phương tiện để khiến con người vào đạo như dùng tiền, dùng hôn nhân… Và họ đã thành công.
Tuy thế giới này phát triển về khoa học và nhận thức, những giáo lý của Hồi giáo, của Thiên Chúa giáo ngày càng bộc lộ sự mâu thuẫn với khoa học, nghĩa là họ càng ngày càng “khó ăn khó nói” với nhân loại, nhưng tín đồ của họ vẫn tăng lên.
Trong khi đó, khoa học phát triển thì chân lý của đạo Phật càng được chứng minh, tức là chúng ta càng ngày càng “dễ ăn dễ nói” với nhân loại, thì tại sao chúng ta lại lụi tàn đi???
Sự cương cường (ngang ngạnh) của chúng sinh không phải chỉ làm nhức đầu đạo Phật đâu, mà còn làm nhức đầu các tôn giáo khác. Chúng ta nhức đầu một, họ nhức đầu mười, vì vừa phải lo thuần hóa chúng sinh, vừa phải lo đối phó với các tiến bộ của khoa học.
Đừng nghĩ rằng tôn giáo khác họ xấu. Không phải đâu. Mình phải biết nhìn nhận sự đóng góp vĩ đại của họ cho nhân loại. Hội Chữ Thập Đỏ được thành lập là từ tư tưởng thánh thiện của Thiên Chúa Giáo muốn cứu giúp vô điều kiện con người. Vậy nên biểu tượng của họ là cây thánh giá màu đỏ. Sau này ngành y tế của nhân loại mới lấy biểu tượng đó cách điệu đi một chút làm thành biểu tượng của mình.
Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ là được thành lập bởi Hồi Giáo, vì đó là biểu tượng của họ. Hai hiệp hội này đã hy sinh biết bao nhiêu cho nhân loại này, cho thế giới này. Vì vậy xin đừng kết tội họ là tà đạo. Họ có vấn đề của họ vì giáo lý của họ không hoàn hảo nên con người không triệt tiêu được hết tam độc tham sân si nên còn dễ bị các thế lực chính trị và tội ác lợi dụng để gieo rắc đau khổ.
Đạo Phật mình mang danh chính pháp mà thực sự nhưng vẫn cần phải học hỏi các tôn giáo khác những điều mình chưa làm được. Ngay chính đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Phật Giáo cần phải học hỏi Thiên Chúa Giáo trên lĩnh vực từ thiện xã hội, cũng như Thiên Chúa Giáo nên học hỏi Phật Giáo trên lĩnh vực thiền định.”
Chính sự lăn xả vào công việc từ thiện xã hội nên Thiên Chúa Giáo vẫn có sức hút rất lớn với nhân loại. Chúng ta hay kết tội họ là thủ đoạn, nhưng thực ra không phải, mà là họ khéo léo sử dụng phương tiện để lôi kéo con người tới với họ, rồi dần dần cảm hóa và thuyết phục. Họ vẫn thấy họ đúng nên việc họ dùng phương tiện để lôi kéo con người vào sống trong “chân lý của họ” thì là việc họ thấy cần phải làm.
Vậy đó, người ta cũng đang sống trong cảnh Mạt Pháp như mình mà vẫn thành công được, vẫn truyền bá rộng rãi được, vẫn phát triển mạnh mẽ được. Có bao giờ người Phật Giáo chúng ta nghe lời than vãn từ phía tôn giáo bạn không?
Vấn đề của Phật Giáo chính là ở chỗ không biết sử dụng phương tiện để hoằng pháp, cho nên mới mất tín đồ. Khi mất tín đồ rồi thì lại theo thói quen chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh và sự cạnh tranh của các tôn giáo khác. Trong bài viết trước, tôi đã nêu rõ là Phật Giáo chúng ta có sức mạnh của đạo lý mà chúng ta không biết dùng. Lỗi đó làm sao đổ cho hoàn cảnh được?
Rõ ràng sự “tự ti Mạt Pháp” cũng đang là một cản trở lớn trong tư tưởng của chúng ta, thêm một nguyên nhân gây suy yếu đạo Phật. Con mong các vị hòa thượng tôn túc hãy can đảm đối diện với những khó khăn trong hiện tại mà khởi phát ý chí quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa để cứu giúp chúng sinh và nhân loại.
3. Tư tưởng “độ người hữu duyên”
Có một suy nghĩ phổ biến trong Đạo Phật cả trong người xuất gia và tại gia là chỉ nên độ những người hữu duyên với Phật pháp. Còn việc độ những người không hữu duyên thì xem như là việc hợp thời vì có nói gì đi nữa họ cũng không muốn nghe, hoặc có nghe cũng không hiểu. Nếu không muốn nghe thì tự nhiên mình lại khiến họ tạo nghiệp hủy báng Phật pháp. Còn nếu nghe mà không hiểu thì rõ ràng là tốn công vô ích.
Không phải tư tưởng này tự nhiên mà có, bởi khi học về cuộc đời Đức Phật, ai cũng thấy vào buổi sáng, trước khi đi khất thực, Đức Phật ngồi quán nhân duyên để biết xem ai là người sẽ được hóa độ hôm nay. Sau đó Ngài mới khởi hành đi về nơi gặp người đó.
Chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan xem thực ra tư tưởng “độ người hữu duyên” mà chúng ta đang mang đó có hợp với ý của Phật hay không?
Thứ nhất, Phật khác chúng ta một điều cơ bản, đó là Ngài có đủ Tam Minh Lục Thông, vậy nên cái nhìn của Ngài là chính xác. Còn những đệ tử xuất gia và tại gia của Phật, nhất là trong thời đại ngày nay, có mấy ai thành tựu được Tam Minh và Lục Thông không?
Nếu chưa thành tựu thì làm sao biết ai là người “hữu duyên”, ai là người “vô duyên”? Thế thì chỉ có một trong 2 sự lựa chọn, đó là không độ cho ai cả, hoặc độ cho tất cả mọi người.
Thứ 2, tuy độ những người “hữu duyên” như vậy, nhưng không có nghĩa là Đức Phật bỏ rơi những người không hữu duyên. Thực ra ngay cả sự độ người hữu duyên của Ngài cũng là một phương tiện hữu hiệu để kéo theo cả trăm nghìn người khác đi theo con đường giác ngộ, giống như là việc một người nắm một sợi dây để kéo cả cái lưới cá lên.
Chúng ta sao chỉ thấy sợi dây mà không thấy cái lưới cá? Một người thành tựu được đạo quả nhờ pháp quán nhân duyên của Đức Phật kéo theo không biết bao nhiêu người khởi phát tín tâm mạnh mẽ, từ đó bỏ dữ làm lành, nguyện sống cả đời trong ánh hào quang của Phật pháp, từ đó vĩnh viễn thoát khỏi tam đồ ác đạo, và chắc chắn sẽ chứng Thánh quả trong tương lai.
Như vậy là Đức Phật độ khắp cả chúng sinh trong một hành động của mình, chứ không phải chỉ độ cho một vài con người cụ thể trong thời điểm đó.
Thứ 3, Đức Phật không chỉ “lo cho sự hóa độ của riêng mình”, mà còn gieo trồng cơ hội hóa độ cho những thế hệ nối tiếp. Những người được Ngài gieo duyên lành nếu chưa đắc ngay quả Thánh thì sau khi tái sinh trở lại, gặp những đệ tử của Ngài, sẽ được những người đó khai ngộ.
Cũng vậy, người Phật tử xuất gia và tại gia không nên chỉ nghĩ cho mình, nghĩa là hóa độ những người hữu duyên một cách thành công, mà cũng phải gieo duyên Phật pháp vào những người chưa hữu duyên, để họ trong kiếp tái sinh sau sẽ trở thành người được người khác hóa độ.
Vậy nên chúng ta phải mang Phật pháp đến cho cả 2 hạng người: Hữu duyên và chưa hữu duyên, và như thế có nghĩa là, cho tất cả chúng sinh. Có như thế thì mạch nguồn Phật pháp mới không bao giờ ngưng chảy trên thế gian này.
Có ý kiến sẽ cho rằng “hữu duyên” không chỉ là đúng người, mà còn phải đúng thời điểm, nếu như vậy thì việc hóa độ mới thành công. Vậy chúng ta thử nhìn ra các tôn giáo bạn xem họ vẫn hăng say truyền giáo hàng ngày mà chẳng hề biết đến triết lý “hữu duyên” là cái gì. Gặp ai họ cũng cố gắng tìm kiếm một cơ hội tiếp cận, rồi sau đó thuyết phục.
Nếu chưa thuyết phục được ngay thì dùng các phương tiện khác để thu hút. Khi thu hút được rồi thì sẽ xây dựng thiện cảm, khi xây dựng được thiện cảm rồi thì việc “hóa độ” của họ cũng đã hoàn tất được chừng 60%, phần còn lại là thuyết giảng giáo lý và khiến “kẻ ngoài cuộc” trước đây trở thành tín đồ của họ.
Trong khi chúng ta có một kho triết lý đồ sộ để ngây ngất mà suy ngẫm, họ chẳng cần nhiều đến thế, mà hiệu quả thực hiện thì lại cao hơn chúng ta. Đứng trước sự so sánh này, liệu những người Phật tử chúng ta đã thấy tư tưởng “độ cho người hữu duyên” đã bộc lộ yếu điểm hay chưa?
Thứ 4, bản thân ngay cái khái niệm “hữu duyên” cũng rất mơ hồ. Thế nào là một người hữu duyên với Phật pháp? Chúng ta hãy cùng nhau khảo sát các tiêu chí sau đây:
1. Những người xuất gia là hữu duyên.
2. Những người có công phu tu tập là hữu duyên.
3. Những người hiểu sâu giáo lý là người hữu duyên
4. Những người đã quy y là hữu duyên
5. Những người bắt đầu quan tâm tìm hiểu giáo lý là người hữu duyên
6. Những người được sinh ra trong gia đình Phật tử cư sĩ là hữu duyên
7. Những người đã từng đi chùa là người hữu duyên
8. Những người sinh ra tại những đất nước có Phật pháp đều là hữu duyên.
9. Loài người là sinh vật có trí tuệ và đủ khả năng lãnh nhận giáo pháp, cho nên tất cả con người trên thế gian này là hữu duyên.
10. Mọi chúng sinh đều có Phật tính, vậy nên mọi chúng sinh đều hữu duyên.
Thử hỏi chúng ta xác định thế nào là người hữu duyên đây, khi tiêu chí nào cũng hợp lý? Ngay cả cái khái niệm “hữu duyên” còn quá mơ hồ, thì cái tư tưởng “độ người hữu duyên” là không có cơ sở.
Xét lại mỗi bản thân chúng ta mà xem, chúng ta trước khi biết đến Phật pháp thì là người “hữu duyên” hay “vô duyên”? Có phải trước khi biết thì là “vô duyên”, biết rồi thì là “hữu duyên”? Trước khi biết Phật pháp thì ai cũng thuộc vào dạng “CHÚNG SINH CƯƠNG CƯỜNG” cả. Nếu chờ cho người ta hết cương cường thì mới độ thì việc hóa độ còn có ý nghĩa gì?
Chúng ta nghĩ sao khi cho con của mình đi học. Đứa bé bản thân nó có muốn đi học không? Có ai hỏi ý của con rằng: “Con có thích đi học không? Nếu con thích thì bố mẹ cho con đi. Nếu con không thích thì bố mẹ cho con ở nhà.” Nếu hỏi thì hơn 50% các em bé sẽ đòi ở nhà.
Vì chư Tăng thấy rõ sự đau khổ của người không hiểu đạo lý nên phải bằng mọi giá hóa độ họ, cũng giống như người làm cha làm mẹ thấy rõ sự đau khổ của những người thất học nên phải bằng mọi cách cho con cái đi học.
Người làm cha làm mẹ không đợi đến khi đứa con của mình khởi lòng thích đi học rồi mới đưa nó đến trường, cũng giống như người tu sẽ không chờ cho đến khi chúng sinh “hữu duyên” rồi mới độ. Người cha mẹ không cương quyết đưa con tới trường là người cha mẹ vô trách nhiệm và không thương con. Nếu người tu sĩ nếu chỉ đợi người hữu duyên đến với mình rồi mới hóa độ thì chẳng khác nào những bậc cha mẹ đáng trách đó sao?
Trên thực tế có nhiều người được sinh ra trong gia đình Phật tử, nhưng khi lớn lên vì yêu người Công giáo, nên để cưới được, người đó phải cải đạo. Vì chẳng thấy đạo Phật là quan trọng,mà thấy cô vợ tương lai quan trọng hơn, người đó đồng ý.
Người đó nếu so sánh với bao nhiêu người khác thì “rất hữu duyên” với nhà Phật, nhưng suốt một thời gian dài chẳng được học hỏi giáo lý nhà Phật, không hiểu được giá trị của đạo lý ấy, nên một tiếng sét ái tình đủ làm tan hết cái sự hữu duyên. Nếu người đó hữu duyên và đáng độ như thế, tại sao không thấy vị thầy nào đến độ cả?
Có quan điểm cho rằng với người hữu duyên thì thế nào cuộc sống cũng sẽ đưa họ đến với giáo lý của Đức Phật, mình chẳng cần phải mất nhiều công sức làm gì. Giả sử cho cái lý thuyết đó đúng thì ai dám chắc phải mất bao lâu cái người hữu duyên đó mới tìm đến được đạo Phật một cách tình cờ?
Và dẫu cho tìm được đến nơi thì cả quãng đời trước đó do chưa biết đến Phật pháp, người đó theo thói thường tình đã gây tạo bao nhiêu ác nghiệp. Những ác nghiệp đó nếu lớn quá chắc chắn sẽ cản bước tiến của người đó trên con đường tu tập, và biết đâu cũng đủ mạnh để người đó thối chí, rồi lại rơi vào ác đạo.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Ai cũng nhìn nhận thấy một điều rằng chúng sinh vạn loài mỗi cá nhân đều có một căn cơ riêng, kẻ cao người thấp. Việc độ cho mỗi người khác nhau thì sẽ phải có một phương pháp khác nhau, và thích hợp với những thời điểm khác nhau.
Người mang Phật pháp tới độ cho chúng sinh cần phải giống như một người thầy thuốc giỏi, phải biết “bắt mạch” tâm của con người, hiểu được chính xác bệnh của họ, rồi mới “kê đơn thuốc” giáo lý thích hợp.
Cái phương pháp này được Phật nói là “Tùy duyên”, chứ không phải là tư tưởng “độ cho người hữu duyên” đầy thụ động như nhiều người lâu nay vẫn hiểu lầm.
Đức Phật đã dạy rất kỹ quy trình thực hiện pháp “Chủ động Tùy duyên Hóa độ” trong giáo lý về “Tứ Nhiếp Pháp”. Để đưa được con người đến với giáo pháp, ai cũng phải nắm rõ hành trình: “Bố thí -> Ái ngữ -> Lợi hành -> Đồng sự” rồi sau đó mới đem đạo lý trao truyền. Tuy Phật đã dạy rất rõ rồi mà dường như những người theo Phật ít ai làm theo được.
Trong khi các tôn giáo khác, nhất là Thiên Chúa giáo, họ chẳng được dạy gì về phương pháp này nhưng nhờ sự trăn trở với cuộc đời và nhân loại, con đường họ đi cũng tương tự như thế. Chúng ta được dạy kỹ càng lý thuyết như vậy mà chẳng làm được, còn họ thì nhờ lăn lộn với thực tế mà tự ngộ ra rồi làm tốt hơn chúng ta. Điều này không biết có làm cho quý Tăng Ni, quý Phật tử phải băn khoăn suy nghĩ không?
Nói như thế nhưng không phải người viết đồng ý và cổ súy cho sự truyền đạo bất chấp mọi thủ đoạn như các tôn giáo khác làm. Chúng ta nhìn nhận họ và học họ những điều đáng học, và đồng thời gạn lọc bỏ đi những gì không phù hợp và đi ngược lại các giá trị của Phật giáo.
Đạo Phật dù thế nào, dù bằng phương tiện nào cuối cùng cũng hướng chúng sinh đến con đường tự nguyện, tự giác. Nhưng rõ ràng nếu xét kỹ trong tâm chúng sinh, ý thức tự nguyện tự giác này thường bị hướng vào phía bóng tối của dục vọng, của tham lam, sân hận.
Vì vậy muốn để phát khới sự tự giác hướng thiện, chúng ta phải phổ biến giáo lý rộng rãi để mọi con người đều nhận ra lợi ích của chính pháp mà phát tâm tự nguyện bước theo.
Phật giáo chúng ta không chấp nhận sự cưỡng ép chúng sinh theo kiểu “dí súng vào đầu” của Hồi giáo, hay hình thức ép uổng bằng hôn nhân của Thiên Chúa giáo; mà lại kêu gọi Phật tử nếu cần thì sẵn sàng hy sinh quyền lợi và thậm chí thân mạng của mình để cảm hóa con người.
Không những vậy, trong cuộc đời hoằng hóa của mình, Đức Phật cũng chỉ rõ những hạng người không nên nói pháp để tránh cho chúng ta tốn công vô ích. Như vậy Đức Từ Phụ là một người chu đáo đến hoàn hảo, chỉ dẫn con đường đến nơi đến chốn.
Ngài không cho phép chúng ta bỏ mặc chúng sinh, nhưng cũng không cho phép chúng ta lao đầu vào những sự tốn công vô ích khi chưa đúng thời điểm và đối tượng. Những hạng người mà Người chỉ ra trong kinh tạng Nikaya là những hạng người đang bị thiêu đốt bởi dục vọng, bởi thù hận, bởi kiêu mạn…
Tuy mỗi con người khác nhau ở sở thích, tính tình, quan điểm, ăn uống, nhưng ai cũng có một điểm chung là … phải hít khí trời, uống nước và ăn ngũ cốc để sống. Đó là những điều cơ bản để duy trì và nuôi dưỡng sự sống.
Nếu ai đó lo lắng là mình không biết phải chữa trị căn bệnh cho chúng sinh muôn vạn căn cơ sai biệt thì đã có một bài thuốc bách bệnh và nuôi dưỡng huệ mạng cho chúng sinh, đó là những giáo lý cơ bản về: Luật Nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, Tứ Thánh Đế, Bát Chính Đạo.
Nếu những chân lý này được phổ biến rộng rãi thì ai ai cũng sẽ được chuyển hóa. Giống như một cơn mưa lớn đổ xuống, cây cỏ vạn loài tuy cao thấp lớn nhỏ khác nhau nhưng sẽ tự tiếp nhận lượng nước phù hợp để trỗi dậy mạnh mẽ. Nếu một cơn mưa pháp như vậy đổ xuống, khắp nơi nơi trên đất nước này những chân lý trên được tuyên nói, thì điều thiện cùng với trí tuệ sẽ nảy nở và đơm hoa kết trái.
Điều này có nghĩa là ngoài việc mỗi cá nhân trong đạo Phật, cả xuất gia và tại gia cùng truyền bá chính pháp bằng tinh thần “Chủ động Tùy duyên Hóa độ”, thì Phật giáo Việt Nam cũng cần một tổ chức chặt chẽ hơn để tạo nên một cơn mưa pháp lớn trong toàn cõi nước này.
Xét đến đây, chúng ta cần tỉnh táo mà nhận ra rằng: Tư tưởng “Độ cho người hữu duyên” là không có cơ sở, là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự thụ động và yếu ớt của Phật giáo. Tư tưởng này cần phải được thay thế bằng tư tưởng tích cực “Chủ động Tùy duyên Hóa độ”.
Đến đây, người viết xin kết thúc Phần 2A: “Những hạn chế trong tư tưởng.” Mời quý độc giả đón đọc phần 2B: “Những vấn đề trong tư tưởng” ở bài tiếp theo.
Ngày 02/10 năm 2008
Cư sĩ: Nghiêm Minh Kiên
Xem thêm:
Nếu quý độc giả có ý kiến về vấn đề bài viết này nêu ra, xin bấm vào đây, hoặc gửi thư về địa chỉ [email protected]. |