Theo nhiều tài liệu cổ sử ghi chép lại, mối quan hệ giữa Đại Việt – Chămpa đã diễn ra từ rất sớm (ít nhất là vào thời Đinh – Tiền Lê) (1) và xuyên suốt trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Đại Việt là một mô hình thu nhỏ của Trung Hoa, bởi thực tế, người Việt ảnh hưởng, tiếp nhận một cách mạnh mẽ văn hóa Hán, lối sống của người Hán (2) từ phong tục, tập quán, mô hình nhà nước, thể chế chính trị, hệ tư tưởng… Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể thì chúng ta lại thấy sự khác biệt của văn hóa Việt truyền thống so với Trung Hoa. Điều này có thể giải thích rằng, trước khi văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng tới Đại Việt thì bản thân người Việt đã có một nền văn hóa (phi Hoa) của riêng mình.
Việc Phật hoàng Trần Nhân Tông sang Chiêm Thành gần một năm và hệ quả là cuộc hôn nhân giữa vua Chế Mân với Huyền Trân công chúa đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử bang giao của hai vương triều. Ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông, nguồn internet
Trong diễn trình lịch sử, người Việt không chỉ thuần nhất ảnh hưởng văn hóa Hán mà còn giao thoa với nhiều nước lân bang khác ở phía Nam như Ai Lao (Lào) và nhất là Chiêm Thành (Chămpa), một vương quốc nằm ở phương nam, chịu ảnh hưởng mô hình nhà nước – văn hóa Ấn Độ. Sự khác biệt về thể chế, văn hóa… đã tạo ra những yếu tố mới mà Đại Việt vốn không có hoặc không thể học được từ Trung Hoa. Hơn thế nữa, để nhanh chóng giải Hán hóa, Đại Việt đã tìm thấy một cứu cánh an toàn từ phương Nam, đó là Chămpa và văn hóa Chăm. Sau nhiều thế kỷ giao thoa (hòa bình cũng như đụng độ quân sự), Đại Việt đã tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Chămpa, một mặt để tự làm mới mình, mặt khác để khu biệt mình với người láng giềng phương Bắc. Nhưng khi tiếp xúc với văn hóa Chăm, với tư cách là chủ thể văn hóa, người Việt đã cố tình lờ đi hoặc “không công nhận” là mình đã học tập tinh hoa của người Chăm. Nhưng dù cố tình lờ đi hay không thừa nhận chăng nữa, văn hóa Chăm, người Chăm đã ảnh hưởng và có tiếp xúc sâu sắc trong lòng Đại Việt. Bên cạnh việc người Việt cộng cư với người Chăm về mặt dòng máu, chúng ta còn thấy, người Chăm cũng đã để lại trên đất Đại Việt những dấu ấn về vật chất (đền tháp, kỹ thuật xây dựng…) và tinh thần (hệ thống tín ngưỡng, giọng nói, nghệ thuật ca vũ nhạc…)(3). Trong hệ thống tâm linh mà người Chăm mang sang đất Việt, ngoài các thần linh có nguồn gốc Chiêm Thành như bà Mỵ Ê (4) hiện đang được thờ ở Lý Nhân (Hà Nam), bà chúa Dệt Lĩnh Phan Thị Ngọc Đô (5) được thờ ở khu vực Bưởi (Hà Nội), bà chúa Lẫm (6) ở Bắc Ninh… và cả một mẫu thần Liễu Hạnh (trong hàng Tứ bất tử) (7),…, còn có những thiền sư được mang về từ Chiêm Thành sau các cuộc chinh Chiêm trong lịch sử Việt Nam Trung đại, TK X đến XV. Họ là những cá nhân đã góp phần định hình và tạo ra những tông phái mới của Phật giáo Việt Nam sau này. Hoặc chí ít, họ cùng với các thiền sư khác tạo nên một diện mạo đặc thù cho Phật giáo Việt Nam.
Về nguồn gốc, những thiền sư này chủ yếu là từ Thiên Trúc (Ấn Độ) đến Chiêm Thành truyền đạo, hoặc từ Trung Hoa sang Chiêm Thành để thọ giới, học đạo… Và, nhiều người cũng là sư gốc Chiêm, con cháu người Chiêm hoặc người Việt, nhưng thọ giới những thiền sư Chiêm Thành sống trên đất Việt… Phần lớn, họ vô tình rơi vào giữa các cuộc chiến, bị bắt, trở thành tù binh và được đưa về Đại Việt. Chính từ lúc trở thành tù binh trên đất Đại Việt ấy, họ đã không chỉ đóng góp tư tưởng, Phật học của mình vào thiền phái như Vô ngôn thông, Tì ni đa lưu chi, mà còn tạo nên dòng tu tập mới – thiền phái Thảo Đường. Tuy nhiên, cho đến nay, những dòng sử liệu ít ỏi trong các pho chính sử phong kiến như An Nam chí lược, Thiền uyển tập anh hay Đại Việt sử ký toàn thư,… không cho chúng ta thông tin đầy đủ về các nhà sư đến từ Chiêm Thành. Với nguồn tư liệu hạn hẹp như vậy, chúng tôi chỉ có thể suy đoán tạm thời, đôi khi chủ quan về những đóng góp của họ đối với Phật giáo nói riêng và đời sống xã hội – văn hóa tâm linh Đại Việt nói chung.
Đầu tiên, phải kể đến sự kiện “năm Nhâm Ngọ (982), vua (Lê Hoàn) thân đi đánh nước Chiêm Thành, thắng được. Trước đây vua sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị họ bắt giữ. Vua giận, mới đóng thuyền chiến, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém được Phê Mị Thuế tại trận; Chiêm Thành thua to; bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một người thầy tăng người Thiên Trúc; lấy các đồ quý mang về, thu được vàng bạc, của báu, kể hàng vạn; san phẳng thành trì, phá hủy tôn miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư” (8). Dầu vậy, thân thế và hành trạng tiếp theo của vị sư này trên đất Việt đã không được sử sách ghi lại chi tiết, tỷ mỷ hơn nữa. Nhưng vì sự thiếu hụt về sử liệu như vậy, lại cho phép ta tạm đưa ra những suy đoán: Vị thiền sư này có thể đã lặng lẽ truyền tư tưởng của đạo Phật vào đời sống xã hội Đại Việt đương thời (nhất là ở kinh đô Hoa Lư, một trong những trung tâm Phật giáo mang đậm dấu ấn phương Nam). Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhà sư Thiên Trúc này, do không thâm nhập vào đời sống quan phương của cung đình, nên không được ghi lại hay nhắc tới trong sử sách như những thiền sư trước hoặc sau đó. Hoặc giả, vì thân phận tù binh hoặc hạn chế về ngôn ngữ nên tư tưởng cũng như tri thức Phật học của ông không được triều đình trọng dụng.
Sang đến thời Lý, quan hệ giữa Đại Việt và Chămpa trở nên sôi động hơn so với thời Đinh – Tiền Lê vốn tồn tại ngắn ngủi trong diễn trình lịch sử Việt Nam. Những chuyến viếng thăm ngoại giao (Chămpa sang triều cống Đại Việt, quy phụ – người Chăm chạy sang Đại Việt để lánh nạn), các hoạt động quân sự kéo dài hơn 200 năm (1009 – 1225) đã khiến quá trình giao thoa – tiếp biến văn hóa giữa hai nước, hai nền văn hóa diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Việc tăng sư gốc Việt hoặc Trung Hoa thụ giới các thiền sư gốc Chăm đã tạo nên sự đa dạng trong tư tưởng của các thiền phái Phật giáo ở Việt Nam. Theo ông Trần Văn Giáp, dẫn từ Thiền uyển tập anh, “có một vị sư tên là Đàm Khí, mất về đầu đệ thập thế kỷ (9). Lúc sinh thời, người người nhập môn một vị sư Chiêm Thành đắc đạo” (10). Trong Thiền uyển tập anh, vị sư Đàm Khí có pháp danh là Ngộ Ấn (1020 – 1088), tu ở chùa Long An, Ninh Sơn (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội). “Thiền sư người Tư Lý, hương Kim Bài, mẹ họ Cù, khi chưa lấy chồng, nhà ở cạnh nghĩa địa gần khu rừng, thấy người ta đặt bẫy bắt hết cả chim, bà nói: “Thà chết mà làm người thiện còn hơn sống mà làm kẻ ác”. Một hôm, bà đang dệt vải, có con khỉ lớn từ trong rừng chạy ra ôm lấy lưng bà suốt ngày mới bỏ đi. Sau đó bà biết mình có mang. Đến khi sinh ra, đứa con mặt mũi xấu xí, bà lấy làm ghét, bèn đem bỏ vào rừng. Trong hương sư có sư phụ người Chiêm Thành họ Đàm, trông thấy đem về nuôi, nhân thế đặt tên là Khí (có nghĩa là vứt bỏ). Đến năm lên mười, Đàm Khí theo Nho học, học vấn ngày càng tăng tiến, giỏi cả chữ Hán và chữ Phạn. Năm mười chín tuổi, xuất gia, chịu đủ giới luật, nghiên cứu tinh thông cả hai kinh Viên giác và Pháp hoa” (11). Thông qua tiểu sử vắn tắt của thiền sư Ngộ Ấn, ta có thể suy đoán rằng, yếu tố Phật giáo phương Nam (Chiêm Thành) từ người họ Đàm đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng Phật học của Đàm khí. Và, chắc chắn rằng tư tưởng ấy đã góp phần vào hoàn thiện – đa dạng hơn cho Phật triết của thiền phái Vô ngôn thông ở Đại Việt.
Trước thời nhà sư Đàm Khí thuộc thiền phái Vô ngôn thông, trong sách Thiền uyển tập anh cũng ghi chép về một vị sư khác thuộc thiền phái Tì ni đa lưu chi có gốc gác từ Chiêm Thành, đó là Ma Ha. Không rõ thời điểm sinh, mất của ông, nhưng căn cứ vào tích truyện ghi trong sách này, ông sinh ra và lớn lên từ khoảng thời Đinh – Tiền Lê sang đến thời Lý. Sách có ghi: “Thiền sư Ma Ha tu ở chùa Quan Ái, hương Đào Gia, Cổ Miệt. Thiền sư tên cũ là Ma Ha Ma Da, tổ tiên người Chiêm Thành, tự lấy họ Dương. Cha là Bối Đà, am hiểu sách lá bối (bối thư, tức kinh Phật bằng chữ Phạn viết trên loại lá này), giữ chức quan bối trưởng (cũng gọi là đà phan) dưới triều Tiền Lê. Sư là người hiểu biết sâu rộng, giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Phạn. Năm 24 tuổi, nối nghiệp cha trụ trì chùa Quan Ái… Năm Thuận Thiên thứ năm (1014), sư dời đến chùa Đại Vân ở Trường An, ngày ngày chuyên cần tu tập, đắc pháp Tống trì tam muội (12) cùng các phép ảo thuật, người ngoài không dò biết được. Vua Lê Đại Hành ba lần thỉnh sư về triều để hỏi bàn việc nước, sư chỉ chắp tay cúi đầu mà thôi. Gặng hỏi hai lần, sư mới đáp rằng: Bần đạo chỉ là kẻ cuồng tăng ở chùa Quan Ái! Vua cả giận, sai đưa sư đến chùa Vạn Tuế trong đại nội đóng cửa lại, sai người canh giữ. Sáng hôm sau đã thấy sư ở ngoài tăng phòng mà vẫn đóng khóa như cũ. Vua lấy làm lạ, cho phép sư muốn đi đâu tùy ý. Sư lại đi về phía Nam, đến trấn Sa Đãng, thuộc Ái Châu. Nơi đây, phong tục dân chúng sùng chuộng thờ quỷ thần, nhiều người làm nghề sát sinh, sư khuyên họ ăn chay, kiêng thịt” (13). Việc thiền sư Ma Ha được Lê Hoàn cho vời vào cung để tham vấn, cho thấy vai trò của các tăng sư có gốc gác Chiêm Thành bắt đầu coi trọng, nhất là trong đời sống chính trị ở triều đình quan phương. Điều này cũng dễ dàng giải thích việc có rất nhiều bà hoàng hậu hay phi tần của Lê Hoàn là người Chăm. Một trong những bà hoàng hậu hay phi tần gốc Chăm ấy đã sinh ra Lê Ngọa Triều (Long Đĩnh). Tuy nhiên, vị sư Ma Ha họ Dương này lại không gắn cuộc đời và tư tưởng Phật học của mình với cung đình, mà hòa đạo pháp vào với cuộc sống của dân gian phi quan phương. Chính vì vậy, “năm Thiên Thành thứ 2 (1029) đô úy Nguyễn Quang Rị(?) mời sư về trụ trì chùa Khai Thiên, phủ Thái Bình. Đến năm thứ 6 (1033), sư cáo từ, trở về Hoan Châu, sau không biết thọ chung thế nào” (14). Ngoài ra, tư tưởng của thiền sư Ma Ha lại thiên về mật pháp với những ảo thuật kỳ dị. Ông dùng chính những thủ thuật có tính chất mật pháp, bùa chú ấy để giáo hóa con người, hướng hành động, suy nghĩ của họ về điều thiện, về lẽ vi diệu của Phật pháp.
Cũng vào thời Lý, sau cuộc chinh phạt Chiêm Thành của Lý Thánh Tông, năm 1069, Thảo Đường, một nhà sư gốc Trung Hoa theo thày sang Chiêm Thành tu tập, sau này đã mở ra một thiền phái mới cho đạo Phật ở Việt Nam: Thiền phái Thảo Đường. Mặc dù vậy, sự kiện ông bị bắt, sau này không thấy ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, tuy trước đó, được Lê Tắc ghi lại trong An Nam chí lược (thời Trần): “Thảo Đường theo thầy sang ở Chiêm Thành. Lý Thánh Vương /Tông đánh Chiêm Thành bắt được, cho làm đầy tớ sư Lục. Ngày nọ, sư Lục viết văn sớ để trên bàn, đi ra ngoài. Thảo Đường lén sửa chữa lại, sư Lục lấy làm lạ, tâu vua nghe, vua phong Thảo Đường làm Quốc sư” (15). Chi tiết sư Thảo Đường là người Trung Hoa cũng không được Lê Tắc nhắc đến, nhưng theo nghiên cứu của nhà sư Thích Thanh Từ , “sư (tức Thảo Đường) người Trung Hoa, là đệ tử của thiền sư Trùng Hiển ở Tuyết Đậu (Tuyết Đậu Trùng Hiển) nhằm đời pháp thứ ba phái Vân Môn. Không rõ lý do gì, sư sang ở Chiêm Thành” (16). Việc Thảo Đường từ Trung Hoa sang Chiêm Thành tu tập, có thể cho ta tạm nhận định sơ bộ rằng, những tư tưởng của thiền phái phương Nam đã ảnh hưởng tới tri thức Phật học của ông. Điều này đã giúp ông có thể chỉnh lý lại những chỗ sai sót trong kinh sách của vị sư Lục ở Đại Việt. Sau sự kiện này, “vua (Lý Thánh Tông) cho đòi sư vào triều, đem kinh luận và thiền hỏi sư. Sư ứng đối rất lanh lẹ và xác đáng. Vua rất kính phục, truy nguyên ra mới biết tông tích của sư. Từ đó, vua ThánhTông thường thưa hỏi Phật pháp nơi sư và phong sư chức Quốc sư, mời ở tại chùa Khai Quốc (chùa Trấn Quốc ngày nay) trong thành Thăng Long. Đồ chúng nghe tiếng, tìm đến tham vấn rất đông. Do đây biến thành thiền phái thứ ba ở Việt Nam” (17).
Khác với nhà sư Ma Ha không gắn cuộc đời và tư tưởng Phật học với cung đình, nhà sư Thảo Đường đã phát huy được sở học với triều đình quan phương, rồi từ đó, tư tưởng Phật học/pháp của ông đã có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống xã hội Đại Việt thời Lý. Thiền phái Thảo Đường này “truyền xuống được năm đời, song ít thấy ghi chép trong lịch sử đầy đủ” (18). Trong Thiền uyển tập anh, cũng có ghi chép rất sơ sài về dòng thiền này, đặc biệt là nội dung tư tưởng Phật học.
Sang đến thời Trần (1225 – 1400), quan hệ giữa Đại Việt và Chămpa không những không suy giảm, mà còn diễn ra có phần mạnh mẽ hơn cả thời Lý. Nhiều học giả nhận định về mối quan hệ này diễn ra thành hai chiều hướng khác nhau, nửa thời gian đầu thì nồng ấm, nửa thời gian sau thì nguội lạnh, hay xảy ra xung đột. Việc Phật hoàng Trần Nhân Tông sang Chiêm Thành gần một năm và hệ quả là cuộc hôn nhân giữa vua Chế Mân với Huyền Trân công chúa đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử bang giao của hai vương triều. Trong thời gian ở Chiêm, nhiều học giả cho rằng vị Phật hoàng này cũng đã tiếp thu nhiều giá trị tư tưởng đạo Phật của Chămpa. Tuy nhiên, những thiền sư gốc Chăm hay ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo Chăm lại ít xuất hiện hoặc không được ghi chép trong các pho chính sử của Đại Việt. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, chỉ có ghi chép một sự kiện ngắn gọn, hy hữu “vào năm 1304, nhà sư Chiêm Thành là Du Già sang nước ta, chỉ ăn sữa bò” (19). Nhà sư Du Già (20) sau này không biết hành tung và thân phận ra sao? Ông có tiếp tục ở Đại Việt để truyền giáo, hay phiêu bạt đi đâu, cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Mặc dù vậy, chúng ta tạm nhận định rằng, việc nhà sư này có mặt trên đất Đại Việt đã có tác động nhất định đến một trong những dòng thiền quan trọng ở Việt Nam – dòng thiền Mật tông(21).
Tóm lại, các thiền sư nguồn gốc Chiêm Thành trên đất Đại Việt đã có những đóng góp quan trọng đối với không chỉ Phật giáo nói riêng, mà còn qua tư tưởng nhập thế đã tác động đến đời sống văn hóa xã hội nói chung. Bên cạnh đó, sự đóng góp của các thiền sư này đã tạo nên sự đa dạng về tư tưởng cho thiền phái Vô ngôn thông, Tỳ ni đa lưu chi ở Đại Việt. Và, hơn thế, họ còn tạo ra một dòng thiền mới ở Đại Việt – thiền phái Thảo Đường. Sự có mặt các thiền sư có nguồn gốc Chiêm Thành đã chỉ cho chúng ta thấy rõ hơn về quá trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm và những dấu ấn họ để lại trên đất Bắc Việt Nam.
_______________
1.Thực ra, mối quan hệ giữa cư dân Việt và Chămpa đã diễn ra từ rất sớm (thời Bắc thuộc). a. Việc Lý Nam Đế cử Lý Phục Man đi chinh Chiêm; b. Việc Mai Thúc Loan liên kết với người Chiêm để chống lại chính quyền đô hộ…
2. Lối sống ở đây được hiểu là văn hóa, những sinh hoạt của con người.
3. Xem thêm: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 12-2008, bài Việt – Chăm những đường biên văn hóa; số 7-2009, Dấu ấn khảo cổ học Chămpa ở Hà Nội; số 11-2009, Những dấu ấn tâm linh Chămpa ở Thăng Long; số 5-2011, Những tác phẩm điêu khắc mang dấu ấn Chăm ở Thăng Long.
4. Mỵ Ê, một phi tần của vua Chiêm Sạ Đẩu bị bắt sau cuộc chinh phạt Chămpa của Lý Thái Tông vào năm 1044. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép sự kiện này như sau: “Tháng 8, đem quân về. Tháng 8, ngày 1, đóng ở phủ Trường Yên, có rồng vàng xuất hiện ở thuyền ngự. Khi đến hành điện Lỵ nhân, sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất lắm, ngầm lấy chăn chiên quấn vào mình nhảy xuống sông (Hoàng Giang) chết. Vua khen là trinh tiết, phong làm Hiệp chính hựu thiện phu nhân”. Hiện nay đền thờ vị phu nhân này thuộc làng Lý Nhân, phủ Lý Nhân, Hà Nam.
5. Phan Thị Ngọc Đô là phi tần của vua Chămpa, được mang dâng cho Lê Thánh Tông sau cuộc đại chinh phạt năm 1471. Vua Lê rất yêu mến muốn để lại ở trong cung, nhưng triều đình tâu là không nên, vì Ngọc Đô là tỳ thiếp cũ của vua Chiêm. Vua ban cho Ngọc Đô ở làng Trích Sài. Ngọc Đô có đem theo 24 nữ thị tỳ và thông qua những nữ thị tỳ này truyền dạy nghề dệt lĩnh ở Chiêm Thành cho nhân dân trong vùng. Được ít lâu, bà có sinh con một lần, nhưng không may chết cả mẹ lẫn con. Nhân dân Trích Sài nhớ ơn bà, lập miếu thờ Bà chúa dệt lĩnh.
6. Bà chúa Lẫm (Bà chúa Kho) hiện đang được thờ ở Cổ Mễ, Vũ Ninh, Bắc Ninh. Có nhiều tích truyện về bà, nhưng chung quy lại, bà có công trong việc tích trữ lương thảo để giúp dân giúp nước. Sau này, bà xin về vùng Cổ Mễ để chiêu mộ dân chúng (chủ yếu là những tù binh Chiêm Thành), khai khẩn, phát triển kinh tế, trở thành lẫm thóc, lẫm tiền của nhà nước. Sau khi mất, được dân tôn thờ và triều đình ra sắc phong thần. Theo Tạ Chí Đại Trường, bà là người gốc Chăm, sau trở thành vợ của vua Lý. Rồi thấy vùng Cổ Mễ hoang hóa, bà đã xin vua về đây để chiêu mộ dân Chăm để khai khẩn.
7. Liễu Hạnh, một trong Tứ bất tử của người Việt trong hệ thống thần linh Việt Nam. Bà được phủ lên một lớp áo những huyền tích sao cho có nguồn gốc Đại Việt, như là con Ngọc Hoàng được “tái sinh” trong nhà họ Lê… Tuy nhiên, theo Tạ Chí Đại Trường, trong Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 190-191 Liễu Hạnh là Bà Chúa xứ đất Bắc mang dạng hình Việt của Bà Chúa xứ phía Nam (Chămpa).
8. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, tr.168-169.
9. Trần Văn Giáp, Di tích văn hóa của người Chiêm ở xứ Bắc Kỳ (bài diễn thuyết ở Hội Trí tri Hà thành, ngày 28-2-1935).
10. Tức đầu TK X, tuy nhiên, theo ghi chép về năm sinh – mất của thiền sư Đàm Khí thì là vào đầu TK XI.
11, 13, 14. Thiền uyển tập anh, Phân viện Nghiên cứu Phật học, Nxb Văn học, Hà Nội 1990, tr.95, 182-183, 184.
12. Tống trì tam muội (hoặc Tổng trì tam ma địa), tiếng Phạn là Dhúranìsamadhi, phép tu tập thiền định của Phật giáo, để giữ gìn thiện pháp, ngăn ngừa ác pháp (dẫn theo chú thích của Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga trong Thiền uyển tập anh, sđd).
15. Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2009, tr.258.
16, 17, 18. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành Hội Phật giáo TP.HCM, 1995, tr.65.
19. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1972, tập 2, tr.100.
20. Du Già (Yoga) không phải tên người, mà là tên một tông phái trong Phật giáo có nghĩa là phối hiệp, tương ứng, tức là những phương pháp tu hành, luyện đạo mục đích là làm cho thần hồn của mình (Jivatma) phối hiệp với các hồn chung cùng bao quát vạn vật (Paramata). Du Già giáo cũng gọi là Mật giáo, sở trường về tam mật: thân, khẩu, ý. Ai chứng ngộ ba chỗ bí mật ấy thì thành Phật. Giáo luận có bộ Du Già sư địa luận. Các nhà sư Du Già bên Ấn Độ là hàng cao cấp nhất trong đạo Bàlamôn, sở trường về môn Thiền Định. Họ ngó mọi người như nhau, gác mình bên ngoài thế cuộc và xem như không có các cuộc chuyển biến to lớn trong đời (dẫn theo Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Nxb TP.HCM, 2005, tr.449-453).
21. Xem thêm: Đinh Đức Tiến, Những dấu ấn văn hóa Chăm ở Hà Nội, Luận văn thạc sĩ khoa học lịch sử, Hà Nội, 2008, tr.83.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013