I. Về nguyện lực tu tập
Chúng ta thực hành việc tu tập dù theo bất cứ tôn giáo nào, bất cứ pháp môn nào, và dù là tha lực hay tự lực, thì điều cơ bản là phải nỗ lực tự thân, sự nỗ lực này có được nhiều hay ít là tùy theo mỗi người, nhưng tất yếu là phải có.
Không gì là cố định, không gì là không thể tự nỗ lực được, tất cả đều đang thay đồi, tất cả đều đã, đang và sẽ chuyển động theo hướng xấu hay tốt là do chính mình.
Không gì là trễ hay sớm cả, nếu ta không khởi hành, không chuyển động thì mãi mãi là trễ, mãi mãi là sớm và mãi mãi là lý thuyết, là lời nói suông.
Mỗi người đều có khả năng trí tuệ, mỗi người đều có khả năng giải thoát và mỗi người đều có khả năng biến hai điều này thành sự thật:
“Bần tiện không vì sinh Phạm chí không vì sinh
Do hành, thành bần tiện, Do hành, thành Phạm chí”
(Kinh Suttanipatà)
II. Về những kết quả
Khi có sự thành tâm, quyết tâm, nỗ lực, kiên trì, bền chí trong sự thực hành tu tập, thì kết quả mang lại cho dù có nhỏ đến mức không thể cảm nhận được, đến độ gây thất vọng, chán nản, thối chuyển, nhưng chắc chắn rằng nó vẫn không mất đi, vẫn được huân tập, tích lũy từng giờ, từng ngày để trở thành thiện duyên cho những thành quả kế tiếp ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong bài kinh “Cán búa", Đức Phật chỉ dạy rất rõ:
“Này các Tỷ-kheo, một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay, dấu các ngón tay cái. Vị ấy không thể biết được như sau:
“Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy”. Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập, các kiết sử rất dễ bị yếu dần và hư nát”
(Kinh Tương Ưng Bộ)
Còn nữa