I. Vài vấn đề tồn tại:
Đây là những vấn đề làm cản trở bước tiến và kém lành mạnh Giáo hội:
1. Tính Lãnh chúa:
Có một ít Ban Trị sự và Ban Đại diện xem mình như “Lãnh chúa” một tỉnh hay một quận huyện, không giữ được tư cách một đại diện cho Tăng Ni và Phật tử, quên mình chỉ là “Đại diện” mà tự coi mình và hành động như một ông vua, ông chúa một cõi một vùng để hành hạ Tăng Ni, lũng đoạn Giáo hội. Các vị đây sống không có tinh thần Tăng già, không tinh thần hòa hợp. Các vị khi làm Giáo hội thì tưởng chừng mình là quan, là Tăng quan, tỏ vẻ oai phong có quyền sanh sát trong tay, “ai thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết”… Thái độ làm việc, sống như vậy quả là trái đạo lý, ngăn trở bước tiến Giáo hội, gây người khó hợp tác và làm tổn thương cho Phật pháp không ít, thiệt hại cho đạo Từ Bi không nhỏ. Và như thế làm sao phát huy Trí Huệ Phật cho được?!
2. Tính Danh – Lợi – Tình (tham nhũng hối lộ):
Cũng vì một ít vị làm việc Giáo hội mà nặng và quá nặng về Danh, về Lợi, về Tình ái. Những điều này hoàn toàn trái với giới luật, đạo lý nhà Phật và chính những điều này đã trực tiếp và gián tiếp làm hư hại tính lành mạnh cho Giáo hội. Từ đây vẻ trong sáng của Giáo hội, của Phật pháp bị lu mờ và mất giá trị nhiều trong xã hội. Nhà Tăng sao lại tham nhũng, sao lại nhận hối lộ và hối lộ chớ? Tiền là phương tiện, nhưng hình như giờ đây nó là “Cứu cánh” cho một số Tăng đồ chức sự. Phải chăng thời này Tiền là thước đo về đạo đức cho Tăng già? Và Tiền đã trở nên là Tiên là Phật.
3. Tính thế gian:
Một số vị Tăng Giáo hội mà còn mang đậm tính thế gian. Các vị vẫn tranh quyền cố vị, thủ đoạn hãm hại nhau. Các vị còn cái ăn, cái uống nhậu nhẹt, gài bẫy hạ gục nhau, đối xử nhau như lối giang hồ, trả thù trả hận.
Không biết thương cảm và thông cảm nhau, mặc tình dầy xéo, đẻo đụt Tăng Ni và Phật tử. Ngoài ra, còn gây khó về cư trú, về hồ sơ giấy tờ, xem Tăng Ni như dân nước bị trị, hà khắc khó khăn, bắt chẹt bắt lỏng đủ chuyện. Số vị ấy chừng như không lương tâm, không tình thương đối với Tăng Ni, mà còn lại ghét bỏ nhũng nhiễu Tăng Ni. Tội nghiệp những Tăng Ni này biết bao.
4. Tính Hệ phái, Tông phái:
Giáo hội là tổ chức hợp các Hệ phái, Tông phái, thế mà lại xảy ra trong Giáo hội một số nơi có đối xử phân chia Tông, Hệ. Lợi dụng thế Giáo hội mà lấn hiếp Tông, Hệ phái khác thật đau xót, lắm lúc như là kẻ thù truyền kiếp. Tình trạng này làm mất đoàn kết, bị phân hóa khá lớn giữa Giáo hội và Tông, Hệ phái vốn là thành viên trong Giáo hội, trong Đạo Phật Việt Nam, trong cộng đồng Phật giáo Thế giới. Điểm này thật đáng đau buồn.
Khi ở thế Giáo hội, mình ở Tông, Hệ phái nào thì chỉ mình biết phát triển và làm việc theo Hệ phái, Tông phái mình thôi. Chứ không ở thế vô tư mà lãnh đạo. NHư tổ chức Giới đàn, tổ chức nhập hạ thì nhắm vào Tông, Phái hơn là nhắm vào đại chúng. Thành ra người khác Tông, phái bị thhiệt thòi nhiều qua nghi lễ, qua bài thi v.v… kể cả khi hoằng pháp cũng vậy, lợi dụng pháp đàn mà thuyết pháp về pháp môn tu của mình, đả phá pháp môn tu của người. Đó là lợi dụng tư thế Giáo hội mà phát triển riêng Tông môn mình.
.5. Tính địa phương:
Đạo Phật Việt cái gốc từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam cả 2000 năm, vậy mà giờ đây hay phân chia Phật giáo tỉnh này tỉnh khác, ở đây ở kia, còn dùng từ ngữ “Xâm canh”, đánh mất đi tính “tùy duyên” của Đạo Phật. Tại sao Tăng Ni mình không thể là anh em sao? Lại gần như đối thủ?! Làm khó dễ trong sinh hoạt, trong cư trú. Đạo Phật Việt đến thế kỷ 21 này lại phân biệt phân hóa thu hẹp đến như thế sao? Có phá sản tinh thần cao đẹp của Đạo Phật không? Với tính địa phương gần như quan trọng hơn Đạo Phật, vấn đề người Nam – Trung – Bắc chẳng lẽ là vấn đề muôn đời sao?, không thể nào đề huề trong đạo Từ Bi sao? – Từ “Tính địa phương” này đã gây yếu đi sự phát triển trong Giáo hội. Thử hỏi “Giáo hội này của ai”.
Từ 5 tính trên (tính Lãnh chúa, tính Danh lợi tình, tính Hệ phái – Tông phái, tính địa phương) đã tạo nên sự chậm tiến của Giáo hội, cần nên điều chỉnh.
II. Nền móng vững chắc cho Giáo hội :
Để Giáo hội được tiến nhanh, tiến xa tới hoàn chỉnh, thì nhất định phải chỉnh đốn lại 5 điều tồn tại. Và sau đây là đặt “nền móng vững chắc” cho Giáo hội.
Nền móng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, không gì khác hơn là nối tiếp truyền thống đạo Phật Việt Nam. Đạo Phật Việt có hơn 2000 năm lịch sử, và có 2600 năm sử Phật. Đây là một cơ sở vững chắc an toàn để phát triển Giáo hội:
1. Giới – Thiền định – Trí tuệ:
Ba điểm nguyên tố này là chung nhất cho cả Đạo Phật, dù là Nam tông hay Bắc tông. Sống và làm việc trong ba điểm này cả hình thức lẫn nội dung chính xác nhất định tốt cho bản thân và tập thể. Hãy theo đây làm cơ sở mà phát huy Giáo hội : Giới – Thiền định – Trí huệ.
2. Thương người mến Đạo:
(Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành).
Hãy có lòng thông cảm và thương cảm cho người. Nhất là thương Tăng Ni, làm người bạn “Lục hòa” chân chính, trao dồi Tu và Học. Quyết tâm hướng về nẽo Đạo, nguyện thành Phật độ chúng sanh một cách thiết thực nhứt.
3. Khéo khởi phương tiện:
Từ Trí Bi mà khởi phương tiện, khởi một cách thông minh chính xác. Có phương tiện thiện xảo mà không xảo mị gian ngoa, nhằm gây lợi ích chân chính cho Giáo hội cho người. Không mưu đồ gây hại cho bất cứ một ai. Hãy vận dụng tối đa về 37 phẩm trợ đạo để làm phương tiện thành công cho mình cho người. Trong đây là những phương pháp làm việc rất hay. Có thể nói 37 phẩm là “Bí quyết để thành công”.
.4. Bớt đi cái Ta:
Người có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tu ai cũng sợ cáu Ta, dù ở mình hay ở người. Ta tức Ngã (Bản ngã), đó là một thứ tham chắp kinh khủng nó làm khổ mình khổ người. Khi làm việc hãy cẩn thận cái Ta này. Với cái Ta mà biết giải quyết nó, diệt được nó đó là biết Tu, biết làm Phật sự. Bớt tham, sân, si mà phục vụ đó là biết giúp Giáo hội một cách thiết thực nhất.
5. Biết tiếp nhận cái mới:
Mới đó là nền khoa học, kỷ thuật, học thuật v.v… những thứ mà đang có và xã hội chấp nhận là tốt.
Đây là điều thiết yếu để đi theo kịp trào lưu tiến hóa. Gọi là Đạo Phật hiện đại hóa. Tuy nhiên phải biết chắc lọc cái nào phù hợp với Phạt Đại, cái nào không. Tiếp “mới” nhưng không bỏ cũ, nếu cũ đó là một chân lý, là lẽ thật sự thật thì lại càng phải trân trọng.
Phải biết Phật pháp là một kho tàng để ứng xử ngay trong cuộc sống hầu được bình an.
III. Hướng tương lai:
Giáo hội phải có hướng tương lai nhất định.
Tương lai là gì? – Đó chính là giúp mình người (Tăng Ni, Phật tử) được thuận lợi trên bước đường Giác ngộ và Giải thoát.
Mục tiêu này chớ đặt lộn – Mục tiêu Giáo hội phải là mục tiêu Đạo Phật, Giác ngộ, Giải thoát – đó chính là mục tiêu.
Bằng mục tiêu này mà khởi nhiều phương tiện để tiến đến. Những phương tiện này vì vậy không ngoài việc Tu học của Tăng Ni (Nền giáo dục tốt thì đời sống Tăng Ni sẽ tốt hơn).
1. Học:
Giáo hội đã đặt nặng việc học rồi, nhưng phảm nhắm đến chỗ: Học để nhâjn ra chân lý Pháp Phật, để giác ngộ, chứ không nhắm vào bằng cấp học vị. Học Phật chưa có cơ sở để giải thoát, mà chỉ ràng buộc thêm thôi. Về cái học chắc phải nghiên cứu lại.
2. Tu :
Cái cốt của Đạo Phật là Tu. Thế nên phải đặc biệt quan tâm đến việc này. Tu phải như thở, học chỉ như ăn thôi. Tu là trọng tâm để giữ vững và bảo tồn Đạo Phật giữa nhân gian. Về mặt này hãy có kế hoạch cụ thể, làm sao để mỗi chùa trở thành một “Tu viện”, không phải chỉ là cơ sở tín ngưỡng thôi. Giáo hội cón phải thêm nhhiều tu viện chính qui cho các Tông phái đã sẵn có. Nhất là cán bộ Hoằng pháp cần phải có thời gian chuyên tu.
3. Nghiệp vụ :
Giáo hội nên có trường học để đào tạo nghệp vụ: Hành chánh, Văn phòng, Từ thiện Xã hội v.v… để nhân viên thực sự làm việc có bài bản, trở thành có tay nghề chuyên môn. Được vậy, nhất định Giáo hội sẽ tốt hơn.
IV. Kết luận :
Kính thưa trên Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính thưa chư liệt quý vị.
Đơn vị Vĩnh Long của chúng con có một ít sách lược như trên, mong rằng trên Chư Tôn đức biết đến. Chúng con cũng mong rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai.
Chúng con thành tâm kính chúc sức khỏe đến chư Tôn đức và Liệt quý vị được dồi dào để phục vụ cho chúng sanh, cho Tăng Ni Việt Nam ngày càng tươi đẹp hơn.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.