Trang chủ PGVN Cửa thiền Những người nương cửa Phật mộng tới giảng đường

Những người nương cửa Phật mộng tới giảng đường

120

Nương nhờ cửa Phật

Ngày ngoại đưa Quang từ Tiền Giang lên chùa Long Hoa (Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) là lúc cậu vừa tròn 8 tuổi. Quang mồ côi bố khi mới 4 tuổi. Vài năm sau, mẹ cũng đi lấy chồng khác, để Quang lại cho ngoại nuôi.

Tuổi già sức yếu, không thể nuôi cậu ăn học nên ngoại đã gửi gắm Quang cho nhà chùa. Ngày đầu, lạ nước lạ cái và nỗi nhớ ngoại luôn thường trực nên Quang cứ đòi về nhà.  Nhưng khi sống tại đây cùng những đứa trẻ đồng cảnh ngộ và sự chăm sóc của “bố” Đỗ Dương Uý, Trưởng bộ phận Giáo vụ chùa Long Hoa (70 tuổi), cuộc sống của Quang trở nên  ý nghĩa hơn.

 

Trong trí nhớ của Quang vẫn còn hiện rõ cảnh “bố” Úy bế cậu chạy đến trạm y tế xã một đêm mưa gió ngày lên cơn sốt. “Nhìn dáng ngồi suy tư của bố trước giường bệnh em không kìm được nước mắt. Khi không có người thân bên cạnh chính bố đã làm cho em cảm nhận được hơi ấm của gia đình”.

Không được may mắn như bao đứa trẻ quấn quýt bên gia đình, những đứa trẻ mồ côi tại chùa Long Hoa bao bọc chở che lấy nhau mà sống.

Ngày còn nhỏ, Bạch Hổ (quê Bến Tre) lại luôn làm mọi người trong chùa đau đầu vì sự nghịch ngợm của mình. Không có may mắn được biết mặt ba mẹ từ khi sinh ra, tuổi thơ của Hổ là chuỗi ngày vất vưởng, lang thang đầu đường xó chợ.

 

Hổ được một người đàn bà tốt bụng nhận làm con nuôi. Vì muốn cậu ngoan ngoãn và để tâm đến việc học hơn nên bà đã gửi Hổ vào cửa Phật. Các thầy ở đây phải rất đau đầu mới có thể “cảm hóa” được sự bướng bỉnh của cậu.

Ngày Hổ ham chơi, biếng học, nói hết lời mà cậu vẫn chứng nào tật nấy, thầy Uý đã phạt Hổ nhặt gạo trộn thóc.

Năm nay, Quang và Hổ sẽ bước vào kì thi đại học đầy cam go và thử thách. Quang đã nộp đơn vào ĐH Tài chính Marketing TP.HCM với mộng kinh doanh. Hổ lại mê được đi nhiều và làm công tác từ thiện nên ĐH KHXH & NV TP.HCM là mục tiêu cậu đặt ra cho cậu trong cuộc “vượt vũ môn” sắp tới.

Và ước mơ để được trở về

Ngồi trên ghế đá ngoài sân chùa, khuôn mặt tuấn tú của Quang lại nở những nụ cười khi quan sát những pha tranh bóng quyết liệt của bọn trẻ.

Ngày ấy, tưởng như cuộc đời đã cuốn Quang theo vòng xoáy mưu sinh đầy bon chen của thân phận mồ côi. Nương náu cửa Phật, sống và sinh hoạt cùng những thành viên ở đây, được đùm bọc bởi tình cảm thân thiết của các thầy, Quang đã cảm nhận được không khí gia đình mà cậu bị tước mất từ nhỏ.

Nằm sâu trong một con hẻm tại đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, Q.7 (TP.HCM), chùa Long Hoa không ngớt tiếng trẻ em cười đùa. Hơn mười mấy năm nay, nơi đây đã được coi như ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ. Hiện nay, có 110 em nam đến từ nhiều vùng quê trên cả nước đang sinh hoạt và học tập tại đây.

Quang thổ lộ: “Em vẫn muốn được sống trong chùa đến suốt đời. Mình lớn lên được ăn học cũng nhờ công của các thầy nên em muốn sau này có công việc ổn định để có thể góp một phần nhỏ giúp đỡ cho nhà chùa”.

Còn với Hổ, quá trình thay đổi từ một đứa trẻ ngỗ ngược thành người biết quý tình cảm đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tim.

Hổ tâm sự: “Sau này thành đạt sẽ cùng các thầy ở chùa chăm lo cho các em nhỏ”.

Cận kề ngày thi, Quang và Hổ thường lên điện chùa yên tĩnh ngồi ôn bài mỗi buổi sáng sớm và về phòng lúc đã xế trưa.

Giữa tiếng chuông chùa vang lên trong khung cảnh thanh tịnh len lỏi bao ước mơ đèn sách của những đứa con nơi cửa Phật.

“Nuôi chúng, thấy chúng lớn lên, kiếm được công việc ổn định nuôi thân là mừng rồi. Còn việc trở về đóng góp cùng nhà chùa chăm lo cho mấy em là tùy ở tấm lòng mấy đứa chứ không ép”- thầy Uý, người được gọi là “bố” của những đứa trẻ mồ côi chùa Long Hoa nói.

Sư Danh Trăng, sư Danh Điền là người Khmer, tu hơn 5 năm ở chùa Vansàsusadì (chùa Thứ Năm, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2010, hai sư cùng đăng kí dự kì thi tuyển sinh đợt 2 tại trường Đại học An Giang (Long Xuyên, An Giang).

Xem phòng thi.

Nghe điện thoại của các sư ở chùa Vansàsusadì, gọi điện thoại hỏi thăm sư Danh Trăng, sư Danh Điền.

Sư Danh Trăng, sư Danh Điền tự tin vào kỳ thi đại học đợt 2.

Sư Danh Trăng, 18 tuổi, dự thi vào ngành Giáo dục tiểu học, Cao đẳng sư phạm Kiên Giang (mượn phòng thi Đại học An Giang). Sư Danh Điền lớn hơn sư Danh Trăng 2 tuổi, dự thi vào ngành Tin học, Đại học An Giang.

Thành viên đội Tiếp sức mùa thi 2010 (trường Đại học An Giang), chỉ phòng thi cho sư Danh Trăng, sư Danh Điền.

Khi được hỏi hai sư có tự tin bản thân vượt qua kì thi tuyển sinh Đại học- Cao Đẳng lần này không, sư Danh Trăng và sư Danh Điền đều tỏ ra quyết tâm và tự tin sẽ đạt kết quả cao. Sư Danh Trăng và sư Danh Điền còn cho biết, bản thân tự ôn luyện 3 môn thi Đại học tại chùa, chứ không đi luyện thi ở các trung tâm luyện thi Đại học- Cao Đẳng. (Long Vân)