Trang chủ Văn hóa Du lịch Những ngày lang thang trên “Nóc nhà thế giới”

Những ngày lang thang trên “Nóc nhà thế giới”

173
Nằm trên độ cao trung bình 4.900 mét so với mực nước biển giữa dãy núi Himalaya, cao nguyên Tây Tạng là nỗi ám ảnh của giới du lịch toàn cầu, là vùng đất huyền bí đẹp mê hồn với những cảnh quan hùng vĩ, hồ màu xanh ngọc lam, hàng vạn tu viện Phật giáo và một văn hóa đặc trưng.

Tuy nhiên, vì những bất ổn chính trị với Trung Quốc, người muốn khám phá khu tự trị Tây Tạng sẽ gặp phải nhiều hạn chế: họ phải xin giấy thông hành ở công ty du lịch và đặt một tour du lịch vì các chuyến đi tự túc bị cấm. Một khi đến Tây Tạng, họ lúc nào cũng phải đi chung với hướng dẫn viên và chỉ có quyền tham quan thủ phủ Lhasa và một số địa điểm du lịch nhất định. Còn chưa bàn đến việc các tour du lịch ở Tây Tạng đắt cắt cổ.


Genrang cùng hai nhà sư khác

Vậy, sau nhiều cân nhắc, tôi kết luận rằng trải nghiệm như vậy không hợp với thị hiếu xê dịch của tôi nên tôi chọn một phương án chân chính và ít đắt hơn nhiều: đến khu vực phía Đông của Tây Tạng thuộc tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Như thế này tôi sẽ có thể tận hưởng trải nghiệm trọn vẹn của nền văn hóa Tây Tạng vừa tránh nhiều trở ngại di chuyển và các đám đông khách du lịch. Bởi vì trong khi khu phía Đông của cao nguyên Tây Tạng không nổi tiếng như khu tự trị, xét theo mặt địa lý, văn hóa và sự phân bố dân cư thì hai vùng đất này không mấy khác biệt.

Tôi xin visa Trung Quốc rồi vào một ngày tháng Tư tôi bắt máy bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Theo quan điểm của tôi, Tứ Xuyên là một trong những tỉnh thành thú vị nhất Trung Quốc với ẩm thực đa dạng, thiên nhiên tuyệt đẹp và vô số địa điểm lịch sử. Chẳng hạn, tôi bất ngờ đến choáng ngợp khi đến Lạc Đái, một khu phố cổ vô cùng đẹp đẽ nằm ngay ở ngoại ô Thành Đô với kiến trúc truyền thống giống một trường quay của phim lịch sử. Thế nhưng, tôi sớm quyết định rời khỏi đồng bằng của Thành Đô và cả Trung Quốc siêu hiện đại để lên cao nguyên Tây Tạng.


Quảng trường của Học viện Phật giáo

Tôi bắt xe khách và sau một ngày đêm và 850 kilô mét trên con đường hiểm trở, tôi tới một thung lũng hẻo lánh mang tên Larung nằm trên độ cao 4.000 mét, chỉ cách biên giới khu tự trị Tây Tạng sáu chục cây. Lúc đó tôi chẳng ngờ rằng tôi sẽ là một trong những người ngoại quốc cuối cùng có cơ hội khám phá một trong những trung tâm Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới.

Đột ngột leo lên độ cao 4.000 mét, tôi bị say độ cao, cảm thấy mệt mỏi, khó thở. Hơn nữa, cánh tay phải của tôi bị băng bó sau một tai nạn giao thông nhẹ ở Việt Nam trước chuyến đi. Nhưng bất chấp cơ thể suy yếu và không khí lạnh lẽo, tôi vẫn quyết tâm đến học viện Phật giáo Serthar. Từ nhà nghỉ tôi đi xe hai chục cây rồi bước vào một thung lũng trùng điệp.

Và tại đó, giữa các ngọn đồi xanh mướt, tôi nhìn thấy cả một thị trấn nhà sư với quần thể kiến trúc xếp bậc thang – hàng chục nghìn ngôi nhà gỗ mái đỏ nằm san sát nhau tạo nên bức tranh đẹp. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, bị choáng ngợp trước khối lượng nhà mang sắc đỏ thẫm giữa núi non. Học viện Phật giáo Serthar là nhà của gần 50.000 sư sãi, tăng ni Phật tử đến tu tập bộ môn Phật giáo Tây Tạng. Ngoài tôi và một vài du khách nội địa hiếm hoi, tất tả mọi người trong tổ hợp mặc trang phục màu sắc đỏ trầm.


Cùng một nhà sư bé ở Tagong

Tôi e dè rảo bước, có cảm giác mình là người đột nhập vào một khu vực linh thiêng. Nằm tại trung tâm của tổ hợp, Học viện Phật giáo là công trình kiến trúc trọng điểm. Vẫn ngần ngại đôi chút, tôi tiến gần quảng trường của Học viện. Tôi xoay đầu nhìn xung quanh và ở mọi hướng tôi thấy những bóng người trọc đầu mặc y phục màu đỏ trầm, họ không hề để ý đến sự hiện diện của tôi như thể tôi vô hình. Tôi ngắm nhìn các nhà nhỏ nhắn, xinh xắn rải rác khắp thung lũng, quan sát các nhà sư đi đi lại lại, họ nói chuyện cùng nhau, cầu nguyện, tụ tập hát. Tôi thậm chí ăn một bữa ăn chay ở quán căn tin của Học viện.

Nơi này sống biệt lập với thế giới bên ngoài, thời gian tại đây hình như đã dừng lại. Tôi cúi đầu xuống mỗi khi đi ngang qua một nhà sư, bày tỏ lòng tôn kính trước một tôn giáo mà tôi chưa hiểu biết. Phật giáo Tây Tạng duy trì nhiều yếu tố truyền thống, nghi thức và tục lệ đặc trưng như tập tục thiên táng mà tôi tận mắt chứng kiến tại đó.

Theo hình thức mai táng lâu đời này, thi thể người chết sẽ được đưa lên núi để làm mồi cho đàn kền kền. Khách du lịch được phép xem từ một khán đài nhưng nghi thức này không dành cho những người yếu bóng vía. Ban đầu xác được bọc trong một tấm vải trắng và lạt ma làm lễ tụng kinh cho người chết. Sau đó thầy táng phân xác người chết thành nhiều phần bằng đao. Cuối cùng anh ta ra hiệu cho lũ kền kền đang chờ đợi trên sườn núi.

Dù hiện tượng được che bằng những mảnh vải, tôi vẫn rợn cả người khi lũ chim ùa vào xác. Các người xem trên khán đài phải đeo khẩu trang vì mùi tử thi kinh khủng xộc vào mũi. Theo quan điểm của người Tây Tạng, lũ chim ăn càng sạch thì người chết càng có thể siêu thoát được. Tục lệ này khiến tôi kinh hãi nhưng tôi kiềm chế ý muốn đánh giá và phán xét những gì mình chỉ hiểu nửa vời.

Tôi rời khỏi Học viện Phật giáo Serthar trong trạng thái sững sờ. Sau này tôi được biết rằng chỉ một vài tháng sau chuyến đi của tôi, chính quyền Trung Quốc quyết định cấm người ngoại quốc vào khu vực và họ cũng đưa ra chiến dịch phá dỡ một số ngôi nhà ở của Serthar nhằm giảm mật độ cư dân và phòng cháy. Theo thông tin được cập nhật trên mạng, hình thù của Serthar không thay đổi đáng kể sau vụ này, tuy nhiên người ngoại quốc vẫn bị cấm đến thăm đến tận ngày nay.

Cao nguyên Tây Tạng là một nơi chốn rất hoang vắng, cô độc. Vì mật độ dân số thấp và cơ sở hạ tầng du lịch chưa phát triển, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển qua khu vực và thường đành phải đi nhờ xe. Những con đường thường vắng hoe nhưng gần như xe ô tô nào cũng đi qua sẽ dừng lại vì tò mò trước bóng của một Tây ba lô đứng lẻ loi bên đường. Dọc cung đường tôi thường chẳng thấy ngôi nhà hay bất cứ dấu vết con người nào trong suốt hàng giờ, chỉ có những ngọn núi trọc, thảo nguyên rộng lớn và một bầu trời vô tận.

Có lẽ thành phố đẹp nhất mà tôi nhận thấy ở Tây Tạng là Lý Đường (Litang). Có nghĩa là ”đồng cỏ xanh mướt” trong tiếng Tây Tạng, Lý Đường nằm trong thảo nguyên và là nơi sinh của hai Đạt Lai Lạt Ma. Vì vị trí vô cùng xa xôi, nó gần như hoàn toàn vắng khách. Tôi đi dạo một mình trong Tu viện Chode nguy nga được xây vào thế kỷ 16 và được bao quanh bởi những tường thành và cổng như một pháo đài cổ đại. Rồi tôi đi dạo lang thang qua những ngõ ngách của khu phố cổ Lý Đường, một khu vực đầy lịch sử và không khí cổ xưa.

Nhưng tôi dành những ngày đáng nhớ nhất ở Tagong, một thị trấn giữa thảo nguyên với những ngọn núi tuyết hùng vĩ nhô lên ở xa. Tagong có nhiều đồng cỏ xanh và một vài chùa Phật giáo nổi bật. Song khi đi bộ dọc một đường mòn cách thị trấn mười kilômét, tôi phát hiện ra một tu viện nằm giữa thảo nguyên, ẩn sau các tường thành cao. Tôi bước vào trong và làm quen với một nhà sư mang tên là Genrang. Genrang rất trẻ, có ngoại hình khá điển trai và nói tiếng Anh tốt.

Nhờ anh, tôi dành mấy ngày trong tu viện, sống chung với các nhà sư, trò chuyện với họ với sự trợ giúp của một thông dịch người Hoa. Tôi cảm thấy rất may mắn vì có cơ hội trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của các nhà sư, tôi thậm chí chơi bóng rổ với họ, xem màn biểu diễn khiêu vũ của trẻ em tại hội trường và được mời uống trà tại căn phòng riêng của Genrang. Theo cảm nhận của tôi, các nhà sư ứng xử rất hài hòa và nhiệt huyết. Dù họ cống hiến cuộc đời cho tâm linh và Phật giáo, họ không hoàn toàn quay lưng với thế giới bên ngoài và vẫn bận tâm đến các diễn biến của nó. Chẳng hạn, họ thích xem truyền hình rồi sử dụng smartphone và các mạng xã hội.

Thời gian mà tôi dành ở bên cạnh các nhà sư giúp tôi trải nghiệm một Tây Tạng thật, không sắp đặt hay trang trí để lấy lòng khách du lịch, một Tây Tạng yêu hòa bình và sống theo đúng tinh thần Phật giáo. Và thật sự là một sự trùng hợp may mắn khi tôi làm quen và kết bạn ở Hà Nội với Hải, một người Tây Tạng mê lịch sử, biết nhiều ngôn ngữ và thạo tiếng Việt như người bản ngữ. ”Dù tôi lập gia đình và sống ở Việt Nam từ rất nhiều năm rồi”, Hải tâm sự với tôi, ”tôi vẫn nhớ da diết thảo nguyên bao la yên ả và núi non phủ tuyết của Tây Tạng”.


Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)