Và cũng thật thiếu xót khi không đề cập đến Phật giáo Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Trà Vinh nói riêng. Sức sống của Phật giáo Khmer được nuôi dưỡng từ đời sống tín ngưỡng của đồng bào Khmer và chính sách dân tộc, tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Cư dân Khmer trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như vùng Đồng Nai với người Khmer tại Campuchia là cùng chung chủng tộc. Tất cả đã có một thời gian dài chung sống trong một cộng đồng Vương quốc Phù Nam.
Sau đó đến thế kỉ VI thì hợp lại trong cộng đồng Chân Lạp và kéo dài cho đến thế kỉ VIII. Trên một bình diện khác, nền văn hóa truyền thống Khmer một khi đã chịu ảnh hưởng văn hóa Java, Malaysia, Thái Lan, Môn, và những yếu tố gốc Ấn Độ-đã tồn tại từ lâu-trước khi có những diễn biến lịch sử cách đây mấy thế kỉ. Từ đó đã có sự phân chia ra làm 2 khối khác nhau: Khối Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long và khối Khmer ở Campuchia.
Người Khmer sinh tụ ở Nam Bộ từ lâu đời và họ đã kiến tạo một nền văn hóa rực rỡ cho vùng đất này. Gia đình người Khmer Nam Bộ có sự chung sống giữa 3 thế hệ: ông-bà, cha-mẹ và con-cháu. Đời sống tín ngưỡng chi phối đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer là sự tồn tại của tín ngưỡng dân gian.
Hầu hết người Khmer theo đạo phật (Phái Tiểu thừa) nên mọi nghi thức lễ hội đều diễn ra ở các ngôi chùa cổ kính và mang đậm màu sắc lễ hội Phật giáo. Điều này được phản ánh không chỉ qua số lượng, vị trí, quy mô, kiến trúc của các ngôi chùa Khmer ở Đồng Bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở Trà Vinh mà còn qua ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống tinh thần và vật chất của người Khmer.
Trà Vinh có tổng cộng141 ngôi chùa, ngay trong nội ô thành phố trẻ Trà Vinh đã có đến 11 ngôi chùa Khmer. Tất cả đứng đó trầm mặc, uy nghiêm và gần gũi như chính con người Khmer thân thiện và hiếu khách. Điều này đã thể hiện tôn giáo đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong ý thức hệ xã hội của người Khmer.
Về với vùng đất có đông đồng bào Khmer sinh sống chúng ta sẽ được nghe họ truyền tụng: “Người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống” hay “Người Khmer từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, rồi về già và cho đến lúc chết mọi buồn vui của cuộc đời gắn bó với chùa”.
Đây không chỉ là nơi tổ chức những ngày lễ hội Phật giáo thuần túy mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, xã hội của đồng bào Khmer. Điểm dễ nhận ra là chùa Khmer nào cũng bao gồm: chính điện, thư viện, trường học,…và còn có nơi cất giữ hài cốt, có thể gọi đó là “nghĩa trang” cho người Khmer.
Vì khi chết, sau khi thiêu xác (nhà thiêu ngay trong chùa, cũng có một số chùa làm lò thiêu ngoài khuôn viên chùa) cốt được gởi vào tháp ở chùa. Hầu hết các ngôi chùa Khmer hiện nay ở Trà Vinh đã được trùng tu hoặc xây mới như lại hoàn toàn nên có thể không còn giữ lại những kiến trúc ban đầu.
Đây là điều còn trăn trở không của riêng ai mỗi khi về thăm lại những ngôi chùa ở Trà Vinh. Nhưng dù sao đây cũng là tấm lòng, là công sức của con người hôm nay muốn lưu giữ và truyền bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Mỗi người con trai Khmer bất kể tầng lớp xã hội nào đều có thể đi tu. Theo phong tục, thiếu niên Khmer từ 12 tuổi trở lên mới được phép tu học. Có thiếu niên vào chùa tập sự xuất gia từ vài tháng đến một năm rồi xin về làm ruộng hoặc đi bộ đôi. Nhưng cũng có những thiếu niên chịu khó tu học cho đến lúc thọ giới Sadi.
Nhưng trên thực tế cũng có những Sadi nhỏ tuổi hơn. Vì theo giới luật của sadi trong Luật Tạng thì người con trai nào có thể đuổi con le le nước sợ và bay đi thì được phép tu-tức là khoảng 7 tuổi. Dần dần luật ấy được sửa đổi cho phù hợp, vì dưới 12 tuổi đi tu sẽ gặp khó khăn trong việc học đạo và khó dạy bảo. Họ tu để trả hiếu cho cha và đó còn là trách nhiệm và vinh dự của cuộc đời mỗi người con trai Khmer.
Tuy nhiên, dù vô chùa đi tu hay ở tại gia thì người Khmer đều là con của Phật. Rõ ràng người Khmer đi tu không phải thành Phật mà tu để làm người, làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt theo quan niệm của họ. Có thể nói lí tưởng sống truyền thống của người Khmer là Đức Phật. Cho nên, trong cuộc sống thường ngày dù là sư sãi ở chùa hay là dân chúng tại thế đều phải rèn luyện theo đạo pháp: Thọ giới – Bố thí – Niệm.
Nhưng niềm vinh dự này lại không dành cho phụ nữ. Đối với nam giới việc từ chối cơ hội này cũng không có một lời chê bai nào cũng như họ có thể cởi bỏ chiếc áo cà sa để hoàn tục bất cứ lúc nào hay thậm chí đi tu lại nhiều lần. Đây có lẽ là những định chế tu hành rất cởi mở nhưng mặt khác lại thắt chặt hơn mối quan hệ giữa đạo – đời, giữa nhà chùa – phum sóc. Và cùng với sự sùng kính đạo Phật, các vị sư sãi được tôn trọng và có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt hằng ngày của người Khmer.
Nhìn chung mỗi ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đều có giá trị cao về mặt mỹ thuật Phật giáo. Một ngôi chùa Khmer là sự tổng hợp hài hòa về những yếu tố tạo hình, tạo dáng, điêu khắc, kiến trúc, hội họa. Trong đó có hệ thống cấu trúc cấp mái của ngôi chính điện, trong hình tượng rồng trên mái chùa, trong tượng thần bốn mặt – vị thần đại diện cho sự thông minh, nhìn thấu rõ mọi lẽ đời, trong việc thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế kiết già, đầu đội một chỏm nhọn – đặc trưng cho trí tuệ, quyền lực và sự vĩnh hằng cao cả,…
Trong suốt chiều dài 1000 năm Thăng Long, Phật giáo đã đồng hành và có những đóng góp tích cực vào quá trình kiến lập, bảo vệ và phát triển đất nước nói chung và kinh thành Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Tất cả đã được chứng minh qua đóng góp của sư Vạn Hạnh cho vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, về quan điểm chính trị đúng đắn, về những áng văn thơ mang giá trị nghệ thuật sâu sắc, khơi dậy tinh thần yêu nước cao cả và đã đưa Phật giáo trở thành quốc giáo – xây dựng một nền Phật giáo phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc.
Sự phát triển của Phật giáo thời Lý có thể hình dung qua ghi nhận của Lê Văn Hưu: “…dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền…” hay quan niệm trị nước của vua Trần Nhân Tông “Nhà chính trị phải thực hiện đạo Phật trong xã hội”.
Ở đây chúng ta đã tìm thấy được sự tương đồng về số lượng sư sãi, về vai trò, về những đóng góp của Phật giáo Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Trà Vinh nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, khoảng 6.4% dân số toàn vùng, riêng Trà Vinh tỉ lệ này chiếm khoảng 30% và Phật giáo là tôn giáo gần như độc nhất và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhiều mặt của người Khmer. Trong mỗi sóc của người Khmer có ít nhất một ngôi chùa.
Trong những biến cố lịch sử của dân tộc luôn có mặt người Khmer cùng chung vai gánh vác. Tất cả cùng chung nhau một số phận lịch sử, lịch sử của các cuộc đấu tranh chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự xâm lược của các thế lực thù địch. Trong đó có những chính sách “chia để trị” của Thực dân Pháp hay chính sách phản động trên nhiều lĩnh vực của Đế quốc Mỹ nhằm đồng hóa và không công nhận vị trí dân tộc thiểu số của đồng bào dân tộc Khmer.
Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, sự đóng góp của đông đảo sư sãi và chùa chiền Khmer Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng là không hề nhỏ – đó là một phần không thể thiếu trong những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đó là cuộc mitting hòa bình của đồng bào và sư sãi Khmer ở chùa Ông Mẹt – một ngôi chùa Khmer được xem là có niên đại lâu đời nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Là cuộc đấu tranh được xem như là một sự kiện chính trị lớn tập hợp hàng ngìn sư sãi kéo đến dinh tỉnh trưởng ngụy ở Trà Vinh đòi thả nàh sư Acha Lui Sarat; Là cuộc đấu tranh yêu cầu địch phải tôn trọng chùa chiền, thả những nhà sư bị bắt, không được bắt sư sãi đi lính của đông đảo đồng bào sư sãi Khmer ở Trà Vinh ngày 14.9.1960,…
Và còn rất nhiều phong trào đấu tranh có sự tham gia đóng góp của sư sãi Khmer cùng với đồng bào người Việt bảo vệ, gìn giữ từng mảnh đất quê hương. Đó là kết quả của truyền thống đoàn kết vốn có giữa người Khmer – người Việt. Dù âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù có thâm độc đến đâu thì tinh thần yêu nước, tinh thần anh dũng, quật cường của dân tộc luôn được phát huy, nhất là khi ánh sáng của đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng đã bừng sáng trong đêm trường tối tăm trên vùng đất Trà Vinh, trong đó có cộng đồng sư sãi Khmer đang nao nức chờ đợi một cuộc đổi đời.
Ngày nay, Phật giáo Khmer thuộc hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tất cả đang hòa trong không khí xây dựng và phát triển đất nước. Đây là thời cơ để tinh hoa văn hóa Khmer đã, đang và sẽ có điều kiện phát triển hơn bao giờ hết. Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một ngày hội lớn của dân tộc, là dịp để thế hệ hôm nay nhìn về quá khứ và cũng là dịp để chúng ta tôn vinh những giá trị văn hóa, tôn giáo đặc trưng của dân tộc cho nhân dân trên thế giới được biết. Trong đó, tiếng vọng miền Nam xa xôi sẽ trở nên gần gũi, đồng điệu hơn bởi sự tương đồng về sự đặc sắc của Phật giáo Khmer nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.