Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Những mùa xuân ngọt

Những mùa xuân ngọt

91

Mợ tôi mặt mũi chân tay đều thô kệch nhưng rất khéo tay và cái tâm thì tốt hiếm có. Nhà tôi nghèo nên bố mẹ quanh năm đầu tắt mặt tối, còn cậu thì đi làm ăn xa, mình mợ ở nhà chăm đàn con sáu đứa thêm bốn anh chị em tôi. Mười đứa con nít sàn sàn tuổi thi nhau quậy phá suốt ngày.

Tôi nhớ vô cùng cái vị bánh lùng của mợ, miếng bột dai dai vừa chín tới quyện với đường dẻo dẻo, lại nồng nàn vị gừng, ăn một miếng mà thơm hết cả lòng dạ. Nếu là mẹ tôi nấu thì nó sẽ ít đường hơn một tí, hoặc ít gừng, vì tiết kiệm mà, còn mợ nấu sẽ đậm đà hơn, nhiều đường hơn và chúng tôi mỗi đứa còn được cho thêm vài viên ngậm từ chiều tới tối. Cứ nghe mùi bánh lùng là biết tết gần đến. Ngày ấy nghèo tới nỗi món bánh chỉ có bột, gừng và đường mà phải đợi đến tối giao thừa lũ con nít chúng tôi mới được ăn. Vậy nên quý lắm, ngon lắm, vị đậm đà không một loại bánh kẹo nào sánh bằng.

Tôi thường xuống bếp xem mợ lui cui nấu bánh lùng. Tôi mê vô cùng gian bếp nền đất vách tranh mà rất ấm áp ấy, mê cái bếp lửa tí tách, lâu lâu có miếng củi bị xì nổ xèo xèo, thích nhìn những ngọn lửa nhảy múa. Bàn tay mợ nhào bột thành thạo vô cùng, cứ như làm ảo thuật. Mợ nặn ra những viên bột tròn trịa, nhỏ bằng đầu ngón tay cái, và bảo: “Giá có tí đậu xanh làm nhân bánh nữa thì ngon”. Tôi mơ tới những viên bánh tròn lẳn nổi lên trên lớp nước đường thơm nức mùi gừng, cắn một miếng bột dẻo dẻo bên ngoài là lòi ra lớp nhân đậu xanh vàng ngọt. Nhìn tôi ứa nước miếng, mợ xoa đầu thương lắm. Nghèo quá, ăn bánh toàn bằng bột mì đã thấy ngon lắm, đã là thứ quà tết một năm mới được ăn một lần, bánh lùng nhân đậu xanh như một giấc mơ sung túc xa vời.

Khi lớn tôi mới hiểu được điều này, chứ ngày ấy cứ thắc mắc sao mợ tôi vừa làm bánh lại vừa thở dài mãi… Bánh lùng nấu rất nhanh, khoảng 40-45 phút là chín. Chỉ cần lót lớp lá dứa (thơm) ở cuối nồi, đổ nước (tôi thích đổ thật nhiều nước để húp cho đã), bỏ gừng vào, canh làm sao gừng vừa đủ thơm mà không làm nước bị đắng. Sau đó bắc nồi nước lên bếp lửa đã nhóm thật bừng, khoảng 10 phút là nước sôi rồi thả những viên bánh vào, đợi chừng 20 phút nữa là bánh chín. Công đoạn này là đáng chờ đợi nhất. Mợ sẽ mở vung nồi ra rồi gọi rối rít: “Chín rồi nè, bánh nổi lên rồi nè!”.

Thế là mấy anh chị em chúng tôi bu vào, tranh nhau nhìn nồi nước sôi ục ục, những viên bánh lúc này đã nở to bằng ông mặt trời (chúng tôi hay ví như thế), bột chín trong veo, bánh “nhảy múa lùng bùng”, dập dềnh trên lớp nước đường sóng sánh thơm nức mùi gừng. Đám con nít tụi tôi reo hò: “Bánh lùng, đúng là bánh lùng, bánh lùng chín rồi anh em ơi!”. Mợ tôi sẽ múc cho mỗi đứa một chén, riêng tôi và thằng Thuần (con út của mợ) thì được thêm hai viên nữa. Chúng tôi ngồi sắp hàng ngang ngoài hiên nhà, áp hai tay vào chén bánh nóng hổi, hít hà mùi gừng theo những sợi khói len vào mũi, vấn vít hết cả đầu óc.

Chẳng đứa nào dám ăn trước, sợ khi hết phần sẽ phải “nhìn miệng” những đứa khác, cho tới khi mợ tôi từ dưới bếp đi lên cầm cái chén cười bảo: “Không đứa nào ăn là tao ăn hết à!”, nói rồi mợ làm bộ húp cái “sộp” (tôi biết đó là cái chén không), lúc đó cả đám cười nghiêng ngã, húp lấy húp để. Ngon quá, ngon thấu tim gan. Mợ tôi nhìn đám trẻ vừa con vừa cháu khẽ khàng xót xa.

Rồi cậu tôi về, bảo là sẽ đưa cả nhà sang Mỹ. Khoảng một năm sau thì cậu mợ tôi được gọi đi phỏng vấn rồi làm thủ tục xuất cảnh định cư. Ngày cậu mợ đi, mấy đứa em cũng đi theo, căn nhà trống hoác, gia đình tôi thành ra trơ trọi. Rồi bố mẹ tôi sinh thêm em Hải, em Lan. Rất nhiều những cái tết đi qua, những lá thư chan chứa niềm thương nỗi nhớ mà cậu mợ gửi về. Trong đó, một lá thư cuối năm mợ tôi viết với nét chữ nguệch ngoạc của người đàn bà nhà quê ít học: “Thương hai cháu Hải và Lan chưa một lần được ăn bánh lùng mợ nấu”.

Tôi tự hỏi nơi xứ người phồn hoa xa lắc ấy liệu có món bánh nào ngon đến chảy nước mắt như món bánh lùng mà mợ đã nấu những tối giao thừa năm cũ…