Bà Hoàng Thị Chép, Phật tử Cộng hòa Séc: “Chúng tôi rất sung sướng, tự hào vì mình là người Việt Nam xa xứ, nhưng được GHPG Việt Nam rất quan tâm. Những người Việt thuộc thế hệ thứ nhất ở Đông Âu đang cố gắng để duy trì bản sắc văn hóa Việt“.
Tam quan chùa Trúc Lâm – Kharkov (Ukraina)
Chị Phan Bích Thiện, một doanh nhân thành đạt và là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary đang cùng với bà con Việt kiều tính đến việc xây dựng một ngôi chùa của cộng đồng trên mảnh đất do chị hiến tặng cách thủ đô Budapest khoảng 100 km.
Chị cho biết: “Ngoài nhu cầu vật chất thì nhu cầu về tinh thần, tâm linh rất quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là những người xa xứ. Có thể ở Việt Nam mình, mọi người không cảm thấy điều đó, nhưng đối với những người Việt sống ở nước ngoài thì điều đó trở thành nhu cầu rất cấp thiết“.
Tại lễ Cầu an – Cầu siêu ở Thủ đô Budapest, các Phật tử và bà con Việt kiều ở Hungary đã quyên góp được 10 triệu đồng để ủng hộ đồng bào bão lụt các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Lễ khánh thành chùa Trúc Lâm – Kharkov
Nhiều người dân nước sở tại đã tham gia vào các buổi lễ và giảng pháp. Chị Szommer Gabriella – Phật tử Hungary đã quyết định sinh hoạt chung với Hội Phật tử Việt Nam tại Hungary, nơi mà chị tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sự giản dị của giáo lý nhà Phật.
Chị Szommer Gabriella nói : “Tôi đã đi tìm ở nhiều tôn giáo khác ý nghĩa của cuộc sống, và cuối cùng tôi đã tìm thấy Phật giáo. Chính trong giáo lý Phật giáo, tôi đã tìm thấy những điều mà mình cần, đó là niềm tin và sự an lạc, là hạnh phúc khi được chia sẻ với đồng loại“.
Ngày tết nguyên đán của đồng bào xa tổ quốc sẽ thiêng liêng hơn khi đến lễ chùa tại chính nơi sinh sống
Đại đức Thích Đức Thiện, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự; Phó ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPG Việt Nam cho biết: “Rất nhiều Phật tử quan tâm tới sự phát triển của phật giáo VN tại châu Âu, và đặc biệt, họ tìm đến các trung tâm Phật giáo của Việt Nam, các ngôi chùa của Việt Nam, qua đó thấy rằng, chính phật giáo đã đem đến một thông điệp về hòa bình, về tình thương, tình bằng hữu, sự chia sẻ, sự cảm thông giữa cộng đồng người Việt với người bản địa, có sự hiểu biết lẫn nhau, và chính đó cũng là sự giới thiệu về văn hóa của Việt Nam“.
Vượt ra ngoài ý nghĩa của việc đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những ngôi chùa đã và đang xây cất còn là nơi tiếp xúc và giao lưu văn hóa Đông Tây.
Một số ngôi chùa Việt Nam ở châu Âu đã trở thành những địa chỉ văn hóa và địa điểm du lịch của người dân sở tại. Và ngôi chùa Thiên Việt, mới đây đã được giới thiệu trong cuốn sách hướng dẫn du lịch của Thủ đô Warszawa (Ba Lan).