Một người lính quân y trong suốt 3 năm làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa nói rằng, mỗi chiều anh sẽ ra sân chùa xin thầy trụ trì cho mình được thỉnh chuông. Tiếng chuông làm anh tĩnh tâm và vơi bớt nỗi nhớ đất liền…
Dưới bóng phong ba
Sân những ngôi chùa nào trên quần đảo Trường Sa cũng đều có cây phong ba. Đây là loài cây nổi bật, đặc trưng của quần đảo, tên nó được cánh lính Hải quân đặt bởi sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi. Những năm tháng còn gian khó, cũng chỉ cây phong ba, cây bão táp cánh trắng mới tồn tại được trên nền đất cát khan hiếm nước ngọt. Thế nên để giữ màu xanh cho những ngôi chùa, người ta đều trồng phong ba ở khuôn viên. Mấy năm gần đây, những ngôi chùa đã xanh hơn, những loại cây được mang từ đất liền ra mỗi ngày một nhiều hơn. Ngôi chùa trên đảo Trường Sa (chùa Trường Sa Lớn) nằm ngay trên đường từ cầu cảng đi vào. Dọc bên tường là những ngọn nến được đặt ngay ngắn. Sân chùa rộng với nhiều cây xanh. Ở trên đảo, mỗi bóng cây đều được chăm chút giữ gìn. Năm 2012, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi ra Trường Sa 3 cây bồ đề trồng tại đảo Song Tử Tây và Trường Sa. Đảo hiếm nước, nhưng những bóng cây vẫn xanh tươi. Vì thế, sân chùa Trường Sa Lớn có thể xem như “xanh mát” nhất nhì quần đảo.
Mỗi chiều, trước sân chùa Song Tử Tây là nơi những đứa trẻ tụ tập chơi đùa. Chúng hóng ra biển xa chờ những con tàu qua lại, chỉ cho nhau xem những bóng dáng của bố mẹ mình đang trên những chiếc ghe đánh cá. Chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết có khuôn viên nhỏ, nhưng vào mùa cũng rụng trắng hoa đại. Trong khuôn viên ngôi chùa còn có tấm bia chủ quyền cũ ở Trường Sa. Đó là một trong hai tấm bia còn được lưu giữ và được Bộ VH-TT&DL ra quyết định xếp hạng Di tích di tích lịch sử quốc gia năm 2014 (tấm bia còn lại nằm bên Trạm khí tượng thủy văn đảo Song Tử Tây). Đó là một trong những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca lại ấn tượng bởi nằm bên một doi cát trắng. Doi cát chạy theo mùa quanh đảo. Lính đảo nói khi nào doi cát đi hết một vòng, dừng lại ở chùa, thì biết là lại tới mùa có khách ra thăm.
Điểm đến bình an của ngư dân
Năm 2015, những ngày cuối năm biển động, chúng tôi đã gặp những ngư dân Quảng Ngãi tránh bão đang dừng ở Song Tử Tây. Anh Phúc, một ngư dân nói rằng, mỗi lần đánh cá ở đây, vào các đợt nghỉ trăng, anh và các bạn trên thuyền đều vào các ngôi chùa thắp hương. Có một nơi để thắp nén hương với mỗi ngư dân là điểm tựa tâm linh to lớn. Quê anh ở Lý Sơn, nơi xuất phát của Hải đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm nào. Anh Phúc nói nơi nào có bóng chùa là nơi đấy như thấy quê hương mình. “Mỗi bận nghỉ trăng, nằm trên thuyền, cứ nghe tiếng chuông chùa vọng lại là thấy mình nhẹ nhõm. Cũng lo lắng này kia về chuyến đi, lo bão, lo không trúng cá, nhưng nghe tiếng chuông thì mình thấy bớt lo đi nhiều. Mỗi bận tàu thuyền phải ghé đảo tránh bão, khi thấy mái chùa từ xa là ngư dân bảo nhau yên tâm sắp đến nơi rồi, sắp được nghỉ ngơi an toàn rồi. Trúng mùa cá hẳn cũng là nhờ được phù hộ” – anh Phúc tâm sự.
Lễ chùa ngày mùng 1 tết |
Anh lính quân y tôi kể, cũng nói tự mình thỉnh chuông là một niềm vui. Năm đó anh 34 tuổi và ngày ấy đảo ít sóng điện thoại, mạng internet ngắt quãng, anh coi công việc thỉnh chuông như một cách thiền trong những năm tháng xa gia đình, xa đất liền. Tùng, một người lính quân y khác thì đã tranh thủ những ngày trên đảo đến xin thầy trụ trì dạy viết thư pháp. Mấy năm trước, tới đảo Trường Sa người ta hay ghé chùa Trường Sa Lớn để xin thầy trụ trì viết cho đôi chữ lên những hòn đá san hô. Thầy hay viết chữ Trường Sa, chữ Tâm, những con chữ nhẹ nhàng để mang về đất liền vẫn khiến người ta nôn nao khi nghĩ đến phía khơi xa. Trên biển quê hương, Tổ quốc mình, bóng chùa vẫn mãi thân thương như thế.
Trên biển quê hương, Tổ quốc mình, bóng chùa vẫn mãi thân thương |
Riêng chùa trên đảo Sinh Tồn là không gian quy tụ nhiều nét đặc biệt nhất. Đảo nhỏ, chật hẹp, và ngôi chùa lúc nào cũng đưa đến một cảm giác đậm chất tâm linh. Đây là ngôi chùa thờ bài vị của 64 liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma trong cuộc chiến ngày 14-3-1988. Sân chùa cũng có bia về những người con đất Việt kiên trung bất khuất đã kết thành vòng tròn bất tử. Pho tượng phật A-di-đà tọa trong chùa khiến tôi luôn có cảm giác tâm mình chùng xuống. Những bông súng cánh đăng đối sắc tím, đỏ, trắng, vàng nở trong ang nước ngọt tại khuôn viên chùa còn như chứa cả hào quang. Mỗi nén hương thắp lên tại đây đều quyện luôn vào bia đá, cỏ cây, rồi bay bổng chạm tới mái chùa.
ANTĐ
Điểm đến bình an của ngư dân
Năm 2015, những ngày cuối năm biển động, chúng tôi đã gặp những ngư dân Quảng Ngãi tránh bão đang dừng ở Song Tử Tây. Anh Phúc, một ngư dân nói rằng, mỗi lần đánh cá ở đây, vào các đợt nghỉ trăng, anh và các bạn trên thuyền đều vào các ngôi chùa thắp hương. Có một nơi để thắp nén hương với mỗi ngư dân là điểm tựa tâm linh to lớn. Quê anh ở Lý Sơn, nơi xuất phát của Hải đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm nào. Anh Phúc nói nơi nào có bóng chùa là nơi đấy như thấy quê hương mình. “Mỗi bận nghỉ trăng, nằm trên thuyền, cứ nghe tiếng chuông chùa vọng lại là thấy mình nhẹ nhõm. Cũng lo lắng này kia về chuyến đi, lo bão, lo không trúng cá, nhưng nghe tiếng chuông thì mình thấy bớt lo đi nhiều. Mỗi bận tàu thuyền phải ghé đảo tránh bão, khi thấy mái chùa từ xa là ngư dân bảo nhau yên tâm sắp đến nơi rồi, sắp được nghỉ ngơi an toàn rồi. Trúng mùa cá hẳn cũng là nhờ được phù hộ” – anh Phúc tâm sự.
Anh lính quân y tôi kể, cũng nói tự mình thỉnh chuông là một niềm vui. Năm đó anh 34 tuổi và ngày ấy đảo ít sóng điện thoại, mạng internet ngắt quãng, anh coi công việc thỉnh chuông như một cách thiền trong những năm tháng xa gia đình, xa đất liền. Tùng, một người lính quân y khác thì đã tranh thủ những ngày trên đảo đến xin thầy trụ trì dạy viết thư pháp. Mấy năm trước, tới đảo Trường Sa người ta hay ghé chùa Trường Sa Lớn để xin thầy trụ trì viết cho đôi chữ lên những hòn đá san hô. Thầy hay viết chữ Trường Sa, chữ Tâm, những con chữ nhẹ nhàng để mang về đất liền vẫn khiến người ta nôn nao khi nghĩ đến phía khơi xa. Trên biển quê hương, Tổ quốc mình, bóng chùa vẫn mãi thân thương như thế.
Riêng chùa trên đảo Sinh Tồn là không gian quy tụ nhiều nét đặc biệt nhất. Đảo nhỏ, chật hẹp, và ngôi chùa lúc nào cũng đưa đến một cảm giác đậm chất tâm linh. Đây là ngôi chùa thờ bài vị của 64 liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma trong cuộc chiến ngày 14-3-1988. Sân chùa cũng có bia về những người con đất Việt kiên trung bất khuất đã kết thành vòng tròn bất tử. Pho tượng phật A-di-đà tọa trong chùa khiến tôi luôn có cảm giác tâm mình chùng xuống. Những bông súng cánh đăng đối sắc tím, đỏ, trắng, vàng nở trong ang nước ngọt tại khuôn viên chùa còn như chứa cả hào quang. Mỗi nén hương thắp lên tại đây đều quyện luôn vào bia đá, cỏ cây, rồi bay bổng chạm tới mái chùa.
ANTĐ