1. Khoảng lặng của Đức Pháp Chủ Thích Trí Quảng
Trống, nhạc, lọng cờ cung nghinh Đức đệ tứ Pháp chủ: Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm chùa Giáng. Ngài vào khách đường rồi lặng lẽ ra tháp tổ. Đứng trước tháp đức đệ Tam Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ, ngài lặng lẽ niêm hương, cúi đầu cung kính.
Quay vào tổ đường, Ngài trầm tư dâng nén hương thơm trước trán rồi trầm tư.
Đi sang phòng nghỉ của cố Hòa thượng, một tay Ngài cầm cột sắt treo màn ở thành giường, mắt nhìn vào chiếc giường đơn trống trải-nơi Cố Hòa Thượng Đệ tam pháp chủ trước đây thường nghỉ ngơi. Đoàn tháp tùng không đông nhưng cũng giữ được khoảng không gian tĩnh lặng nhất định. Chiếc giường bề ngang khoảng 1m, đơn sơ, mộc mạc như cuộc đời của Người đã từng nghỉ ở đây. Trong khoảnh lặng này, mọi người trầm tư đến hình dáng khô gầy, đến lời nói, đến dáng đi dường như đang in trên vách tường và không gian của vị Nguyên trụ trì phương trượng này.
Trước sự hiện diện của đông đảo Tăng ni, Phật tử và quan khách sau khi nghi lễ tưởng niệm tại Hội trường lớn đã xong, đức Pháp Chủ khởi thân tiến về trước di ảnh. Ngài lặng lẽ rót nước trà, nâng lên trước trán rồi dâng trước di ảnh cố Hòa thượng. Cả hội trường lại một lần nữa rơi vào khoảnh lặng trầm tư, cảm kích trước tấm lòng của Đức Pháp chủ đương nhiệm hướng về Cố Đức Pháp tiền nhiệm.
2. Khoảng lặng của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
Hòa thượng chủ tịch Hội đồng trị sự: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm Đức đệ tam Pháp chủ xong, Thầy Duy Na thỉnh đại chúng khởi thân nhập từ bi quán. Khoảnh lặng 1 phút thôi, nhưng những lời Hòa thượng chủ tịch tuyên đọc khiến đại chúng hồi tưởng lại Đức Pháp Chủ có 3 điều nhất: Tuổi cao nhất; Chức cao nhất; Đức cao nhất! Dẫu người đời tôn xưng Ngài là cao nhất nhưng Ngài vẫn chỉ nhận mình là “Nông tăng” mà thôi. Trong khoảng lặng của đại chúng, hình bóng của một bậc chân tu khả kính được hiện lên trong tâm thức mọi người. 2 năm trôi qua, bóng hình ngài vẫn như phảng phất đâu đây.
3. Khoảng lặng của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
Trong buổi chiều ngày 15, giữa bộn bề của Phật sự ngày rằm của trụ sứ và giáo hội, nhưng Hòa thượng trưởng ban hoằng pháp-Trưởng ban trị sự Phật giáo Hà Nội cũng hiện diện tại chùa Giáng để chỉ đạo các việc Phật sự. Vào lúc chạng vạng tối, sau khi Tăng ni tụng kinh Địa Tạng xong, tại một nơi yên tĩnh trong chùa Viên Minh, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng có những khoảng lặng trầm tư về đức Pháp Chủ.
Nơi đây, dẫu Hòa thượng Pháp chủ tịch đã được 2 năm, nhưng Hòa thượng cùng ban chức sự 18 cơ sở an cư của Phật giáo Hà Nội đầu và cuối hạ vẫn đến đây lễ bái, cầu gia hộ.
Trong khoảng lặng ấy, dường như Hòa thượng trưởng ban trị sự Phật giáo Hà Nội còn đang hồi ức lại hình dáng của một bậc cao tăng, đại đức đã từng là lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam nhưng trú xứ tại Thủ đô Hà Nội. Từ đó Ngài đã che phủ, gia trì cho Phật giáo thủ đô ngày càng vững mạnh. Nhưng nay nét ưu tư của của HT trưởng ban Phật giáo Hà Nội khi phải gánh vác sứ mệnh là người đứng đầu sẽ cảm thấy trống trải hơn khi Tổ đã vắng bóng.
4. Khoảng lặng của Hòa thượng Thích Lệ Trang
Trước tổ đường, hương trầm khói tỏa, 2 hàng tăng chúng Ban nghi lễ trung ương trang nghiêm đứng đôi bên, Hòa thượng trưởng ban nghi lễ Trung ương-Thích Lệ Trang đã quỳ gối hướng trước di ảnh đức cố Pháp chủ. Sau khoảng lặng niêm hương là tiếng khánh, tiếng nhạc nhẹ nhàng nổi lên. Trong ngôi tổ đường cổ kính gỗ lim, đậm chất Bắc bộ hôm nay vang lên những thanh âm du dương, hài hòa tán tụng mang đậm nét văn hóa Phật giáo miền Bắc. Những pháp tử, pháp tôn trang nghiêm quỳ gối, chắp tay phía sau với sự yên tĩnh, lặng lẽ tuyệt đối nhưng toát lên sự thành kính, hồi tưởng đến ân sư, duyên theo từng lời tán tụng của Hòa thượng Thích Lệ Trang.
Trên chính điện, phần nghi lễ cũng trang nghiêm diễn ra, di ảnh hòa thượng trang nghiêm ngự trước không gian nhiều hoa huệ truyền thống, vừa có sắc vừa có hương-như công hạnh của Ngài vậy. Các thầy pháp tử quỳ hương yên lặng, hướng theo lời tán dương của Hòa thượng Trưởng ban nghi lễ.
Trước đó trên chính điện, Hòa thượng trưởng ban trị sự Phật giáo lớn nhất miền Nam cũng lặng lẽ nghe lời Thượng tọa Thích Tiến Đạt giới thiệu về những công hạnh của tổ, tuy đơn sơ mà đậm triết lý: Tại chùa Giáng, trên Tam Bảo và Tổ đường, cố Hòa thượng không bao giờ để tắt ngọn đèn dầu. Tổ xưa bảo đây là “Vô tận đăng”. Như vậy, sẽ có ba ngòn đèn dầu không bao giờ tắt nơi Tổ Đường và Tam Bảo. Thứ nữa, bát hương thờ, Tổ luôn quay hình rồng in trên bát hương vào trong. Vì Tổ cho rằng: Thiên long hướng Phật. Thứ ba: Khi dâng hoa cúng Phật, Tổ luôn cắm hoa vào bình tròn để từ trong nhìn ra có thể thấy hoa, chứ không bao giờ được cắm hoa 1 mặt như phần lớn ngày nay mọi người thường làm.
Với tư duy về dâng hoa, bát hương, đèn dầu của cố Hòa thượng là một trong những điều khiến Hòa thượng trưởng ban Nghi lễ thấy lý thú và Ngài kể: Ngọn đèn nơi đền thờ của Hòa thượng Giám Chân bên Nhật cũng không ngừng cháy từ hàng ngàn năm qua, đến nỗi bên Đại Lục sau phải sang xin lửa về quê hương ngài. Đó là tinh thần Truyền đăng tục diệm mà Phật giáo Việt Nam, Nhật bản, Trung Hoa đều có những nét tương đồng.
5. Khoảng lặng của Tăng ni, chính quyền, Phật tử
Trong suốt những ngày chuẩn bị và diễn ra lễ đại tường, rất đông Tăng ni, quan khách, Phật để đến đỉnh lễ đức cố Pháp chủ. Các phái đoàn lần lượt ra tháp Tổ, niệm Phật, nhiễu tháp. Mọi người đều tĩnh lặng, giữ chính niệm trong từng bước chân hòa với tiếng niệm Phật nhẹ nhàng.
Bên kia giảng đường là tiếng Niệm Phật tam thời hệ niệm của các Phật tử 3 miền. Mọi người đều nhất tâm đem công đức niệm Phật hồi hướng cúng dàng hòa thượng.
Trên hội trường lễ đài chính, quan khách của Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc đại diện các cấp trung ương, thành phố Hà nội, huyện Phú Xuyên, xã Quang Lãng… cũng hiện diện đông đủ. Khi dành 1 phút tưởng niệm của quý vị quan khách cũng là những khoảnh lặng thể hiện sự cung kính, trang nghiêm, quan tâm của nhà nước đối với Phật giáo, sự hòa quyện của Đạo Pháp và Dân tộc đã có từ hơn 2 ngàn năm lịch sự.
Sau trai tăng pháp hội, quý pháp tử bái thỉnh chúng hội, từ sang năm đều lấy ngày 16/9 âm lịch hàng năm là lễ húy kỵ, xin kính thỉnh chư tôn đức và quý khách thời đáo lai lâm.
Đại chúng đều trang nghiêm, tĩnh lặng chắp tay hồi hướng. Chắc chắn, sẽ có người trong chúng hội liên tưởng đến hình tượng đức Thế Tôn nhập Niết Bàn trong kinh Di Giáo miêu tả: Có những đệ tử chỉ nhẹ thở dài: “Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn sao nhanh thế”!
Pháp tử, học đồ Thích Di Sơn hoài cảm