Đêm Qua của Ngày Nay nào? Ngày Mai nào?
Đêm Qua của Kiếp Này hay Kiếp Trước?
Hay của vô lượng kiếp quá khứ, vị lai?
Tôi để tôi lãng đãng trôi trong mơ hồ, nhẹ nhàng như thế khi ngồi chờ một chuyến bay.
Đây không phải lần đầu tôi đi xa một mình, nhưng lần này, qua khung kính nhìn ra phi đạo tôi cảm nhận làn sương sớm trắng đục phủ vầng mây xanh nhạt như thấm lạnh vào mây. Sương la đà theo những cánh chim sắt bay lên, đáp xuống, tưởng như bước chân vội vã của bao hành khách bận rộn đẩy hành lý qua, lại, cũng không chạy theo kịp …
Tất cả, như những hoạt cảnh mới mẻ, linh động của một màn trình diễn tôi chưa từng xem qua.
Cầm cuốn sách đã mở sẵn trên tay mà chưa đọc, tôi chầm chậm lần theo cảm xúc và bỗng nhận ra là tôi đang thực sự MỘT MÌNH khi nhớ tới giai thoại Đức Thế Tôn dạy tỳ-kheo Thera thế nào là “sống một mình”.
Thầy Thera thường rất trầm lặng, tránh truyện trò và đi đâu, làm gì cũng cố ý không gần gũi các bạn đồng tu. Thầy hành xử như thế chỉ vì chưa hiểu rõ lời dạy của Đức Thế Tôn khi Ngài khuyên các đệ tử là đừng để uổng phí tháng ngày cho những chuyện nhàn đàm, hý luận vô ích, mà nên dành tối đa thì giờ cho việc tu tập, thiền quán.
Trong một buổi pháp thoại, Đức Thế Tôn đã gọi thầy Thera lên trước đại chúng để nhắc thầy nhưng cũng là để tuyên dạy bài pháp về cách sống một mình của người tu sỹ. Đó không phải là xa lánh mọi người mà là giữ tâm an trú trong chánh niệm để nhận biết những gì quanh ta và người, trong giây phút hiện tại. Ta vẫn ở giữa đám đông nhưng chánh niệm giúp ta làm chủ nhận biết của mình chứ không để đám đông lôi cuốn cảm xúc ta vào vọng niệm.
Những cảnh tôi từng hòa nhập trước đây, nay đang Ở NGOÀI TÔI, vì tôi không còn là nét chấm phá trong bức tranh đó nữa. Những nét chấm phá đó biến mất từ lúc nào, tôi không rõ. Tôi chỉ vừa nhận ra thôi. Cảm nhận này thật an lạc, thảnh thơi, như một đoạn của phẩm An Lạc trong kinh Pháp Cú:
“Vui thay chúng ta sống
Không rộn giữa rộn ràng
Giữa những người rộn ràng
Ta sống không rộn ràng”
Gấp cuốn sách chưa đọc, tôi khép mắt, lần tràng hạt, hoan kỷ “một mình”, vì không ai lên đường mà không khởi những bước đầu đơn độc bằng đôi chân của chính mình.
“Khách về bỏ dở chung trà nguội
Mới biết tri âm chẳng dễ là!”(*)
Từng bước.
Vững tâm.
Rồi sẽ nhận ra, trong ba ngàn thế giới từ vô thỷ đến vô chung có bao giờ vắng bóng Đoàn-Lữ-Hành thầm lặng, ĐẾN VÌ NGƯỜI VÀ ĐI CŨNG VÌ NGƯỜI.
Đoàn lữ hành khởi từ MỘT NGƯỜI đã cất bước.
Dấu chân người đó in trên đường Trung Đạo đã tỏa ánh sáng Giác Ngộ khiến vô lượng bước chân đơn hành đã lần theo ánh sáng nhiệm mầu đó mà trở thành những đoàn lữ hành đến và đi vì lợi ích chúng sinh.
“Chúng con xin quy y Phật, nguyện khắp chúng sinh mở tâm thanh tịnh, liễu tri đạo cả.
Chúng con xin quy y Pháp, nguyện khắp chúng sinh, trí tuệ khai thông, thấu đáo kinh nghĩa.
Chúng con xin quy y Tăng, nguyện khắp chúng sinh, hợp đạo đồng tình, không gì ngăn ngại.”
Thời gian vẫn trôi, giòng sông vẫn chảy, mây vẫn bay, lá rụng và hoa nở, chồi non và nhụy tàn … chiếc bè Bát Nhã vẫn ở đó, lân mẫn đợi chờ những ai muốn sang bờ bên kia.
Có tiếng nữ-tiếp-viên gọi hành khách lên phi cơ,
Đeo túi vải lên vai, lòng tôi như hoa nở, không còn gì để bận tâm là cơn mưa ấy ở đêm nay, đã đêm qua, hay sẽ đêm mai.
Vì cơn mưa ấy chưa từng ngừng rơi với những ai mở tay búp sen.
Và hứng lấy.
(Phi trường Orange County – Chờ một chuyến bay)
(*) Thư pháp trên vách Viên-Thông-Tự