Như chúng ta biết, theo Thiền tông, khi gần nhập Niết bàn, Đức Phật truyền y bát cho Tôn giả Đại Ca Diếp người chuyên tu hạnh đầu đà. Có phải chăng qua việc này, Đức Phật muốn khẳng định rằng, việc tiếp nối Đạo Giác ngộ, Giải thoát của Ngài, thì phải có tu và là người thực chứng, chứ không chỉ có tài trí mà nối truyền được.
Tại sao Ngài A Nan là đại đệ tử thuộc hàng Đa văn đệ nhất, ghi nhớ tất cả những lời của Đức Phật dạy, trong 49 năm thuyết pháp, nhưng lúc đầu, không được dự vào hàng ngũ những vị đại biểu của đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất ?
Có phải chăng vì quá thông minh, với trí tuệ siêu tuyệt, và là em được làm thị giả, hầu cận Đức Phật, nên thị hiện việc sinh tâm ỷ lại, dễ duôi, không nỗ lực tu tập, nên lúc đầu không chứng được A La Hán và dự phần vào kiết tập kinh điển lần thứ nhất để làm gương mà dạy cho những người cầu Phật đạo sau nầy!
Sau khi Thiền tông truyền sang đông độ, đến đời thứ năm Ngũ Tổ Hoằng Nhẩn có số chúng đông trên 500 vị trong đó có thiền sư Thần Tú là người tinh thông thiền giáo, làm thầy giáo thọ cho đại chúng mà Ngũ Tổ không truyền y bát cho, đợi đến khi ngài Huệ Năng, một người không biết chữ, đến mới bày ra việc viết kệ trình và cuối cùng truyền y, bát lại cho Ngài làm tổ sư đời thứ sáu. Qua sự kiện này cũng như qua nội dung bài kệ:
Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhá trần ai
Của thiền sư Thần Tú
Và bài:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai
Của Lục Tổ Huệ Năng, chúng ta có thể thấy được sự chứng ngộ chân như thật tánh và sự liễu giải trên ngôn từ cách xa nhau như trời vực. Nói như thế không phải chúng ta hoàn toàn phủ nhận ích lợi của sự học tập kinh điển, nhưng ở đây chúng ta phải thấy rằng vấn đề học đạo phải luôn luôn đi đôi với sự hành đạo. Có hành đạo chúng ta mới trải nghiệm thực tế. Ngược lại, chúng ta chỉ lý thuyết suông thì chẳng ích lợi được gì. Một ông bác sĩ mới ra trường có tay nghề trải nghiệm chưa bằng một cán sự y tế lâu năm! Đó là sự thật.
Tại sao các nước Phật giáo Nam truyền, thì hầu hết Đạo Phật là quốc giáo và tồn tại cho đến bây giờ, còn các nước Phật giáo Bắc truyền, thì có khi phát triển mạnh, nhưng cũng có lúc bị tiêu diệt gần hết, hoặc phải bị mai một ?
Có phải chăng những ai, y theo kinh Di giáo mà Tu, giữ đúng giới luật và thực hành theo đúng hạnh của đức Phật (trì bình khất thực, sống xả ly, tịch tịnh…) thì sẽ mãi mãi được trường tồn và lợi lạc quần sanh. Còn quá tuỳ duyên, phương tiện, hướng ngoại tìm cầu thì sẽ dễ bị từ từ xa lìa chánh pháp và rồi sẽ dễ bị diệt vong hay thành ma sự.
Qua những sự kiện trên, chắc mỗi người con Phật chúng ta, đã thấy rõ được việc hành trì tu chứng, là quan trọng nhất. Không ai mà chẳng biết Lục tổ Huệ Năng ít chữ, không đọc kinh được. Ấy vậy mà ngài đã khơi nguồn tuệ giác cho dòng thiền Tào Khê tuôn chảy rạng ngời khắp chốn, và tiếp nối đến tận ngày nay.
Phải chăng hiện tướng “mù chữ” chỉ để khẳng định một điều chữ nghĩa chẳng qua là phương tiện ban đầu nhập đạo. Hành giả cần phải buông bỏ chữ nghĩa, bằng cấp và tri thức ( sở tri chướng ) mới mong đạt đến sự chứng ngộ tự tánh, có như vậy mới đạt được cứu cánh giải thoát và mới có đủ đạo lực, năng lực để thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp, lợi sanh.
Biết rằng "tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đẫy sách", nhưng học là để trạch pháp mà tu cho đúng lời Phật dạy, hầu trở về với chân như, rồi mới tiến đến độ sanh thì mới vững vàng, và điều đặc biệt cho chúng ta chú ý nhất, theo thiển ý cá nhân tôi, chúng ta phải luôn nhớ: “Nhân Giới sanh Định nhân Định phát Tuệ”, thì Tuệ của ‘Vô sư trí’ đó, mới chính là sự nghiệp của người tu, chứ không phải qua học vị, hoặc mảnh bằng Cử nhân, Tiến sĩ, hay sự vay mượn, nơi ‘trí hữu sư’ mà cho đó là Tuệ!
Mỗi một người con Phật, những người đang đi trên con đường Giác ngộ, chúng ta hãy luôn ghi nhớ: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” và thường tâm niệm rằng: “khi chưa chứng A La Hán, thì chưa thể tin tâm mình được”.
Nếu chưa biết lội, mà vội nhảy xuống nước để cứu người, thì coi chừng không cứu được người, mà có khi mình bị chết đuối. Nếu chưa có của, mà muốn cho, thì lấy gì mà cho. Nếu ý nguyện độ sinh quá cao, trong khi chưa đủ đạo lực để cảm hoá người khác, mà vội xuống núi, để cứu nhân độ thế, thì ‘cửa tùng đôi cánh gài’ sẽ khiến cho ta, không vào được cửa đạo và dễ bị chìm đắm trong sự níu kéo của ngũ dục trần gian.