Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Những điều bí ẩn của chùa Lâm Huê, TP.HCM

Những điều bí ẩn của chùa Lâm Huê, TP.HCM

2987

Tiền thân chùa Lâm Huê

Xưa kia, trên nền ngôi chùa này chỉ là một mặt bằng vô danh, nhưng sau đó đã được một Phật tử là Hứa Phước Mỹ mua lại. Bà Mỹ có cửa hàng vàng ở gần kề chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh – TP. Hồ Chí Minh đã chọn mặt bằng này phát tâm dựng một ngôi chùa đặt tên là chùa Lâm Huê để cúng dường cho thiền sư Minh Tịnh, đó là vào năm 1942. Nhưng sư Minh Tịnh say mê Phật giáo Tây Tạng vừa du học ở Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng trở về đã đạt giáo phẩm Lama, thầy tự xây một ngôi chùa ở Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương đặt tên là chùa Tây Tạng, lúc này thầy đã có Pháp danh Mật giáo là Nhẫn Tế. Do vậy, khi bà Hứa Phước Mỹ cúng dường chùa Lâm Huê, thầy Nhẫn Tế đã mời thầy Thích Thường Chiếu về trụ trì ngôi chùa mới này.


Chùa Lâm Huê là địa chỉ đỏ

Thầy Thích Thường Chiếu nguyên là cán bộ từ chiến khu về Sài Gòn. Khi   được thầy Minh Tịnh giao trụ trì chùa Lâm Huê thì sau đó thầy Thường Chiếu phát hiện có một hầm bí mật trong sân chùa nằm đối diện chánh điện của chùa. Căn hầm được đào dài khoảng vài trăm mét ăn thông ra cầu Chu Văn An thuộc F. 12 – Q. Bình Thạnh ngày nay. 

Thầy Thường Chiếu liên lạc với chiến khu đưa cán bộ về đây ở. Và nơi đây đã trở thành địa điểm bí mật chuyên tiếp nhận lương thực, thực phẩm và súng đạn để tiếp tế cho cán bộ thành.

Trong một lần máy bay của địch phát hiện có cán bộ trong sân chùa, máy bay địch đã quần thảo quanh chùa và xả bom xăng xuống đây, lập tức cả ngôi chùa trở thành biển lửa. Chưa hết, chúng còn quay lại đánh liên tiếp vài lần. Sau trận đánh này đã có 6 cán bộ còn rất trẻ bị thiêu cháy hy sinh tại đây, xác nằm phơi trên sân chùa…

Người kế thừa trụ trì chùa Lâm Huê

Năm 1967, một nữ Phật tử có Pháp danh là Diệu Huyền là đệ tử của thầy Thường Chiếu nguyện hàng ngày ở chùa để làm công quả. Năm 1998, thầy Thích Thường Chiếu viên tịch thì lúc này Phật tử Diệu Huyền đã phát nguyện xuống tóc xuất gia, tu hành tại chùa và trở thành trụ trì chùa Lâm Huê cho tới nay.

Sư Diệu Huyền thủa còn học sinh, sinh viên đã tham gia biểu tình phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. 

Khi trở thành là Phật tử của chùa Lâm Huê, đã có lần Diệu Huyền thắc mắc với thầy Thường Chiếu “Tại sao sư lại che giấu cán bộ của chiến khu ở trong chùa ?”.  Thầy Thường Chiếu điềm tĩnh nói: 

–  “Động vi binh. Tịnh vi Tăng”. Đất nước có binh biến thì nhà sư cũng phải đánh giặc. Khi đất nước bình yên thì nhà sư tiếp tục tu hành và giáo hóa chúng sinh dẫn dắt chúng sinh tu tập.

Sư bà đã đi theo con đường tu hành của sư Minh Tịnh tu hành theo Phật giáo Kim Cang Thừa và trở thành đệ tử của dòng cựu mật Drukpa.


Từ bước đầu tầm đạo, sư bà Diệu Huyền tu hành trải qua nửa thế kỷ có lẻ, với tuần tự nhiều giai đoạn phát triển cùng thành phố. Sư cô Diệu Huyền rất trẻ thủa xưa, nay đã trở thành sư bà vẫn thường hằng dẫn dắt Phật tử tu tập trong chùa. Trước là cầu cho Quốc thái dân an, cầu siêu cho những linh hồn được siêu thoát. Sau là cầu nguyện cho thân an tâm tịnh.

Từ nhiều năm nay, để tưởng nhớ 6 liệt sĩ đã hy sinh tại sân chùa. Dù là không có kinh phí, nhưng sư bà Diệu Huyền vẫn cho xây một tháp thờ ngay bên cạnh Bảo Tháp của chùa để ghi nhớ 6 liệt sĩ đã vì thành phố thanh bình mà hy sinh tuổi trẻ của mình. Cầu nguyện cho các liệt sĩ được giải thoát.

Kế đó là Bảo Tháp được xây dựng theo kiến trúc truyền thống Kim Cang Thừa, bên trong được yểm 84.000 Pháp Môn của Đức Thích Ca Mâu Ni… để Phật tử hàng ngày nhiễu quanh Bảo Tháp.

Chùa Lâm Huê mặc dù không lớn, nhưng nhờ giới hạnh của sư bà Diệu Huyền và Phật tử tiếp nối từ năm này sang năm khác góp sức và tịnh tài tổ chức nhiều đợt từ thiện cho đồng bào nghèo ở các tỉnh. 

Nhà chùa và đông đảo Phật tử không ngừng trưởng dưỡng tâm từ bi, đóng góp công đức phát triển ngôi chùa như ngày nay trở thành công đức sâu dày với Chánh Pháp, xứng danh là ngôi chùa địa chỉ đỏ đã được nhà nước công nhận.

Chùa Lâm Huê nói chung và sư bà Diệu Huyền nói riêng đã nhận được nhiều bằng khen của thành phố. 

Vì có công lao trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, riêng Thượng tọa Thường Chiếu (Lê Thượng), tháng 2 năm 1976 đã được đón nhận Huân chương kháng chiến Hạng nhất của Chủ tịch nước Lê Dức Anh.


Chùa Lâm Huê tọa lạc trong một con hẻm trên con đường nhỏ dài ngoằn ngoèo là Bùi Đình Túy. Nhưng các Phật tử gần xa tri ân công đức của sư bà Diệu Huyền và cảm niệm chốn linh thiêng này mà đến tu hành để giúp đời ngộ đạo.

Và, cũng khó ai ngờ nơi đây chính là địa chỉ đỏ của cách mạng.

Địa chỉ chùa Lâm Huê: 67/170 đường Bùi Đình Túy – F. 12 – Quận Bình Thạnh – TP. Hồ Chí Minh.