Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Những điểm đặc sắc của đạo Phật

Những điểm đặc sắc của đạo Phật

93

1/ Phật là người mà không phải là thần

Nhìn chung các tôn giáo trên thế giới, ngoài Phật giáo ra, giáo chủ của các tôn giáo đều tự cho mình là “thần” cách siêu nhân. Thần ấy có thể hô phong hoán vũ, điểm đá thành vàng. Ngài là chúa tể ban phước giáng họa cho nhân loại. Ngài điều khiển mọi vinh nhục sống chết của vạn vật. Loài người chỉ có phủ phục trước mặt ngài, ca ngợi và xưng tán, đem tất cả thành tựu vinh quang quy về cho thần vạn năng cả. Ai tin tưởng vào tài năng của thần thì được lên Thiên đường, phản đối lại sẽ bị đọa vào địa ngục đời đời.

Giáo chủ của Phật giáo – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, câu nói đầu tiên của Ngài lúc đến nhân gian này là : “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Chúng ta nên chú ý chữ ngã trong câu duy ngã độc tôn, không phải chỉ riêng bản thân Thích Ca Mâu Ni, mà là chỉ cho toàn thể nhân loại. 

Giải thích chính xác câu ấy là : Người ta ở trong vũ trụ đầu đội trời chân đạp đất, mỗi người đều là chúa tể của chính mình, quyết định vận mạng của chính mình, mà không phải nghe theo mệnh lệnh của ai hoặc vị thần siêu nhân nào khác.

Đức Thích Ca Mâu Ni nói là sự giác ngộ, và thành tựu của Ngài, hoàn toàn đều do công phu nỗ lực và tài trí của chính mình.

Đức Thích Ca Mâu Ni cho rằng, điều cát hung họa phước, thành bại vinh nhục của một cá nhân quyết định ở hành vi thiện ác và nỗ lực của chính bản thân họ. Không ai có thể đề bạt ta lên thiên đường, cũng không người nào có thể đem ta đẩy xuống địa ngục. Ca ngợi và tán thán không thể lìa khổ được vui, chỉ có thực hành tu tâm sửa tính mới có thể khiến cho nhân cách của mình tịnh hóa thăng hoa, khiến cho mình hưởng thọ khoái lạc tâm an lý đắc.

Đức Thích Ca Mâu Ni cũng không có phép chỉ đá hóa vàng được. Ngài chủ trương “Người ta muốn thu hoạch cái gì thì trước phải trồng thứ đó”. Ngài không thể khiến cho cây Liên vụ sinh ra quả Tần bà được. Nếu bạn muốn được quả Tần bà thì trước hết bạn phải gieo hạt giống Tần bà. Đức Thích Ca Mâu Ni chẳng qua chỉ là bảo cho bạn biết trồng như thế nào, để sau này thu được nhiều kết quả. Song công việc vun trồng vẫn phải do chính nơi bàn tay của bạn.

Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp 49 năm, nói kinh hơn 300 hội, đều vì chúng ta mà chỉ bày “con đường thành Phật” – tự chính mình sáng tạo trí tuệ và nhân cách viên mãn triệt để nhất. Thế nhưng con đường ấy phải nhờ vào nghị lực, trí tuệ, hằng tâm của chính mình mới có thể đạt được. Cho nên Phật nói : “Ta chỉ là người chỉ đường, còn đi đến là do các ngươi”.

Con đường đi đến quả vị Phật cần phải công phu tu hành từng ly từng tí.

“Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”.

                        (Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vân)

2/ Phật là người rất bình đẳng

Tôi nói Đức Phật là người rất bình đẳng không phải là vô căn cứ. Trước tiên chúng ta hãy lấy bối cảnh xã hội của Ấn Độ đương thời mà quan sát.

Ai cũng biết xã hội Ấn Độ thời đại Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chia ra làm bốn đẳng cấp lớn là : Bà la môn, quý tộc, bình dân và nô lệ. Điều đáng quý ở chỗ Đức Thích Ca Mâu Ni là thái tử đã nhìn thấy sự bất hợp lý của đẳng cấp xã hội, kiên quyết giương cao ngọn cờ bình đẳng, chủ trương phế trừ giai cấp đối lập, đề xướng chúng sinh bình đẳng.

Các bạn đồng học thử nhớ lại xem, những cuộc cách mạng trên lịch sử phần lớn là thuộc giai cấp cùng khổ đấu tranh mong muốn được bình đẳng giai cấp và được “đề cao” địa vị, tuyệt đối không có ai giống như Đức Thích Ca Mâu Ni, tự nguyện đem thân phận thái tử thuộc giai cấp quý tộc “giáng xuống” giai cấp bình dân. Cho nên tôi nói Ngài là chân bình đẳng vậy.

Đồng thời Phật giáo lại chủ trương “Vô duyên đại từ” và “Đồng thể đại bi”, lại đem ý nghĩa của bình đẳng nâng lên một bước nữa.

Tôi nghĩ ý nghĩa của “Vô duyên đại từ” và “Đồng thể đại bi” sẽ có những bạn chưa hiểu, tôi xin được phép giải thích sơ như sau :

1/ Vô duyên đại từ : Phật giáo chủ trương không những đối với người có quan hệ với mình, mình phải thương yêu như cha mẹ, thân thuộc, bằng hữu… mà còn đối với người không có quan hệ bạn bè thân thích với mình, mình cũng phải thương yêu nữa. Như tôi đối với các bạn từ trước tới nay chưa từng qua lại, không hề quen biết mà vẫn quan tâm yêu quý như thân thích vậy.

2/ Đồng thể đại bi : Đồng thể đại bi là một loại tinh thần người đói mình đói, người yếu mình yếu, xem hết thảy chúng sinh trong vũ trụ, ta và người một thể, vui buồn cùng chia sẻ, cốt nhục thâm tình.

Nhà Nho thì nói : “Người trong bốn biển đều là anh em”, cũng biểu hiện tinh thần “đồng thể đại bi”. Mà lòng từ bi vô bờ bến của đức Địa Tạng Vương Bồ tát “Ta không vào địa ngục thì ai vào ?” chính là chỗ tột cùng của đồng thể đại bi vậy.

Cuối cùng tôi xin nói thêm cái tinh thần “chân bình đẳng” của Phật giáo biểu hiện cao nhất, chính là Phật giáo đem cái quan niệm bình đẳng, không cục hạn nơi con người linh hơn vạn vật. Phật giáo phản đối quan niệm cho rằng tất cả động vật, trừ loài người ra, đều được sáng tạo để cung cấp cho con người ăn. Tất cả động vật lúc chết kêu la thảm thiết, thật là thương xót không nỡ thấy nghe. Phật vì không từ bi khuyên Phật tử không nên vì miếng ăn mà giết hại loài vật.

Phật giáo còn tiến thêm một bước nữa khẳng định những động vật bị chúng ta tự khoe mình là loài người linh hơn vạn vật, đem giết chúng một cách bừa bãi đó, chúng cũng đều có đầy đủ Phật tính, có tiềm năng thành Phật trong tương lai. Mặc dù giữa người và động vật khác, trên hình thức và trí tuệ có chỗ bất đồng, nhưng trên quyền lợi sinh tồn và Phật tính thì là bình đẳng. (Giống như kẻ khốn cùng ác độc hoặc ngu si vô tri, họ cũng có đầy đủ “nhân tính”, chúng ta phải đem “nhân đạo” để đối xử với họ, dùng “nhân đạo” để giáo dục, cảm hóa họ).

Người xưa nói : “Trời có cái đức hiếu sinh” lại nói “vạn vật với ta cùng sinh” đều là tư tưởng bình đẳng, xem vạn vật là một thể. Chẳng qua chỉ chưa thấu triệt bằng thuyết của Phật giáo mà thôi.

3/ Phật không phải là người sinh ra mà biết 

Đức Thích Ca Mâu Ni là một con người bình thường, Ngài họ Kiều Đáp Ma, tên là Tất Đạt Đa, sinh tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, nơi vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ.

Năm 29 tuổi, Ngài xả bỏ vương vị mà mình sẽ kế thừa, xuất gia học đạo, tìm cầu phương pháp giải thoát nhân sinh khỏi khổ não. Trải qua 6 năm, lúc Ngài 35 tuổi, dưới gốc cây Bồ đề bên bờ sông Ni Liên Thiền chứng được Chính giác, giác ngộ một cách chính xác và thấu triệt đạo lý căn bản của nhân sinh vũ trụ.

Từ đấy người ta mới gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật đà, hoặc gọi tắt là Phật. Ý là giác tỉnh chân lý, hoặc gọi là bậc giác ngộ.

Tôi giới thiệu sơ qua việc tu hành của Đức Phật, mục đích chủ yếu là nói với người đồng học. Đức Thích Ca Mâu Ni với chúng ta đều là người bình thường cả, Ngài nhờ vào việc tu hành mà ngộ đạo, mọi người chúng ta đều có thể cùng nhau noi theo giáo pháp mà Ngài đã chỉ dạy để tu hành và chứng quả.

Thích Ca Mâu Ni – Ngài chỉ là một người giác trước, biết trước trong vô số người, mà chúng ta là người giác sau biết sau. Sự bất đồng giữa Phật và chúng ta không phải bất đồng ở chỗ nhân cách, địa vị, mà là bất đồng ở một chữ “Giác”. Cũng như Hàn Dũ nói : “Nghe đạo có kẻ trước người sau” vậy.

4/ Phật giáo không thừa nhận có người tồi tệ không thể giáo hóa

Cổ nhân có nói “lãng tử hồi đầu vàng không đổi”. Người làm cha mẹ ở đời, luôn luôn mở rộng cõi lòng, ngóng chờ đứa con lưu lạc (lãng tử) có ngày hồi đầu trở lại, dù con cái của họ gây tạo tội lỗi ngập đầu. Xưa nay chưa có cha mẹ nào lại nhẫn tâm hoặc mong muốn con mình vĩnh viễn chịu khổ trong địa ngục nơi âm u tăm tối, nước sôi lửa dữ.

Phật giáo thừa nhận tính người là thiện lương, chỉ cần buông dao bỏ xuống, có thể tu hành thành Phật. Phật cho rằng hết thảy tội ác đều là do nơi vô tri (Phật giáo gọi là vô minh) dẫn dắt mà sinh ra. Nhân đấy mà hết lòng khuyên bảo, đêm ngày khai đạo chỉ bảo cho chúng sinh thay đổi tâm tính, chính là trách nhiệm của Phật. Đức Phật quan tâm đối với chúng sinh “như mẹ thương con”, không những không nỡ thấy thân chúng sinh chịu khổ nơi địa ngục, mà còn phát thệ nguyện lớn “địa ngục chưa trống, thề không thành Phật, chúng sinh độ hết, mới chứng Bồ đề” (Bồ đề ý là giác ngộ hoặc chính đạo, chứng Bồ đề ý là đắc đạo hoặc thành Phật).

Ôi, còn lòng từ nào hơn ! Còn bi nguyện nào hơn ! Đó mới là lòng thương chân thật !

5/ Phật không phải là độc nhất vô nhị, mọi người đều có thể thành Phật

Ở phần thứ ba đã nêu Phật và chúng sinh chỉ là trước và sau của thời gian giác ngộ mà thôi.

“Phật” chỉ là tên gọi chung cho những vị đã giác ngộ. Cũng giống như chúng ta gọi “người truyền đạo, truyền nghề” là “giáo sư” vậy. Giáo sư không chỉ có một vị, ai ai cũng có thể làm giáo sư được, nơi nơi đều có thể có giáo sư. Đạo lý cũng vậy, Phật không phải chỉ có một cá nhân Thích Ca Mâu Ni mà người người đều có thể thành Phật, chỗ chỗ đều có thể có Phật. Không chỉ thế giới này có Phật, mà vô số tinh cầu trong vũ trụ đều có thể có Phật (đương nhiên cũng có chúng sinh).

Điểm này cũng là chỗ bất đồng căn bản giữa Phật giáo và tôn giáo khác. Tôn giáo khác chỉ thừa nhận thần của họ là “độc nhất vô nhị”, và ra sức công kích, phủ định thần của giáo phái khác là “thần giả”.

Đồng thời về giáo nghĩa của họ chỉ dạy thì loài người dù có nỗ lực phấn đấu đến đâu đi nữa, vĩnh viễn không thể ngang bằng với thần được (mãi mãi vẫn là mối quan hệ chủ nô). Bởi vì thần là đấng tạo vật, mà người chẳng qua chỉ là một trong những “vật” mà thần sáng tạo ra mà thôi.

6/ Phật giáo không thừa nhận có thần sáng tạo ra vạn vật

Quan niệm vũ trụ vạn vật do thần vạn năng sáng tạo ra là không hợp lý. Bởi lẽ thần chính là sản vật của tư tưởng con người. Loài người dựa vào quan niệm và hình tượng của mình mà tạo ra thần, nhằm mục đích để giải thích nguồn gốc của nhân sinh vũ trụ, Phật giáo gọi đó là “nguyên nhân đầu tiên”. Nếu cho rằng thần có thể sáng tạo nhân sinh vũ trụ thì vị thần ấy do ai sáng tạo ra ? Những người tin tưởng tuyệt đối sẽ cho rằng thần là vạn năng, tồn tại một cách tự nhiên. Thần đã tồn tại một cách tự nhiên, không bị ai sáng tạo ra, tự mình có thể tồn tại được thì quan niệm thần sáng tạo ra nhân sinh vũ trụ còn có ý nghĩa gì nữa (bởi vì cùng một lý ấy nhân sinh vũ trụ cũng có thể tồn tại một cách tự nhiên được vậy). 

Phật giáo vốn phủ định giả thiết “thần sáng tạo ra vạn vật”, vốn không thừa nhận vũ trụ có “bắt đầu”, cái gọi là “bắt đầu” của một sự kiện chỉ là cái “kết thúc” của một sự kiện trước mà thôi. Trong một chuỗi quan hệ nhân quả, sự tiêu tan của một sự vật chính là điều kiện để cấu thành một sự vật khác sinh khởi.

Tiến sĩ Trương Trừng Cơ viết trong cuốn “Phật pháp là gì ?” đối với vấn đề này cũng đã nêu : “Cái quan niệm “bắt đầu” ấy, là do tâm lý “hữu hạn” của loài người không thể hiểu thấu được mối quan hệ nhân quả sum la vạn tượng”.

Thí dụ như chúng ta đi xem phim, từ 7 giờ bắt đầu chiếu đến 10 giờ thì kết thúc. Chúng ta thử nhớ lại xem sự bắt đầu của bộ phim tập 3, chính là sự kết thúc của bộ phim tập 2, mà sự kết thúc của tập 3 chẳng phải là bắt đầu của tập 4 hay sao ? Cho nên khái niệm “bắt đầu” ấy chỉ có ý nghĩa đối với một sự vật nhất định nào đó mà thôi, còn đối với toàn thể vũ trụ chằng chịt đan quyện nhân quả tương tục với nhau thì không có ý nghĩa gì hết. Thời gian là vận động không ngừng, ai có thể từ trong ấy tìm ra một điểm gọi là “hiện tại” đình chỉ bất động ? Về sau lại nói một điểm ấy chính là “bắt đầu” ư ?

Thật ra Phật giáo không hứng thú cho lắm về việc thảo luận vấn đề không có lợi ích đối với nhân sinh như thế (Hình nhi thượng học của triết học). Bởi vì vũ trụ là vô thủy, cũng là vô chung, chúng ta có kiệt lực vắt óc tìm tòi “nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ” chỉ là uổng công phí sức mà thôi. Lúc bạn khổ tâm tìm được nguyên nhân đầu tiên, bạn nhất định sẽ phát giác ra trước nó vẫn có một “nhân” nữa. Như thế tuần hoàn không dừng, xoay vần rồi trở lại ban đầu, bạn vĩnh viễn tìm không ra “nguyên nhân đầu tiên” cố định bất biến.

Vả lại đời người ngắn ngủi, sinh mạng vô thường, nếu bạn cứ ra công tìm kiếm nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ, e rằng thân bạn sẽ tiêu ma mà đáp án vẫn chưa tìm ra.

Trong kinh Phật có câu chuyện tỉ dụ rất hay : Có một người bị thương vì mũi tên độc, người thân bèn đem ông ta đến y sĩ để chữa trị. Nếu lúc ấy người đó nói rằng : “Tôi chưa muốn lấy mũi tên ấy ra, tôi muốn biết là ai đã bắn tôi, người ấy là dòng Sát đế lợi ? Bà la môn ? Hay là Thủ đà la ? Tên họ và thị tộc của hắn là gì ? Thân hắn cao hay thấp ? Da hắn màu đen hay màu vàng ? Hắn ta từ làng mạc, thành thị nào đến ? Tôi không muốn lấy mũi tên này ra, nếu tôi chưa biết cây cung và dây cung làm bằng gì ? Hình dáng mũi tên ấy ra sao, chế tạo bằng gì ? v.v…” Người ấy chắc chắn sẽ chết trước khi biết được mọi thứ.

Cho nên Phật giáo không lãng phí công sức và thời gian tìm hiểu vấn đề “nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ”. Bởi vì tìm cầu cũng chỉ là vô dụng, đồng thời cũng chỉ là vô ích đối với nhân sinh. Những thứ ấy với việc thoát ly thống khổ sinh, lão, bệnh, tử của chúng ta không có liên quan gì. Không thể khiến cho người ta từ chỗ hiểu biết đó mà được an lạc hạnh phúc hay giải thoát.

Vấn đề đã hơi kéo dài, hiện tại tôi xin bàn lại vấn đề Phật giáo không chấp nhận vũ trụ vạn vật là do thần sáng tạo, mà cho rằng vạn vật đều do “nhân duyên tụ hợp” mà thành.

Ví như một ngọn núi ở trước mắt ta, nó là sự tích tụ của đất, đá; sông hồ là chỗ trũng chứa nước mà thành; lại xem những cái bàn trong phòng học, là do thợ mộc dùng cây mà đóng nên.

Nếu đem đất đá phân tán ra thì không thành “núi” nữa; đem nước hồ ao múc cạn hết thì thành đất trũng, bóng dáng của “hồ ao” ở đâu ? Lại đem cây ván chia ra từng mảnh một, vậy thì “cái bàn” ở chỗ nào ?

Một vài thứ có thể xem thấy đó chúng ta có thể gọi nó là “sắc”, bởi vì chúng chỉ là “nhân duyên tụ hợp tạm thời” mà thôi, không phải chân thật bất biến. Cho nên chúng ta nói nó là “không”, tức là không có thực thể tồn tại vĩnh hằng bất biến.

Đó chính là đạo lý đơn giản “sắc tức là không” ở trong kinh Phật đã dạy.

Tuy nhiên Phật giáo nói “sắc tức là không”, chữ “không” ấy hoàn toàn không phải “không trống rỗng”, không có gì, cũng không phải là “không” đối với có, mà là “chân không diệu hữu”.

Vậy câu “chân không diệu hữu” ấy là gì ? Tôi xin lấy một ví dụ để các bạn rõ.

Trước mắt chúng ta có một ly nước, sau khi đun sôi nước biến thành hơi cạn hết, không còn thấy bóng dáng của nước nữa. Thế nhưng cũng không thể nói nước tiêu mất thành “không”, đến lúc hơi nước gặp lạnh lại trở thành “nước” như cũ.

Những vị hiểu về hóa học đều biết, nước là chất hóa hợp của Hydro và Oxy, nói một cách khác “nước” chẳng qua là chất hóa hợp tạm thời của Hydro và Oxy mà thôi. Nước sau khi trải qua điện giải bèn biến thành khí Hydro và khí Oxy. Theo đó mà suy thì vạn sự vạn vật trong vũ trụ không có một thứ gì không phải là nhân duyên tạm thời tụ hội mà thành, không có cái gì là vĩnh hằng bất biến. Nhân duyên hợp thì sinh, nhân duyên tan thì diệt, làm gì ở trong đó có “thần” sáng tạo vạn vật ? Làm gì có chuyện “vạn vật” được sáng tạo ra ?

7/ Phật pháp tùy theo căn cơ hoàn cảnh mà giáo hóa

Phật thuyết pháp cho chúng sinh là nhắm vào căn cơ khác nhau mà giảng giải, tùy theo chỗ khác nhau về thời gian, không gian mà lập giáo.

Phật vì đối tượng khác nhau mà giáo hóa cho nên mới có những giải thích khác nhau. Ví như đối với người trí tuệ cao, Phật có thể nói thẳng đạo lý để họ minh tâm kiến tánh, giác ngộ tức thời. Đối với người trí tuệ chậm lụt, Phật dạy họ những phương pháp tu hành từng bước để tiến tới quả vị Chính giác.

Lại đối với người đắm mê danh lợi, Phật bèn nói với họ “danh lợi đều là hư ảo”. Đối với người quan niệm tiêu cực, cho rằng đời sống không có ý nghĩa gì, sinh mạng hoàn toàn là hư vô không ảo, Phật nói với họ “thân người khó được, mạng sống rất quý, người ta có thể nhờ đó mà nỗ lực đạt đến hạnh phúc và an lạc”, để cổ vũ dũng khí và tín tâm của họ.

Cùng đạo lý ấy, do sự khác nhau của thời gian không gian, Phật bèn nói những thí dụ và thuyết minh khác nhau.

Ví như : Người Đài Bắc hỏi Phật rằng : “Đài Trung đi hướng nào ?”. Lời đáp của Phật là “về hướng Nam”. Nhưng đối với người ở Cao Hùng thì phải nói là “lên hướng Bắc”. Cũng thế, vì địa phương chỗ ở của chúng sinh khác nhau mà Phật nói có khác.

Phật pháp có ba tạng mười hai bộ với tám vạn bốn ngàn pháp môn (pháp môn là phương pháp tu hành). Những phương pháp tu hành ấy đều vì thích ứng với căn khí của chúng sinh, vì đối trị phiền não của chúng sinh mà chỉ bày.

Nếu như không có chúng sinh thì cũng không cần có Phật pháp. Phật pháp như “thuốc”, chúng sinh không có “bệnh” phiền não, thuốc cũng không còn cần thiết.

Phật pháp truyền nơi đời hơn hai ngàn rưởi năm, có thể thích ứng với thời đại khác nhau, đó chính là vì Phật pháp tùy theo căn cơ và hoàn cảnh mà giáo hóa. Phương pháp giáo dục này chính là một trong những điểm đặc sắc của Phật giáo.

8/ Phật pháp là nhập thế

Đạo lý mà Phật giáo giảng dạy, tuy mục đích cuối cùng là “xuất thế”, nhưng điều đó với tinh thần “nhập thế” không có gì là mâu thuẫn cả (cái gọi là “xuất thế gian” không phải là thoát ly, trốn tránh thế gian, mà là cải tạo thế gian, xây dựng lại thế giới).

Lục Tổ Huệ Năng nói : “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ, nếu lìa thế gian mà tìm Bồ đề, cũng như tìm lông rùa sừng thỏ”. Chính là nói tu hành phải ở tại thế gian, giác ngộ cũng ở tại nơi thế gian. Những người có tâm hướng về Đạo, họ không thể chán bỏ thế giới, trốn tránh loài người trên thế giới này mà “độc thiện kỳ thân” tu thành chính quả. Bởi vì một người muốn thành Phật, người ấy ngoài việc có đầy đủ thông minh trí tuệ, vẫn phải có bi tâm thệ nguyện rộng lớn phổ độ chúng sinh. Cần phải có cả “bi” và “trí” song hành, đạt đến chỗ triệt để, viên mãn mới có thể thành Phật. Cho nên Phật giáo lấy tinh thần xuất thế để làm sự nghiệp nhập thế, từ lúc tu hành đến khi thành Phật, đã không có “nhập thế” cũng không có “xuất thế”, mà là thẳng một mạch tiến hành nơi thế gian này.

9/ Phật giáo không bài xích đạo khác

Phần lớn các tôn giáo trên thế giới đều chỉ thừa nhận giáo lý mà tôn giáo họ tin mới là chân lý duy nhất và ra sức bài xích giáo lý của tôn giáo khác là tà thuyết. Phật giáo thì cho rằng tất cả tôn giáo chỉ có sự khác nhau về giáo nghĩa sâu hay cạn, rất ít có sự sai biệt về tốt xấu tà chính. Bất kỳ tôn giáo nào đã tồn tại trên đời này 1000 năm trở lên, nhất định có lợi ích không nhiều thì ít, ngược lại thì tôn giáo ấy sẽ bị “trí tuệ” loài người ruồng bỏ, cho đến sẽ bị bão táp thời gian làm tiêu tan mất rồi.

Vấn đề là ở chỗ một số tôn giáo chỉ có thể đem lại cho người ta niềm an lạc tạm thời và ngắn ngủi, có một số tôn giáo thì đem lại cho người ta niềm hạnh phúc lâu dài và mãi mãi.

Phật pháp truyền nơi đời đã gần 3.000 năm, Phật giáo vẫn cùng với tôn giáo khác sống hòa bình với nhau. Trên lịch sử truyền giáo thì sự việc Phật giáo xung đột dẫn đến đổ máu với tôn giáo khác, từ xưa tới nay chưa từng có.

Vấn đề này chúng ta hãy xem qua lịch sử A Dục Vương của Ấn Độ (thế kỷ thứ 3 trước CN), do thấm nhuần tinh thần từ bi quảng đại của Đức Thích Ca Mâu Ni, qua một đoạn văn Di giáo của ông, được ông cho khắc trên bia đá hiện nay vẫn còn nguyên văn như sau : “Không thể chỉ tôn trọng tôn giáo của mình mà chê bai tôn giáo người khác. Phải như lý mà tôn trọng họ. Làm được như thế, không những giúp cho tôn giáo của mình trưởng thành, mà còn làm tròn nghĩa vụ đối với tôn giáo khác. Nếu làm ngược lại, thì không những đem tôn giáo của mình chôn vùi, mà còn làm tổn hại đến tôn giáo khác”.

“Nhân đó, hài hòa mới là tốt đẹp. Quý vị đều phải nên lưu tâm lắng nghe điều này, và hoan hỷ lắng nghe giáo lý của tôn giáo khác”.

Từ đoạn văn trên mà xét, tấm lòng khoan dung và thành ý ấy, chính là một di sản rất trân quý trong văn hóa của Phật giáo.

“Chân lý” đối với Phật giáo là không có giới hạn quốc gia, nó không phải là “nhãn hiệu” của tôn giáo nào cả. Nó cũng không thuộc về một tôn giáo nào, hoặc thuộc về cá nhân nào trong một thời đại nào. Cho nên chân lý mà Đức Phật nói, không phải riêng một cá nhân Ngài có, bởi vì Phật chẳng qua chỉ là một “người phát hiện chân lý” mà thôi. Cũng giống như Newton phát hiện ra “sức hấp dẫn của trái đất” vậy.

Nhân đó Phật giáo cho rằng hết thảy đạo lý hợp lý, vĩnh hằng bất biến đều là “Phật pháp”.

Câu “bạn nên yêu thương kẻ thù của bạn” tuy xuất phát từ Thánh kinh, nhưng Phật giáo thừa nhận không một chút nghi ngờ đó là chân lý tốt đẹp đáng trân trọng. (Tương đồng với “vô duyên đại từ” và “đồng thể đại bi” của Phật giáo).

Phật pháp giống như biển hồ mênh mông, nó có thể dung nạp hết thảy sông ngòi lớn nhỏ trên địa cầu. Cho nên trong kinh có câu “Hết thảy pháp đều là Phật pháp”.

10/ Phật giáo là dân chủ và tự do

Trong một số tôn giáo lời nói của giáo chủ là mệnh lệnh không được kháng cự, là chân lý không được phép hoài nghi. Ai không phục tùng hoặc tỏ thái độ hoài nghi thì sẽ bị trời, thần trừng phạt. Trong kinh điển của Phật giáo tuyệt đối không tìm đâu ra sự tức giận của Đức Phật cả, càng không thể có phương pháp xử phạt tàn khốc. Trong 49 năm giáo hóa của Đức Phật, các đệ tử chỉ thấy Ngài lúc nào cũng sắc diện tươi vui, tư cách hòa nhã, từ bi an lành. Ngài đối với người tốt cũng như vậy, đối với người hủy báng cũng như vậy.

Đức Phật đối với đạo lý mà mình nói ra, dứt khoát không cưỡng bức các đệ tử phải tiếp thụ, Ngài khuyến khích họ nên hoài nghi thưa hỏi. Mãi  cho đến 80 tuổi, lúc gần viên tịch nơi giữa hàng cây Sa la, Ngài vẫn giảng dạy và nhắc đi nhắc lại nếu các đệ tử còn thắc mắc nghi ngờ điều gì cứ hỏi.

Phật nói : “Nghi lớn thì ngộ lớn, nghi nhỏ thì ngộ nhỏ, không nghi thì sẽ không ngộ”.

Phật giáo cho phép và khuyến khích các tín đồ tự do hoài nghi thưa hỏi những đạo lý mà bản thân giáo chủ nói ra, tiến tới tinh thần nghiên cứu sâu xa hơn nữa. Quả là trên đời này hiếm có một tôn giáo nào lại dân chủ và tự do như thế.

Các bạn đọc thân mến, chân lý không nên cưỡng bách người khác tiếp thu. Chân lý chỉ có ở tiền đề của dân chủ, tự do, của suy nghĩ chín chắn mới thực sự hiển xuất tinh thần và giá trị của nó.

Mà trong các tôn giáo trên thế giới chỉ có giáo chủ và kinh điển của Phật giáo cho phép được hoài nghi, thảo luận và nghiên cứu.

Xin hoan nghinh các bạn học sinh đã có tinh thần nghiên cứu, có nhân cách độc lập, tự chủ, có trí thông minh để nghiên cứu Phật pháp. Cánh cửa rộng lớn của Phật giáo, mãi mãi mở rộng đối với các bạn.

Thích Chân Tính (dịch)