Trang chủ Đời sống Những cuộc chia ly ở Trường Sa

Những cuộc chia ly ở Trường Sa

171

Thầy lặng lẽ dứng dưới hàng cây phi lao chết cháy đỏ quạch do hậu quả của bão Tem-bin. Áo thầy màu nâu, trầm hơn màu hàng phi lao một nhịp. Thầy đứng đó, dõi mãi theo con tàu. Tôi từ xa nhìn, âm thầm ghi lại khoảnh khắc ấy.


Không phải ruột thịt, không phải người yêu nhưng những cuộc chia tay ở Trường Sa bao giờ cũng thấm đẫm tình người…

Hát cho người ở lại

Đó là một ngày ẩm ướt cuối năm, trên đảo Núi Le A, lúc này chúng tôi đang ngồi đợi xuồng, chuẩn bị rời đảo. Những người lính có nước da đen cháy, hoàn thành nhiệm vụ đã xuống xuồng về tàu rồi, ở đây chỉ còn mấy chàng lính mới, nước da vẫn trắng trẻo, ra thay quân. Đồ đạc, quân tư trang lỉnh kỉnh còn đặt cạnh bia chủ quyền kia, họ ra đây tiễn chúng tôi. Phút giây ngắn ngủi, bịn rịn, chẳng có gì để tặng cho người ở lại, lời ca tiếng hát được cất lên.

Những cuộc chia ly ở Trường Sa
Hát trước lúc chia tay động viên các chàng tân binh ở lại đảo

Không khí rộn ràng hẳn khi một cậu lính trẻ mang tới cái trống tay, cậu nói: “Các chị cứ hát đi, em đệm cho”. Và thế là lời ca tiếng hát vang lên mãi. Ở hòn đảo nhỏ, trong ngày mưa cuối năm, chúng tôi mơ về những ngày nắng.

Những ngày gian khó, cũng là quãng đời đẹp đẽ nhất sẽ đến với các em sắp tới thôi, ở nơi đầu sóng, tiếng hát phải át được tiếng gió. Muốn làm điều này, chất giọng đặc biệt thôi chưa đủ, tâm lý phải vững vàng, cảm xúc cần cháy bỏng, ai như thế cứ tự xung phong làm quản ca.

Mẹ hiền ra thăm con tại đảo Trường Sa lớn
Phái đoàn TP.HCM thăm và sinh hoạt văn nghệ với lính đảo Trường Sa

Hôm trước thế, hôm sau vẫn là một ngày giông gió như bao ngày, trên đảo Tốc Tan C, thủ trưởng lữ đoàn, nhà báo, lính mới, lính cũ, thủy thủ tàu… tất cả lại cùng cất cao tiếng hát.

Chúng tôi hát không hay, nhưng nhiệt thành đến bỏng cháy, hát bởi yêu thương, hát để động viên những người ở lại. Những chàng lính mới kia, khi nào nước da đen cháy thì mới xong nghĩa vụ, mới lại vào bờ. Rốt cuộc người về tàu vẫn phải về, người ở lại bịn rịn đền mấy cũng đến hồi phải vẫy tay chào, cuộc chia tay ắp đây băn khoăn mà nồng ấm.

Hợp tan trên biển

Đến với biển, với Trường Sa bao lần, nhưng mỗi lần tôi lại có những kỷ niệm và cảm xúc khác nhau. Tôi nhớ mãi chuyến công tác đầu tiên đi với tàu 52 T tàu kết hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ và trong đó, có việc đưa tôi ra với đảo Trường Sa Đông.

Đồng chí Đại úy Quách Minh Phú, Chính trị viên tàu nói chuyện rất tình cảm, những giờ phút nghỉ ngoi bên ấm trà mạn, anh và các đồng đội thường kể cho tôi nghe về biến đảo vế nắng gió và những cảm xúc rất thường tình của người lính biển trong những chuyền công tác dài đằng đẵng. Họ nhớ từng ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay nồng ấm. Nhớ cả những giọt mồ hôi, giọt mắt rưng rưng nhưng lấp lánh như những ánh sao trời trong mắt những người lính phút chia tay, những cái siết tay rất chặt giữa người ở lại đảo và người trở về tàu.

Ngồi bên nhau, gió biển, sóng biển làm mặn thêm những suy tư, trăn trở lẫn trong bao kỷ niệm buồn vui và cả niềm đam mê, sở thích ở mỗi người. Vừa nói chuyện, thi thoảng tôi đưa máy ảnh lên chớp những chân dung và khoảnh khắc, cho xem ảnh, các anh thích lắm, ngỏ ý cũng muốn học chụp ảnh luôn.

 
Chia tay khi bình minh vừa ló rạng

Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Mạnh Hùng, phụ trách báo vụ tàu – cái đồng hồ cực kỳ chuẩn xác. Anh mê ảnh lắm nhưng làm gì đi nữa vào một khung giờ nhất định sẽ đứng dậy đi báo cáo. Tác phong anh chuẩn chỉ, mau lẹ, xong việc anh quay lại, nối ngay vào mạch chuyện như chưa từng có bất cứ sự gián đoạn nào. Một người anh khác, tính tình rất hồn nhiên, đam mê chụp ảnh và “khoe” ảnh bất kể nắng mưa. Tôi ấn tượng nhất với những bức ảnh anh chụp mặt biển phẳng như gương đưa cho mọi người xem vào đúng ngày giông gió. Bức ảnh ấy, có hai con tàu in hai bóng ngược, đối xứng nhau. Ngay cả vẻ tĩnh lặng của biển khơi cũng gợi quá nhiều suy tư, ngẫm ngợi.

Trên biển, cứ trông thấy cờ đỏ sao vàng là vững tâm vô cùng. Khi màn đêm dần buông xuống, chỉ còn những ánh đèn le lói đây kia, mà sao cảm thấy thân gần đến vậy. Chẳng trông thấy mặt nhau đâu, cũng không nghe được giọng nói, tiếng cười, nhưng lòng dạ cứ mặc nhiên thương mến.

Bên kia là tàu 571 đang thực hiện nhiệm vụ gần đó, góc bên này là đảo, le lói kia là tàu trực… tất cả đều chung một chữ “mình”, tàu mình, nhà mình cả đấy. Giữa chuỗi ngày giông gió, thế mà không khí cứ rộn lên. Tàu 571 vui vì lại hoàn thành thêm được một điểm nữa. Đảo vui vì được đón nhận tình cảm từ đất liền. Tàu trực vui vì có thêm được chút rau tươi, nước ngọt. Còn tàu 521 chúng tôi vui vi sắp hoàn thành xong nhiệm vụ đế tiếp tục lên đường đến với những điểm đảo khác, ở nơi này, cảm giác thân thương trong xa cách thật lạ lùng.

Com mắt phương trời đăm đăm

Tôi chia tay anh em tàu 521 tại đảo Trường Sa Đông. Biết tàu sẽ đi rất sớm, tôi dậy từ năm giờ, đứng đầu hồi tầng hai nhà khách của đảo, hướng về tàu. Đưa ống kính lên, lòng tôi khao khát muốn ghi lại hình ảnh con tàu rời đảo. Tàu cất lên ba hồi còi róng riết rồi xa dần, đến mức nhìn mắt thường bóng người trên ấy chỉ nhỏ bằng que tăm. Bất chợt, qua ống kính tele, tôi thấy Chính trị viên Quách Minh Phú vẫn đứng trên ca-bin, giơ tay chào. Anh em chúng tôi đã ở mười mấy ngày với nhau, tâm sự, giãi bày và hứa hẹn rất nhiều nhưng không ai biết đến khi nào sẽ gặp lại. Các anh lênh đênh trên biển, lúc nào cũng có nhiệm vụ trên vai…

 
Chia tay ở Trường Sa

Tàu vượt mép xanh lâu lắm rồi và đang ngang qua bình minh, ngang qua một vùng sáng huy hoàng, thuần khiết. Muốn nhìn rõ tàu, chỉ có thể gắn mắt vào ống kính tele. Chính trị viên Phú vẫn đang nhìn về phía đảo. Chắc chắn, anh không thể nhìn thấy tôi cũng đang đưa tay vẫy, càng không biết tôi nhìn được anh trên ca-bin. Vậy mà người lính ấy vẫn đứng mãi một điểm.

 

Thế mới biết, chốn khơi xa, những người ra đi và ở lại, cảm xúc rưng rưng đến thế nào khi sợi dây kết nối mong manh đang dần khuất. Sau này, tôi bắt gặp những ánh mắt đó ở nhiều người ra đảo trong đó có thầy Thích Tuệ Nhân, ra đảo Phan Vinh trụ trì chùa vào mùa Tết năm 2018. Lúc tàu rời đảo, thầy lặng lẽ dứng dưới hàng cây phi lao chết cháy đỏ quạch do hậu quả của bão Tem-bin. Áo thầy màu nâu, trầm hơn màu hàng phi lao một nhịp. Thầy đứng đó, dõi mãi theo con tàu. Tôi từ xa nhìn, âm thầm ghi lại khoảnh khắc ấy. Ảnh anh Phú, sư thầy và bao người đầy lên trong ngăn ký ức về biển, tôi luôn giữ, luôn đợi chờ có dịp được tặng mà chưa biết bao giờ lại tới bao giờ…


Lữ Mai – Trần Thành, Ảnh: Minh Thuận / Thời Đại