Họ tham gia công việc từ thiện của nhà chùa chỉ với một mong muốn phần nào giúp đỡ được những người bệnh hiểm nghèo trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Một miếng khi đói
Gần 4 năm nay, cứ tầm 6h sáng và 11h trưa hàng ngày, khu vực trước cửa nhà ăn BV K cơ sở 2 (huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại chật kín người. Mỗi người trên tay cầm một lá phiếu đợi đến lượt. Trưa nay, bà Cao Thị Nghít được phân công trực phát cháo cho người bệnh.
Nhóm của bà gồm 15 người, đều đã nghỉ hưu, tự nguyện tham gia giúp chùa Linh Sơn Thanh Nhàn từ khâu đi chợ mua thực phẩm, nguyên liệu đến nấu nướng rồi phân phát cháo, cơm từ thiện cho các bệnh nhân nghèo. Chỉ trong thời gian chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, gần 150 suất ăn đã được bà Nghít phân phát hết cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại BV.
Bà Nghít (đứng giữa) đang phát cơm hộp cho bệnh nhân nghèo |
Chị Phạm Thị Hải (quê ở Quảng Ninh) là bệnh nhân may mắn được phát suất cơm cuối cùng. Niềm vui nhỏ nhoi ánh lên trên gương mặt mệt mỏi, dáng người tiều tụy của người phụ nữ đã chịu nhiều đau khổ. Chồng chị bị u thực quản, nằm BV K cơ sở Thanh Trì hơn 2 tháng nay, của cải, gia tài nhà chị theo căn bệnh của chồng ra đi hết. Chị kể, không phải ngày nào chị cũng xin được phiếu nhận cơm, thế nhưng gần 1 tháng nay bữa nào chị cũng ra đây xếp hàng để xin suất ăn cho chồng. Nhiều hôm xin được suất cơm về, 2 vợ chồng cùng ăn chung.
Bệnh nhân nằm điều trị tại BV K Thanh Trì đa phần là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối hoặc những bệnh nhân phải nằm điều trị tại viện thời gian dài. Trong cái xã hội thu nhỏ, nơi ghép lại của những mảnh đời nhiều cơ cực ấy, trường hợp như vợ chồng chị Hải rất phổ biến. Với họ, một suất cháo, một suất cơm từ thiện nhận được mỗi ngày tuy giá trị vật chất nhỏ nhoi song thực sự ý nghĩa, giúp họ cảm thấy được an ủi hơn, ấm lòng hơn để chống chọi với bệnh tật.
Ấm lòng bệnh nhân nghèo
Trò chuyện với chúng tôi, bà Cao Thị Nghít cho biết, để có được nồi cháo tình thương vào các bữa sáng, nhóm của bà phải phân chia mỗi người một công đoạn như: người ra chợ mua thịt, sườn, các loại rau củ quả, người lo toan bếp núc, người múc cháo phát cho người bệnh vào quãng từ 6h – 6h30 sáng. Còn đối với những suất cơm trưa sẽ do các phật tử, tăng ni chuẩn bị, chế biến nấu nướng tại chùa Linh Sơn Thanh Nhàn sau đó chuyển tới BV cho nhóm của bà phát miễn phí tới người bệnh từ 10h30 đến 11h hàng ngày. Kinh phí do nhà chùa chu cấp, công sức để có được bát cháo, bát cơm đến với người bệnh đều do nhóm phật tử tình nguyện làm.
Cũng trong câu chuyện, bà Nghít chia sẻ, quãng thời gian phát cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo tại BV K để lại trong bà rất nhiều nỗi niềm. Bất kể ngày nắng hay mưa to gió lớn, nhóm của bà đều thức giấc từ rất sớm, khoảng 3h sáng để chuẩn bị nấu cháo, nếu sáng rồi mà không mang được cháo đến cho người bệnh thì trong lòng mọi người thấy bứt rứt không yên. Rồi đến phát cháo, phát cơm, “nhiều khi có những trường hợp ra muộn, thấy suất ăn đã hết họ oà khóc làm mình cũng muốn khóc theo.
Hay năm trước có một bệnh nhân (ở Điện Biên), không biết do ngại tiếp xúc hay vì không nói sõi tiếng Kinh mà thường nhờ người khác ra xin cháo hộ, vì thế nhiều hôm chưa thấy có người ra xin cháo giúp ông ấy, tôi lại chủ động mang vào tận phòng cho bệnh nhân ấy…”.
Câu chuyện chưa dứt thì lại có một bệnh nhân nam đã cao tuổi bước tới xin cơm. Toàn bộ 150 suất cơm đã phát hết, bà Nghít ân cần bảo người bệnh “nay hết cơm rồi, mai bác ra sớm lấy nhé. Mà có mấy bộ quần áo ấm còn mới đây, bác có rét lấy về mà mặc cho đỡ lạnh?”. Người bệnh nhân nức nở: “Tôi không rét, có áo ấm của BV rồi, chỉ đói thôi”… Nhìn người bệnh nặng nề quay bước về phòng, chúng tôi thấy tim mình thắt lại.