Trang chủ Văn học Như một chiếc thuyền không

Như một chiếc thuyền không

214

Một chiếc thuyền có thể lướt sóng băng băng với người chèo chống uy nghi đứng đó. Hình ảnh một khách trần đang chơi, phiêu bồng với sóng. Lộng yên ba và lộng cả chân như.


 


Nhưng cũng có những chiếc thuyền không. Thuyền và không ai. Thuyền nằm yên trên cát. Không ai chơi. Không khói sóng. Không đua tranh. Cô tịch. Hư không đang chơi.


 


Ta trong đời có thể nhìn thấy người và thuyền. Hoặc là người không có thuyền. Hoặc là thuyền không có người.


 


Ngày hôm nay, con thuyền nhẹ nhàng rỗng không mà tôi khát khao được nhìn thấy, là Tuệ Trung Thượng sĩ.


 


Như trong mơ, tôi nhìn thấy Người đi trên chiếc thuyền không. Người là cư sĩ của Không môn, là linh hồn của Trúc Lâm Yên Tử. Tiếng sáo thiền Người thổi vang ngân từ thế kỷ mười ba. Và vang vọng bất tuyệt trong hôm nay.


 


Nhưng trên chiếc thuyền không của Người, không có thế kỷ nào cả. Không có ai và cũng không có Tuệ Trung.


 


Chỉ có tiếng hát của hồ hải, của sơ nguyên:


 


Giang hồ mê mải


Cái tâm hồ hải ban sơ


Sớm hôm thoi lượn, khắc giờ tên bay


Trăng thanh gió mát sinh nhai


Non xanh nước biết cũng ngày ngày dư


Dong buồm mai sớm phiêu du


Chiều nghiêng sáo thổi với mù sương chơi


Người chèo nay bặt tăm hơi


Thuyền không trên cát lâu rồi thuyền không.


 


Đó là tôi đang liều lĩnh chuyển cảm hứng “Giang hồ tự thích” của Người vào tiếng Việt hôm nay. Nguyên ý như sau:


 


Giang hồ tự thích


Hồ hải sơ tâm vị thỉ ma


Quang âm như tiễn hựu như thoa


Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc


Lục thuỷ thanh sơn hoạt kế đa


Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn


Vãn hoành đoản địch lộng yên ba


Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức


Lưu đắc không thuyền các thiển sa.


 


Tiếng hát của Tuệ Trung bay đến ta như khói sóng.


 


Từng lời bay lượn, cuốn ta vào cảnh giới của hồ hải mênh mông.


 


Hồ hải sơ tâm. Cái thẳm sâu vô tận từ sơ nguyên của hồ hải, của đại dương là gì? Cái tâm ban đầu chưa từng lau, chưa từng mài là gì? Cái bản nguyên của trái tim ta vốn không lấm bụi và chưa từng mất bao giờ. Như cái im lặng thẳm sâu của biển hồ bao giờ cũng có đó cho dù sóng cứ lao xao.


 


Và hồ hải mở ra chân trời của phiêu du. Cái sơ nguyên của tâm đi gặp cái sơ nguyên của biển. Tâm là tâm của biển và biển là biển của tâm. Từ đó mà cuộc trùng phùng diễn ra trên chân trời của phiêu lãng, chân trời của chơi đùa, hí lộng.


 


Không một mình ta chơi. Mà thời gian (quang âm) cũng đang chơi và là tay chơi thượng thừa. Chơi như thoi đưa, chơi như tên bắn.


 


Hay là thế này: ta là mũi tên của thời gian, ta là con thoi của thời gian.


 


Vậy thì ta bay lượn. Trong bay lượn, ta là thời gian. Hiện hữu là thời gian.


 


Cái tâm hồ hải ban sơ là thời gian ban sơ, là cái bản nguyên không có thời gian. Cái tâm đó là Không Tâm. Và thời gian là Không. Thời gian của Tánh Không.


 


Thời gian như tiễn, thời gian như thoa. Đúng như vậy. Thời gian là Như Như. Bốn mùa như như. Sơ tâm là Như Như.


Tối Như nói: “Tứ thời tâm kính tự Như Như”


 


Bốn mùa sinh nhai như thế nào? Có đủ trăng thanh gió mát (thanh phong minh nguyệt) và dư dả nước biếc non xanh (lục thuỷ thanh sơn).


 


Đó là cái đủ và cái dư của người biết sống. Sinh nhai hay hoạt kế trở thành một cuộc chơi, một cuộc giang hồ.


 


Sớm mai, dong cánh buồm cô liêu vượt sóng băng băng (Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn).


 


Chiều hôm, nghiêng ống sáo thanh tao, chơi đùa khói sương (Vãn hoành đoản địch lộng yên ba).


 


Dong buồm mai sớm phiêu du


Chiều nghiêng sáo thổi với mù sương chơi.


 


Lộng yên ba. Chơi đùa với khói sương và với sóng nước. Hiện lên hình bóng Tuệ Trung như một cánh chim bay lượn trong khói sương trên nước, ngây ngất tiêu dao.


 


Đó có phải là cánh chim bí ẩn chơi đùa với chân như, như trong một thiền ngữ xưa (Thiền lâm cư tập):


U điểu lộng chân như.


(Cánh chim bí ẩn chơi đùa chân như).


 


Chân như là thực tại để ta chơi đùa chứ không phải là cái gì xa xôi để ta chiêm bái. Do đó mà Tuệ Trung chơi đùa. Với sương khói của chân như.


 


Với cánh buồm và tiếng sáo, Tuệ Trung đi qua những sớm mai và chiều hôm. Hay là thời gian đang lùi lại phía sau ông?.


 


Và thoắt một cái, dường như Tuệ Trung biến thành Tạ Tam, một thiền sư đời Đường, pháp hiệu là Huyền Sa Sư Bị, người đã bỏ lại thuyền câu trên bãi cát mà lên núi Phù Dung tu thiền.


 


Do vậy:


Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức


Lưu đắc không thuyền các thiển sa


(Người chài nay bặt tăm hơi


Thuyền không trên cát lâu rồi thuyền không).


 


Cuối kết bài thơ, hình ảnh chiếc “thuyền không” bất ngờ hiện ra, nằm gối trên bờ cát cạn. Không cần thiết đó là thuyền của Tạ Tam.


 


Đó là “không thuyền”, một chiếc thuyền rỗng không. Một con thuyền vô ngã.


Với người chơi đùa với chân như, sẽ không còn “ngã” nữa. Đó là một chiếc thuyền rỗng rang, một vỏ ốc trống không mà không sóng gió hay giông bão nào có thể gây hại. Như bài thơ haiku của Yajin:


Cơn giông


Ô kìa vỏ ốc


Trống không.


 


Cuối cuộc chơi, Tuệ Trung chơi đùa với hư không. Chiếc thuyền không chính là cái lòng trống không, cái hư tâm mà thôi. Cũng là cái sơ tâm đã nhắc đến tự ban đầu.


 


Chiếc thuyền không này gợi nhớ đến chiếc thuyền không của Trang Tử (hư thuyền):


“Chiếc đò đang qua sông, gặp chiếc thuyền không va phải. Dù người có hẹp lòng đi nữa, cũng không tức giận…Nếu biết đem hư không xử thế, thì ai hại mình?”


Thả mình trên cát, thả mình vào dòng đời. Như một chiếc thuyền không.


 


Chiếc thuyền đó có thể chơi đùa tuỳ thích với đời, với sóng gió và với chân như.


Chiếc thuyền không thì tự do tự tạ, khác hẳn những con thuyền khẳm nặng của cải sản vật. Thi hào Tagore hình dung một con thuyền vàng (the Golden Boat) tai ác. Nó đến, lấy đi mọi mùa màng hoa lợi của ta, bỏ lại ta một mình trên bờ sông vắng:


Trên bờ sông hoang vắng


Còn lại một mình tôi


Thuyền vàng chở mọi thứ


Mang tất cả đi rồi.


 


Thuyền vàng là thuyền của thời gian, cái chết. Nó cướp đi lần lượt mọi cái gì mà ta tự hào sở hữu.


 


Nhưng những Trang Tử, Huyền Sa, Tuệ Trung… đã biến con thuyền vàng ấy thành một chiếc thuyền không. Ném mọi thứ ra khỏi thuyền.


 


Thế nên: “Nhân năng hư kỷ dĩ du thế, kỳ thục năng hại chi” (Nếu biết đem hư không xử thế, thì ai hại được mình? – Trang Tử).


 


Và Tuệ Trung dùng con thuyền không ấy lại mê mải giang hồ: Thêm một bài “Giang hồ tự thích”:


Sông dài, thuyền nhỏ lênh đênh


Chèo đưa lãng đãng qua ghềnh thác xa


Từ đâu tiếng nhạn bay qua


Chợt hay thu đến muôn nhà gió thu.


(Tiểu đỉnh trường giang đãng dạng phủ


Du dương trạo bát quá than đầu


Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn


Đẩu giác thu phong biến thập châu).


 


Hư không một cách nhạn, thuyền không một bóng Người.